Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác phẩm Trại sáng tác Đà Lạt 2022: Tản văn "Mimôsa! Em ơi..." của tác giả Nguyễn Thị Lan
04/07/2022 12:00:00

 

“Mimôsa, từ đâu em tới....?

Mimôsa, vì sao em tới đất này

Đà Lạt đồi núi chập chùng

Đà Lạt trời mây nước mênh mông...”

Những ai yêu Đà Lạt (và cả những cặp tình nhân) hẳn đã thuộc nằm lòng bài hát “Mimôsa! Từ đâu em tới?” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Bản tình ca “mơ mộng, đắm say, da diết, có sự khoáng đạt của thiên nhiên, cao nguyên quyến rũ”, là một trong những “chứng chỉ” khẳng định cái tên Mimôsa cho hoa Đà Lạt. Ở Việt Nam, chỉ Đà Lạt mới có loài hoa này nên Mimôsa được coi là loài hoa biểu trưng cho thành phố hoa và sương mù.

Mimôsa, từ đâu em tới ?

Mimôsa có xuất xứ từ đất nước Australia tươi đẹp được đưa về cao nguyên Langbiang ngay từ những ngày đầu xây dựng thành phố Đà Lạt. Một đồng nghiệp người Pháp gửi cho bác sĩ Yersin, người khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, “Ân nhân và nhà nhân đạo được nhân dân Việt Nam tôn kính” (dòng chữ khắc trên bia mộ của ông ở Nha Trang), những giống hoa Mimôsa và một số loài hoa từ quê nhà; để trên con đường khoa học vinh quang mà rất nhiều gian khó của một nhà khoa học vĩ đại của nhân loại, ông luôn luôn cảm thấy có những người bạn và cả nền y học Pháp đã ủng hộ mình. Yersin đã gửi giống hoa Mimôsa và các loài hoa khác vào những trạm khảo cứu nông lâm để tiện ươm trồng chăm sóc. Từ đó Mimôsa có mặt trên đất nước Việt Nam.

Ban đầu, Mimôsa chỉ là một loài hoa dại mọc ở rừng. Sau khi nhận ra vẻ đẹp quyến rũ này, người ta đã đưa về trồng ở nhiều con đường của thành phố. Hiện nay, Đà Lạt có hẳn một con đèo ngang mang tên loài hoa này, đèo Mimôsa. Thành phố có hai nơi mọc Mimôsa nhiều nhất là thung lũng Tình yêu và đặc biệt đèo Mimôsa. Ngoài ra, bất cứ nơi nào trên thảo nguyên ta cũng thấy sắc vàng tươi của Mimôsa. Hoa vàng thấp thoáng từ trong ngõ nhỏ, phô sắc hai bên đường, tràn ngập trên các triền đồi, dưới các thung lũng lộng gió...

Mimôsa là loài cây thân gỗ. Cây Mimôsa cao từ 3 mét đến 6 mét, cây 10 tuổi có thể tạo nên một tán lá rộng cả 10 mét. Đà Lạt có hai loại Mimôsa, loại lá dài và loại lá ngắn. Mặt dưới của lá có màu trắng bạc như phủ một lớp phấn trắng.

Mimôsa Đà Lạt đâm bông từ khoảng tháng Mười dương lịch, đến tháng Mười một mưa cao nguyên ngớt dần, hoa Mimôsa lấm tấm đầy cành. Khi sắc hoa dã quỳ nhạt dần là lúc Mimôsa nở rộ cho đến hết mùa xuân. Lúc chưa vào mùa, Mimôsa nép mình bên đường trong màu xanh bạc nên ít người để ý. Nhưng khi bung nở, trông vào chỉ thấy một màu vàng xuyên suốt, khiến ai đi qua cũng phải ngỡ ngàng xốn xang. Nếu hoa dã quỳ báo mùa khô tới, rực rỡ nhưng nhanh tàn thì Mimôsa bền bỉ, hết đợt hoa này đến đợt hoa khác. Một năm cây nở hoa hai hoặc ba lần, nhưng đẹp nhất là những tháng đầu năm. Suốt mùa hoa nở, cả thành phố Đà Lạt như được khoác lên mình bộ áo vàng rực rỡ.

Mimôsa mọc từng chùm, vươn thẳng lên trời phô cái màu vàng phơn phớt mơ màng, cái màu quý phái kiêu sa chẳng loài hoa nào có được. Những chùm hoa vàng trong nắng với những đóa hoa hình cầu như những mặt trời bé con. Mỗi đóa hoa gồm rất nhiều tia vàng sáng mỏng manh, li ti như sợi chỉ, như chùm tia nắng tỏa sáng. Hoa thơm dịu nhẹ mà ngất ngây, một mùi thơm đặc trưng, không giống bất cứ hương thơm nào, nó trong trẻo chứa đầy hương vị của núi rừng.

Là loài hoa hoang dã chỉ mọc ở trong rừng và ven đường, không bao giờ được mọc trong vườn nhà, Mimôsa phải chịu kiếp hoang dại “Ngày ngày thầm sống quanh đồi/ Cuộc đời dầm mưa nắng sương rơi”. Không nở vàng rực rỡ như hoa dã quỳ, hoa Mimôsa đẹp tự nhiên, khiêm nhường mà kiêu hãnh giữa đất trời bao la.

Hoa Mimôsa gắn với truyền thuyết một câu chuyện tình đẹp nhưng buồn ở đất nước Australia xa xôi, khiến những bông hoa này lại thêm vẻ đẹp lãng mạn. Hoa mang trên mình biểu tượng tình yêu, nỗi nhớ, cho nét đẹp thuần khiết trinh nguyên của người thiếu nữ. Chính vì vậy, các cặp tình nhân thường tặng hoa cho nhau để khẳng định tình yêu chung thủy, luôn hướng về người mình yêu. Các thiếu nữ Đà Lạt thường ép hoa vào trong trang sách để tặng cho người mình yêu, để bày tỏ tình yêu trong trắng.

Với vẻ đẹp dịu dàng thanh khiết, Mimôsa không chỉ biểu trưng cho mùa xuân Đà Lạt mà còn được đặt tên cho một con đèo dẫn vào thành phố cao nguyên. Đèo Mimôsa (còn gọi là đèo Prenn 2) là cửa ngõ thứ hai đi vào thành phố du lịch Đà Lạt. Trải dài 11 km, bắt đầu từ thác Prenn, đèo Mimôsa là nơi loài hoa ấy được trồng nhiều nhất. Con đèo này qua ba năm thi công đã được khai sinh vào tháng 6 năm 2004 đúng dịp kỷ niệm 110 năm Đà Lạt thành lập. Khi tìm ra cao nguyên Lâm Viên, trong nhật ký đề ngày 21/6/1893, Yersin ghi: “Từ trong rừng thông bước ra, tôi sững sờ khi đối diện với một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những mặt sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn với đường chân trời Tây Bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này”.

Với thiết kế vòng ôm lượn lờ, “dịu dàng” quanh những ngọn đồi bậc thang, với nhiều điểm dừng chân ngoạn cảnh, với sắc vàng mê mải, với hương thơm dịu nhẹ, con đèo thơ mộng này đẹp như chính tên của loài hoa Mimôsa, của những hàng cây Mimôsa bung nở bên đường.

Mimôsa đã đi vào thơ ca, nhạc, họa. Nhớ đến Đà Lạt những ai yêu ca nhạc không thể không nhẩm thầm bài hát “Mimôsa! Từ đâu em tới?”. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, có một người đã thể hiện thành công bài hát ấy là ca sĩ Minh Châu- nữ danh ca nổi tiếng một thời- con dâu của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Người ta nhớ chị chỉ với một bài Mimôsa... Cô ca sĩ với đôi mắt mở to trong sáng, với giọng hát nữ trung, quãng rộng, nhiều cảm xúc đã làm đắm say bao thế hệ thính giả.

Bây giờ đang là đầu hạ. Ở Đà Lạt, sắc vàng tươi của hoa Mimôsa đã nhạt dần. Họa hoằn lắm mới có cây còn sót lại mấy chùm hoa. Nghe lại bản tình ca thế kỷ, tôi lại thấy lòng mình tràn ngập tình yêu mến. Và bất chợt cùng hòa chung tiếng hát với ca sỹ Minh Châu: "Mimôsa! Em ơi...". 
 
 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Kịch ngắn "Tham thì thâm" của tác giả Trần Thùy Linh(01/07/2022)
Chuyển động mùa(01/07/2022)
Khuổi Phụ (01/07/2022)
Tản văn "Hoa tím bằng lăng" của tác giả Đỗ Xuân Thu (30/06/2022)
Tác giả, tác phẩm: "Nhà thơ Hà Cừ lặng thầm cùng con chữ" của tác giả Nguyên Dã(30/06/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na