Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Chuyến xe cuối ngày" của tác giả Đào An Duyên
24/06/2022 12:00:00

Chiều dần buông nhanh. Thành phố giờ tan tầm người xe nườm nượp. Ai cũng vội vã trở về, những gương mặt mệt mỏi sau một ngày làm việc. Cái thành phố cao nguyên này có lẽ chỉ tấp nập được chút xíu vào giờ tan tầm, rồi trở lại vẻ yên bình vốn có ngay sau khi đèn đường bật lên. Đông vui nhất vào giờ này là các quán nhậu, sau đó là quán cà phê, mọi người dường như rất ít di chuyển trên đường.

 

 
 
 Minh họa: Tiến Quân
 
Ở một trạm xe buýt góc phố, Nhung đứng chờ chuyến xe cuối cùng trong ngày, chốc chốc cô lại giơ tay xem đồng hồ, vẻ sốt ruột. Buổi hội thảo chiều nay thành công tốt đẹp, bản tham luận của Nhung được đánh giá rất cao. Nhung muốn thật nhanh trở về nhà báo tin với mẹ nên cô thu xếp tài liệu bỏ vào túi xách, chào hỏi mọi người qua quýt rồi vẫy taxi ra trạm xe buýt gần nhất. Hỏi thăm người dân bên đường, may quá vẫn còn chuyến xe cuối cùng trong ngày. Trời mỗi lúc một tối, nhưng sao xe lâu tới thế? Nhung đứng chờ đã mỏi chân, cô ghé ngồi xuống bờ gạch tròn quây gốc cây bên vỉa hè. Cái thành phố gì mà lạ, đến một cái mái vòm để ngồi chờ xe buýt cũng không làm được. Nhung đã đi nhiều nơi, có những thành phố hoa lệ với những toà nhà chọc trời, nhưng cũng có những bản làng hẻo lánh phải lội bộ cả ngày trời mới tới nơi. Nơi nào Nhung cũng thích nghi rất nhanh, chỉ trừ cái cách chờ xe buýt ở thành phố này, thành phố của Nhung. Trời nắng hay mưa Nhung cũng luôn phải bỏ trong túi xách một chiếc ô, và luôn phải ngồi xuống bờ gạch bồn cây khi đứng chờ xe lâu, đến tê chân vì chờ đợi.

* * *

Nhung không sinh ra ở thành phố, nhưng từ khi học cấp 2, khi tự đón được xe buýt thì hàng ngày Nhung đã gắn với hai lượt xe đều đặn đi và về mỗi ngày. Bảy năm đi về, Nhung thuộc nằm lòng từng cái ổ gà trên đoạn đường hơn ba chục cây số từ nhà ra thành phố. Trong khi bạn bè cùng trang lứa lần lượt nghỉ học, thì Nhung vẫn cần mẫn trên những chuyến xe. Buổi sáng là chuyến sớm nhất, và buổi chiều là chuyến cuối cùng. Nhung mua vé tháng, thời gian sau này quen đến độ Nhung chẳng cần xuất trình vé mỗi bận lên xe. Những khách đi xe nhớ luôn mặt nhau, nhớ cả việc ai lên xuống trạm nào. Hôm nào ai đó vắng mặt là mọi người nhao lên hỏi nhau. Những người đi sớm về muộn như Nhung hầu hết là học sinh, sinh viên, công chức nhà nước, dân buôn bán ở chợ trung tâm... Bảy năm học, ngoài giờ lên lớp buổi sáng, Nhung tận dụng thời gian buổi chiều đến các trung tâm ngoại ngữ, tin học, nữ công gia chánh, cả luyện võ ở trung tâm thể thao. Nhung biết ơn những năm tháng ấy đã trang bị cho cô những kỹ năng thật hữu ích.

Trời mỗi lúc một tối, bầu trời sa sầm, nặng trĩu báo hiệu trận mưa to sắp kéo đến, chiếc xe buýt quen thuộc vẫn chưa thấy đâu, sự sốt ruột hiện lên cả trên dáng ngồi bồn chồn của Nhung. Hay là giờ họ thay đổi giờ chạy rồi nhỉ. Hơn 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp Trung học phổ thông, Nhung đã rời xa thành phố, không còn gắn với những chuyến xe buýt quen thuộc. Nhung rong ruổi khắp các nẻo đường, thỉnh thoảng ghé về thăm mẹ rồi lại đi nhanh như một cơn gió. Đây là lần đầu tiên Nhung trở lại thành phố của mình để nhận một nhiệm vụ quan trọng. Sau buổi hội thảo hôm nay, cô sẽ bắt tay làm việc.

* * *

Nhung đang loay hoay lấy chiếc ô ra khỏi túi xách thì một chiếc Limousine trắng muốt đỗ xịch bên lề đường, ngay sát trước mặt cô. Cửa kính bên ghế phụ hạ xuống, người đàn ông trong xe nói vọng ra:

- Chào em!

Nhung quay sang phải, sang trái, rồi ngoái hẳn đầu ra phía sau. Để chắc chắn rằng suốt nửa tiếng cô ngồi chờ xe ở đây không có thêm một ai khác. Người đàn ông trong xe tháo cặp kính râm, nhìn thẳng vào cô lặp lại:

- Chào em!

- Anh hỏi tôi ạ?! Nhung chưa hết nghi hoặc.

- Vâng! Em về đâu.

- Tôi… chờ xe buýt về huyện ngoài ạ.

- Tôi về huyện trong. Tôi muốn có bạn đường, nếu em không ngại.

- Dạ... thôi ạ. Tôi chờ xe buýt chắc cũng sắp tới rồi ạ.

- Em sợ tôi lấy tiền à?

- Anh nghĩ tôi không có tiền trả anh hay sao?

Người đàn ông phá lên cười thật to:

- Hay em sợ tôi ăn thịt em!

Gã đàn ông vẫn chưa thôi cười. Thật ra Nhung đã có rất nhiều lần đi nhờ xe, từ xe tải chở hàng, xe công nông, xe cày, đến những chiếc xe máy không yếm, không chắn bùn, không có cả yên. Đó là thảng hoặc trong số những lần lặn lội vào các bản xa, đi bộ tưởng như sắp kiệt sức thì may mắn gặp một chiếc xe ngang qua. Sự lăn lộn, từng trải và bản lĩnh khiến Nhung không ngại những việc ấy. Nhưng đứng trước một chiếc Limousine trắng muốt đến soi gương được như thế kia thì đây là lần đầu tiên. Nhung cố ngoái lại phía sau như vớt vát bóng dáng của chiếc xe buýt màu hồng quen thuộc, nhưng vô vọng, những hạt mưa đầu tiên đã bắt đầu rơi xuống. Người đàn ông trong xe vẫn nhẫn nại:

- Tôi chỉ cần có người ngồi trên xe nói chuyện cho vui thôi, lên xe đi.

Nhung vẫn ngập ngừng, cố ngoái lại phía sau một lần nữa rồi tần ngần đứng dậy. Tay Nhung vừa chạm vào cánh cửa sau thì đã thấy cánh cửa phụ bên cạnh tài xế bật mở. Thêm vài giây ngập ngừng nữa, Nhung bước vào ngồi xuống ghế khi mưa vừa ập xuống.

Máy lạnh trong xe để nhiệt độ thấp, Nhung đưa tay kéo sát cổ áo, người đàn ông nhanh tay tăng nhiệt độ xe. Nhung với dây an toàn choàng qua người và hít nhẹ một hơi thật sâu, tay mân mê quai chiếc túi xách.

- Em nghe nhạc gì?

- Ơ… Dạ… Phú Quang ạ.

- Tôi tưởng người như em thích nghe nhạc Trịnh cơ.

- Ơ… Người như tôi là như thế nào ạ?

- Con gái mà cứ đốp chát lại ngay thế sao mà lấy được chồng chứ!

- Ơ… tôi có 2 con rồi đấy!

- Em tảo hôn à?

- Ơ… Tôi gần 40 tuổi rồi!

Gã phá lên cười trong khi tay chọn nhạc và điều chỉnh cho âm thanh thật vừa vặn. Giờ Nhung mới len lén quan sát gã đàn ông. Hắn tầm ngoài bốn mươi tuổi, gương mặt vuông vức, góc cạnh, râu quai nón được cạo sạch, cặp mắt sáng tinh anh toát lên vẻ nam tính và từng trải. Hắn mặc quần hộp đen và áo sơ mi dài tay màu xanh trứng sáo. Trên người hắn, thứ gì cũng toát lên vẻ giàu có và sang trọng.

- Sao nhìn tôi kỹ vậy?

- Ơ…

Nhung giật mình, như kẻ trộm bị bắt quả tang.

- Nãy giờ câu nào của em cũng có “ơ” đấy.

Hắn lại phá lên cười, trông hắn cười thật cởi mở và thân thiện.

- Em làm gì?

- Dạ… tôi là nhân viên văn phòng ạ.

- Em đi làm lâu chưa?

- Hơn mười năm rồi ạ.

- Tôi tên Tùng. Còn em?

- Tôi… Tôi tên Thủy ạ.

Nhung chọn bừa một cái tên để nói dối, Nhung hầu như luôn phải nghĩ cho mình những cái tên để ứng phó trong những hoàn cảnh như thế này, nghề nghiệp khiến Nhung luôn đề phòng mọi bất trắc.

Không khí trên xe có phần gượng gạo, gã đàn ông phải luôn miệng hỏi chuyện Nhung. Nhung gần như chỉ đáp lại chứ không dám hỏi gã bất kỳ điều gì. Gã nói về rất nhiều chủ đề, từ thời trang, âm nhạc, đến chính trị. Thỉnh thoảng, gã không quên liếc nhìn Nhung, vẻ thăm dò, gã khéo léo lồng vào những câu hỏi thăm gia cảnh, công việc của Nhung. Quãng đường không quá dài, nhưng gã nghe đến mấy cuộc điện thoại, nội dung trao đổi rất nhanh, gã chủ yếu ra lệnh là chính, có một cuộc hẹn nào đó lúc 19h khiến gã có vẻ sốt ruột. Nhung đoán chừng có lẽ gã là doanh nhân. Nếu như 10 năm trước, những nhân vật như gã có lẽ Nhung sẽ biết, bởi quanh vùng này, người nổi bật thế này không nhiều. Nhưng hơn 10 năm rồi Nhung đi xa, những lần tạt về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay, vùng đất giáp biên này cũng đã thay đổi quá nhiều, ngay cả bạn bè cùng trang lứa cũng đã cưới hỏi hết. Đôi khi Nhung cảm thấy lạc lõng ngay ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên, cảm giác như đất này không thuộc về cô.

- Em cho tôi xin số điện thoại nhé, thỉnh thoảng có nhỡ xe, cứ gọi cho tôi. Gần như ngày nào tôi cũng đi về trên đường này.

- Dạ… điện thoại tôi hết pin ạ.

- Tôi mới thấy máy em rung trong túi xách đấy, kiểm tra cuộc gọi nhỡ đi.

Nhung đỏ mặt lúng túng vì bị bắt quả tang nói dối. Cô đành miễn cưỡng đọc số, trong hoàn cảnh này Nhung biết không thể đọc một số máy khác được, vì thể nào gã đàn ông kia cũng sẽ gọi qua máy cô. Nhưng gã không làm thế, gã chỉ lưu tên vào danh bạ rồi đặt điện thoại xuống.

- Em xuống chỗ nào?

- Anh cho tôi xuống ngã 3 trước mặt kia ạ.

- Nhà em rẽ phải hay trái. Nãy thấy em nói ba em mới mất, để tôi chở em vào nhà, sẵn thắp cho bác trai nén hương.

- Dạ thôi cám ơn anh, tôi e không tiện, vả lại trời cũng tối lắm rồi, anh cho tôi đi nhờ thế này là tốt lắm rồi ạ.

Chiếc xe chậm lại rồi dừng hẳn ở ngã ba, Nhung đề nghị cho gửi tiền xăng nhưng gã đàn ông xua tay không lấy. Nhung cám ơn rồi vội vàng mở cửa xe bước ra ngoài. Nhung chờ chiếc xe khuất hẳn rồi vội rảo bước.

Điện thoại báo tin nhắn từ một số máy lạ:

- Chào em. Tôi vừa về đến nhà.

- Xin lỗi ai vậy ạ?

- Em nhanh quên thế, tôi là Tùng, người vừa cho em đi nhờ xe về.

- À, dạ vâng ạ.

- Em ăn cơm chưa?

- Dạ rồi ạ.

Nhung trả lời như cái máy. Hệt như cuộc nói chuyện chiều nay.

- Chồng em có ghen không?

- Có chứ ạ.

- Biết thế chiều nay tôi đã làm việc xấu với em.

- Việc xấu gì ạ?

- Việc tất cả đàn ông đều làm với phụ nữ đẹp ấy. Em có biết là em rất đẹp, đẹp trong cả cái dáng ngồi chờ xe không? Tôi đã có ý định xấu khi nhìn thấy em ngồi ở đó. Nếu em không nói em đang phải về vội vì cha em mới mất, tôi đã chở em đi thẳng rồi.

- Haha, anh đùa à. Tôi có võ đấy.

- Có lẽ em mới là người đang nói đùa đấy.

- Kể anh nghe này, năm 18 tuổi, đi thi đại học, tôi với cô bạn gái đi dạo phố đêm, về hơi khuya. Đi ngang bờ hồ, một gã chụp ảnh dạo chặn đường sàm sỡ, tôi đã cho hắn no đòn và quẳng thẳng xuống hồ đó.

- Rồi hắn có chết không?

- Tất nhiên là không, chờ cho hắn lóp ngóp bò được lên bờ thì chúng tôi về.

- Lợi hại nhỉ.

Câu chuyện cứ qua lại như thế đến tận khuya. Và kể từ hôm ấy, tối nào gã cũng nhắn tin cho Nhung, gã chỉ nhắn chứ không gọi. Gã có cách nói chuyện rất cuốn hút và am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực. Gã dần chiếm rất nhiều cảm tình của Nhung. Cho đến một ngày, gã mời Nhung cà phê, Nhung hẹn sẽ cho gã biết nhà, sẽ uống cà phê với gã sau khi Nhung hoàn thành công việc trong vài ngày tới.

* * *

Đồng chí trung tá Trưởng ban Chuyên án 470TA ngồi đối diện Nhung, trước mặt anh là một tập hồ sơ dày cộp. Chiều nay, theo đúng lịch hẹn, Nhung xin đến gặp để lấy thông tin cho loạt phóng sự về đường dây tội phạm đang hoành hành tại tỉnh nhà. Chúng chủ yếu tập trung tại những huyện biên giới, hành tung bí ẩn, hoạt động chính của chúng là buôn lậu gỗ và phụ nữ, trẻ em ở những địa bàn hẻo lánh. Sau khi bị truy lùng ráo riết ở vùng biên giới phía Bắc, chúng dạt lên Tây Nguyên nhằm tránh sự truy lùng của lực lượng chức năng và mở rộng địa bàn hoạt động. Chúng có chân rết rải ở hầu hết các huyện biên giới khắp 5 tỉnh Tây Nguyên, nguy hiểm ở chỗ, những chân rết ấy có cả những cán bộ nhà nước, nên rất khó phát hiện.

Sau khi tóm tắt những thông tin chính về đường dây tội phạm, đồng chí trưởng ban chuyên án đẩy nhẹ tập hồ sơ về phía Nhung, nhấn mạnh:

- Cầm đầu đường dây tội phạm này là Thái Hữu Tùng, sinh năm 1974, đã từng tu nghiệp chuyên ngành triết học ở Đức, trước đây làm giảng viên ở Học viện chính trị, vì không thỏa mãn với chế độ đãi ngộ nên bỏ việc ra kinh doanh. Vợ hắn, một cựu hoa hậu bỏ hắn theo một đại gia, hắn sau đó tham gia buôn bán phụ nữ để trả thù đời, và giờ trở thành ông trùm. Hắn thường xuất hiện với vẻ ngoài rất lịch lãm, lái xe sang, trong đó có chiếc Limousine trắng thường xuyên thay đổi biển số giả, và những ngày gần đây đã xuất hiện tại địa bàn tỉnh ta…

Tai Nhung như ù đi, mắt hoa lên theo từng lời người cán bộ công an. Vừa lúc ấy, điện thoại Nhung liên tục báo tin nhắn đến:

- Em sắp xong việc chưa? Tôi muốn uống cà phê với em để nhắc em nên nói dối khéo hơn.

- Em chưa có gia đình, em không có cha và hiện sống với mẹ, trong vòng một tháng nay ở khu vực em sinh sống không có ai qua đời cả.

- Ngay cả cái tên em cũng nói dối tôi, nhà báo Lan Nhung xinh đẹp ạ!

Nhung gần như đứng bật dậy, chồm tới đống hồ sơ trước mặt, cô đứng lặng người, mắt nhìn như thôi miên vào tấm ảnh dán trên lệnh truy nã.

Nhung chỉ kịp báo cáo sơ bộ sự việc với đồng chí công an trưởng ban chuyên án, xin được hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp. Cô gọi cho mẹ, dặn mẹ lánh tạm sang nhà hàng xóm, tuyệt đối đừng về nhà cho đến khi cô trở về, rồi lao ra trạm xe buýt khi chuyến xe cuối cùng trong ngày vừa kịp trờ tới. Chiếc xe chầm chậm chuyển bánh trong khi ruột gan Nhung như có lửa thiêu. Cuối trời, lại vần vũ những đám mây đen báo hiệu cơn mưa lớn sắp đổ xuống. 
 
 
Các tin mới hơn
Ra Giêng(29/03/2024)
Hào khí nước Nam(29/03/2024)
Nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng(29/03/2024)
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu- lý luận - phê bình: "Nhà thơ Trần Dần: Cái chưa biết mới là cái mới" của tác giả Ngô Minh(23/06/2022)
Lý luận phê bình: Kịch của Lưu Quang Vũ không nguôi ám ảnh (06/06/2022)
Kiến trúc: "Phát triển đô thị và vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu" của TS Nguyễn Trung Thắng (06/06/2022)
Trang Văn nghệ Trẻ: "Con thương bố rất nhiều!" của tác giả Nguyễn Thị Hạnh(03/06/2022)
Chuyện làng Văn nghệ: "Bác Hồ sửa thơ Tố Hữu" của tác giả Ngô Vĩnh Bình(03/06/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na