Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Đọc sách hội viên: Những hình tượng đẹp trong “Chuồng cọp trên cao” (Đọc tập truyện ngắn “Chuồng cọp trên cao” của Nguyễn Thu Hằng – NXB Trẻ, quí I-2022) của tác giả Trần Thúy Lành
05/07/2022 12:00:00

Tập truyện ngắn “Chuồng cọp trên cao” của Nguyễn Thu Hằng là một trong số 12 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VII (2019-2022) của NXB Trẻ và xuất sắc giành giải ba. Trong số 511 tác phẩm dự thi thì đây là một thành công, một bước tiến mới của cây bút văn xuôi tỉnh Đông, chứng tỏ Nguyễn Thu Hằng có năng lực sáng tạo dồi dào, liên tục tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật để khẳng định vị trí, phong cách viết của mình trên văn đàn trong những năm gần đây.

 
 

 Tác giả Nguyễn Thu Hằng đạt giải Ba Văn học Tuổi 20 của NXB Trẻ với tập truyện ngắn "Chuồng cọp trên cao".

 
“Chuồng cọp trên cao” gồm 10 truyện ngắn, 165 trang tạo nên một tập sách nhỏ xinh nhưng tư tưởng và thông điệp trong đó lại trĩu nặng tình người và tình đời, thể hiện sâu sắc chủ đề của cuộc thi: Cuộc sống và góc nhìn của tuổi 20 hôm nay. Truyện nào cũng phảng phất nét hồn nhiên với những khát khao về tình yêu và hạnh phúc của tuổi trẻ, với bao ước vọng đổi đời để vươn tới những chân trời xa nhưng sau cùng, những ước mơ vỡ vụn, những bi kịch đầu đời của tuổi thanh xuân nhuốm màu u buồn qua một giọng kể khắc khoải, với những câu văn xuôi đậm chất thơ.

Thành công nhất của tập truyện “Chuồng cọp trên cao” chính là những hình tượng đẹp, đa nghĩa mà tác giả đã dụng công sáng tạo. “Tập truyện ngắn Chuồng cọp trên cao của Nguyễn Thu Hằng tràn đầy chi tiết hình tượng về những giấc mơ trong lành dù đôi khi đau đáu dang dở, tiếc nuối” (Long Khánh). Ngay từ nhan đề tập truyện (cũng là tên một truyện ngắn trong tập) đã có sức gợi lớn khiến người đọc không khỏi tò mò. Câu chuyện của một giò Lan phi điệp - Mây trắng Thượng Ngàn bị nhốt trong chuồng cọp lặng im quan sát, kể chuyện thật mê hoặc, dẫn dụ người đọc đi từ sự việc này đến sự việc khác, hấp dẫn, li kì. Tác giả đã hóa thân vào Lan phi điệp, không chỉ kể mà còn tự vấn, day dứt và không ngừng khát vọng: “Hỡi chàng trai tầm lan đã đi mòn chân khắp những cánh rừng vùng này, đã biết bao giờ lan rừng bị chàng bứt khỏi sự sống tự do, mà tôi là một nhành lan như vậy. Chàng đã đẩy tôi vào chuồng cọp như một buồng giam lơ lửng trên cao, biết bao giờ tôi mới trở lại núi rừng hùng vĩ của tôi?”. Tuổi trẻ đẹp nhất phải chăng là được tự do, được thỏa sức vẫy vùng như nhành lan kia khát khao được tự do giữa thượng ngàn rộng lớn?

Hình tượng bông gạo trắng ngần trong truyện ngắn cùng tên gợi bao niềm xúc động khiến ta đọc xong vẫn cay cay khóe mắt. Câu chuyện tuổi thơ đẹp nhưng buồn, đẫm nước mắt gắn với cây gạo bên bến sông đã hằn sâu trong kí ức và cả tiềm thức của nhân vật “Tôi” như một nỗi ám ảnh khôn nguôi của người con tha phương quên mất lối về. Truyện không chỉ có hình tượng bông gạo trắng ngần như kí ức vẹn nguyên mà tiếng đàn guitar của nhân vật chú Hiển cũng chứa bao niềm hoài niệm. Tiếng đàn “như tiếng gió trên đồng chiều, như tiếng sóng vỗ bờ khi trăng lên. Như tiếng bàn chân trần thậm thịch nện xuống đất thâm lúc trên vai quẩy gánh hàng nặng. Như tiếng cười con trẻ khi bẻ miếng bánh đa vừng giòn tan. Thoảng tiếng xé trái cau của bà lão thắt khăn mỏ quạ, lại nghe tiếng rượu chảy trong chai của cô thôn nữ thắt dây lưng xanh ngồi bán rượu dưới gốc gạo già. Tôi mê mải, mê mải đi chợ trong điệu nhạc Lới lơ…”. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm, là hoài vọng xa xăm trong một niềm hoang hoải, rưng rưng, đau đáu.

Hình tượng gió trong truyện “Bước gió” được miêu tả bằng những câu văn đậm chất thơ: “Gió vẫn đuổi nhau ngoài vườn. Bước gió là bước của lá cành đang chạm nhau rì rào. Gió vô hình, gió mượn hình hài của vạn vật trên thế gian này nên gió luôn chuyển động”. Gió có nhiều tầng nghĩa, nhiều cung bậc khác nhau. San xuất hiện trong đời Tơ “không phải cơn gió nhẹ để ở bên Tơ, có khi San đã là một cơn gió lớn hay một cơn giông ập xuống đời Tơ, rồi vội vã bay đi…”. Gió còn là mầm sống đang cựa quậy trong Tơ. Gió là niềm tin và hi vọng cho Tơ bám víu để tiếp tục đứng lên sau những mất mát, hẫng hụt, đổ vỡ.

Hình tượng “cánh hoa bay” trong truyện “Cánh hoa bay” là ẩn dụ về số phận ngắn ngủi của một kiếp người – một thiếu nữ 16 tuổi phải ra đi trong tức tưởi, bỏ lại cuộc đời dài rộng phía trước. Bi kịch trong truyện ta đã gặp đâu đó giữa hiện thực cuộc sống xô bồ, nhiều trái ngang như một nỗi đau rớm máu, âm ỉ.

Hình tượng chiếc vòng hương trong truyện ngắn “Chiếc vòng hương” cũng để lại những vấn vương trong lòng người đọc với những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu xa: “Cuộc sống vốn đã ban tặng cho chúng ta đôi cánh để chúng ta có thể bay lên, chỉ là con người đã tự cắt mất đôi cánh ấy của mình đi thôi”. Đó là câu chuyện kỳ ảo về bầy tiên tắm ở bãi Cánh Tiên với chiếc vòng hương liệu của cô Tiên út bị tuột rơi dưới trần đến câu chuyện quyết tâm tạo vòng hương thật đặc biệt có thực trong đời.

"Thật thú vị khi bắt gặp ở "Chuồng cọp trên cao" thủ pháp tảng băng trôi: Nguyễn Thu Hằng khéo léo biến nghệ thuật thành một loại men xúc tác, một sợi chỉ đỏ nhỏ nhoi để kết nối các mảng miếng trong câu chuyện mình kể ra" (Lam Điền). Sức gợi của những hình tượng đẹp, đa nghĩa được thể hiện ngay ở nhan đề mỗi truyện. Mười truyện ngắn là những hình tượng khác nhau: Bông gạo trắng ngần, Chuồng cọp trên cao, Trâu nước, Bước gió. Người đã qua sông, Tầm gửi mít, Men rượu Cửu diệp hương, Cánh hoa bay, Con chim xanh vẫn hót, Chiếc vòng hương. Trong mỗi truyện, tác giả lại sáng tạo nhiều chi tiết hình tượng, có những chi tiết nửa thực nửa hư, gợi những ám ảnh trong lòng người đọc về hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống của tuổi trẻ vốn nhiều mơ mộng và hoài bão.

Đọc đến trang truyện cuối cùng, người đọc sẽ cảm nhận được “tuổi 20 không hẳn chỉ là con số mà còn là những cảm xúc thanh xuân của tâm hồn’’ như chính tác giả gửi gắm. Những hình tượng đẹp ẩn chứa bao thông điệp vẫn ám ảnh không dứt. “Mong rằng tập truyện này sẽ mở ra cho các bạn một khoảng trời bông gạo trắng, giúp bạn xây một chuồng cọp trên cao, và thắt được chiếc vòng hương tặng người yêu quí” (Nguyễn Thu Hằng). 
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Cố hương(19/04/2024)
Tháng Ba tìm lối ta về (19/04/2024)
Tản văn "Đêm nay hoa bưởi dậy thì" của tác giả Lê Phương Liên (19/04/2024)
Đi và về(19/04/2024)
Truyện ngắn "Chị Lành" của tác giả Vũ Ngọc Thư(19/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tác phẩm Trại Sáng tác Đà Lạt 2022: "Săn mây trên đỉnh Pinhatt" của tác giả Đinh Ngọc Hùng(04/07/2022)
Tác phẩm Trại sáng tác Đà Lạt 2022: Tản văn "Mimôsa! Em ơi..." của tác giả Nguyễn Thị Lan(04/07/2022)
Tác phẩm Trại sáng tác Đà Lạt 2022: "Ấn tượng quy hoạch xây dựng và kiến trúc Đà Lạt" của KTS Nguyễn Phương Liên(04/07/2022)
Tác phẩm Trại sáng tác Đà Lạt 2022: "Ngẫu hứng Đà Lạt" của tác giả Phạm Ánh Sao(04/07/2022)
Tác phẩm Trại Sáng tác Đà Lạt: "Ký ức tuổi thơ" (04/07/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na