Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tùy bút "Việt Nam chiến tranh và hòa bình" của tác giả Văn Duy
15/04/2022 12:00:00

 
 
 

Lớp người được sinh ra từ sau chiến tranh biên giới 1979 nay đã ngoài 40 tuổi. Có người đã có cháu nội ngoại gọi bằng ông, bằng bà. Nhanh thật. Cái giếng tròn vành vạnh ở trước động Kính Chủ (di tích quốc gia Đặc biệt thuộc phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn) chính là hố bom Mỹ ném vào năm 1967. Một dãy hố bom liên tiếp phía ngoài giếng kia nay thành hồ nuôi cá, khoán cho dân. Chả còn vết tích gì. Thời gian xóa đi tất cả. May mắn còn lại là mấy lô cốt boong ke của Pháp ở trên đỉnh núi đá bằng bê tông cốt sắt vẫn tồn tại từ 1952, bẩy mươi năm rồi vẫn trơ cùng mưa nắng như nét mặt bọn xâm lược không biết xấu hổ là gì.

Lớp người ấy tuy chưa già nhưng cũng không còn trẻ. Họ chào đời trong hòa bình, lớn lên trong hòa bình. Lớp con cháu họ cũng thế. Nghe lớp già (cha, ông họ) kể chuyện “ngày xưa”, bất giác họ hỏi: “Chiến tranh là gì?”. Ở từ điển tiếng Việt giải nghĩa rồi đấy: “Chiến tranh là sự xung đột vũ trang giữa các dân tộc, các quốc gia, các giai cấp, các tập đoàn nhằm thực hiện mục đích kinh tế, chính trị nhất định”. Đúng thế nhưng họ vẫn mơ hồ lắm, chưa hình dung được. Thì đây, đã có thơ, có văn, có họa, nhạc, kịch, phim... bao nhiêu thứ viết về chiến tranh. Cũng khói lửa, cũng tiếng súng, tiếng bom, cũng người chết, nhà cháy... Vậy mà họ vẫn không hiểu chiến tranh, bởi vì dù khéo đến đâu, tài đến đâu thì chiến tranh trong nghệ thuật vẫn là ảo, vẫn không thật. Họ vẫn là người ngoài cuộc, xem chiến tranh. Mà chiến tranh thật có ai đi xem bao giờ. Mùi thuốc súng khét lẹt. Đạn rít qua mang tai cháy má. Máu người hoặc máu mình chảy thật. Vết thương đau và buốt. Những xác chết vắt ngang chiến hào đủ mọi tư thế... Sợ lắm chứ. Nói đến đạn bom, chết chóc mà bảo không sợ là không đúng. Nhưng khi vào trận rồi, hăng máu lên, không nhanh mà diệt kẻ thù thì nó giết mình. Có vậy thôi.

Ấy là với bộ đội, du kích, dân quân, những người trẻ khỏe, có súng gươm trong tay. Còn với dân thường: các cụ già, trẻ nhỏ, phụ nữ... chiến tranh là thế nào? Làng phải lập tề. Pháp cho xây bốt, bắt trai làng ra làm lính gọi là hương dũng. Dân làng gọi tắt là lính dõng (hay gọi là ngụy quân). Chính quyền trong tay Pháp. Đại gia đình nhà cụ Tiên chỉ nắm hết mọi quyền hành. Con trai cụ làm Xã ủy. Cháu cụ làm đồn trưởng, đồn phó... Xã ủy giỏi tiếng Tây nên Pháp quý lắm. Pháp cho súng, cho đạn, cho dây thép gai... cho bốt có quyền cai quản mấy làng bên. Bốt làng tôi oai lắm. Có lần cho lính sang càn quét làng Sồi. Cũng cướp đồ đạc. Cùng bắt một chị phụ nữ “Việt Minh” về bốt tra khảo. Vì ác quá cho nên cuối năm 1951, bộ đội ta hạ bốt. Trận đánh diễn ra suốt đêm. Chúng ngoan cố không đầu hàng nên gần sáng, bộ đội đánh bộc phá. Bốt đổ. Tất cả lính dõng trong bốt chết gần hết. Nhà cụ Tiên chỉ chết 5 người: cụ, em trai cụ, con trai, cháu trai và cả cháu đích tôn nữa. Sáng cả làng ra xem. Đống gạch vỡ khổng lồ trộn lẫn xác người bê bết máu. Tiếng khóc, tiếng kêu la ngút trời. Chiến tranh là thế.

Bốt giặc không còn. Làng tôi thành làng tự do, rồi thành làng kháng chiến. Bọn giặc Pháp càng điên cuồng, sục sôi. Có thời gian chúng bắn đại bác về làng một tháng liền. Cứ bốn giờ chiều chúng lại bắn, chừng nửa tiếng rồi thôi. Tiếng súng như tiếng trống trận dồn dập. Tiếng đạn réo rợn người. Không biết bao nhiêu nhà cửa bị phá hủy. Số người chết lên tới hàng chục. Chiến tranh là thế. Một hôm làng báo tin hai ngày nữa giặc càn quét. Trận càn này rất lớn, có cả máy bay, xe tăng, đại bác. Quy mô rộng mấy huyện. Dân làng thở dài, ngao ngán, sợ sệt. Nồi, chậu, bát đĩa... dìm xuống ao. Bố tôi đào nền nhà, lót lá chuối khô, cót để chôn thóc. Người già, đàn bà, trẻ con đi tản cư. Du kích chuẩn bị chống càn: sửa công sự, hào chiến đấu, hố chông, mìn... Trận càn diễn ra. Giặc đóng lại ở làng tới ba ngày. Tôi cùng mẹ, em, ông bà nội và một số gia đình ngồi tập trung trong một ngôi nhà năm gian của làng công giáo, đinh ninh là giặc không càn. Vậy mà nửa buổi, giặc đã ập tới. Mấy tên lính ngụy hung tợn xông vào. Bà con chắp tay “lạy quan lớn” như tế sao. Trẻ con khóc. Tiếng kêu la váng nhà. Một tên lính to lớn vạt đám đông ra bước vào ngó gầm giường. Nó lôi được hai chị phụ nữ ra. Hai chị cũng mới 18 tuổi, chưa chồng. Các chị kêu khóc rầm rĩ. Mấy thằng nữa xông tới tát rồi túm tóc hai chị ra chân đống rơm đầu nhà thay nhau hãm hiếp. Chiến tranh là thế! (Đến năm 2021, một chị vẫn còn, ở vào tuổi 90). Năm giờ chiều, giặc rút khỏi làng. Chúng tôi về. Thật không thể tưởng tượng nổi. Toàn bộ đình, chùa, văn chỉ và những cây đa, cây muỗm cổ thụ hàng trăm năm bị giặc dùng mìn phá sạch. Gạch ngói, tre gỗ, cây cối ngổn ngang. Hầu hết nhà tre lợp rạ bị đốt sạch. Các lũy tre, lá chuối bị lửa thiêu. Xác lợn vứt lung tung. Xác chị du kích bị bắn nằm úp trên bờ giậu. Tôi về đến nhà. Cả nhà ở, bếp, công trình phụ giờ là những đống tro còn rực lửa. Con lợn sề bị nướng chín trong chuồng. Bố tôi bặm môi lại lôi con lợn ra. Mẹ tôi vừa làm vừa khóc... Hôm ấy là tết ông công, ông táo năm 1953. Bảy ngày nữa là tết rồi. Làm sao đây. Chiến tranh là thế!

Miền Bắc không tiếng súng được 10 năm thì ngày 5-8-1964, giặc Mỹ lại cho máy bay đánh phá miền Bắc. Hồng Gai bị đánh ngay loạt đầu. Trong trận này, anh Chung ở xóm tôi là bộ đội hải quân hi sinh sớm. Tối hôm ấy, đơn vị đưa xác anh về gia đình. Cả làng tôi mất ngủ, nườm nượp đến chia buồn. Chiến tranh với Mỹ đã đến làng tôi, xóm tôi rồi. Cứ thế chúng ném bom đánh phá cầu Phú Lương, cầu Lai Vu. Ném bom kho thóc Thất Hùng, kho xăng Kính Chủ (Kinh Môn), ném bom ga Hải Dương, ném bom các trận địa pháo khắp nơi. Mỗi vùng chúng ném bom hàng chục lần. Mùa hè 1972, chúng ném bom khu vực đò Hàn. Chị tôi là y sĩ trạm xá xã đi phục vụ dân công bị chết vì sức ép của bom nổ. Mẹ tôi khóc chị không thành tiếng. Nghe tiếng mẹ khóc, tôi nhận ra ở đời có nhiều tiếng khóc khi mất người thân nhưng không tiếng khóc nào xót xa, sâu lắng như tiếng mẹ khóc con. Chiến tranh đã đến nhà tôi rồi. Lúc ấy nếu ai hỏi chiến tranh là gì? Hãy nhìn những dòng nước mắt của mẹ tôi. Câu trả lời là đấy.

Vượt ra ngoài làng tôi, tỉnh tôi, đâu đâu cũng thấy đau thương và khốc liệt. Bao chiếc cầu qua sông ngã gục. Bao nhà máy tan hoang. Khu phố Khâm Thiên Hà Nội, bao xác trẻ em, cụ già lẫn trong đống gạch nát do bom Mỹ. Hà Nội, Hải Phòng có hàng trăm điểm bị Mỹ đánh phá. Không tháng nào không có giấy báo tử gửi về làng quê, phường, phố. Khăn tang trắng chồng thêm khăn tang trắng. Dân ta đau đớn quá, khóc cạn nước mắt thì đứng lên, bặm môi lại, trừng mắt nhìn rồi tiếp tục cho trai tráng lên đường; lại “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đường ra trận lại vang khúc quân hành “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Chiến tranh là thế!

Ở miền Nam còn khủng khiếp hơn. Những năm sáu mươi (thế kỉ trước) Luật 10/59 ra đời. Quân giặc kéo lê máy chém khắp nơi để giết những người yêu nước, chống ngoại xâm với khẩu hiệu “Giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Cùng các ấp chiến lược mới lập ra, nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa... được xây to hơn. Tù nhân lúc nào cũng chật ních. Năm 1965, quân Mỹ ồ ạt nhảy vào. Sau đó là quân Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Philippines, New Zealand vào đánh thuê cho Mỹ. Những sư đoàn rất hiện đại, rất thiện chiến với những cái tên như: Anh cả đỏ, Mãnh Hổ, Rồng xanh “Tia chớp nhiệt đới”, “Trâu điên”,... với những cuộc càn quét như “Tìm diệt”..., “Phượng hoàng vồ mồi”, “Quả đấm thép”, “Lưỡi lê bạc”... cùng những cuộc thảm sát dân thường không thể tưởng tượng nổi về sự man rợ. Đó là thảm sát: Chợ Được, Vĩnh Trinh, Cây Cốc, Chiên Đàn (Quảng Nam), Sơn Mỹ, Tây Ninh, Bình An (Bình Định), Sơn Tịnh, Bình Hòa, Mỹ Lai (Quảng Ngãi), Long Mỹ (Hậu Giang), Vĩnh Lợi (Sóc Trăng)... Chiến tranh là thế!

Mạnh như Mỹ. Giàu như Mỹ. Hiện đại như Mỹ đã đổ vào miền Nam nước ta 543.400 quân gồm các binh chủng. Lại thêm 68.800 quân của sáu nước chư hầu nhảy vào đánh thuê. Chưa hết, 34 nước khác tham gia góp cho Mỹ về hậu cần, vận chuyển, huấn luyện, lương thực, thuốc men, trang bị kỹ thuật, chuyên gia... (Theo chương XIX Hồi kí Oét-mô-len xuất bản ở Mỹ 1976). Đấy là chưa kể khoảng một triệu quân ngụy của Việt Nam Cộng hòa. Có thể nói như thế là chúng ta phải đánh nhau với thế giới chứ không riêng với Mỹ ngụy. Vậy mà chúng ta thắng. Những người sống ở chiến khu D ở rừng Sác, ở Địa đạo Củ Chi, địa đạo Vĩnh Mốc, ở rừng núi, làng xã, phố phường với vũ khí rất đỗi thô sơ đã thắng. Chiến tranh cuối cùng phải kết thúc.

Hòa bình trở lại. Nước ta có mấy lần hòa bình. Năm 1945 hòa bình nhưng chỉ ở miền Bắc. Năm 1975 hòa bình nhưng vẫn chưa thật yên. Phải kể từ 1980 đến nay ta mới có hòa bình thực sự. Lớp U40 trở lại đây, mở mắt ra thấy trời xanh, mây trắng, đường rộng thênh thang, tàu xe tấp nập, nhà máy, phố phường đồ sộ, đẹp hoành tráng, nhà cao tầng mọc lên khắp nơi, hàng hóa bạt ngàn,... Họ không biết đói là gì... Và họ nghĩ đó là tất nhiên. Không. Chẳng có cái gì là tất nhiên đâu! Dân tộc này đã mua hòa bình bằng cái giá quá đắt. Cái giá ấy gần một thế kỷ nô lệ; là 50 năm chiến tranh và Mỹ cấm vận; là hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh, huyện, xã. Lớn hơn cả là 4 nghĩa trang Quốc gia mà tiêu biểu nhất là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi quy tập 10.333 ngôi mộ. Đấy là chưa kể bao liệt sĩ còn nằm lại nơi rừng núi nước ta, nước Lào, nước Cam-pu-chia; nằm lại dưới đáy sông Thạch Hãn, nằm lại dưới đáy biển Đông... Bây giờ thì các lớp U40, U50 về sau chắc không ai nghĩ hòa bình là trời cho, là tất yếu nữa.

Hòa bình quý lắm. Hòa bình đẹp lắm. Hòa bình đồng nghĩa với hạnh phúc. Hòa bình là lẽ sống của nhân loại. Có phải vì thế mà thế giới sinh ra lá cờ hòa bình có màu xanh da trời, ở giữa có hình chim bồ câu trắng đang bay; ngày 21-9 hàng năm là ngày hòa bình thế giới; ai có công lao với sự nghiệp hòa bình của nhân loại thì được trao giải thưởng Nô ben- giải thưởng có giá trị lớn nhất trong các giải thưởng. Bao nhà thơ thế giới làm thơ ca ngợi hòa bình như NazimHikmet (Thổ Nhĩ Kỳ), Xi-mô-nốp (Nga), Nê-ru-đa (Chi Lê), A-ra-gông (Pháp), Ben-ja-min (Hung-ga-ri), Ghi-đen (Cuba), Bec-tôn-brech (Đức)... Bao tổ chức vì hòa bình của thế giới ra đời. Bao văn bản nhằm bảo vệ hòa bình thế giới ra đời. Bao tổ chức chống chiến tranh của nhân loại xuất hiện...

Chiến tranh và hòa bình. Mỗi người tùy vào tuổi tác, vị trí, hoàn cảnh sống... mà có cái nhìn khác nhau. Song, phải nhìn nó bằng con mắt của nhân dân, theo nguyện vọng nhân dân. Chỉ có sống thực qua chiến tranh mới hiểu hết giá trị của hòa bình. Đó là chân lý không của riêng Việt Nam. Hãy giữ lấy hòa bình. 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Chuyện làng Văn nghệ: "Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết ca trù" - Nguyễn Hữu Phách (sưu tầm)(31/03/2022)
Mưa xuân(30/03/2022)
Mùa xuân mới(30/03/2022)
Gieo hạt mùa xuân (29/03/2022)
Mẹ ơi... (29/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na