Mỗi khi nghĩ về người lính, trong tôi, không biết tự bao giờ vẫn cứ ám ảnh bởi hình ảnh rất đỗi thiêng liêng và gần gũi: người chiến sĩ hải quân tay ôm súng hiên ngang hướng mắt ra xa xăm trong sách vỡ lòng thủa bé. Nó hiện lên như một bức phù điêu về lòng dũng cảm và là niềm tự hào dân tộc của cha ông ta thủa trước. Mãi cho đến sau này vẫn thế, hình ảnh đó vẫn nhuốm màu huyền thoại trong trí nhớ tôi, những đứa trẻ được sống và lớn lên trong thời khắc hòa bình rằng những chú bộ đội ấy vẫn mãi mãi bất tử, mãi mãi đứng canh giữ ngoài đảo xa để cho chúng tôi có những mùa xuân nở hoa sum vầy hạnh phúc…
***
Hẹn hò mãi tôi mới gặp được anh Lê Hữu Thảo khi anh vừa kết thúc chuyến đi vào Quảng Bình thăm mộ người đồng đội anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương (nguyên đại đội phó đã hi sinh ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma) sau 25 năm mong mỏi và chờ đợi. Hình như, những dư âm về cuộc gặp gỡ vẫn chưa lắng xuống khi anh cho tôi xem những tấm ảnh đầy nước mắt của mình và mẹ người đồng đội cũ. 25 năm, thời gian quá dài cho một sự chờ đợi, một sự gặp gỡ mà anh đã ấp ủ. Mọi sự chuẩn bị nghiêm cẩn trong tôi khi đối diện với một nhân chứng lịch sử phút chốc bị đảo lộn khi gặp anh, một con người trẻ hơn so với tuổi và hết sức gần gũi, thân thiện. Khi nghe tôi trình bày muốn nghe anh khể về cuộc chiến ở Gạc Ma- Cô Lin- Len Đao 25 năm về trước, anh vui vẻ sẵn sàng. Và câu chuyện cứ thế cuốn chúng tôi- những người sinh sau chiến tranh như một thước phim tư liệu sinh động và cực kì quý giá về một thời máu lửa của dân tộc.
Thật ra, câu chuyện về trận hải chiến Trường Sa tôi đã được nghe, đọc và xem rất nhiều lần ở trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã được nghe những nhân chứng lịch sử kể về trận chiến ác liệt này. Nhưng hôm nay, khi ngồi đối diện với anh Lê Hữu Thảo- 1 trong 9 người sống sót trở về từ Gạc Ma năm 1988, được nghe anh kể, tôi như được sống lại với những khoảnh khắc bi hùng thấm đẫm máu và nước mắt đó.
Trong câu chuyện anh kể, tôi hình dung được toàn bộ bức tranh về con người anh: Sinh ra tại xã Hương Thủy thuộc huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Tháng 2/1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Hữu Thảo lên đường nhập ngũ rồi được bố trí vào Lữ đoàn 147, lính thủy đánh bộ thuộc Quân chủng Hải quân đóng quân ở Quảng Ninh. Cuối năm 1987, và đầu năm 1988, Trung Quốc lại gây hấn với ta ở đảo Trường Sa. Trước tình hình đó, đơn vị anh nhận lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Từ đó đơn vị anh được bổ sung vào một đại đội mới được thành lập để đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại Trường Sa.
Việc đi ra chiếm giữ cụm đảo Gạc Ma- Cô Lin- Len Đao thuôc cụm đảo Sinh Tồn là môt nhiệm vụ bí mật cấp tốc, có nguy cơ xung đột vì lúc đó Trung Quốc đã kéo tàu từ hạm đội Hải Nam xuống Trường Sa. Trước nhiệm vụ đặc biệt đó, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương lệnh cho vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, Trung đoàn 83 Công binh... chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 cũng được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Hồi 9 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ - 604 do Trung úy Nguyễn Phi Trừ làm Thuyền trưởng chở theo hai khung đảo nhằm hướng đảo Gạc Ma thẳng tiến. Cùng lúc, tàu HQ - 505 do Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy nhận lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía đảo Cô Lin. Phối hợp cùng hai tàu HQ - 604 và HQ - 505 là hai phân đội công binh thuộc Trung đoàn Công binh 83 và 22 người thuộc 4 tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146 do Lữ đoàn phó Trần Đức Thông chỉ huy, cùng 4 chiến sĩ của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng tham mưu). Sau gần một ngày, một đêm hành quân trong điều kiện biển động dữ dội do mưa to, gió lớn, vận tốc trung bình chỉ đạt khoảng 8 hải lý/giờ, đến 21 giờ đêm 13-3, tàu HQ - 604 và tàu HQ - 505 đã tiến sát đảo Gạc Ma và Cô Lin. Sở Chỉ huy điện lệnh: Bộ phận giữ đảo phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, đồng thời lực lượng công binh chuyển vật liệu xây dựng lên đảo. Thực hiện mệnh lệnh, tàu HQ - 604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 bí mật thả xuồng, cấp tập chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma, đồng thời lực lượng của Lữ đoàn 146 nhanh chóng đổ bộ triển khai công tác bảo vệ đảo. Trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Hải quân Việt Nam, đối phương điều thêm tàu trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, tiếp đó, 6 giờ sáng 14-3, chúng thả thuyền nhôm, cho 40 quân đổ bộ lên đảo...
Gần 6 giờ sáng, anh Phong và anh Phương giao nhiêm vụ cho Lê Hữu Thảo mang theo 2 khẩu AK 47 và gọi thêm vài đồng chí nữa xuống chỉ huy cắm cờ, bảo vệ cờ. Khi mọi người đang làm việc thì 4 tàu khu trục của Trung Quốc lại ập đến, (1 tàu đậu xa hơn) đổ bộ ồ ạt xuống đảo. 50 tên đều được trang bị súng AK, áo chống đạn. Chúng bao vây thành một vòng tròn và liên tục gây hấn khiêu khích. Khi đó, hai bên giằng co rất quyết liệt. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Anh Nguyễn Văn Lanh xông lên cắm lại cờ cũng bị đâm và bắn bị thương. Do Hải quân Việt Nam kiên quyết giữ cờ, không rút khỏi đảo, đối phương kéo ra xa và bất ngờ nã pháo liên tiếp vào Gạc Ma và tàu HQ - 604. Trong cuộc chiến không tương quan lực lượng này, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hi sinh. Sự kiện Hải chiến Trường Sa năm 1988 này trong các tài liệu của Hải quân Việt Nam, được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).
Sự kiện ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử một cách bi hùng như thế. Biết bao người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như anh Lê Hữu Thảo một thời, nay lại trở về với cuộc sống thường nhật đầy lo toan vất vả. Tôi hỏi anh: kỉ niệm nào làm anh nhớ mãi? Anh cười kể rằng : Anh vẫn nhớ ngày trên đường vào Nam, khi qua vùng Hà Tĩnh quê mình anh đã "gửi" hai lá thư bằng con đường kì lạ nhất, thả xuống giữa đường ngay nhà ga Chu Lễ và ngoài phong bì có ghi "con đi chiến đấu ở Trường Sa, hành quân qua không ghé được thăm nhà, bà con cô bác ai nhặt được, làm ơn chuyển giúp kẻ đi xa đến địa chỉ...". Một bức anh gửi về cho bố mẹ: "Con đang đi làm nhiệm vụ xa. Bố mẹ không được âu sầu, buồn bã, hãy tự hào và hãy vui lên vì có một người con sẵn sàng cống hiến và hi sinh cho Tổ quốc". Một bức anh gửi cho những người trong chi đoàn nơi anh sinh hoạt trước đây, nhờ mọi người thường xuyên đến động viên và giúp đỡ bố mẹ anh, vì nhiệm vụ lần này anh nhận rất có thể sẽ hy sinh. Trước giờ lên đường đi làm nhiệm vụ, anh gửi lại cho đồng đội Nguyễn Trọng Độ một tấm vải mà đời lính anh dành dụm mua được, và dặn: Có thể đây là lần chia tay mãi mãi, bạn nhớ cầm tấm vải này về cho gia đình mình để làm kỷ niệm, coi như kỷ vật cuối cùng.
Cuối cùng, bức thư ấy cũng đến được tay người nhận. Bố mẹ anh nhận được thư con cứ khóc ròng. Cả làng quê miền núi heo hút yên bình đó phút chốc không còn yên bình nữa. Người ta càng nhắc, càng kể nhiều đến anh càng khiến bố mẹ anh nẫu ruột hơn. Dẫu rất tự hào rằng: đứa con trai của mình đã quyết tâm hi sinh vì Tổ quốc cũng không thể không chạnh lòng khi nó còn quá trẻ. 22 tuổi vẫn còn là quá trẻ!
Tôi lặng im nghe, cố gắng không hỏi nhiều sợ chạm phải những ẩn ức thẳm sâu trong trái tim người lính đang hồi cố về một thời máu lửa của mình và đồng đội. Anh Thảo vẫn ngồi im bất động. Hình như những kí ức đau thương bi hùng nhất lại hiện về trong anh- những người đồng đội anh lúc đó đã có một cuộc chiến đẫm máu, không cân sức giữa một bên là gậy gộc, cuốc xẻng của lính công binh và một bên là các tàu chiến Trung Quốc đồng loạt nổ súng từ 12ly7, 37ly, 76 ly và cả đạn cối nữa. Lửa bao trùm tàu HQ 604. Vòng tròn người nắm tay nhau cố gắng giữ đảo, giữ cờ Tổ quốc trong phút chốc bị địch tấn công. Do lực lượng của ta quá mỏng trước thế lực của địch, sau một hồi chống cự, các chiến sĩ của ta buộc phải lặn sâu dưới nước để tránh đạn. “Khi tôi ngoi lên mặt nước lần thứ 3, thì thấy một quầng lửa bay lên từ tàu HQ 604 đồng thời tàu nghiêng mạnh rồi chìm hẳn. Đến trưa, thủy triều lên, nước dâng ngang ngực. Xuồng thì bị bắn thủng lỗ chỗ. Những chiến sĩ ở trên đảo còn sống, chia nhau tìm đồng đội.”
Nói đến đó anh lại im lặng, mắt rơm rớm nước. Tôi nhìn con người nhỏ nhắn giản dị và hiền lành trước mặt mà không thể hình dung ra được anh đã từng chiến đấu ở Gạc Ma- Cô Lin- Len Đao năm 1988. Rằng anh là một trong những mắt xích kết nối vòng tròn bất tử mà chúng tôi từng tụng ca lịch sử. Chợt ngẫm ra rằng: những kí ức, những sự kiện rành rọt tỉ mẩn về trận tử chiến trên cụm đảo Gạc Ma- Cô Lin- Len Đao, những ngày thiếu thốn trăm bề, những ngày lênh đênh trên biển với khát khao lớn nhất là thấy được lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đảo là những ngày quý giá nhất mà cuộc đời anh có được.
Và ngạc nhiên.
Khi anh cứ say sưa về một vùng kí ức thăm thẳm sóng biển và sóng biển. Tôi lại một lần nữa chạnh lòng. Hình như, anh đang tránh không muốn nói đến cuộc sống hằng ngày của mình. Bạn tôi kể thế này: “Một buổi chiều cuối tháng 12 trời lất phất mưa, Thảo và tôi ngồi uống cà phê trong một quán nhỏ ven đường. Nhìn dòng người nườm nượp mua hoa, mua quà tặng người thân ngày 22/12, Thảo nói: Mình đã từng là lính, lính Trường Sa ông ạ! Lúc đó, tôi nhìn Thảo như từ trên trời rớt xuống. Một con người nhỏ nhắn, giản dị đến khiêm nhường đang lăn lộn với cuộc sống rất vất vả này đã từng là lính. Nếu Thảo không nói ra, có ai biết được anh đã ở Trường Sa!”.
Người cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo – hiện sống trong một căn gác trọ ở Thành phố Hà Tĩnh. Anh nghèo. Cuộc sống cho đến nay chưa có vợ con, nhà cửa và nghề nghiệp ổn định. Nhìn anh, tự nhiên tôi cứ nghĩ đến những người lính hậu chiến bị "lạc thời" trong hoàn cảnh sống mới, cứ chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hi sinh mất mát một cách lặng lẽ nhất mà không hề đòi hỏi hay nuối tiếc.
Thật ra tôi đã khơi gợi trong anh những chuyện tưởng chừng như khó nói, khó nghĩ và day dứt trong anh về việc giờ đây, khi anh trở về với cuộc sống đời thường mà không có được một sự khen thưởng, không có danh hiệu gì như các đồng đội từng chiến đấu cùng anh đã vinh dự được nhận. Anh chỉ lặng lẽ lắc đầu. Anh chưa từng đòi hỏi công danh hay chế độ ưu đãi gì, dù vất vả, kham khổ nhiều lúc tưởng không thể vượt qua. Quá khứ, dẫu oai hùng thì vẫn đã là quá khứ, hiện thực trước mắt mình phải tự vượt qua thôi. “Ngày đó, anh đâu nghĩ mình chiến đấu vì công danh, hay vì chế độ ưu đãi sau này mà luyến tiếc, day dứt. Mình còn sống sót mà trở về với cuộc đời này đã là may mắn lắm rồi, còn những người vì Tổ quốc mà ngã xuống vẫn mãi là những chiến sĩ vô danh không còn tên tuổi, lẽ nào họ cần một lời xác thực cho chiến công của họ?”.
Câu nói của anh như một sự khẳng định trong tôi về hình ảnh một người lính biển. Sự hi sinh thầm lặng của anh khiến thế hệ trẻ chúng tôi phải chạnh lòng nhìn lại chính mình. Chúng tôi đang sống trong hòa bình, hưởng thụ và tham vọng. Đôi khi, sự tham vọng và lòng ích kỉ mong muốn người khác phải ghi nhận những đóng góp của mình mà trở thành một con người khác, bản năng, vụ lợi và yếu hèn mà không nhận ra rằng: những gì từ trái tim ắt hẳn sẽ đi đến trái tim bằng tất cả sự rung động chân thành nhất. Người lính bước ra khỏi cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc để rồi lại bước vào một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt để bảo vệ chính mình trước sự cám dỗ của thời đại. Dồn nén tận cùng, những trăn trở suy tư tận cùng xúc cảm. Những thương tổn về thể xác và những chấn thương về tâm hồn trong suốt cuộc chiến tranh đầy cam go khốc liệt. Họ đã hi sinh những gì là cá nhân của mình để đi theo tiếng gọi yêu nước của cả một dân tộc đang sục sôi đấu tranh giành độc lập... Sau khoảng lặng khá dài, giọng anh chùng xuống, giờ đây, những người lính xuất ngũ trở về với bộn bề cuộc sống đời thường, họ chịu rất nhiều áp lực về tuổi tác, về trình độ về sức khỏe... đó là một mẫu số chung cho tất cả những người lính trở về sau những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. "Trên đất nước ta không có nơi nào không có nghĩa trang, không có người lính. Nước ta còn nghèo, chế độ chính sách vì thế cũng không thể đi sâu đi sát hết được. Chỉ hi vọng rằng trời cho sức khỏe để tiếp tục tồn tại vì mình, vì gia đình và nếu một lần nữa Tổ quốc cần là sẵn sàng em ạ”.
Tôi đem câu chuyện của những người đã từng đến Trường Sa cứ kể về chiếc phong linh được treo trước cửa một căn phòng trên đảo Len Đao mà cho đến bây giờ những thế hệ ra giữ đảo sau này không còn nhớ chính xác sự hiện diện của nó từ bao giờ nữa, nhưng họ chắc chắn một điều rằng nó có liên quan mật thiết đến ngày 14.3.1988 ở cụm đảo chìm Len Đao- Cô Lin- Gạc Ma này. Thế nhưng, người trong cuộc chính là anh - 1 trong 9 người trở về từ cuộc chiến này cũng không thể nào nhớ nổi, chỉ nhớ rằng đồng đội anh ở đó, 64 người đã vĩnh viễn nằm lại với đại dương xanh thẳm. Tôi cũng không nghĩ nhiều về chuyện ai đã làm ra chiếc phong linh ấy, chỉ thấy được rằng: giờ đây, chiếc phong linh với lon sữa bò và những viên đạn 12 ly gỉ sét ấy vẫn đang reo khi mỗi đợt gió thổi trên đảo Len Đao như nhắc nhở về một sự kiện mãi mãi trở thành bất tử, là minh chứng sống động nhất cho lòng quả cảm của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hiên ngang, bất khuất canh giữ biển trời Tổ quốc.
Đột nhiên thôi, tôi có một tham vọng rằng, giá tôi có thể trở thành một nhà làm phim tài giỏi, có thể biến được câu chuyện mà người lính Trường Sa Lê Hữu Thảo vừa kể trở thành một bộ phim chân thực và sống động để thế hệ sau này có thể hình dung về những gì cha anh đã từng chiến đấu. Điều đó mới làm nên những bức phù điêu vững chắc trong lòng thế hệ sau này về lòng tự tôn và tự hào dân tộc. Và lẽ dĩ nhiên bộ phim ấy sẽ được bắt đầu từ người kể chuyện Gạc Ma- Cô Lin- Len Đao - Trường Sa!