Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kịch ngắn "Tham thì thâm" của tác giả Trần Thùy Linh
01/07/2022 12:00:00

 

Nhân vật:

Ông Hào - Công nhân điện công ty X, mới về hưu

Bà Đồng (vợ ông Hào)

Hiện (con trai ông Hào) - công nhân công ty X

Lý (con gái ông Hào) - công nhân công ty X

Công nhân điện lực 1

Công nhân điện lực 2

Công an địa phương

Cảnh trí: Một buổi sáng sớm tại nhà ông Hào

(Sân khấu chia làm 2 phần: Sâu phía trong lệch phải kê một bộ bàn ghế sang trọng, một kệ để loa đài. Phía ngoài lệch trái là phần sân có một số chậu cây cảnh)

- Ông Hào vừa tưới cây cảnh vừa hát theo tiếng loa đài xập xình từ trong nhà vọng ra ầm ĩ “Tình là tình nhiều khi không mà có, tình là tình nhiều lúc có cũng như không…”(Tình có như không)

- Bà Đồng tay xách làn từ ngoài vào, nhăn mặt khó chịu, nhìn ông Đồng lắc đầu, bĩu môi.

Bà Đồng: - Này, gớm, già cả rồi đấy! Rồi con cháu nó cười cho. Giờ còn “tình không mà có” nữa ư?

Ông Hào: (Dừng tay, ngoái lại nhìn bà Đồng): - Hả? Bà bảo sao? Không có cá ư? Không có cá thì ăn thịt. Có thế thôi mà bà cũng phải nhăn nhó. (Nhún nhảy, vừa tưới cây, vừa hát tiếp): - “Tình trôi qua như một giấc chiêm bao. Ôi tình đầu bỡ ngỡ cơn mộng du…”.

Bà Đồng: - Khổ chửa? Đến là bực mình! (Bà chạy lại tắt loa đài):- Suốt ngày xập xình ầm ĩ, dễ mỗi nhà ông có loa đài chắc?

Ông Hào: (Quát): - Ơ này, cái bà này, sao bà lại tắt loa đài của tôi? Sáng dở ra đã gây sự bất bình. Đừng để tôi tức giận bất thình lình nhá! Bật giả tôi nhanh! Mất cả hứng yêu đời của tôi rồi nhá!

Bà Đồng: (Gắt): - Dễ ông biết nổi giận bất thình lình thì tôi không biết chắc? Ai đời sáng sớm dở ra đã quấy quả xóm làng, không cho ai người ta nghỉ ngơi gì cả. Ông nghĩ mỗi nhà ông có loa đài đấy hẳn?

Ông Hào: - Ô kinh nhờ? Lại còn dám quát chồng ầm ầm cơ đấy! Bà to gan vậy từ bao giờ đấy hả? Đài nhà tôi thì tôi mở, tôi thích mở thế nào là quyền tôi. Chả phải hôm nọ mấy nhà trong xóm bảo: “Xóm mình chỉ cần nhà bác Hào mở loa đài thì cả xóm được nghe miễn phí là gì?” Có đáng gì một tí ti âm thanh mà bà phải tiếc?

Bà Đồng: - Ôi dào ơi! Người ta nói vỗ mặt thế mà cũng không hiểu. Tôi chịu ông đấy! Ai đời ba, bốn giờ sáng, ông đã khua cả xóm dậy bằng mấy cái bài chát xình xình của ông rồi.

Ông Hào: - Bà chả hiểu cái gì sất, dậy sớm có biết bao nhiêu cái lợi: (Tay chân múa kiểu bài tập dưỡng sinh): – Có thời gian tập luyện dưỡng sinh tăng cường sức khỏe; có thời gian chăm sóc cây con (cây cối và con vật); có thời gian trà thuốc vô sờ tư và nhất là có thời gian nhảy chát xình trẻ hóa cơ thể. Khà khà khà...

Bà Đồng: - Tôi lạy ông, hàng xóm nhà mình có nhiều đôi vợ chồng trẻ, chúng cũng như thằng Hiện, con Lý nhà mình, đi làm công nhân, làm theo ca, theo kíp. Có bữa làm ca đêm gần sáng mới về, vừa đặt lưng xuống giường thì ông mở loa đài rầm rầm không cho chúng nghỉ ngơi gì. Ông thật là ác quá!

Ông Hào: (Tức giận): - Bà... bà bảo ai ác? Bà nói thế là ngậm máu phun người đấy nhé! Chẳng qua là tôi yêu văn hóa, văn nghệ với lại nghĩ là mở cho vui nhà, vui cửa, vui xóm, vui làng. Thế mà bà... bà... ác với tôi thì có ấy!

Bà Đồng: - Tôi chả sức đâu mà tranh luận với ông mãi. Từ ngày về hưu, ông tha nào là loa đài, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, nào là lò vi sóng, ti vi các loại về. Tôi thấy ông sống khác quá là khác.

Ông Hào: - Khác cái gì? Bà đúng là nhà quê, lạc hậu. Thời buổi hiện đại thì tất cả mọi vật dụng cũng hiện đại theo. Máy móc thay sức lao động của con người mọi bề tiện lợi.

Bà Đồng: - Gớm, tôi cũng thích hiện đại lắm, nhưng chỉ lo rồi số điện tăng vù vù lên mà với giá thành như bây giờ thì tiền đâu mà trả cho xuể.

Ông Hào: - Ơ hơ, cái bà này cứ lo bò trắng răng. Bà không phải lo. Nhá! Bà cứ yên tâm từ từ mà hưởng sung sướng đi!

(Tiếng chuông điện thoại vang lên)

Ông Hào: (Mở máy, hồ hởi nói to): - À lố, à lô, Hiện hả con? Ờ, bố đây, lát mình con về thôi à? Vợ bận à? Ừ, mẹ mày vừa đi chợ về rồi, thức ăn đầy đủ rồi. Không phải mua gì nữa nhé! Ừ, ừ,… à mà này, cần giặt quần áo thì mang về mà giặt, muốn sắc thuốc cũng mang về đây mà sắc. Cần gì sử dụng điện cứ mang về bố nhé! Ừ, không phải ngại. Bố kham được tất tật. Thế nhé!

Bà Đồng: (Bĩu môi): - Bố kham được tất tật… Ông hơi bị giỏi đấy! Chiều con vô lối, chúng có gia đình riêng rồi, để nó tự lo cho quen đi. Tôi còn không muốn chi tiền điện tháng này cho những vật dụng hiện đại của ông đây. Lại còn gạ gẫm con mang đồ về nhà. Mà sao tự dưng ông lại hào phóng thế không biết?

Ông Hào: - Ơ cái bà này, con mình chứ có phải con hàng xóm đâu. “Lọt sàng thì xuống nia”, các cụ xưa dạy như vậy rồi mà. Mình dùng không hết thì cho các con nó dùng…

Bà Đồng: (Ngơ ngác): - Ông bảo sao? Mình dùng không hết á? (Cười rũ rượi) – Ôi cha mẹ ơi, lần đầu tiên tôi thấy có người nói dùng không hết điện phải mời người khác dùng bớt đấy. Ông có bị làm sao không hả ông Hào ơi? (Sờ tay lên trán ông Hào)

Ông Hào: (Gạt tay bà Đồng ra): - Bà thì biết cái gì? Đúng là đàn bà, đái không qua ngọn cỏ. Thôi, bà chạy đi đóng tiền điện tháng này đi, quên là người ta cắt điện đấy, mà không có điện là hỏng hết mọi chuyện!

Bà Đồng: - Ấy đấy, nhanh thế đấy! Quay đi, quay lại đã mười lăm rồi, lại đã đến hạn đóng tiền điện rồi. Mà tháng này, tiền điện không gấp ba, gấp bốn lần trước kia thì tôi cứ bé bằng con kiến gió. (Tong tả đi ra)

Ông Hào: (Nhìn theo bà Đồng vui vẻ ngâm nga): “Con kiến nó leo cành đa/Leo phải cành cụt leo ra leo vào/ Con kiến nó leo cành đào/Leo phải cành cụt, leo vào leo ra” Kha kha kha… (Cặm cụi cắt tỉa cây trong tiếng loa đài réo rắt)

Bà Đồng: (Hấp tấp bước vào): - Ông ơi, này ông Hào ơi!

Ông Hào: - Gì mà bà hớt hơ hớt hải thế? Sao? Có chuyện gì?

Bà Đồng: (Thì thào): - Sao tiền điện nhà mình tháng này lại… lại bằng một nửa các tháng trước hả ông? Ngoài chỗ thu tiền điện, người ta đang thắc mắc và có ý muốn kiểm tra công tơ nhà mình ông ạ!

Ông Hào: - Hơ hơ… sao là sao thế nào? Sao trên trời, tối nó mọc. Nhá! Kiểm tra hả? Cứ để cho họ kiểm tra.

(Lý từ ngoài bước vào, tay xách lỉnh kỉnh đủ thứ quần áo,..)

Lý: - Con chào bố mẹ! Mẹ, mẹ đỡ hộ con với!

Bà Đồng: (Vừa đỡ đồ cho con, vừa hỏi): - Con này, mày đi chạy loạn hay sao? Làm gì mà tha lôi gớm thế này?

Lý: - Thì bố con gọi điện bảo con, cần dùng điện cứ về nhà mà lấy dùng, nhà mình dạo này thừa điện rồi. Dùng vô sờ tư. Thế nên hôm nay con mới đưa đồ đến để dùng điện mà mẹ!

Ông Hào: - Đúng, quả là như thế mà, bố mày có khi nào nói sai đâu nào?

Bà Đồng: (Lôi Lý ra một góc, bảo): - Con ơi! Bố mày thần kinh có vấn đề rồi. Mày không thấy ông ấy lạ lắm à? Mẹ lo lắm con ơi! Ngày trước, ông ấy cần kiệm đến mức mua cái kẹo cho con cũng phải cân nhắc, giờ tự dưng sắm la liệt các đồ điện tử về. Phòng nào cũng lắp điều hòa to oành, lại ti vi màn ảnh rộng các kiểu,...

Lý: (Thì thầm với mẹ): - Mẹ, con cũng thấy bố lạ lắm! Mà chỉ có mấy hôm gần đây thôi, bố thay đổi đến chóng mặt. Hay tại bố bị sốc khi về hưu hả mẹ?

Ông Hào: - Hai mẹ con bà làm gì mà thì thà, thì thào, thậm thà, thậm thụt như buôn bạc giả vậy? Tôi là tôi chúa ghét những người mất lịch sự nhé! Nào, con Lý, mang đồ vào nhà mà giặt, là các kiểu đi. Không phải ngại nhé!

(Ông Hào và Lý mang đồ vào trong)

Bà Đồng: (Nhìn theo lo lắng): - Phải cho ông ấy đi khám ngay thôi! Bệnh này nguy hiểm lắm! Chết chứ chẳng chơi đâu!

Lý: (Đi ra, ôm vai mẹ và bảo): - Nhưng mà làm thế nào để bố con nghe và đồng ý đi khám chứ? Trước nay, bố ghét nhất là đi viện. Mẹ biết điều này mà!

Bà Đồng: (Òa khóc): - Ối ông Hào ơi là ông Hào ơi! Ối con ơi, bố con nguy hiểm đến tính mạng rồi mẹ biết phải làm sao đây! Hờ hờ hờ...

Lý: (Vội bịt chặt mồm mẹ lại): - Giời ạ, Mẹ đừng có mà “bứt dây động rừng”. Bố nghe thấy lại làm ầm lên mà không chịu hợp tác đi khám chữa bệnh thì sao? Mẹ phải bình tĩnh, đợi anh Hiện con về rồi tính.

Hiện: (Xuất hiện cùng bao nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh: Quần áo, siêu sắc thuốc,...): - Hiện đây, Hiện lên rồi đây! Làm sao nào? Sao lại nhắc tên tôi hả cô Lý? Nói xấu gì nhau đấy?

Lý: (Nguýt anh trai, nhấm nhẳng): - Ai thèm nói xấu anh? Mà có đẹp đẽ gì đâu mà cứ sợ người ta nói xấu chứ!

Hiện: - Này, cô vừa phải thôi nhé! Đừng có “được đằng chân, lân đằng đầu” nhé! Cô thì đẹp! Đẹp kinh hồn. Nhẩy?

Bà Đồng: - Thôi, mẹ xin hai đứa, mẹ đang nát hết cả ruột mà hai đứa còn đứng đấy mà cãi nhau.

Hiện: - Chưa gì đã ầm lên, vớ vẩn! (Quay sang bà Đồng): – Mà mẹ có chuyện gì thế?

Bà Đồng: (Sụt sịt khóc): - Ừ, con ơi, bố mày mấy ngày nay, có triệu chứng lạ lắm! Ông ấy tiêu xài phung phí mọi thứ! Mẹ đang lo ông ấy bị bệnh nguy hiểm...

Hiện: - Mẹ toàn suy nghĩ linh tinh! Bố con làm sao? Chẳng làm sao cả! Bố con làm gì cũng có tính toán cả đấy. Mẹ không phải lo đâu.

Lý: - Ờ, anh nói cũng có lí, nhưng mà sao bố không cho anh em mình tiền mà lại cứ bắt phải tha lôi các thứ sang đây để sử dụng nhỉ?

Hiện: (Gãi đầu): - Cái này thì... tôi cũng chả hiểu!

Bà Đồng: (Lại khóc lóc ỉ ôi): - Đấy, thấy chưa? Đã bảo ông ấy bị bệnh nguy hiểm mà! Chúng mày không tìm cách mà cứu bố mày, cứ đứng đấy mà nói linh tinh làm gì? Hay là chúng mày giờ không cần bố mẹ nữa? Không coi bố mẹ ra gì cả? Hay mong ông ấy chết đi để về mà chia tài sản? Hả? hả?

Hiện: - Mẹ, động tí là mẹ áp đặt tội lỗi cho chúng con là thế nào? Để chúng con xem xét cẩn thận đã chứ! Chuyện sinh mạng con người chứ có phải chuyện đùa đâu.

Lý: - Đúng rồi đấy ạ! Chuyện sinh mạng con người chứ có phải chuyện chơi đâu. Mẹ cứ để chúng con lo!

Hiện: (Mỉa mai): - Gớm nhỉ? Cô mà lo được ấy hả? Đấy, cô lo đi! Tôi đứng xem!

Lý: - Gớm, anh chỉ được cái gia trưởng thôi! Con nào cũng là con, không lẽ anh thích em để mặc anh lo một mình hay sao?

Hiện: - Thôi, được rồi! Chỉ được cái ghê gớm là không ai bằng thôi! Bố, bố ơi!

Ông Hào: - Đây, bố đây! Nhà Hiện về rồi đấy hả? Có mang đồ về nhiều không con? (Đi ra): – Ô, sao không cắm cái siêu thuốc đi? Thằng Hiện, mang quần áo xuống cắm giặt đi con? Mà mẹ con nhà này chán nhở? Nóng bức thế cũng không biết đường bật cái điều hòa lên cho nó mát? Bật có hai, ba cái quạt bé tí ti thế thì ăn thua gì?

Hiện: - Bố! Con muốn thưa chuyện với bố!

Ông Hào: - Chuyện gì? Có vấn đề gì? (Bỗng nhìn sang bà Đồng): – Ô này, sao mẹ mày lại khóc? Cả con cái Lý nữa? Làm sao?

Bà Đồng: - Tôi có làm sao đâu? Là ông đang làm sao hả ông? Hu hu hu...

Hiện, Lý: (Sán lại bên ông Hào, sờ nắn tay chân): - Bố bị làm sao hả bố? Để mẹ con chúng con đưa bố đi khám nhé!

Ông Hào: (Phẩy tay): - Vớ vẩn! Mẹ con mày luyên thuyên cái gì đấy hả?

Bà Đồng: - Ông nghe tôi, nghe các con đi khám bệnh ông nhé! Ông bị bệnh nặng lắm đấy! Cẩn thận không nguy đến tính mạng.

Hiện: - Để chúng con gọi xe taxi bố ạ! Bố yên tâm, bố cứ ngồi xuống đây. (Ấn ông Hào ngồi xuống ghế, giữ chặt) Sốc phản vệ khi mới về hưu chữa được. Nhanh khỏi thôi ạ! (Quay sang Lý quát): - Cô Lý, điện thoại cô có số điện thoại của hãng xe nào không? Gọi đi!

Lý: (Giật mình): - Gọi, em gọi ngay đây ạ! (Mở điện thoại tìm, miệng lẩm bẩm): - Taxi Thành Đông là giá mềm nhất, ô sao không thấy số điện thoại của hãng đó nhỉ?

Ông Hào: (Giằng co với Hiện): - Này, có buông bố ra ngay không thì bảo? Bố mày không làm sao hết! Buông ra!

Lý: - Thôi, đành gọi cái hãng xe này vậy! Alo, anh taxi ơi, anh taxi, hiện nay bố em đang bị ốm cần đi bệnh viện gấp. Dạ vâng, em xin cảm ơn anh! Anh có thể cho em xin số điện thoại của hãng taxi Thành Đông không ạ? Dạ, không có gì ạ! Tại vì hãng anh giá thành cao quá! Chồng em dặn phải đi xe taxi Thành Đông cho nó rẻ ạ! (Giật mình, giơ điện thoại ra xa): – Ô, mất lịch sự! Không cho thì thôi, sao lại chửi người ta!

Hiện: (Tức giận): - Lý ơi là Lý, cô điên à? (Buông ông Hào ra, sấn lại chỗ Lý): – Đưa điện thoại đây! Lúc này còn kén chọn cái gì? Hãng taxi nào chả được. Đắt cũng phải đi!

Ông Hào: (Vùng đứng lên, thở hổn hển): - Này, mẹ con mày bị điên hả? Tại sao tự dưng lại bảo tao bị làm sao? Cái gì mà sốc phản vệ khi mới về hưu? Bố mày còn lâu mới sốc nhá! Ối giời ôi, mệt quá! Vợ với chả con! Ngu không để đâu cho hết!

Bà Đồng: (Níu tay chồng): - Ông ơi, ông ơi!...

Ông Hào: - Ơi, ơi... cái dở hơi biết bơi. (Chỉ tay vào ghế, quát): – Ngồi hết vào kia!

Lý: - Ối giời ơi! (Ngồi phệt xuống ghế!)

(Mọi người ngồi vào ghế, nhìn ông Hào sợ sệt)

Ông Hào: - Nghe tôi hỏi đây! Ai, đứa nào bảo tao bị làm sao? Hả? Hả?

(Cả nhà đưa tay chỉ nhau, chỉ một vòng rồi tất cả chỉ vào người bà Đồng)

Ông Hào: - Là bà?

Tất cả: (Gật gật)

Ông Hào: (Quát vợ): - Lí do?

Bà Đồng: - Tôi, tôi...

Ông Hào: - Tôi gì mà tôi, lôi thôi vớ vẩn! Lí do gì mà bảo tôi bị bệnh? Nói...

Bà Đồng: (Mếu máo): - Tự dưng ông phóng khoáng, tiêu xài lãng phí điện. Tự dưng thấy ông bất thường nên tôi...

Ông Hào: (Bật cười): - Khơ khơ... ra là vậy. (Quay sang hai con): – Tao, bố chúng mày, còn lâu mới bệnh nhé! Thế điện chùa không dùng cho nó sướng hay sao? Dở!

Lý: - Điện của nhà chùa hả bố? Sao bố xin được về nhà mình?

Hiện: - Ôi mẹ ơi! Cô đúng là lạc hậu rồi! Chùa ở đây là... là bố đi ăn cắp ấy!

Bà Đồng: (Vội bịt mồm con lại nhưng lại nói rõ to): - Hả? Ông đi ăn cắp ư? Mà sao ăn cắp được điện hả ông?

Lý: (Quay sang ông Hào, thì thào): – Bố, chuyện là thế nào hả bố?

Ông Hào: (Cười): - Có gì đâu mà lạ. Trước khi bố rời công ty, bố đã chia sẻ cho nhà mình tí điện của công ty. Nhà mình ngay cạnh công ty, không lẽ chả xơ múi tí ti gì thì nó cũng gì quá! Nhở?

Hiện: - Bố là chúa liều đấy nhé! Bọn con đúng là kính nể bố. Tính toán kinh thật!

Ông Hào: (Vỗ ngực): - Chuyện, không gì bố mày cũng từng là công nhân ngành điện của công ty chứ đùa đâu.

Bà Đồng: - Chết, chết, sao ông liều thế hả ông? Nhỡ người ta bắt được thì đeo mo vào mặt.

Ông Hào: - Phỉ phui cái mồm bà nhé! Chỉ toàn người nhà mình cả. Ai biết được mà sợ?

Bà Đồng: - Ông ơi, gia đình ta bao lâu nay là gia đình văn hóa, ông lại từng là công nhân gương mẫu của công ty. Sao ông lại làm như vậy?

Hiện: - Mẹ ơi! Mẹ đừng trách bố con nữa. Giờ bố về hưu rồi, “hạ cánh an toàn” rồi còn lo gì nữa hả mẹ? Với lại có tí điện, chắc không vấn đề gì đâu!

Lý: - Sao lại không vấn đề gì? Anh hay thật đấy! Ai cũng làm như bố thì công ty có mà vỡ nợ!

Hiện: - Hơ hơ... lại công nhân gương mẫu à? Kinh nhở?

Bà Đồng: - Ông ơi, không lẽ ông không nghĩ đến danh dự gia đình này sao? Ông trả người ta đi ông ạ! “Nghèo cho sạch...”

Ông Hào: - Đã nghèo còn sạch cái gì? Bà lại thích nghèo bền vững hả? Vớ vẩn. Dư thừa điện, con cái quây quần, chả sướng ư?

Bà Đồng: - Vâng, đúng là sướng thật nhưng mà lương tâm nó cắn rứt ông ạ!

Hiện: - Mẹ thật là, mẹ cứ nghĩ quá làm gì? Bố con mà lo là kín nhẽ lắm. Không ai biết đâu. Mẹ không phải sợ...

Lý: - Cái kim bọc trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra anh ạ! Mà chuyện vỡ lở ra thì xấu hổ lắm. Em là em nhất trí với mẹ. (Nói với ông Hào): – Bố ơi, hãy dừng lại thôi bố ạ!

Ông Hào: - Dừng lại là dừng lại thế nào? Đúng là đàn bà! Mẹ con nhà mày từ nay cấm can thiệp chuyện đại sự. Nhá! (Điện phụt tắt): – Ơ, sao tự dưng lại mất điện? Vô duyên thật đấy! Tiên sư cái anh nhà điện này. Cứ thích là anh cắt vô tư thôi à? Bực mình nhỉ? Bực quá!

Hiện: - Công nhận là điên thật! Đến cháy siêu thuốc của con mất thôi. Giời ạ! Úi giời ơi, sao khói lại um lên khắp nơi thế này? Cháy! Cháy! hỏng hết mất thôi.

(Cả nhà thi nhau xua khói)

Công an viên: (Gọi từ ngoài vào): - Có ai ở nhà không? Bác Hào ơi!

(Hai công nhân điện lực và một công an viên xuất hiện)

Công an viên: - Xin chào bác Hào, ô cả bác Đồng, lại anh chị Hiện, Lý đều về đông đủ.

Bà Đồng: - Vâng, xin có lời chào các anh, mời các anh ngồi! Các cháu làm ca đêm anh ạ!

Công nhân điện lực 1: - Xin chào mọi người, nhận được tin báo của công ty X về sự cố cháy nổ cầu chì, mất điện đột ngột, ảnh hưởng đến sản xuất, chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện ra, gia đình ta đây có liên quan nên đến đây làm công tác kiểm tra lại.

Ông Hào: (Cười xòa): - Ô, các anh cứ đùa. Việc mất điện ở công ty, cháy cầu chì hay cháy cầu chèo chả liên quan gì đến gia đình tôi sất. Nhá!

Hiện và Lý: - Đúng là như vậy đấy ạ! Không có liên quan gì đâu. Không cần phải kiểm tra đâu ạ!

Bà Đồng: - Các anh ngồi xơi nước cho mát rồi lại nhà chứ nhà tôi không có chuyện sai phạm ở đây đâu.

Công an viên: - Cây ngay không sợ chết đứng. Các bác cứ yên tâm, cho hai anh đây kiểm tra một chút. Tôi cũng tin là gia đình ta không sai phạm.

Công nhân điện lực 2: - Xin phép gia đình cho chúng tôi làm nhiệm vụ. (Cùng công nhân điện lực 1 đi quanh tìm kiếm)

Ông Hào: - Các anh này hay nhỉ? Tôi đã bảo là không phải kiểm tra sao lại cứ phải đày mình như thế? Tôi không có...

Công nhân điện lực 1: - Đây rồi, chúng tôi đã tìm được rồi. Đường điện ngầm còn mới! Chạy xuyên tường từ công ty sang. Chứng cứ rành rành rồi nhé! Phải lập biên bản thôi! (Hí hoáy ghi biên bản)

Công an viên: - Tôi lại cứ tin gia đình bác không sai phạm. Cứ tin bác trong sạch cơ đấy! Thật sự tôi thất vọng quá!

Ông Hào: - Chú ơi, cũng chỉ là... tôi có sai một tí ti thôi mà! Chú nói mấy anh công nhân điện lực giúp tôi với!

Công an viên: - Tôi biết nói thế nào bây giờ, mọi sự đã rành rành, biên bản cũng đã lập. Thôi, mời bác kí vào rồi ngày mai lên ủy ban làm việc.

Ông Hào: - Tôi không kí, các anh làm gì mà phải ầm ĩ lên thế? (Nói với hai công nhân điện lực): – Tôi là bạn thân của giám đốc sở điện lực cơ đấy! Các chú cứ liệu mà xử.

Bà Đồng: - Tôi xin các chú nương tay làm phúc. Ông ấy chỉ xin bên công ty một tí điện thôi mà! Cũng có phải lấy của nước, của dân gì đâu. Bên công ty họ trả tiền cả mà.

Công nhân điện lực 1: - Ai cũng như nhà các bác thì chết dân, chết nước. Chúng tôi nhất định phải xử lí đúng theo quy định.

Ông Hào: - Nhà chú vừa phải thôi nhé! (Rút điện thoại ra, bấm số):- A lô, Chú Mai hử, ừ, anh Hào đây, chú khỏe không? Ừ, không có gì. Chả là anh có sai phạm một tí về điện. Ừ, chuyển máy cho lính của chú à? Cảm ơn chú nhé! (Đưa máy cho hai công nhân điện lực vẻ hí hởn): – Đấy, các chú nghe đi. Gớm, chưa gì đã...

Công nhân điện lực 2: - Dạ, anh ạ! Vâng, đúng là như vậy ạ. Hiện nay, công ty X bị cháy nổ cầu chì, mất điện đột ngột phải ngừng sản xuất anh ạ! Vâng, cứ xử lí theo quy định ạ. Vâng ạ!

Ông Hào: - Cái gì? Cứ xử lí theo quy định hả? Chú đưa điện thoại đây cho tôi. (Giật lấy điện thoại): - A lô, a lô... tắt máy luôn rồi à? Anh em quý thế cơ đấy!

Công an viên: - Thôi, mời bác kí vào biên bản giúp chúng tôi! Mời bác ngày mai lên ủy ban làm việc!

Ông Hào: - Tôi không kí. Tôi nhất định không kí.

Hiện và Lý: - Xin các anh! Các anh thông cảm cho!

Bà Đồng: (Vào nhà mang ra cái phong bì): - Các anh rón tay làm phúc, tôi sẽ thuê người đến phá bỏ ngay cái đường điện “chùa” ấy. Mong các anh giúp cho!

Công an viên: - Đề nghị bác cất ngay cho, đừng để chúng tôi ghi thêm vào biên bản hành động hối lộ người đang thi hành nhiệm vụ nữa.

Ông Hào: - Này, các anh vừa phải thôi nhé! Tôi đã nhẫn nhịn, nhún nhường lắm rồi nhé! Tôi là tôi cứ mặc kệ đấy. Xem các anh làm được gì tôi nào?

Lý: - Bố ơi, là bố sai rồi! Bố đừng....

Ông Hào: - Đúng là “Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”. Chị lại dám bảo tôi sai à? Chị giỏi thật đấy!

Hiện: - Bố, bố không nhận ra là khi công ty dừng hoạt động thì bát cơm của các con bố cũng bị vơi bớt hay sao ạ? Thật ra ban đầu con cũng không nghĩ tác hại của việc “xin tí điện” của bố lại có ảnh hưởng lớn đến vậy tới công ty chúng con.

Lý: - Bố ơi! Gia đình ta hai đời nay đều làm ở công ty, đều nhờ công ty mà cuộc sống no ấm. Bố hãy nghĩ mà xem...

Ông Hào: (Bần thần): - Thật ra thì... ai có ngờ đâu cơ sự lại như thế!

Bà Đồng: – Ông thấy chửa, ông đã làm thiệt hại của nhà nước biết bao nhiêu tiền của.

Ông Hào: - Tôi, tôi... Tôi đã sai rồi!... Vâng, tôi xin nhận khuyết điểm. Tôi xin kí vào biên bản ngay đây. Ngày mai tôi sẽ ra ủy ban xã và xin được nộp phạt theo quy định. Còn bây giờ, tôi sẽ sang nhận lỗi với công ty và cho người phá bỏ ngay cái đường dây điện “chùa” xấu xa này các anh ạ!

Công nhân điện lực 1: - Bác đã hiểu ra như vậy chúng tôi mừng lắm! Mong bác hãy hợp tác và khắc phục hậu quả ngay ạ!

Ông Hào: - Vâng, tôi đã nhận được một bài học quý rồi. Sẽ rút kinh nghiệm ngay và luôn. Các cụ bảo chả vứt đi lời nào nhỉ? “Tham thì thâm!”. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Đón Giao Thừa(27/03/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: Tản văn "Tết mười hai" của Nguyễn Hằng(27/03/2024)
Ghi chú Hải Dương(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Tản văn "Hoa tím bằng lăng" của tác giả Đỗ Xuân Thu (30/06/2022)
Tác giả, tác phẩm: "Nhà thơ Hà Cừ lặng thầm cùng con chữ" của tác giả Nguyên Dã(30/06/2022)
Miền nhớ(30/06/2022)
Chân tre(30/06/2022)
Truyện ngắn "Chuyến xe cuối ngày" của tác giả Đào An Duyên(24/06/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na