Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Hưởng ứng ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7: Thẻ bảo hiểm y tế đừng để phải nói "Giá như!"...
21/07/2022 12:00:00

Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo giảm bớt gánh nặng chi phí do bệnh tật. Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Tại tỉnh Hải Dương, việc hoàn thiện lộ trình BHYT toàn dân được đẩy mạnh trên cả ba phương diện: mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia hướng tới xây dựng BHYT toàn dân bền vững. Tính đến hết tháng 06/2022, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có hơn 1,7 triệu người dân có thẻ BHYT, tăng hơn 8.800 người so với cuối năm 2021, chiếm tỷ lệ bao phủ gần 92%. Số người được hưởng chế độ BHYT cũng tăng lên, tính riêng 06 tháng đầu năm 2022 đã có 1,3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Có thể nói, công tác phát triển BHYT đã có những chuyển biến tích cực mà quan trọng hơn cả đó chính là nhận thức của người dân trong việc chuẩn bị cho bản thân và gia đình một giải pháp bảo vệ, dự phòng trước khi ốm đau, bệnh tật hoặc tai nạn rủi ro không mong muốn xảy đến. Tại Khoa Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, nằm một mình trên giường bệnh, xung quanh chằng chịt dây truyền lọc máu, ông Mạc Xuân Chung (Hải Dương)- một bệnh nhân đang phải chạy thận xúc động tâm sự với chúng tôi: “Tôi thường xuyên phải chạy thận, rất tốn kém, nếu không có thẻ BHYT thì mất 7, 8 triệu 1 tháng, gia đình không biết lấy tiền đâu để chữa bệnh, nhưng nhờ có BHYT đã đỡ cho gia đình rất nhiều khó khăn”.

Có lẽ phải trực tiếp đến những cơ sở khám chữa bệnh, bắt gặp những hoàn cảnh cuộc đời khác nhau, lắng nghe tâm sự của người bệnh mới thấu hiểu hết những khó khăn khi không may ốm đau, bệnh trọng. Đặc biệt là những bệnh nhân phải chạy thận như ông Chung. Vì cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc khi một tuần phải chạy thận, lọc máu 3 lần. Những chi phí dịch vụ, thuốc men, tiền giường bệnh đè nặng lên kinh tế gia đình. Nhiều người may mắn được chữa khỏi bệnh, nhiều người xác định sống chung với bệnh tật đến suốt đời. Chính vì vậy chiếc thẻ BHYT là vật bất ly thân của họ.

Không chỉ là giá trị vật chất, chính sách BHYT còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật, hòa nhập lại với cuộc sống. Như trường hợp anh Vũ Thanh Tùng (27 tuổi) tại phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương, là sinh viên Đại học Kiến Trúc, trước đây tham gia BHYT theo đối tượng học sinh, sinh viên, sau khi ra trường tham gia ngay BHYT theo hộ gia đình. Vừa qua, anh Tùng bị ốm phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã được chi trả hơn 83 triệu đồng. Ông Vũ Trường Giang là bố của anh Tùng chia sẻ: “Thực tế qua nhiều người bạn đã nằm điều trị tại bệnh viện, mình thấy BHYT chi trả tiền chữa bệnh rất lớn, ví dụ như con nhà mình vừa rồi mà không có BHYT, nằm viện hơn một tháng thì gia đình cũng thấy rất khó khăn”. Sau thời gian điều trị, anh Tùng đã khỏi bệnh, trở lại cuộc sống học tập và làm việc hàng ngày.

Tuy nhiên, theo số liệu của BHXH tỉnh, hiện nay còn khoảng 8% người dân chưa tham gia BHYT. Đa số đây là những trường hợp lao động tự do, còn trẻ, còn sức khỏe nên chủ quan chưa tham gia. Hoặc tham gia nhưng ngắt quãng nên không duy trì tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi chi thực hiện chữa bệnh bằng kỹ thuật y tế cao, có chi phí lớn. Như trường hợp của anh Nguyễn Trọng Hậu (xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn) làm nghề lắp đặt công trình điện nước tại các gia đình. Trong quá trình làm việc không may xảy ra tai nạn nhưng không có thẻ BHYT, gia đình đã phải trả chi phí phẫu thuật tại bệnh viện với số tiền rất lớn là gần 100 triệu đồng. Anh Hậu ngậm ngùi tâm sự: “Sau lần này em nhất định sẽ tham gia BHYT để những lúc ốm đau mình có thẻ BHYT cũng đỡ đi một phần kinh phí”.

Hay như câu chuyện được ghi lại của một cán bộ BHXH tỉnh trong một ngày làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Anh Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1983, Cẩm Giàng, Hải Dương) và vợ của anh tuổi đời còn rất trẻ. Vì chủ quan nghĩ rằng mình còn trẻ thế này thì sao phải lo đến việc phải thường xuyên đi khám bệnh. Nhưng một ngày không may, khi đang làm việc tại một công trình xây dựng trên cao, anh Vinh không may đã bị ngã giàn giáo và phải nằm viện. Chi phí điều trị lúc đó khi trao đổi với bác sĩ là hơn 80 triệu đồng. Vợ của anh Vinh khi thấy đoàn cán bộ BHXH tỉnh đến làm việc, hỏi thăm thì bật khóc: “Em vừa mua thẻ BHYT rồi, các anh chị giúp em có thể dùng được thẻ luôn không với, lo chạy chữa trong nhà không còn tiền nữa rồi”… Nhưng theo quy định của Luật BHYT, đối với người tham gia BHYT tăng mới, hạn sử dụng của thẻ BHYT sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền. Mặc dù, rất thương cho hoàn cảnh gia đình của anh Vinh, nhưng anh Vinh chỉ có thể sử dụng thẻ BHYT cho những lần khám chữa bệnh tiếp theo khi hạn thẻ có hiệu lực. Đây cũng là bài học quý giá cho những người còn trẻ, còn chủ quan về sức khỏe của mình, chưa chuẩn bị cho mình “chiếc phao cứu sinh” khi điều không mong muốn về sức khỏe xảy ra.

Bắt đầu từ năm 2009, thực hiện Quyết định số 823/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 01 tháng 7 hằng năm trở thành Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về BHYT. Những năm qua, Ngày BHYT Việt Nam trở thành một trong những sự kiện truyền thông quan trọng, lan tỏa ý nghĩa, tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT trong cộng đồng xã hội… Dưới đường lối đổi mới, sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt của Ðảng và sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách BHYT ngày càng khẳng định tính ưu việt. Qua thời gian, lợi ích, hiệu quả của BHYT đã được chứng minh, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của nhân dân, toàn dân chung tay góp sức vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
 
P.V 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Trang Văn nghệ trẻ: "Gấu anh và Gấu em" của tác giả Trịnh Nguyễn Hải Đăng(08/07/2022)
Chuyện làng văn nghệ: "Bút danh cũng lắm chuyện đùa!" của tác giả Đồ Nghệ(07/07/2022)
Con chuột không thành tinh(06/07/2022)
Văn nghệ dân gian: "Về hai chữ “Song Hỷ”" của tác giả Nguyễn Hữu Phách(06/07/2022)
Đọc sách hội viên: Những hình tượng đẹp trong “Chuồng cọp trên cao” (Đọc tập truyện ngắn “Chuồng cọp trên cao” của Nguyễn Thu Hằng – NXB Trẻ, quí I-2022) của tác giả Trần Thúy Lành(05/07/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na