Những người từng trải nói rằng, chọn bút danh thế nào cũng được, có thể chọn tên quê, tên con… chứ đừng dại gì mà mang tên người yêu gắn vào, để khi tình yêu tan vỡ thì cái bút danh kia trở nên quá vô duyên.
Ví như nhà văn Đặng Ái. Tên khai sinh là Đỗ Minh Phong, nhưng tên thường gọi là Đặng. Tuổi mới tấp tểnh làm thơ văn, anh có yêu một cô gái tên là Sơn. Thế là anh ta lấy cho mình bút danh Đặng Ái Sơn, với ý nghĩa rất dễ hiểu là “anh Đặng yêu cô Sơn”, như một lời xí phần, thông báo với bàn dân thiên hạ. Nhưng chẳng bao lâu, tình yêu không thành, trong khi cái bút danh đó đã khá quen mắt độc giả, bỏ đi cũng tiếc, để lại thì trớ trêu, nên nhà văn đành cắt cái đuôi Sơn, còn lại Đặng Ái!
Tuy thế, nhà văn Đặng Ái cũng không "kiên định" được như nhà thơ Y Phương. Nhà thơ này tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, thời trẻ làm thuyết minh chiếu bóng trong quân đội, thích làm thơ và có yêu một cô tên là Phương. Thế là anh chọn bút danh Y Phương, tức là viết tắt chữ Yêu Phương đấy. Về sau tình yêu không thành, nhưng thơ viết ngày một hay, thà mất người chứ quyết không để mất bút danh. Và đến hôm nay anh vẫn là Y Phương, một nhà thơ dân tộc Tày, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Còn có thể dẫn ra rất nhiều câu chuyện phiếm thú vị quanh những tên và bút danh của các nhà văn. Có thể kể ra hàng loạt:
Có một lần nhà giáo Trần Tế đến nhà Đồ Nghệ chơi đúng lúc nhà phê bình Vũ Phương đang nói chuyện về văn học năm qua. Lúc sau lại có một bạn văn khác bước vào. Vì bạn văn này chưa quen hai ông khách đến trước, lại có tính đãng trí, giới thiệu rồi lại quên, cuối cùng Đồ Nghệ phải giới thiệu bằng một câu lục bát:
Đây là Trần Tế (không xương)
Còn kia đích thực Vũ Phương (không quần)
Để phân biệt Trần Tế với Trần Tế Xương tức nhà thơ Tú Xương; cũng như không nhầm lẫn nhà phê bình Vũ Phương với nhà thơ Vũ Quần Phương!
Lại nữa, có lần một công ty mời nhà văn Khuất Quang Thụy và nhà thơ Trần Đăng Khoa đi thực tế để sáng tác. Tối hôm đó công ty dẫn hai nhà văn ra phố chiêu đãi một chương trình Karaoke. Nhà văn tỏ ra thành thạo, trong khi nhà thơ thần đồng ngơ ngác ngồi như tượng gỗ, chỉ mong được về nhà để nghỉ. Sau chuyến đi của hai "nhà", trong cơ quan Tạp chí Văn nghệ quân đội xuất hiện câu ca dao:
Trời sao trời ở không cân
Kẻ Khuất Quang Thụy, người Trần Đăng Khoa!
Mùa xuân năm 1970, nhà thơ Trần Nhật Thu ra Hà Nội nhận giải thưởng cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ tổ chức. Đêm ngủ ở nhà khách, chăn quá mỏng, bị lạnh, không ngủ được, anh thức dậy nói chuyện gẫu. Anh nói rằng, ở Quảng Bình nóng thế mà trong hội văn nghệ đầy bông với dạ.
Lúc đầu bạn anh tưởng thật, sau mới biết anh nhắc tới Lâm Thị Mỹ Dạ và Nguyễn Thị Bông (tức nhà thơ Lê Thị Mây). Kỳ thi thơ đó Phạm Tiến Duật được giải nhất, thơ anh ai cũng thuộc, nhất là bài “Nhớ” chỉ có bốn câu. Khi bạn hỏi vì sao trằn trọc, Trần Nhật Thu trả lời bằng cách nhại thơ Phạm Tiến Duật:
Nằm ngửa nhớ Bông, nằm nghiêng nhớ Dạ
Nôn nao ngồi dậy nhớ
Xuân Hoàng!
Còn nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, vốn là một giáo viên dạy toán cấp ba. Anh giải thích rằng sở dĩ mình chọn bút danh như thế vì muốn làm một tảng đá núi Quỳ, bám chặt với quê hương - làng Đông Bích, một làng yêu văn học và có nhiều người làm thơ. Thế mà có khi cả năm người quê chẳng thấy mặt anh đâu. Rồi một lần anh trở về, đang đi trên đường làng thì có một người quen chặn lại, hỏi anh:
Thạch Quỳ ơi, Thạch Quỳ ơi
Tưởng là đá núi không rời quê hương
Mà sao suốt cả năm trường
Biệt tăm, đi tới những phương trời nào?
Biết người quê trách mình, sau một phút bối rối, Thạch Quỳ bình tĩnh lại và trả lời:
Xin tha cho cái thằng tôi
Muốn làm đá núi không rời quê hương
Mà nay kinh tế thị trường
Phải đi viết để… tăng lương cho mình.
Nghe kể rằng từ đó về sau, Thạch Quỳ chăm về quê hơn, mà nếu nhỡ ra có khi nào đó ít về, thì dân quê cũng thông cảm, vì “cơm áo không đùa với khách thơ” nên Thạch Quỳ dù là đá thật, thì cũng phải đổ mồ hôi vì cuộc sống.
Tại trại sáng tác Nha Trang năm 2003 có nhiều nhà văn cả nước tham gia. Nhà văn Nguyễn Quang Hà viết tiểu thuyết, chữ chi chít đầy trang. Nhà văn Bá Dũng đưa lên xem, mãi mà chưa thấy một dấu chấm qua hàng. Đến bữa ăn, Bá Dũng nêu ra một vế câu đối:
Quang Hà viết sách chẳng qua hàng
Và thách các "nhà" đối thử. Vế ra này thực chất không khó, chỉ một ràng buộc là chữ Quang Hà nói lái thành qua hàng. Cái khó là phải đối ngay. Hầu như tức thời, một nhà thơ đối:
Lê Lựu rời quê còn lưu lệ
Ý nói mỗi lần nhà văn Lê Lựu về thăm quê, sau khi ra đi còn nhỏ nước mắt thương quê hương anh Sài vất vả. Ghép lại thấy khá chỉnh:
Quang Hà viết sách chẳng qua hàng
Lê Lựu rời quê còn lưu lệ
Hay! Nhiều nhà văn thốt lên khen. Tuy vậy, có một nhà biên tập văn kỳ cựu bổ sung ý kiến:
- Đối cho vui vậy thôi, chứ sự thực bản thảo ông Lê Lựu còn ít qua hàng gấp mấy lần bản thảo ông Quang Hà!