Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Trang Văn nghệ trẻ: "Gấu anh và Gấu em" của tác giả Trịnh Nguyễn Hải Đăng
08/07/2022 12:00:00

Ngày xửa, ngày xưa, ở trong một khu rừng nọ, có một gia đình nhà Gấu, cha mẹ mất sớm, để lại hai con nhỏ và một ngôi nhà đơn sơ.

 

Thương Gấu em còn nhỏ đã thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ, nên Gấu anh rất chiều chuộng và chăm em. Hằng ngày, Gấu anh đi kiếm thức ăn và làm việc cực nhọc để lo cho em được đầy đủ, còn Gấu em thì cứ ỉ lại anh và suốt ngày rong chơi. Bác Voi già hàng xóm thấy vậy liền gọi Gấu em đến và bảo:

- Cháu cứ suốt ngày rong chơi như thế này mà không thấy chán ư?

Gấu em liền đáp:

- Cháu vui lắm, thích lắm ạ! Cháu chẳng thấy chán gì cả. Hôm nay, cháu còn trêu đùa khiến bạn Sóc Nâu khóc nhè. Buồn cười ơi là buồn cười.

Bác Voi già lắc lư cái vòi:

- Cháu như thế là không ngoan rồi. Cháu đã lớn, phải tập lao động, tập kiếm ăn đi. Đừng chơi bời lêu lổng nữa. Đừng trêu đùa các bạn ác ý kẻo rồi mất hết bạn đấy cháu ạ!

Gấu em xoa xoa hai chân trước vào nhau, nghiêng nghiêng cái đầu xù của mình với dáng điệu hết sức vô tư:

- Anh cháu nuôi cháu rồi, anh cháu chả bao giờ để cháu đói bụng cả. Còn các bạn trong khu rừng này, ai cũng sợ cháu hết. Chỉ có cháu bỏ bạn chứ bạn nào dám bỏ cháu. Thôi, cháu đi chơi với các bạn Khỉ đây ạ. Cháu chào bác!

Nói rồi Gấu em bỏ chạy đi mặc kệ bác Voi già đứng nhìn theo thở dài.

Thời gian cứ thế trôi đi, hết xuân rồi đến hạ, qua thu rồi vào đông. Gấu em sẽ mãi rong chơi lêu lổng như vậy nếu không có một sự cố xảy ra. Chuyện là do Gấu anh làm việc quá sức nên bị ốm nặng, không thể đi kiếm thức ăn, không thể làm lụng lo cho Gấu em được. Gấu anh liền gọi Gấu em đến bên mình và bảo:

- Anh mệt lắm, không thể lo cho em được nữa, anh rất xin lỗi. Bây giờ em hãy rủ các bạn đi kiếm ăn kẻo đói bụng nhé!

- Em không đi đâu, em chả biết kiếm ăn như thế nào cả. Em sẽ nằm mút chân cho no bụng thôi.

Nghe Gấu em nói vậy, Gấu anh thở dài và cất giọng nặng nhọc:

- Cả mùa đông qua em đã mút chân hết mỡ dự trữ rồi còn đâu nữa. Em cố gắng đi. Vài hôm nữa khỏi bệnh anh sẽ đi kiếm thức ăn nuôi em.

Gấu em không nghe, cậu ta nằm cuộn tròn, bịt chặt tai lại để khỏi phải nghe anh dạy bảo và ngủ một giấc say. Nhưng chỉ được một hôm, đến hôm thứ hai thì Gấu em đói quá, cậu ta lần mò đến nhà bạn Sóc Nâu và gọi:

- Sóc Nâu ơi, đi kiếm ăn với mình không?

Sóc Nâu ngạc nhiên hỏi lại:

- Cậu bảo sao? Đi kiếm ăn á? Cậu có đùa không vậy? Mọi ngày cậu chỉ có chạy nhảy, nô đùa rồi về nhà đã có sẵn đồ ăn trên bàn rồi mà.

Gấu em gãi đầu, nói nhỏ:

- Anh tớ bị ốm...

Sóc Nâu thường ngày hay bị Gấu em bắt nạt, trêu ghẹo thì rất ghét bạn, nhưng giờ thấy Gấu em bị đói trông rất tội nghiệp nên cũng muốn giúp bạn. Nó dắt Gấu em đến gốc một cây dẻ và bảo:

- Bây giờ tớ leo lên cây hái quả dẻ vứt xuống. Cậu ở dưới nhặt mà chén nhé! Một lúc là no thôi mà.

Gấu em nhìn theo Sóc Nâu thoăn thoắt trên cành cây, cậu tự dưng thấy nể phục bạn của mình quá! Trong chớp mắt, Sóc Nâu đã ném xuống một ôm quả dẻ, nhưng, Gấu đâu có ăn hạt dẻ bao giờ. Gấu em buồn bã bỏ đi. Cậu tìm gặp các bạn Khỉ và nhờ giúp đỡ. Sau khi trêu ghẹo cậu một hồi rồi Khỉ cũng tìm cách giúp Gấu. Các bạn hái cho Gấu em cơ man nào là các loại quả rừng nhưng Gấu em chỉ có thể ăn được chút ít. Tối đến cậu ôm bụng đói về nhà ngủ và thấy ân hận vô cùng. "Lẽ ra mình phải cùng anh đi kiếm ăn, cùng anh làm việc nuôi thân thì giờ đâu có khốn khổ và đói khát như thế này". Gấu em thầm nghĩ vậy và quay sang nhìn Gấu anh đang nằm mê man, nó òa lên khóc rồi nói:

- Anh ơi, em xin lỗi! Anh ốm mà em không tự lo được cho mình lại còn không kiếm được thức ăn gì cho anh cả.

Sớm hôm sau, Gấu em sang gõ cửa nhà bác Voi già:

- Bác Voi ơi, bác giúp cháu với, cháu cần thức ăn cho anh cháu đang bị ốm. Cháu cần thức ăn vì cháu đói quá rồi!

Bác Voi già hiền hậu liền đưa Gấu em vào rừng, dạy chú kiếm thức ăn, lấy mật ong. Chỉ cho chú biết thức ăn nào cần thiết cho sức khỏe của họ nhà Gấu. Gấu em mừng lắm, cậu đã kiếm được rất nhiều thức ăn ngon mang về cho Gấu anh. Nhờ Gấu em chăm chỉ, tận tình chăm sóc, chả mấy chốc Gấu anh đã khỏi bệnh. Hai anh em nhà Gấu liền đến nhà Sóc Nâu, các bạn Khỉ và bác Voi già để cảm ơn. Bác Voi già cười vui và nói:

- Hãy chăm chỉ lao động. Chỉ có ai chăm chỉ lao động mới biết được giá trị đích thực của cuộc sống các cháu ạ. 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Chuyện làng văn nghệ: "Bút danh cũng lắm chuyện đùa!" của tác giả Đồ Nghệ(07/07/2022)
Con chuột không thành tinh(06/07/2022)
Văn nghệ dân gian: "Về hai chữ “Song Hỷ”" của tác giả Nguyễn Hữu Phách(06/07/2022)
Đọc sách hội viên: Những hình tượng đẹp trong “Chuồng cọp trên cao” (Đọc tập truyện ngắn “Chuồng cọp trên cao” của Nguyễn Thu Hằng – NXB Trẻ, quí I-2022) của tác giả Trần Thúy Lành(05/07/2022)
Thắc mắc của bé(05/07/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na