Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Văn nghệ dân gian: "Thượng gia hạ kiều" của Tăng Bá Hoành
16/02/2022 12:00:00

 
 
 Cầu Thấu Ngọc, Côn Sơn (tái tạo)          Ảnh: Tăng Bá Hanh
 
 
Thượng gia hạ kiều có khi còn ghi là “Thượng gia hạ trì”, tức là những cây cầu có mái lợp ngói tựa như ngôi nhà, bắc qua sông, cũng có khi bắc qua hồ ao. Vì cầu có mái lợp ngói nên đôi khi còn gọi là Cầu ngói. Cầu có mái nên còn là nơi dừng chân nên cũng gọi là đình, ví dụ đình Thấu Ngọc ở Côn Sơn. Thượng gia hạ kiều đã thấy lịch sử ghi nhận từ thời Trần, nhưng phải đến thế kỷ XVII-XVIII mới phổ biến ở những nơi giao thương giầu có hoặc những công trình tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng đương thời. Cầu thường làm bằng gỗ tứ thiết, mái có chiều cong như thân cầu, trên có hoành rui tương tự như một ngôi nhà ngói. Ngôi nhà truyền thống lợp ngói thường là đao tầu réo góc, tức hai đầu và góc mái hơi cao lên, ngược lại, mái cầu thì phần giữa cong lên, hai đầu cụp xuống, hai bên có lan can, hoặc làm cao lên chừng 20cm, tương tự như hè phố để du khách có thể ngồi ở đó ngắm cảnh mà không ảnh hưởng đến giao thông. Cột cầu thông thường bằng gỗ, mặt cầu lát ván gỗ, nếu cột bằng đá, bằng gạch, mặt cầu có thể lát bằng đá hay bằng gạch, tương tự như ngôi nhà dựng trên một nền đất. Thượng gia hạ kiều không chỉ là công trình giao thông, mà còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật, công trình văn hóa. Những công trình còn lại đến nay đã lần lượt được xếp hạng quốc gia, bảo tồn vĩnh viễn như một bảo vật. Thượng gia hạ kiều ngoài chức năng giao thông còn được sử dụng như một thiết chế văn hóa, nơi dừng chân hóng mát, trao đổi, tâm tình, thậm chí còn ăn uống, thờ thần Phật.

Hải Dương có thượng gia hạ kiều được xuất hiện sớm so với cả nước. Cầu Thấu Ngọc tại Côn Sơn, nghĩa là cây cầu bắc qua suối Côn Sơn trong thấu đáy đã có từ thời cuối Trần. Sinh thời, Nguyễn Trãi đã từng ca ngợi cầu Thấu Ngọc trong một bài thơ nôm:

“Nẻo từ nước có đao binh,

Nấn ná am quê cảnh cực thanh.

Đình Thấu Ngọc tiên xanh tuyết nhũ,

Song mai hoa điểm quyển Hy kinh”.

Lấy trong ý tứ mà suy, bài thơ này Nguyễn Trãi viết thời loạn, tức sau khi giặc Minh đã xâm lược nước ta đầu thế kỷ XV, ông về tránh giặc ở Côn Sơn, đun nước suối, pha trà, đọc Kinh Dịch. Như vậy, cầu Thấu Ngọc đã có từ Trần Nguyên Đán xây dựng động Thanh Hư cuối thế kỷ XIV. Đầu thế kỷ XIX, Cao Bá Quát, một danh sĩ đương thời đến Côn Sơn còn thấy cầu Thấu Ngọc, tức đã tồn tại tới 500 năm. Ông viết:

“Thấu Ngọc kiều biên dã hoa tiêu,

Thanh Hư động ký văn đề điểu”.

(Bên cầu Thấu Ngọc hoa rừng rực rỡ,

Trong động Thanh Hư chim hót vang).

Cầu Thấu Ngọc đã mất khoảng cuối thế kỷ XIX, nay tái tạo phỏng theo sách xưa tại vị trí cũ, trên đường từ đền Nguyễn Trãi vào Thạch Bàn và đền Trần Nguyên Đán ở trung tâm Thanh Hư động thời Trần. Đây cũng là một điểm du lịch mà lữ khách thường dừng chân mỗi khi có dịp đến Côn Sơn.

Đến thế kỷ XVII-XVIII, Hải Dương không ít thượng gia hạ kiều nhưng đến nay chỉ còn thấy qua ảnh chụp trước cách mạng hoặc qua bia ký, công trình kiến trúc hiện không còn.

Cây cầu có mái tiêu biểu nhất là Cầu Thông, nối làng Thông với chợ Thông thuộc xã Đoàn Tùng qua một con sông nhỏ. Làng có nghề dệt đũi nổi tiếng trong lịch sử, vào những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn tới 500 khung dệt, nay đã mai một. Thượng gia hạ kiều làng Thông là một cây cầu to và đẹp, được Viễn Đông bác cổ đầu thế kỷ XX nghiên cứu và đã chụp ảnh để lưu trữ. Cầu đã bị giải hạ vào năm 1947, để chống thực dân Pháp chiếm đóng, nay vẫn còn hình ảnh, lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội và Bảo tàng Hải Dương. Cây cầu này còn đủ điều kiện để tái tạo như xưa.

Chùa Quang Khánh, xã Dương Mông, huyện Kim Thành thời Lê, nay thuộc xã Ngũ Phúc. Chùa từng có quy mô trên 200 gian, trước Cách mạng tháng Tám còn 124 gian. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị giải hạ hoàn toàn, nay đã tái tạo nhưng không theo quy mô cũ. Chùa có thượng gia hạ kiều khá sớm, nhưng đã xuống cấp, ngày 25 tháng 12 năm Ất Tỵ (1/1666) hưng công tu sửa cầu gồm 16 gian. Đây là cây cầu có mái vào loại lớn đương thời, hàng trăm người tham gia công đức, trong đó có Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, phủ Hải Đông, Tri phủ Chiêu Cẩn tử, Đồng Quang Giang.

Thượng gia hạ kiều chùa Vĩnh Khánh, dân gian gọi theo quy mô của chùa, tức chùa Trăm Gian, thuộc thôn An Ninh, xã An Bình, huyện Thanh Lâm, (nay thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách). Chùa Vĩnh Khánh có từ triều Lý, đến thời Lê Trung Hưng đã có quy mô một trăm gian, vì thế dân gian quen gọi là chùa Trăm Gian. Năm 1990, khi xếp hạng quốc gia, chùa còn 80 gian, nay chùa được khôi phục gần như cũ. Đây là ngôi chùa lớn thứ hai của tỉnh tính theo số gian. Vĩnh Khánh thuộc hàng danh lam cổ tích, chùa có đủ các hạng mục của một đại danh lam, trong đó có thượng gia hạ kiều. Theo văn bia, đầu thế kỷ XVIII, chùa đã có một cầu gỗ, bắc qua con sông nhỏ trước cửa chùa. Năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740), thày chùa Tính Châu nhân có sẵn cầu gỗ, làm nhà trên cầu tạo thành thượng gia hạ kiều. Tồn tại hơn nửa thế kỷ, cầu xuống cấp, sư Nguyễn Huy Liễn, tự Hải Nhạ, huy động sức dân làm lại cầu bằng đá. Như vậy chùa Vĩnh Khánh đã từng có thượng gia hạ kiều cách nay gần ba thế kỷ.

Chùa Hàm Long, ở bên núi Khánh Đức có từ thời Trần, đến thời Lê sơ đã được tôn tạo, trong động là tam bảo, phía ngoài là tiền đường. Đầu thế kỷ XVIII có cuộc đại trùng tu do nhà sư Thích Tuệ Viên, tên tự là Tính Thành, quê làng Đại Lã (Nam Sách) trụ trì tôn tạo gồm hầu hết các hạng mục của một ngôi chùa lớn. Trong khuôn chùa cũng có một cây cầu gỗ có mái, tức thượng gia hạ kiều. Cầu này nay không còn.

Thượng gia hạ kiều ở thôn Liêu Xá, huyện Đường Hào, thuộc Hải Dương xưa, (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), quê hương Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Bên cầu có quán ăn, khách thường đông vui, vừa ăn vừa giao lưu, ngắm cảnh sông nước làng quê, tựa như một vọng giang đình. Năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782), Lê Hữu Trác về quê, thường qua lại cầu này và đã ghi trong Thượng Kinh ký sự.

Cầu xã Dực An, huyện Thủy Đường, (nay là Thủy Nguyên), năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) nhân dân bản xã làm cầu, dưới bằng đá, trên lợp ngói gồm 3 gian. Người có công lớn cho công trình này là sinh đồ Nguyễn Huy Doãn và xã tế Nguyễn Thế Khôi.

Như vậy Hải Dương xưa có khá nhiều cầu có mái ngói, những công trình giao thông-văn hóa nổi tiếng một thời, rất tiếc đến nay không còn một công trình nào ngoài Thấu Ngọc kiều mới tái tạo. Tuy nhiên trên phạm vi cả nước vẫn còn một số thượng gia hạ kiều nổi tiếng nay đã được bảo tồn, trở thành nơi thu hút du lịch, khảo cứu trong và ngoài nước.

1- Cầu Ngói Thanh Toàn, đó là cách gọi của Thừa Thiên Huế. Cầu do bà Trần Thị Đạo, đời thứ 6 họ Trần ở đây hưng công xây dựng từ năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776). Lê Quý Đôn khi đi công cán đến đến đây, từng ca ngợi công trình đặc biệt này. Cầu dài 43 thước (18,35m, rộng 5,82m) bắc qua sông làng Thanh Thủy, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Cầu nay vẫn còn, là một điểm tham quan du lịch trọng điểm tại Thừa Thiên Huế.

2- Thượng gia hạ kiều, bắc qua sông Ngọc, thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thường được gọi là Cầu Thượng, xây dựng khoảng thế kỷ XVII, rộng 3,7m, 11 gian, dài 17,35m. Cầu được tu sửa nhiều lần và đang tồn tại. Đây cũng là một di tích tiêu biểu của địa phương.

3- Thượng gia hạ kiều phố cổ Hội An, dân địa phương quen gọi là Cầu Chùa, dài 18m, do những thương gia Nhật Bản xây dựng đầu thế kỷ XVII, đến năm 1652, lập bàn thờ ở giữa cầu để thờ Phật, vì vậy mà gọi là Cầu Chùa. Chúa Nguyễn Phúc Lai, năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) qua đây, thấy cầu là một công trình văn hóa tiêu biểu của những thương gia Nhật Bản, liền cho 3 chữ Lai Viễn kiều, có nghĩa “Người từ phương xa đến xây dựng cầu”. Cầu Chùa là một biểu tượng của giao thương Việt Nhật thế kỷ XVII và là biểu trưng của phố cổ Hội An. Cách cầu khoảng 200m là tư thất của Thượng thư bộ Binh Nguyễn Tường Vân, cụ nội của gia đình văn chương Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, những nhà văn xây dựng nên Tự Lực văn đoàn thời kỳ 1932-1942 mà thị trấn Cẩm Giàng là một cơ sở quan trọng của văn đoàn.

4- Hai cầu ngói ở trước chùa Thiên Phúc, dân gian quen gọi là chùa Thầy. Cầu do Phùng Khắc Khoan xây dựng từ năm Hoàng Định thứ 3 (1602), sau khi đi sứ Bắc về, cầu đã qua 4 lần trùng tu, nhưng hình hài vẫn giữ nguyên như cũ. Người đến thăm chùa này, khi qua cầu, người ta ví như từ cõi trần tục, vượt qua sông mê đến với thế giới thanh tịnh của đạo Phật. Cầu có 5 gian, trên bằng gỗ lim lợp ngói, dưới có trụ đá, mặt cầu lát gạch. Khách tham quan thường dừng chân ở đây, ngắm cảnh thiên nhiên, ngắm cảnh chùa.

Những câu cầy có mái ở Hải Dương được ghi trong lịch sử nay hoàn toàn có thể khôi phục để thế hệ trẻ có thể nhận thức được kiến trúc cầu cổ của địa phương một cách thuận lợi, đồng thời cũng tạo nên những đặc điểm văn hóa tại các làng cổ hay những công trình văn hóa đã xếp hạng tại địa phương. 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tản văn "Hương mùi" của Lê Phương Liên(12/02/2022)
Truyện ngắn "Gà trên đỉnh Cơi Pòn" của Kiều Duy Khánh(11/02/2022)
Truyện ngắn "Về nơi núi đồi" của Trần Quỳnh Nga(09/02/2022)
Văn nghệ dân gian: "Chuyện tình của Điện Súy Phạm Ngũ Lão với Anh Nguyên Công chúa" của Phạm Chức(09/02/2022)
Nghiên cứu, lý luận, phê bình: "Những cánh én báo tin Xuân trong thơ và nhạc" của Nguyễn Thị Lan(08/02/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na