Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác phẩm Trại sáng tác Đà Lạt 2022: "Ấn tượng quy hoạch xây dựng và kiến trúc Đà Lạt" của KTS Nguyễn Phương Liên
04/07/2022 12:00:00

Tôi đã đến Đà Lạt vài lần nhưng lần này đặc biệt hơn vì đi dự Trại sáng tác VHNT của Hội. Hơn nữa, lần này tôi gặp được người bạn học thời phổ thông đang lập nghiệp tại đây khi đã nghỉ hưu sau nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, anh có cuốn sách quý của tác giả Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng nhân dịp tôi vào Đà Lạt. Từ sân bay Liên Khương về TP Đà Lạt, tôi quan sát chiêm ngưỡng thành phố ngàn hoa này và thật sự rung động về cảnh sắc, về quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, kiến trúc… Và viết ra những cảm nhận này.

 
 

Thật không nói quá khi có một số nhà chuyên môn, chính khách đã ví Đà Lạt như một Pari thu nhỏ. Sự so sánh đó luôn gắn trong đầu tôi khi cùng các anh chị em trong đoàn thả bộ trên những con đường quanh những gốc thông ngàn tuổi. Vừa đi ngắm phố vừa thả tầm mắt vào những góc đường ngút ngàn thông rồi chợt ẩn hiện những công trình mang sắc đỏ, trắng, vàng như những bông hoa rừng điểm xuyết không gian Đà Lạt. Những “bông hoa” kiến trúc này mang phong cách kiến trúc phương Tây – Pháp đã làm tôn thêm vẻ đẹp của thành phố này, thành phố do người Pháp đặt nền móng cho quy hoạch xây dựng, công trình kiến trúc rất Tây Âu này. Trước khi nói những quan điểm của riêng mình, chúng ta xem quá trình phát triển quy hoạch xây dựng Đà Lạt qua tìm hiểu tư liệu và tài liệu:

Nhờ ngài Alexandre Yersin mà Đà Lạt đã có những bản quy hoạch xây dựng rất quý. Bản quy hoạch xây dựng Đà Lạt đầu tiên được lập năm 1897 do KTS người Pháp Hebrano lập với một số tiêu chí: Quy mô dân số >10.000 dân. Quy mô diện tích không hạn chế.

Tính chất đô thị: Là thành phố nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương. Là đô thị có đầy đủ công sở, trường học, biệt thự, nhà ở cho người bản địa, bệnh viện… và đặc biệt có viện điều dưỡng cho các quý tộc nhất là người Pháp.

Năm 1921 KTS Pineur thiết kế quy hoạch xây dựng Đà Lạt từ trung tâm nghỉ dưỡng được bổ sung thêm là đô thị thành phố vườn, quy hoạch xây dựng thành thành phố thuộc địa tiến đến quy hoạch thành phố kiểu mẫu nghỉ dưỡng với tiêu chí: Quy mô dân số: 30.000 đến 50.000 dân. Quy mô đất đai: 30 ha.

Tính chất đô thị và phân khu chức năng chú trọng các trục đường chính. Quanh hồ Xuân Hương bố trí các công trình gồm toà Công sứ, ngân hàng, toà Thị chính, trụ sở cảnh sát, bưu điện, trường học… chủ yếu phục vụ người Pháp. Xây dựng kiện toàn viện điều dưỡng, thành viện điều dưỡng kiểu mẫu phục vụ cho toàn Đông Dương.

Năm 1940, KTS Moddet nhận nhiệm vụ từ toàn quyền Đông Dương chỉnh trang đô thị Đà Lạt bằng đồ án quy hoạch xây dựng. Căn cứ vào quy hoạch xây dựng năm 1921, KTS Moddet giữ nguyên cảnh quan đô thị, tính chất đô thị; và để phát triển đô thị một cách hài hoà, năng động. Chức năng chính lúc này: Đà Lạt là trung tâm hành chính địa phương; Trung tâm nghỉ dưỡng Đông Dương; Thành phố học đường; Trung tâm văn hoá giáo dục. Đây là giai đoạn cực thịnh của Đà Lạt, dân kéo tới đông; kiến trúc xây dựng đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu người dân và đã xuất hiện kiến trúc Á Đông xen kẽ kiến trúc châu Âu. Bộ mặt đô thị Đà Lạt rất phong phú, đa dạng trên nền phát triển kinh tế ổn định.

Giai đoạn 1954- 1975, thực dân Pháp bị đánh đổ; đất nước bị chia cắt; chính phủ Ngô Đình Diệm quản lý và phát triển đô thị một cách rất chỉn chu và có phần chặt chẽ theo phong cách Á Đông. Thêm nữa là dân cư đổ về Đà Lạt ngày một đông, xuất hiện nhiều nhà thiết kế người Việt và các công trình như: Trường võ bị quốc gia, Viện đại học Đà Lạt, chợ, giáo đường… nhu cầu sử dụng đất ngày một cao và công tác quản lý đô thị cũng thêm phức tạp.

Giai đoạn 1999 đến nay, Đà Lạt đã nhiều lần được chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng. Vào năm 2010 Thủ tướng chính phủ cho phép Đà Lạt mời viện Quy hoạch đô thị Pari - Pháp lập quy hoạch xây dựng cho đô thị Đà Lạt.

Thời gian hình thành chưa lâu, song Đà Lạt đã xây dựng cho mình những công trình đa dạng về phong cách kiến trúc, độc đáo về hình thức, đường nét và đa thể loại. Những công trình kiến trúc nơi này đã tôn thêm cái đẹp Đà Lạt, một vùng đồi núi chập chùng thông reo, một ngày mang khí hậu 4 mùa của Việt Nam. Điểm nhấn của Đà Lạt phải chăng là những công trình mang phong cách cổ điển, tân cổ điển nằm trên những tuyến phố không dài nhưng quanh co uốn lượn; chúng được ví như những bông hồng vừa đẹp, vừa thơm, vừa quyến rũ, nép mình bên những gốc thông già.

Địa hình Đà Lạt tương đối đặc biệt, đa dạng nhiều cốt và chênh chênh. Các KTS khi quy hoạch xây dựng đô thị Đà Lạt rất tôn trọng địa hình đó. Họ nghiên cứu một cách tỷ mỉ đầy trách nhiệm với đô thị và người dân. Chúng ta thấy địa hình của thành phố như vậy nhưng khi đặt công trình không hề bị san gạt cho cốt mới bằng phẳng mà tận dụng cốt cao thấp khác nhau để đưa ý tưởng kiến trúc vào xây dựng; gần như giữ nguyên hiện trạng địa hình.

Khoảng cách xây dựng các công trình nhất là các biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc rất thưa thớt, tạo tầm nhìn và đặc biệt đều nhìn xuống hồ hoặc thung lũng. Phía trước các nhà đều trồng hoa đa sắc; đường vào nhà tạo thành những lối mòn quanh co mềm mại.

Các công trình kiến trúc đặt ở đây đều mang phong cách châu Âu dù là phong cách cổ điển, tân cổ điển, hay hiện đại; chúng đều mang dáng dấp của những công trình đã được xây dựng ở miền quê nước Pháp. Đan xen vào đó là những công trình mang phong cách Á Đông của người Việt thiết kế.

Dù quy hoạch đã lập nhiều lần nhưng không có chuyện quy hoạch bị phá vỡ thể hiện sự tôn trọng trí tuệ, tính chuyên môn cao của người đi trước. Tôn trọng địa hình lấy đó làm cảm hứng sáng tác mà không xử lý thô bạo với địa hình hiện trạng.

Các công trình kiến trúc gắn với không gian đô thị một cách hài hoà, hoàn hảo; cái này tôn trọng cái kia tạo thành bức tranh sống động muôn màu khi bức tranh đó mang sắc thái văn hoá địa phương đặc trưng văn hoá Việt Nam xưa và nay.

Công tác quản lý đô thị luôn được coi trọng kể từ thuở sơ khai. Công tác bảo tồn kiến trúc cổ rất được coi trọng gìn giữ. Lấy sản phẩm đó để giáo dục lịch sử cũng như phát triển kinh tế.

Đà Lạt hiện đang phát triển, trong đó có kiến trúc với đa phong cách: nhà ở, trường học, bệnh viện, công sở… nhưng Đà Lạt vẫn hoà hợp với thiên nhiên cây cỏ, địa hình vốn có của mình. Quy hoạch xây dựng đô thị và kiến trúc vẫn tạo nhiều nét chấm phá cho thành phố Đà Lạt thêm sinh động, hiện đại, xứng đáng với tên gọi “Pari thu nhỏ”. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Cố hương(19/04/2024)
Tháng Ba tìm lối ta về (19/04/2024)
Tản văn "Đêm nay hoa bưởi dậy thì" của tác giả Lê Phương Liên (19/04/2024)
Đi và về(19/04/2024)
Truyện ngắn "Chị Lành" của tác giả Vũ Ngọc Thư(19/04/2024)
Các tin cũ hơn
Kịch ngắn "Tham thì thâm" của tác giả Trần Thùy Linh(01/07/2022)
Chuyển động mùa(01/07/2022)
Khuổi Phụ (01/07/2022)
Tản văn "Hoa tím bằng lăng" của tác giả Đỗ Xuân Thu (30/06/2022)
Tác giả, tác phẩm: "Nhà thơ Hà Cừ lặng thầm cùng con chữ" của tác giả Nguyên Dã(30/06/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na