Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Phía chiều dậy hương" của tác giả Vũ Thị Thanh Hòa
18/04/2022 12:00:00

1- Lúa sắp đỏ đuôi hết cả rồi mà lại giãn với chả cách, phong với chả tỏa. Bực mình thật!

 
 

Minh họa của Bùi Quang Đức 

 
- Không làm nghiêm ngặt như thế, cứ cho dân đi lại thả phanh thì mấy mà toang. Rồi dịch lại chẳng lan hết cả xã, cả huyện ấy chứ. Chả nhẽ ông lại muốn thế sao?

Ông Duẫn biết mình đuối lý đành im re nhưng trong lòng vẫn ôm cái hậm hực. Bà Nụ nói vậy nhưng thực tình cũng sốt ruột chẳng kém. Tầm này mọi năm thóc đã phơi mình trên sân. Ngoài đồng chim sẻ ríu rít từng bầy sà xuống chân ruộng để nhặt nhạnh những hạt thóc rơi vãi. Chỉ qua hai nắng là thóc già. Rê, quạt phe phẩy vài cái có thể đổ vào hòm được rồi. Xong xuôi đâu đấy, kiểu gì ông Duẫn cũng bắt đôi vịt béo mẫm để làm mâm cơm cúng lúa mới. Cái món tiết canh là món khoái khẩu của cả nhà chứ nào riêng mình ông. Chỉ cần nghĩ đến hình ảnh các cháu nhồm nhoàm cái đùi vịt và xì xụp bên bát sáo măng, hai anh con trai, con rể chạm chén, nâng lên đặt xuống khề khà cùng ông bố với đĩa vịt luộc đầy ú, bà Nụ lại thấy nhớ. Cái con Covid chết tiệt làm cho bao niềm vui bé mọn, cả những điều bình thường nhất cũng bị đè nén. Nhà bà Nụ chăn nuôi mát tay, có vài đồng tích cóp, con cái thêm vào cũng mở được cho vợ chồng bà cái quán tạp hóa nhỏ ở ngay giữa làng. Quán nằm cạnh cây cầu đá, dưới tán cây bàng già vạm vỡ xòe tán rộng, xanh um bốn mùa che nắng che mưa. Quán giữa làng nên thường ngày khách ra khách vào suốt. Thấy vợ chồng bà xởi lởi, dễ tính nên đôi khi người quen những lúc ngại đi chợ, có buồng chuối, rổ hồng xiêm chịu tay hay chục trứng gà mới đẻ lại mang ra quán gửi. Bà Nụ chẳng nỡ nhận đồng nào của họ bao giờ. Thi thoảng họ mới gửi, không phải lúc nào cũng có đồ để nhờ bà bán hộ. Chẳng qua chỉ mất thêm tí chỗ cho họ gửi đồ, mà bà lại cóp nhặt được khối chuyện từ khách. Bà cũng thấy vui.

Quán nhà bà, thông tin sốt dẻo còn loan nhanh hơn cả cái loa truyền thanh của xã. Chả thế mà, ngồi nhà bà Nụ có thể biết rõ trong làng ông nào bà nào đã tiêm vắc xin rồi, nhà nào còn chần chừ, nấn ná chưa tiêm. Ở ngay mặt đường, lại là chỗ bán hàng, nhỡ có trường hợp F nào tiếp xúc có mà không lo sốt vó mới lạ. Thế nên cả hai ông bà đăng ký tiêm ngay từ đợt đầu. Đợt tiêm vừa rồi, chị Loan nhà bà Thạch ở xóm bên vừa tiêm xong, bên Trạm Y tế đã phải chuyển gấp lên bệnh viện huyện vì bị sốc phản vệ. Mấy hôm sau chị được xuất viện mà mừng như từ cõi chết trở về.

- Ông chủ quan quá. Có lấy đồ đưa cho khách thì cũng phải đứng cách xa người ta ra, đeo khẩu trang mà có lúc lại kéo xuống tận cằm thì còn có tác dụng gì nữa? Mấy anh công an người ta bắt được lại chả phạt cho ông lên bờ xuống ruộng ấy à?

- Đeo suốt cả ngày bí bách, có lúc cũng phải tụt xuống cho cái mũi dễ thở tí chứ. Bà yên tâm đi. Mấy chú công an vừa đi qua xong. Mà nói chuyện với cái nhà ông Kiên quanh đời không ra khỏi lũy tre làng chứ có phải chỗ xa lạ đâu mà phải cảnh giác cao hở bà?

Bà Nụ ngao ngán lắc đầu. Nói chuyện với ông Duẫn ngang phè phè, tức anh ách. Nhiều lúc bà chẳng đủ kiên nhẫn để mà giải thích, tranh luận tới cùng. Chi bằng lảng sang chuyện khác cho lành. Lúc vắng khách ông Duẫn thong thả ngồi lướt tin tức trên mạng, có chuyện gì sốt dẻo lại oang oang kể ngay với bà.

- Bản tin dịch Covid- 19 của Bộ Y tế cho biết tối nay có thêm 3.639 ca nhiễm mới. Đáng chú ý, số ca mắc mới ở các tỉnh miền Tây và miền Đông tăng do những người đã mang bệnh từ thành phố Hồ Chí Minh trở về.

Rồi ông chìa cho bà hình ảnh từ bệnh viện dã chiến. Giường bệnh la liệt, máy móc, thiết bị và bình ô xi, máy thở kề ngay bên. Những gương mặt ủ rũ, thất thần. Bà thừ người, lòng ngậm ngùi, xót xa. Nhà ông bà có nhiều họ hàng vào trong đó lập nghiệp, mưu sinh. Mấy tháng trời không được ra khỏi nhà, ăn uống chỉ cầm hơi. Người xanh rớt, nhìn không còn sức sống. Gia đình ông bác họ trong đó đều bị nhiễm cả, có người đã được ra viện, có người vẫn nằm trong bệnh viện quân đội. Thương đến quặn lòng.

Làng có hai ca F1 là bố con nhà nọ đi chữa răng tại phòng khám nha khoa trên thị trấn có tiếp xúc với F0 về. Đến là nhanh, ngay tối cùng ngày công an xã truy vết thần tốc được một chùm F2 trong đó có vợ chồng bà. Hôm ấy hai ca F1 có rẽ qua quán. Họ rẽ vào mua chai nước lọc, thẻ hương và hộp bánh Choco-pie trong chốc lát, ai cũng bịt khẩu trang nên bà cũng chẳng rõ mặt. Mà họ đến vào giờ nào bà còn không nhớ chính xác. Đến khi anh Đại úy Tiến cùng hai chú công an xịch xe trước cửa bà mới hoảng hồn:

- Qua truy vết, nhà mình bây giờ thuộc đối tượng F2. Đề nghị ông bà tự cách ly, đóng cửa quán, không được tiếp xúc với ai vì đề phòng nguy cơ diễn biến khó lường của trường hợp F1 đã vào quán ta. Mong ông bà hợp tác!

Bà Nụ bần thần. Trong bụng bà nóng ruột như lửa đốt. Bà nguyền rủa hai cái thằng F1 phải gió đang đâu làm vạ lây cho nhà bà. Bà còn bao nhiêu việc phải làm. Con dâu bà đợt này bụng to, hôm trước mới nhờ bà bắt đầu từ tuần tới đưa đón con bé Xuân đi học. Bà vừa nhận lời nó xong còn chưa ráo môi. Quán lại mới nhận bao nhiêu hàng về, đợt này ngâm im ỉm, đến khi mở cửa bán khéo bị trượt giá thì có mà lỗ chỏng vó. Đóng cửa trong nhà mà ông Duẫn lo âu thắc thỏm chẳng yên. Mấy sào ruộng, không ra thăm đồng đã biết tình hình thế nào, cũng chả trốn ra cánh đồng để mà gặt hái. Đến độ lúa vào mùa rồi, thành quả một nắng hai sương ông lăn lộn giờ nằm phơi ngoài đồng. Gặp trận gió to hay cơn mưa nặng hạt quét qua thì lúa đổ rạp, thóc mâu rụng hết, ngâm mình dưới nước vài hôm mấy mà lên thành mạ. Con trai con gái, con dâu con rể chúng bận lo việc công ty làm sao mà giúp được. May mà mấy hôm đi làm về muộn mấy đứa không có thời gian ló mặt sang thăm bố mẹ. Bà Nụ đăm đăm nhìn ra. Phía trước cửa nhà đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã căng dây, treo ngay tấm biển đỏ chình ình mấy dòng thông báo “Gia đình có người cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Vui lòng không tiếp xúc”.

Mấy hôm liền, chỉ cách một tiếng, loa truyền thanh xã lại phát đi thông tin về tình hình hai ca F1 và danh sách các F2. Công an bận đi tuần suốt. Chỗ các bà các cô hay rủ nhau tụ tập để tập thể dục dưỡng sinh, tập aerobic ở sân vận động và nhà văn hóa các xóm đông vui là thế, những hôm này vắng im lìm. Cánh đàn ông không đi bộ, đi đánh bóng chuyền cùng nhau được cũng thấy chồn chân, sốt ruột. Ở trong nhà suốt, ông Duẫn lúc đầu còn đi đi lại lại chóng hết cả mặt, sau thì chịu nằm yên, vắt tay lên trán nhìn lên trần nhà, mắt mở trừng trừng. Bà hết đứng lại ngồi, thở dài đánh thượt. Các con lo lắng điện thoại liên tục, hỏi han: “Bố mẹ có cần gì cứ ới chúng con tiếp tế ạ”. Lúc đầu bố con nói chuyện còn tình cảm. “Bố mẹ có thiếu gì đâu. Nhà bán quán, gà sẵn trong chuồng, rau ở sau vườn rồi. Bao giờ cần thì bố gọi”. Sau thấy trai lớn hỏi nhiều quá, ông đâm cáu: “Mày có gỡ được cái biển đỏ treo lù lù trước cổng cho tao thì gỡ ngay đi, vướng cả mắt”. Trai lớn phì cười: “Hay đêm nay con trèo tường lẻn vào nhà, cách ly thay bố một hôm để bố mặc áo con trốn ra ngoài đạp xe quanh làng, thể dục thể thao cho khỏe chân bố nhé”. Bà nghe chuyện bố con ông Duẫn chẳng khác nào chuyện phường chèo. Nghe tiếng loa thông báo kết quả xét nghiệm lần 2, hai ca F1 đều âm tính, bà Nụ thấy bớt căng thẳng hơn. Có người xét nghiệm tới tận lần thứ năm mới ra bệnh. Chưa biết thế nào được.

***

2. Hai ca F1 bất ngờ sang đến lần xét nghiệm thứ ba lại có kết quả dương tính. Gia đình bà và một danh sách dài lê thê nghiễm nhiên không mong đợi gì cũng bị đội lên thành F1. Làng được phen nháo nhào. Có người ngã ngửa vì chưa kịp chuẩn bị gì. Họ cứ ung dung bố con anh kia đã tiêm vắc xin rồi, làm gì có chuyện bị nhiễm nữa. Thế mà nào ai nghĩ đến chữ ngờ. Làng được phong tỏa ngay lập tức. Các chốt kiểm dịch được lập nên, gác ngày gác đêm. Những người F1 như nhà bà được lấy mẫu xét nghiệm khẩn cấp. Thời gian chờ đợi để nhận kết quả làm bà Nụ cảm thấy bất an, không khí ngột ngạt bao trùm. May mắn đã đến với vợ chồng bà, kết quả âm tính nhưng vẫn phải cách ly thêm. Những cuộc điện thoại, tin nhắn của người thân làm ông Duẫn bận bịu suốt. Đợt dịch này không chỉ các y bác sỹ, bà Nụ thấy các anh công an quả là vất vả. Bà ái ngại nghĩ đến cảnh họ phải cùng với cánh dân quân, lực lượng y tế và đội thanh niên xung kích trực chiến 24/24, ăn ở sinh hoạt đều diễn ra tại lán dựng tạm. Có hôm nhìn trời mưa giông, sấm sét đì đùng, bà nghĩ, chắc gì họ đã chợp mắt được, lại chả phải co cụm với nhau trong lều bạt, thức trắng đêm khi ngoài trời mưa tứ bề như thế. Chẳng phải người thân máu mủ mà sao bà thấy lòng rưng rưng.

“Đại úy Tiến và mấy anh công an làm căng quá, bà ạ. Quyết không cho người nào ra vào làng”. Bà Nho đứng bên kia giậu cúc tần nói vỏng sang. “Khổ quá, bố con nhà cái Ngoan ở trên thành phố về chơi với ông bà nội, giờ phải ở lại luôn quê chứ không về được nhà rồi. Hôm trước bố con nó ra đến chốt mà phải quay xe lại đấy. Con bé Ngoan đang lo cuống lên, khóc lóc nỉ non vì phải nghỉ học dài rồi”. Nghe bà Nho xả một hơi dài, bà Nụ chỉ biết lựa lời động viên: “Tình hình dịch bệnh thế này, biết làm sao khác được hở bà?”. “Thì thế. Chứ như bữa trước loa truyền thanh thông báo ra rả thế mà cánh ông Điền, ông Hiếu xóm 4 vẫn lén lút tụ tập chơi bóng chuyền, mấy người còn không đeo khẩu trang nữa cơ. Công an đi tuần bắt được quả tang, chả dắt về trụ sở phạt cho mấy ông ấy nhảy dựng lên đấy còn gì”. Bà không ngờ câu chuyện của bà Nho làm ông Duẫn chú ý. Tại con cháu nhà bà Nho đi giữa thanh thiên bạch nhật, hiên ngang qua chốt thì ai người ta cho qua. Lúa má nhà ông mấy tháng trời mới đến ngày thu hoạch mà cứ ở trong nhà quanh quẩn với bốn bức tường thế này ông làm sao mà yên tâm. Không cho ông ra ngoài thì ông trốn đi gặt vào ban đêm. Mà đi ra cánh đồng, một mình ông một khu, làng xóm đã ngủ yên, đồng không mông quạnh thế, ai mà biết được? Lây được cho ai, gặp ai mà lây bệnh chứ? Ý nghĩ ấy nhen nhóm trong lòng, chỉ chờ thời cơ mà chớp lấy. Ông Duẫn thẽ thọt bày kế hoạch với bà Nụ:

- Thế, bà nhé. Cứ thế mà tiến hành. Tôi với bà cứ lặng yên mà làm, ảnh hưởng gì đến nhà ai đâu.

Bà Nụ nghe xong thì giãy nảy:

- Chả phải tôi lười nhác, ngại việc gì đâu. Cơ mà như cách ông nói, tôi e không được đâu. Ngộ nhỡ nhà mình bị phát hiện thì thành ra là vi phạm quy định về chống dịch à? Lúc ấy lại phải gặp các anh công an xã thì có phải là…

- Bà chỉ có gở mồm gở miệng. Mình có hại ai đâu? Đi ra cánh đồng thì gặp ai nào? Xong việc rồi về, chứ có phải ăn trộm ăn cắp của ai. Ngày xưa vụ chiêm, tôi với bà chả kéo nhau đi gặt lúa đêm để tránh nắng nóng suốt còn gì. Cứ sáng ra đã được xe ba gác đầy chở nặng về nhà rồi.

Bà Nụ lặng thinh. Bất chợt bà nhớ lại bữa ấy. Bấy giờ, đội công an chính quy về xã công tác ngót nghét đã được hơn năm. Đợt dịch lần đó, loa truyền thanh thông báo cấm họp chợ. Tuy không ai dám họp ở khu chợ trung tâm của xã nhưng nhiều người bảo nhau di chuyển hàng vào trong làng hoạt động để dễ bề trốn công an. Xe đi kiểm tra công tác phòng chống dịch của đội vào đến giữa làng, dừng lại gay gắt nhắc nhở, yêu cầu mọi người đứng xếp hàng, giữ đúng khoảng cách. Mọi người vội bảo nhau đứng giãn ra nhưng khi công an đi khuất, hàng cá, hàng tôm, hàng rau, hàng đậu lại ào ra bày bán san sát, người mua chen lấn nhau dọc suốt con đường. Cứ thế, phải đến dăm ba lượt công an mới dẹp được hẳn những gánh hàng tụ tập, không giữ đúng khoảng cách quy định. Lúc quay về, anh Đại úy Tiến dừng xe lại ngay trước cửa quán:

- Bác ơi, cho cháu bát dưa muối ạ!

Bà Nụ đang lúi húi sắp xếp lại gian hàng, nghe tiếng khách đến mua, liền ngẩng đầu lên. Chà! Được công an đến mua hàng thì quả là may mắn. Bà Nụ nhanh tay mở vại dưa. Từ lần ăn thử bát dưa muối của bà Nụ xem ra hợp khẩu vị, thi thoảng Đại úy Tiến lại tạt vào quán mua mang về, có lần mua cả một vại luôn. Bảo, để ăn dần. Bữa cơm có bát rau dưa ăn ngon miệng hẳn. Bà Nụ khéo tay, vại dưa lại có thêm vài ngọn rau má bà hái ở vườn, miếng dưa thơm, chua giòn, rất vừa miệng. Bà cũng thấy vui. Khách quen, chủ- khách từ đó cởi mở, câu chuyện câu trò. “Thôn xóm an ninh giờ được đảm bảo rồi, lâu nay không xảy ra hiện tượng trộm cắp như trước nữa. Cũng là nhờ các chú đấy. Chính quy có khác. Làm đâu ra đấy, bà con chúng tôi yên tâm lắm”. “Cũng là nhờ tinh thần hợp tác và cảnh giác của bà con xã mình thôi ạ”. “Các chú cương quyết thế thì người dân sẽ dần theo nếp thôi. Cứ làm nghiêm như các chú, mấy mà dẹp được dịch”. Đại úy Tiến nở nụ cười khiêm tốn, đôi mắt ánh lên niềm vui. Lúc công việc thì nghiêm trang, ấy vậy mà lúc đời thường thấy Đại úy Tiến cũng gần gũi, dễ mến thật. Bà Nụ tấm tắc mãi.

Bà Nụ thấy quả là khó nghĩ. Lẽ nào bà yên tâm ở nhà để mặc kệ ông ra đồng một mình. Bà ngó qua cuốn lịch trên tường. Đêm nay giữa tháng, đến độ trăng sáng nhất. Nếu men theo con đường rìa làng rồi băng qua đoạn đê ngắn sẽ xuống đến ruộng. Chuẩn bị cho vụ gặt, bà cũng đã đi rẽ lại mấy cái liềm cho thật sắc, cái lỏng chuôi cũng đã được chêm lại cho chặt. Mùa này ban đêm giời se se lạnh, ra ngoài chỉ cần khoác thêm tấm áo bảo hộ nữa là vừa. Bà lẳng lặng chuẩn bị sẵn rồi vắt ra dây phơi. Cơm nước sớm, bà hồi hộp đợi đến giờ xuất phát nên nằm võng nghỉ ngơi muốn chợp mắt tí mà lòng cứ thao thức.

- Đi thôi!

Tưởng bà ngủ, ông Duẫn lay vai bà. Ông Duẫn đi trước, khe khẽ mở cổng. Bà Nụ nhẹ nhàng theo sau, kéo theo cái xe ba gác có chở theo đôi liềm, quanh gánh. Trăng sáng vằng vặc nhìn rõ như ban ngày. Gâu gâu gâu! Bất chợt con Nâu nhà bà Nho nghe tiếng động bỗng sủa ầm lên khua khoắng. Có ánh điện được bật lên. Ông Duẫn giật mình vì bất ngờ, luống cuống chạy ngay vào bụi chuối cạnh đó, ra hiệu cho vợ quay lại sân để nghe ngóng tình hình. Ối! Tiếng ông Duẫn rên khe khẽ. Bà Nụ chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì ông Duẫn đã tập tễnh bước quay lại, mặt nhăn nhó:

- Chưa ra đến đồng mà đã gặp xui xẻo thế này còn làm ăn gì được nữa.

Bà Nụ nhìn xuống. Một vệt máu dài từ chân ông túa ra. Bà Nụ chạy ngay đi tìm gói bông gạc.

- Cha tiên sư đứa nào vứt mảnh sành ra bụi chuối nhà ông!

Ông Duẫn cắn răng rút ra cái mảnh sành nhỏ. Bà Nụ cảm thấy nhói đau như chính chân mình giẫm phải vậy.

- Thôi, ông nằm nghỉ ngơi đi. Đấy, nghe tôi thì có phải là…

Bà biết mình bị lỡ lời nên nhanh chóng dịu giọng:

- Ông đừng lo lắng gì nữa. Bây giờ còn phải chăm sóc vết thương cẩn thận kẻo mà nhiễm trùng thì què ấy chứ. Còn bao nhà khác người ta đã gặt đâu. Người tính không bằng giời tính ấy chứ!

Trong lòng bà thì thầm nghĩ, hay là do làm cái việc sai trái ấy nên ông Duẫn đã bị trời phạt?

***

3. Bực mình vì cái chân què nên ông Duẫn chỉ còn biết chăm vào đọc tin tức cho khuây khỏa, quên đi vết thương đang se miệng. Đúng là cái mạng Internet tiện lợi thật. Thông tin con nhà cô An làng bên bị công an huyện triệu tập, phải nộp phạt hành chính vì tội đưa thông tin sai, mới xảy ra hôm trước, hôm sau cả huyện biết, dân trong xã cũng lên mạng bàn tán rôm rả. Cũng kỳ lạ thật, tưởng thích viết gì trên cái “phây búc” nhà mình thì viết thế mà con bé lên mạng với cái “nick” ảo cùng ảnh đại diện “Khoai lang tím” mà bên công an huyện cũng điều tra, xác minh được người thật, tên thật, địa chỉ. Chỉ với dòng tin ngắn ngủi làm mất đứt mấy triệu bạc. Bằng cả ruộng bắp cải của bố mẹ nó còn gì. Bà Nụ tay nhặt mớ rau cần để muối vại dưa cải nhưng tai vẫn dỏng lên nghe ông Duẫn thông tin tin tức cho bà cùng những lời bình luận:

- Con gái con đứa non nớt, dại như ếch. Nói gì chả nói, lại cứ thích nói phét nói lác. Con bé tếu táo ngoài đời đâm quen, tính nó bồng bột, mò lên mạng đăng cái “tút” giật gân, chủ yếu là để câu “lai” với bạn bè. Ai dè bị công an hỏi thăm, bị xử phạt hành chính vì đăng thông tin sai sự thật. Đúng là nhớ đời!

- Thế nó đăng gì hở ông?

- Đây. Bà xem. “Có tin 8 người từ thành phố Hồ Chí Minh đi xe khách về tỉnh X. Mới bắt được 3 người. Còn 5 người nữa xuống đường giữa chừng. Chưa rõ ở đâu. Mọi người cẩn thận nhé”.

- Chao ôi. Đăng thế ai mà chả hoang mang, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch quá đi chứ. Con bé ấy bị phạt là đúng rồi. Tôi là tôi ủng hộ cả hai tay.

Lại nói đến chuyện ủng hộ. Phong trào ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid vừa được phát động, người dân trong xã đã nhiệt tình tham gia quyên góp ủng hộ bằng tiền rồi nhưng thật cảm động có gia đình còn đem cả gà, cả rau, có cô còn làm sẵn món ăn ở nhà mang ra tặng đội trực chiến ở các chốt canh. Bà Nụ thật bất ngờ, người như ông Duẫn có rộng rãi với ai bao giờ mà cũng biết mở lòng gọi cho trai lớn chở luôn hai thùng mì tôm làm quà cho các chiến sỹ dập dịch.

Bà Nụ nghe bảo, đợt này công an cử người kết hợp với đội thanh niên xung kích sẽ ra quân thu hoạch lúa giúp những gia đình đang trong diện phải cách ly. Bà Nụ vẫn còn giữ cái bí mật ấy canh cánh trong lòng, chưa dám thổ lộ với ông Duẫn vì còn bán tín bán nghi. Việc nhà mình còn ngại, chả lẽ người ta lại rỗi việc đi gặt giúp thiên hạ ư? Nghe như chuyện cổ tích ngày xưa có ông Bụt, cô Tấm chuyên giúp đỡ người nghèo khổ vậy. Kể cho ông Duẫn chắc ông ấy sẽ vui, nhưng nếu mà không phải thế thì kiểu gì ông ấy cũng xỉa xói. Thế nên bà quyết giữ im lặng.

Chiều ấy thấy có anh công an trẻ măng theo xe lúa về đến cổng cùng với mấy cô chú đoàn viên trong lực lượng xung kích khiến bà bất ngờ, cảm động, có xen lẫn chút e ngại. Để giữ an toàn cho mọi gia đình, họ đã cử người ra đồng, không quản ngại mệt nhọc để mang thành quả một nắng hai sương về cho nhà bà và những nhà thuộc diện cách ly. Ông Duẫn chân vẫn còn tập tễnh, phấn khởi pha ấm nước chè, mời họ vào nhà nhưng cả đoàn từ chối. Cũng may bà Nụ đã kịp ra vườn trảy vội mấy quả bưởi đào làm quà.

- Gia đình tôi cảm ơn các cô chú nhiều. Cho tôi gửi lời hỏi thăm đến chú Tiến nhé, anh công an!

Anh công an trẻ nghe bà nhắc đến người đồng đội của mình chợt khựng lại:

- Hôm qua, lúc truy đuổi một tên cố tình vượt chốt để vào làng, trong lúc chặn xe, giằng co với tên kia, khẩu trang của anh Tiến bất ngờ bị rơi... Sau đó mới truy ra được kẻ đó là F0 từ nơi khác trốn về…

- Giời ơi. Thế thì nguy hiểm cho chú ấy quá!

Bà Nụ bần thần, nghe anh công an kể mà thót tim. Cuộc chiến này cũng đầy gian nan, cam go và thử thách có khác nào như cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các anh công an để giữ an toàn cho xóm làng đôi khi phải nhận về cả những hiểm nguy cho bản thân họ. Nghe đâu nhà Đại úy Tiến chỉ cách có vài chục cây số mà bận bịu với đợt dịch này hơn tháng trời còn chưa được về thăm vợ con.

- Liệu, chú Tiến có sao không anh công an?

- Bà rõ là, làm sao đã biết ngay thế được. Thôi thì cứ tin vào điều lành. Tôi với bà cứ cầu chúc cho chú ấy bình an!

Nắng cuối chiều se thêm màu vàng óng ả của lúa, dậy hương ngày mùa được chất đầy góc sân. Bà Nụ mong điều kỳ diệu sẽ đến như mùi hương cơm mới dẻo thơm trong ấm cúng sum vầy vào một ngày thật gần. Bà cũng cầu mong cho chú Tiến sẽ sớm lại được trở về bên vợ con. Rồi bà sẽ làm lọ dưa muối thật đầy để trao tận tay chú công an tốt tính. Thế nào chú ấy chẳng qua đây… 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Tùy bút "Việt Nam chiến tranh và hòa bình" của tác giả Văn Duy(15/04/2022)
Nghĩa đồng bào luôn xanh thắm đất nước tôi (15/04/2022)
Chuyện làng Văn nghệ: "Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết ca trù" - Nguyễn Hữu Phách (sưu tầm)(31/03/2022)
Mưa xuân(30/03/2022)
Mùa xuân mới(30/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na