Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Về nơi núi đồi" của Trần Quỳnh Nga
09/02/2022 12:00:00

Tôi bú no sữa rồi nằm cuộn trong cái túi ngủ màu xanh được dệt bởi những sợi len lông cừu mịn màng. Đó là món quà mẹ mua khi trong đời biết có tôi. Ngoài tay mẹ ra, tôi tìm thấy ở đó một sự thân thuộc và gần gũi. Nó êm ái và ấm áp đến nỗi tôi cứ nghĩ như mình đang ôm một con chó con và chúng tôi ngủ cùng nhau.

 
 
 Minh họa của Tiến Quân
 

Khi bận rộn vào một việc gì đó, mẹ thường đặt tôi nằm ngay trên tấm phản kê sát bên cửa sổ. Đó là chỗ đón nắng gió vào trong căn nhà chúng tôi. Những lúc như thế, tôi nằm ngắm bầu trời qua ô cửa với cái rèm bằng lá dừa được chống cao lên vừa che nắng vừa đón gió. Tôi thấy mây trôi trên bầu trời Sài Gòn ngày rực nắng. Màu mây rám vàng cá hồi lộng lẫy lơ lửng trôi trên khúc nhạc du dương nào đó từ mặt đất vọng lên làm nó sinh động hẳn lên. Khi tôi nhìn ra nó là con cá quẫy đuôi, khi là cái cây, khi lại là hình thù như thác nước, như hang động, như con thú…. Kì thật những thứ đó tôi chưa từng thấy bao giờ nhưng hình như nó cứ lặp đi lặp lại trong tôi nhiều đến nỗi mỗi lần nhìn ra bầu trời là tôi thấy được. Đó là bí mật, mãi mãi là bí mật tuyệt mỹ của tôi với bầu trời Sài Gòn.

- Giá mà lúc ấy mình liều đi thì đã ra khỏi Sài Gòn - Mẹ tôi chậm rãi nói khi đón bát mì còn lại trong nhà bố tôi vừa pha - Mai này không biết ăn gì…

- Thôi ăn đi cho con có sữa - Giọng bố rất nhỏ - Thể nào chút nữa cũng có đồ cứu trợ đến. Còn đi hay ở thì phải để xem tình hình mai này Sài Gòn như thế nào đã rồi mình tính tiếp.

- Chẳng lẽ cứ ngồi không để nhận đồ cứu trợ mãi. Chúng ta đã đành, còn con. Chúng ta biết phải làm sao khi một trong hai chúng ta bị nhiễm bệnh và chết đi…?

- Đừng nói gở…

Trong giấc ngủ chập chờn tôi đã nghe những lời lo lắng bất an của mẹ khi nói chuyện cùng bố. Tôi lờ mờ nhận ra hình như chúng tôi đã bị kẹt lại ở Sài Gòn.

Tôi chưa bao giờ hình dung chúng tôi lại bị cô lập trong chính thành phố sôi động đầy mê hoặc này. Sài Gòn là ước mơ của bao người muốn đến. Bố mẹ tôi cũng từng thế, họ vượt một chặng đường dài ngàn vạn dặm, hăm hở rời xa quê hương chấp nhận mọi khó khăn vất vả với hi vọng đổi đời.

Tôi đã quá quen với những ồn ã của phố xá từ khi trong bụng mẹ. Từ tiếng lanh canh bát đũa trong một nhà hàng sang trọng trên phố Nguyễn Huệ, đến tiếng rao đêm bánh mì thịt nướng nơi lối rẽ vào xóm Vườn Ổi và cả những ái ngại khi mẹ bước về nhà mình trong cái xóm nhà lá tồi tàn nổi dập dềnh trên dòng kênh đen ngòm ngập trong mùi xú uế. Tôi có cảm giác những lúc ấy mẹ như khựng lại, một tay bịt kín khăn ở mũi miệng, một tay đỡ xuống cái bụng to lùm đỡ tôi bởi nếu lỡ trượt ngã xuống kênh chắc chúng tôi sẽ chết ngạt vì mùi nồng nặc đông cứng với tiếng làu bàu của mẹ khi an toàn bước qua cánh cửa nói với bố: “Khi mô cho đủ tiền mà dọn đi nơi khác anh ha?”.

Điều ước đó đã theo tôi suốt những tháng ngày trong bụng mẹ cho đến khi vào Bệnh viện Từ Dũ. Mẹ đẻ mổ. Khoản tiền tích cóp thuê nhà của chúng tôi đã bị ba tháng dịch dã ngấm ngầm ngốn hết. Tôi nghe tiếng bà Tư béo vừa chạy vừa thở hổn hển: “Tội cái thằng. Đưa vợ đi đẻ mà trong túi không nổi cắc bạc” là biết thể nào rồi tôi cũng không thể nào thoát khỏi cái xóm đầm lầy.

Vậy mà đi. Cuối cùng sự kiên nhẫn của bố cũng phải đầu hàng. Tôi không biết dịch bệnh nó có hình thù như thế nào nhưng trước cái chết bất ngờ không báo trước của bà Tư béo khiến mẹ gần như hoảng loạn và mất sữa. Bà Tư béo chỉ có một mình. Hai nhà chung nhau một cái cầu tre hình chữ y chõe ra hai bên. Mỗi lần có chuyện gì bà hay bố mẹ tôi đều đứng ngay cửa sổ gọi vọng sang cho thật lẹ. Mới mấy hôm trước bà Tư còn buộc túm đồ ăn được phát qua cái gậy thòng sang cho mẹ tôi. Thế mà sáng nay, vừa mở mắt, cả nhà tôi đã thấy một đám người mặc đồ bảo hộ hớt hải đi vào nhà bà Tư phun khử khuẩn rồi kệ nệ bưng ra một thây người được bó trong túi đựng tử thi đã được đóng kín. Mẹ tôi níu chặt cửa sổ gào khóc. Bố tôi ngồi rũ xuống lặng người. Chỉ mình tôi nhìn quanh thấy những cánh chim bay liệng đầy trời thật thấp đến nỗi như tôi có thể ngửi thấy được mùi lông khăm khẳm của nó.

Tôi không quấy khóc dù sữa mẹ lúc nào cũng ngậy mùi mì tôm và không nhiều như mọi ngày. Tôi hiểu, đến giờ phút này, đến cái ăn giản dị đó, bố mẹ tôi vẫn phải nhường cho nhau thì làm sao tôi có thể mơ được nước sữa ngọt lành như những hôm mẹ được ăn cháo chân giò hầm thuốc bắc. Sài Gòn ồn ào náo nhiệt và no đủ với cơ man đồ ăn thức uống là vậy mà giờ như đóng băng. Không có gì ngoài sự tĩnh lặng. Đến nỗi mỗi ngày trôi qua, tôi có thể nghe được cả tiếng chuột chạy dưới gầm giường, tiếng gió thốc qua mái tôn và cả tiếng cầu tre cót két khi có ai bước qua trên bờ kênh đen đặc.

Rồi rất lâu sau trong sự tĩnh lặng đó, tôi lại được nghe thấy tiếng người ồn ào rạo rực của một phố Sài Gòn. Tin Sài Gòn sẽ gỡ bỏ chốt chặn và rào chắn làm cả người và phố như bừng tỉnh. Bố tôi cuống cuồng gọi mẹ con tôi: “Đi thôi, về nhà…”.

Chúng tôi ra đi trong đêm tối. Gia tài không có gì ngoài hai chiếc bì tải được cột sẵn sàng sau giàn xe và một chiếc làn nhựa đựng bỉm sữa được đặt lên trên. Tôi nằm yên khi mẹ ấn lên trán tôi một vệt nhọ nồi. Đó giống như là một nghi lễ để tránh tà ma, vía dữ. Người già cho rằng mỗi khi mang con đi đâu sợ tà ma ám ảnh, người ta bôi nhọ nồi lên trán đứa bé để “đánh dấu”, hoặc cầm dao bảo vệ đứa trẻ. Gặp người lạ dữ vía làm cho đứa trẻ khóc, người ta đốt vía khi người lạ đi khỏi. Mẹ làm xong nghi thức ấy rồi bế tôi ra khỏi nhà. Tôi nhìn qua vai mẹ, những ngôi nhà nhỏ liêu xiêu nép vào nhau trong xóm Vườn Ổi dần xa khiến tôi bồi hồi. Làn gió nóng hâm hấp thổi từ bờ kè vào một mùi khú khắm nhưng tôi không còn thấy khó chịu nữa vì thật lòng rồi sẽ có ngày tôi thương nhớ đến nó.

Quê hương là gì mà khi cùng đường người ta lại nhớ về? Tôi đã tự hỏi mình khi chen giữa hàng nghìn người nơi cửa ngõ Sài Gòn nhưng rồi không thể nào giải thích được. Tôi nằm trong vòng tay mẹ, mẹ ngồi dán chặt trên yên xe còn bố tôi cầm lái, hai chân đạp xuống đường cố lẩy nhích lên từng tí một giữa đám đông nghìn nghịt. Tôi bắt đầu khó chịu nhưng không khóc. Mùi xăng xe, mùi hơi người nồng nặc lẫn trong tiếng ồn náo nhiệt của còi xe cấp cứu. Tiếng người nào đó vừa hét qua loa buộc đám đông những ai không có giấy xét nghiệm đều phải quay đầu. Có tiếng la ó và cả tiếng hô “Về quê! Về quê! Về quê! Về quê” dõng dạc vang lên như đẩy mọi người ra khỏi Sài Gòn.

Sau vài tiếng như bị cô đặc trong phố xá oi bức, xe chầm chậm lăn bánh. Tôi đã bắt đầu cảm nhận được hơi gió thổi vào má tôi qua tấm khăn bóng bay trùm đầu. Tôi như đang ở trong một trạng thái lâng lâng khi được chạy trên đường nhựa rộng rãi trải dài tít tắp. Chúng tôi ngược đường ra Bắc. Hàng nghìn người ngược đường ra Bắc. Tựa như cuộc di dân khổng lồ của đàn kiến trước cơn bão lớn. Hối hả tấp nập. Một bác lớn tuổi hơn bố (sau này cả đoàn gọi bác là Hai Lẫm, là anh cả theo cách gọi của người Sài Gòn) đi vòng quanh dò hỏi tìm đồng hương rồi tập trung chúng tôi vào một chỗ. Bác bảo mỗi xe cột lên gương một sợi dây đỏ để làm dấu nhỡ may dọc đường có ai bị gì, cần gì mà giúp đỡ. Bố tôi gật đầu đón lấy đoạn dây đỏ từ tay bác cột ngay vào gương xe. Nhờ thế chúng tôi từ những người xa lạ đã về cùng một đội, cùng nói bằng một thứ giọng Nghệ đặc biệt mà những ngày ở Sài Gòn thỉnh thoảng tôi mới được nghe thấy.

Hai ngày ròng rã chúng tôi mới đi được một phần ba quãng đường phải đi. Tôi chưa hết hứng khởi khi mọi thứ trước mắt tôi vẫn luôn vận động và thay đổi liên tục. Khi ngủ thì không nói làm gì nhưng khi thức, tôi thấy mình như có thêm đôi cánh. Tôi muốn được bay đi khắp nơi. Tôi thấy mình băng qua bao triền dốc, bao con đèo, bao khúc cua tay áo. Thấy cánh rừng vào thu lác đác có những cây trút lá vàng, thấy những bãi cát trắng trải dài tít tắp, những hàng dương và cả mặt biển xanh rầm rì sóng vỗ, những vì sao le lói trên bầu trời đêm tối thâm thẫm… Tất cả đều hiện ra sống động trước mắt khiến tôi ngỡ ngàng. Hóa ra thế giới này rộng lớn hơn hàng vạn lần cái ô cửa nhỏ hẹp trong căn nhà nơi xóm Vườn Ổi mà tôi, bố mẹ tôi đã từng lưu trú lại với hi vọng đổi đời từ đó.

Chuyến đi đã khiến mẹ tôi rã rời. Người đàn bà trẻ da xanh tái với mái tóc lù xù và cái vú thõng thượt kia là mẹ tôi khi trải qua ba tháng dịch dã thiếu ăn và đẻ mổ. Cả ngày ngồi trên xe đã làm cho vết mổ chưa kịp phục hồi lại tấy lên đau nhức. Tôi khó chịu vì đói nhưng không khóc. Bố tôi vụng về bồng tôi đi một lượt trong đám người đồng hương để xin sữa cho tôi bú mà không hề ngại ngần. Không sữa nào ngon bằng sữa mẹ cho dù mẹ tôi cũng như họ mấy ngày này đều phải cầm cự bằng bánh mì và nước suối được phát dọc đường. Mặc, tôi vẫn bú no một bụng sữa rồi nằm chơi bên cạnh mẹ đã thiếp đi vì thấm mệt. Chỉ thi thoảng có chút giật mình khi tiếng các anh chị nhà bác Hai cười ré lên đuổi nhau trên bãi cỏ.

Chúng tôi đã trải qua những ngày không khác gì dân du mục, rong ruổi không ngừng để mong sớm được về nhà. Tôi thương bố tôi, thương những người đàn ông đầu tàu trong chuyến di cư ngược này. Nhiều đêm, tôi thấy họ gần như không chợp mắt, hì hục kiểm tra xe cộ thâu đêm khi mọi người đã yên giấc ngủ. Những đôi vai rũ xuống, họ nhai vội miếng bánh mì, chia nhau điếu thuốc và cùng ngồi nhìn vào thinh không đen thẫm mà dường như không nói với nhau một lời nào. Ai từng vào Sài Gòn cũng đều mang theo giấc mơ giàu sang nhưng hành trang mang về bây giờ lại là sự thất bát, thứ tình cảnh này chẳng ai muốn lâm vào. Nay phải trở về là cả sự miễn cưỡng, là nỗi xấu hổ của kẻ thất bại.

Tôi không biết những người kia như thế nào, nhưng hoàn cảnh của bố tôi thì đã tận tai nghe rất nhiều lần. Những điều khó nói bình thường bố tôi giấu kín nhưng rồi trong những cơn say lại nói ra tất cả với những sự đau khổ khôn cùng. Bố nói mình là đứa con riêng ở giữa đàn con chung của mẹ với gã lâm tặc đã tìm thấy bà nằm ngất bên bờ suối hoang vắng. Rồi không biết vì cảm kích hay để tránh sự dè bỉu của người đời mà bà ở lại quanh năm chỉ biết cam phận phục vụ, đẻ con và chịu đựng sự hành hạ của ông ta. Bố tôi chưa bao giờ thấy bà mỉm cười. Sau này khi ông ta chết vì lở núi, nhà túng quẫn, bà và hai đứa em lít nhít tiễn bố ra ga tàu xuôi vào Nam với một nụ cười heo hắt không rõ buồn hay vui.

- Hôm bữa em gọi điện về nhà, bà bảo nhà còn mấy ha đất rừng bỏ hoang, thôi thì về, không giàu nhưng cũng không đến nỗi chết đói - Bố tôi nói vậy.

- Không ai ngờ được tình thế này. Chú còn có đất, có rừng, anh đây giờ về cha mẹ không còn, đất đai chia hết cho anh em cả rồi, giờ về lại ăn nhờ ở đậu…

- Hay anh cùng về với em, chúng ta sẽ làm lại từ đầu, có anh em cũng tự tin hơn khi bắt đầu một trang đời mới.

- Ừ, để anh tính…

Bác Hai Lẫm hút nốt điếu thuốc rồi giục bố tôi đánh thức mọi người dậy. Cả đoàn phải tranh thủ đi ngay trong đêm để có thể đến được thị trấn hay thành phố tiếp theo tránh gặp cơn mưa lớn dọc đường. Những nhà có trẻ con đi trước có các thanh niên theo cùng hỗ trợ, còn nhóm bác sẽ đi phía sau để đảm bảo trên đường đi không ai bị bỏ lại.

*

Tôi không biết chúng tôi sẽ vạ vật như thế này đến bao giờ nữa cho chuyến hành hương về đất quê bởi xem chừng đến người kiên cường nhất như bác Hai Lẫm cũng đã bắt đầu có những cơn ho dài. Dọc đường đi, không có quán hàng nào bên đường được phép mở cửa, họ e ngại chúng tôi những người vừa bước ra khỏi tâm dịch Sài Gòn. Cũng may có những tổ chức tình nguyện tiếp tế thức ăn bên đường nên chúng tôi không bị đói và khát.

Khi đoàn dừng xe dưới một chân cầu vượt thì tôi đã hoàn toàn mệt lả. Mẹ tôi và bác gái hốt hoảng đỡ tôi nằm tạm trên tấm khăn lót trong cái thùng các tông đựng mì gói trong khi bố tôi cuống quýt tìm củi khô nhóm lên đun tí nước nóng để dành pha sữa trên đường cho tôi. Bác Hai Lẫm giục mọi người cố gắng ăn uống và nghỉ sức vì về đến khu cách ly là cũng xem như đã về đến cửa ngõ nhà rồi.

Đoàn chúng tôi về đến khu cách ly chỉ còn lại mười hộ gia đình. Bác Hai Lẫm mở cuốn sổ ghi nhật trình hết thảy những nhà đã từ biệt đoàn để sau này còn liên lạc. Ngày mai hết giãn cách, gia đình tôi sẽ được về nhà. Chúng tôi, những người trong khu cách ly này không ai không khỏi háo hức bồi hồi.

- Thằng Núi sướng nhé! Ngày mai lại được về với núi đồi, tha hồ chạy nhảy - Bác gái hôn lên trán tôi bùi ngùi chia tay.

Đêm đó, chúng tôi, những gia đình đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn thử thách đã ngồi lại nhìn nhau đầy mến thương. Cùng hồi tưởng lại những kỉ niệm vui buồn trong những ngày tháng lịch sử không quên này. Lịch sử của những ngày ngược dòng trở về quê hương với một tâm thế mới…

Cơn ngủ kéo tôi chìm sâu êm ái đến nỗi tôi đã không biết bố mẹ tôi đã băng qua bao núi đồi, khe suối, rừng cây để về đến trước ngõ nhà mình cho đến khi có hơi nước sả thơm lừng làm tôi thức giấc. Vậy là tôi đã về được quê nhà. Nằm ngửa dưới tay bà nội, ngâm mình trong chậu nước thơm thảo khiến tôi vô cùng sảng khoái. Tôi cảm nhận được nước chảy dịu êm lên da thịt và bàn tay mẹ miết lên từng ngón tay, kẽ chân như gột đi bao bụi đường. Nó gợi lên trong tôi những hứng khởi, những tiếng reo vui sảng khoái vô tận. Mọi người vây quanh tôi cùng cười. Tôi như cây con hứng khởi đón lấy mọi điều tin yêu đẹp đẽ của cuộc đời này. Cuộc sống là vậy, dẫu có bao trúc trắc, buồn đau hay thất bại thì rốt cuộc những thứ đó cũng không ở mãi với chúng ta khi chúng ta không ngừng tin yêu và hi vọng.

*

Bố tôi đã về quê như thế. Không còn nặng lòng mà sà vào núi rừng mến thương để bắt đầu một cuộc sống mới. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ một căn nhà bé con, một cái vườn bé con trước khi tôi tập lớn hằng ngày… 
Các tin mới hơn
Đọc sách hội viên: "Vẻ đẹp của những vần thơ "Vụn"" (Đọc tập thơ “Vụn” của nhà thơ Hà Cừ -NXB Thông tin và Truyền thông, tháng 12/2023) (03/05/2024)
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"(02/05/2024)
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, lý luận, phê bình: "Những cánh én báo tin Xuân trong thơ và nhạc" của Nguyễn Thị Lan(08/02/2022)
Chùm thơ của các tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh, Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Phách(08/02/2022)
Chùm thơ của các tác giả Hồng Cờ, Đỗ Tuấn Tơn, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Viết Luyện(07/02/2022)
Truyện ngắn "Nàng Hai" của Cao Duy Sơn(04/02/2022)
Mùa trại viết nhiều dấu ấn đặc biệt(04/02/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na