Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Văn nghệ dân gian: "Chuyện tình của Điện Súy Phạm Ngũ Lão với Anh Nguyên Công chúa" của Phạm Chức
09/02/2022 12:00:00

Như sử sách đã ghi, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có bốn người con trai và hai con gái, tất cả đều tài sắc, có nhiều công lao to lớn với xã tắc. Nên sau khi mất, cùng với phụ vương, các vị đều được người dân nhiều nơi phụng thờ. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, các ngài là Tứ vị Vương tử và Nhị vị Thánh cô.

 
 
 Tượng Phạm Điện Súy và tượng Anh Nguyên công chúa đang thờ tại Đền Kiếp Bạc

 

 
Một trong hai người con gái của Hưng Đạo Vương là Anh Nguyên Công chúa (Quận chúa). Có sách nói bà là con nuôi, nhưng lại có sách nói bà là con đẻ, được Vương giáng làm con nuôi để gả cho vị tướng quân yêu quý, đó là Phạm Ngũ Lão (vì nhà Trần quy định chỉ kết hôn trong dòng tộc). Chuyện tình của đôi uyên ương này, như là sự sắp đặt duyên trời và là một bản tình ca đẹp, lưu truyền từ xưa cho tới bây giờ.

Nói về hai người con gái của Hưng Đạo Vương là Trinh Công chúa và Nguyên Công chúa, khi 15, 16 tuổi, cả hai đều cùng nhan sắc, mắt phượng, mày ngài, tóc mây, da tuyết, miệng cười tươi hơn hoa nở, mắt nhìn sáng tựa sóng thu, có dáng nghiêng nước đổ thành, nhạn sa cá lặn… Từ nhỏ hai chị em vẫn ở riêng một lầu, học hành, thêu dệt…

Tương truyền, một hôm hai chị em nhân lúc vui thú, rủ nhau xuống lầu ra vườn hoa sau nhà thưởng trăng. Bỗng thấy một đám mây ngũ sắc tỏa ra bốn bề rồi kết lại thành một, từ từ hạ xuống vườn hoa. Văng vẳng trên không trung có tiếng đàn sáo, lại thoang thoảng hương thơm. Hai chị em lấy làm lạ, ngẩng mặt lên thì đám mây tà tà tới gần, rồi thấy một vị Tiên mẫu hiện ra nói rằng: “Hai con chớ ngại, ta là Tây Vương mẫu xuống trần có việc đây”.

Hai nàng vái lạy và tâu rằng: “Chẳng hay Tiên mẫu xuống có việc gì, chúng con phàm trần, xin Tiên mẫu thứ tội cho”.

Tiên mẫu nói: “Mẹ phụng mệnh Ngọc Hoàng đem thanh gươm báu này xuống cho cha các con. Đây là thanh “Phi Thiên Thần Kiếm” mai sau sẽ giúp cha các con diệt được giặc có yêu thuật, giúp cho Đại Việt vẹn toàn”.

Hai nàng quỳ lạy và xin Tiên mẫu dạy bảo cho vài điều. Tiên mẫu nói: “Hai con khi xưa cũng là đồ đệ của mẹ, cho nên mẹ mới xuống thăm nhân thể. Cha các con cũng là Thanh tiên giáng thế mới được ban gươm báu này đấy”.

“Lạy mẹ! Vậy mẹ dạy cho ít phép để chúng con có thể giúp thêm được phụ thân chăng.” – Hai nàng cầu.

Tiên mẫu cười mà rằng: “Cha con có tài trí, không cần gì phải phép. Duy khi nào gặp giặc dùng yêu thuật, thì chỉ dùng thanh kiếm này là phá được”.

Tiên mẫu cũng dặn riêng hai nàng rằng: “Với hai con, mai sau một con có duyên với đương triều hoàng đế, làm đến hoàng hậu. Một con lấy được chồng anh hùng xứng đáng, không phải học đến phép thuật làm gì”.

Nói đoạn, trời nổi cơn gió mát, mây bốc lên không trung. Hai công chúa trông theo vái lạy, rồi thấy đám mây biến mất…

Chuyện về thanh gươm báu diệt giặc Phạm Nhan xin viết vào dịp khác. Nay, chỉ xin kể về chuyện tình của người em là Anh Nguyên Công chúa, để xem lời Tiên mẫu đã dặn có đúng!

Nói về Phạm Ngũ Lão (Chữ Hán: 范五老V 1255-1320, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương. Nay là làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông là danh tướng nhà Trần, người góp công rất lớn trong đánh giặc giữ nước, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288. Một vị gia tướng tài giỏi, nhất mực thân tín, trung thành của Hưng Đạo Vương, được Ngài đặc biệt tin cậy… Chuyện về chàng đan sọt Làng Phù Ủng tự tiến thân gia nhập đội quân triều đình thế nào cùng những chiến công của ông ra sao, chắc chắn ai cũng đã được nghe kể. Nhưng chuyện tình của ông với nàng công chúa yêu của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo thì có lẽ ít người đã biết.

Trở lại với hai con gái của Hưng Đạo Vương. Chuyện kể rằng, từ khi Trinh công chúa vào cung, rồi được tấn phong Hoàng hậu (đúng như lời của Tiên mẫu ngày nào). Còn Anh Nguyên Công chúa một mình ở nhà phụng dưỡng mẹ là Nguyên từ Quốc mẫu phu nhân của Hưng Đạo Vương. Nàng thường nghe vương phụ khen, trong các gia tướng có Phạm Ngũ Lão văn võ toàn tài, anh hùng cái thế hơn cả. Nghe lỏm thì biết vậy, nhưng chưa rõ Ngũ Lão là người thế nào. Một hôm, Hưng Đạo Vương có việc, vội cho đòi Phạm Ngũ Lão vào hầu. Lúc chàng tới, công chúa cố ý ở nhà trong liếc mắt ra, thấy người tướng mạo khôi ngô, oai phong lẫm liệt, từ đấy đem lòng tơ tưởng.

Còn về Phạm Ngũ Lão ra vào vương phủ, thỉnh thoảng thấy bóng hồng thấp thoáng trong vườn, trạc ngoài đôi tám, mắt phượng, mày ngài, mặt hoa, da tuyết, hỏi ra thì là con gái Hưng Đạo Vương. Từ đấy, Ngũ Lão cũng ngày ngẩn đêm mơ, lúc nào cũng nhớ tới dáng hình công chúa. Lạ thay! Trai tài gái sắc, hễ nghe tiếng nhau, hễ gặp mặt nhau là sinh lòng quyến ái, nhưng hai bên chưa biết bụng nhau, không dám ngỏ lời, chỉ băn khoăn tình riêng trong dạ mà yêu trộm nhớ thầm.

Rồi đến khi Phạm Ngũ Lão theo quân đi đánh giặc. Công chúa thì theo phu nhân lánh một nơi, chỉ có năm sáu ả hoàn cùng hai tướng tâm phúc theo hầu.

Công chúa thấy loạn ly thì buồn bã, sực nghĩ đến mối tình, lại nhớ lời Tiên mẫu dặn, thường đêm khuya trằn trọc, thở ngắn than dài, chả biết nhân duyên của mình có được như nguyện ý. Huống hồ chinh chiến liên miên, những người anh hùng xuất thân báo quốc, biết đâu sinh tử đường nào, nếu rủi ra mà phải người anh hùng tri kỷ thì sơ tâm ao ước, chả hóa ra ảo mộng hư vô… Công chúa càng nghĩ càng lo rồi càng buồn. Vả lại xưa nay là người khuê các, giờ phải trèo non lội suối, trải gió dầm mưa, thân bồ liễu chịu sao được phong sương, thế là dần dần phải bệnh, mặt hoa ủ dột, mình ngọc hao gầy.

Phu nhân vốn rất yêu công chúa. Nay đang lúc buồn vì giặc giã, lại thấy con ốm yếu nên rất bồn chồn, ngày đêm phiền não. Còn các ả hoàn hết thảy đều khuyên giải và chạy thuốc men cho nàng, nhưng bệnh thể mỗi ngày một nặng. Phu nhân hỏi han thì công chúa chỉ thở dài chẳng nói một lời.

Trong số ả hoàn có Phương Cúc sắc sảo, tinh nhanh, nghe tiếng công chúa trằn trọc, đồ là công chúa có chung tình. Nay lại thấy mỗi ngày càng mòn mỏi, thuốc chữa không bớt, biết bệnh ấy hẳn là bệnh tương tư mới đem nói với phu nhân là vậy. Phu nhân cũng trong lòng nghi ngờ, nhân lúc thanh vắng hỏi nhỏ công chúa:

“Con ơi! Bệnh con bởi tự đâu, con nói cho mẹ nghe nào?”.

Công chúa chẳng nói gì, chỉ ứa hai hàng nước mắt. Phu nhân lại nói:

“Con ơi! Từ khi chị vào cung, mẹ chỉ còn mình con vui cùng. Bây giờ cha cùng các anh phải đi dẹp giặc, cả hai mẹ con phải lặn lội thế này, nghĩ chua xót trong lòng, nay con lại đau ốm thì cực lòng mẹ lắm.” – Nói đoạn phu nhân khóc ròng, sa nước mắt.

Công chúa thấy mẹ buồn rầu, cũng khóc nấc lên, rồi nói tảng ra rằng:

“Mẹ ơi ! Chắc con xưa nay không đi xa bao giờ mà phải dầm mưa dãi nắng, cho nên thành bệnh đấy thôi ạ”.

Phu nhân lại dỗ:

“Nếu phải cảm phong sương thì thuốc chữa phải bớt, nay bệnh mãi không khỏi, tất có duyên cớ sao đây. Con phải nói cho mẹ biết, để liệu phương kế chữa cho con. Nếu con không nói ra mà tích mãi trong lòng, mỗi ngày một héo hắt đi thì mẹ biết làm sao đây”.

Công chúa trước còn nhất định không nói, sau phu nhân gặng hỏi mãi mới khóc và nói rằng:

“Mẹ đã đoán được bệnh căn, thì con cũng chẳng dám giấu gì mẹ. Tự khi xưa chơi ở vườn hoa, chị em con có gặp Tiên mẫu dặn, duyên con về sau sánh với anh hùng. Nhưng con ở thâm khuê, thì biết anh hùng là ai. Duy thường nghe vương phụ khen tài Ngũ Lão, con thiết tưởng như người ấy với con mới thật là đẹp duyên phải lứa. Không ngờ, giặc giã xâm lăng, hai mẹ con phải lánh mình nơi khe suối, chàng cũng phải xông pha chiến trường, đã chắc gì được thành nhân duyên về sau. Con nghĩ phận con, đã uổng sinh ra đời này, nên con thương tâm mà thành bệnh. Lạy mẹ đã thương, nhưng con nghĩ có khi chẳng thể sống mà báo đáp ơn cha mẹ được”.

Phu nhân nghe xong thì tủm tỉm cười, nói rằng:

“Mẹ tưởng là con bệnh não thế nào, chứ việc ấy thì can gì mà ngại. Tiên đã dạy thì chắc là phải nghiệm. Vả lại, Phạm Ngũ Lão trí dũng song toàn, dù trải nghiệm mấy trăm chiến trận, cũng sẽ không việc gì. Con đã có tình như thế, để sau này mẹ sẽ nói chuyện với cha, can gì con phải lo lắng mà thành bệnh như thế”.

Công chúa được lời của phu nhân khuyên giải, lại có các ả hoàn dỗ dành, chăm chút thuốc thang, dần dần tỉnh táo.

Được vài ba hôm, công chúa đang lúc canh khuya tơ tưởng, sực nghe ngoài cửa có tiếng ngựa chạy xồng xộc. Công chúa mở cửa ra xem thì thấy bóng trăng sáng như ban ngày. Một tướng tế ngựa chạy đến, mình mẩy máu me đầm đìa, trông ra chính là Ngũ Lão. Mé sau lại thấy một lũ giặc Mông – Nguyên đuổi tới, cung nỏ, gươm giáo đùng đùng. Ngũ Lão thét lên một tiếng cực dữ. Công chúa giật mình tỉnh dậy, thì ra là chiêm bao.

Công chúa một mình ngẫm nghĩ và đồ rằng, Ngũ Lão tất bị giặc hại rồi, thế là khóc ầm lên. Cả nhà kinh động thức dậy. Do công chúa còn yếu, hoảng sợ, nên khóc một lúc rồi ngất lịm. Phu nhân kinh hãi, không biết căn cứ làm sao, sờ vào công chúa thấy người đã lạnh cả chân tay, mới sai đám ả hoàn xúm xít vào gọi. Kẻ giật tóc mai, người nắm ngón tay, gọi dồn một hồi công chúa mới tỉnh. Phu nhân sai đốt lá sơn và dùng các thứ thuốc xoa bóp.

Thấy con tỉnh, phu nhân lo lắng hỏi: “Khi nãy con làm sao vậy, bỗng dưng lại khóc rồi ngất đi như thế?”.

Công chúa vẫn nức nở không nói. Phu nhân bảo các ả hoàn ra ngoài rồi lại hỏi hai, ba lần. Bấy giờ công chúa mới kể lại giấc mộng và nói: “Mẹ ơi! Cứ như con mộng thấy, thì phải chăng chàng Phạm đã bị phải tay giặc rồi”.

Phu nhân lại khuyên giải: “Xưa nay chuyện mộng mị huyền hoặc, chắc gì là đúng, vả lại chắc do con nhớ lắm nên thành mộng đó thôi. Con cứ yên tâm, Ngũ Lão không sao đâu, mai sau chắc con sánh được người ấy”.

Công chúa từ bấy giờ lại tỉnh táo và dần ăn uống được. Mấy ngày sau thì nghe tin Hưng Đạo Vương đã dẹp xong giặc, sắp sửa rước xa giá hoàn cung. Các tướng tá trọn vẹn không khuyết người nào... Cả nhà được tin mừng rỡ vô cùng. Phu nhân cho người đưa tin về nói với Hưng Đạo Vương, rồi thu xếp sắp sửa về dinh.

Hưng Đạo Vương được tin, sai ngay Phạm Ngũ Lão đem một đội quân đến tận nơi ngụ sở đón phu nhân cùng công chúa về.

Ngũ Lão đến nơi, vào lạy phu nhân, trình lời Hưng Đạo Vương. Phu nhân trông thấy Ngũ Lão thì cả mừng. Công chúa thì thẹn thò nép sau bình phong. Các ả hoàn và hai tướng tâm phúc ai nấy bưng mồm cười khúc khích, phu nhân phải đưa mắt mới thôi.

Phạm Ngũ Lão ngạc nhiên, không biết tình ý làm sao mà họ thấy mình lại cười, bèn lui ra ngoài hỏi chuyện hai tướng, mới hay sự tình công chúa tương tư. Ngũ Lão thẹn đỏ cả mặt. Từ bấy giờ chàng mới hay Nguyên công chúa cũng có tình ý riêng giống mình và cảm bụng chung tình của nàng, nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm, chỉ sợ Hưng Đạo Vương không thuận.

Hôm sau, phu nhân lên đường hồi dinh. Ngũ Lão rước phu nhân lên song loan. Công chúa thì ngồi một xe riêng, có dáng thẹn thò. Ngũ Lão thỉnh thoảng nhìn trộm sau xe, ruột nóng như lửa chất, mong sớm về đến dinh để xem ý Hưng Đạo Vương ra sao.

Về tới dinh, Hưng Đạo Vương ra cửa đón phu nhân vào. Bốn vị vương tử cũng ra nghênh đón. Vợ chồng, con cái, trông thấy nhau hoan hoan hỉ hỉ, cùng vào dinh. Công chúa lạy mừng phụ thân, anh em hỏi han vồn vã. Vương sai mở tiệc tẩy trần. Cả nhà đoàn viên vui vẻ. Các tướng bộ hạ cũng được dự tiệc.

Phu nhân thừa nhàn nói với Vương rằng: “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, con em nay đã tới tuần cập kê, tướng công nên tìm một người xứng đáng mà gả chồng cho nó”.

Hưng Đạo Vương gật đầu. Phu nhân lại nói: “Thiếp nghe Phạm Ngũ Lão anh hùng xuất chúng và lại đang trạc tuổi nên duyên, vừa đôi phải lứa với con chúng ta, ý tướng công thế nào?”.

Vương nghe nói chính hợp với mình, mới nói rằng: “Nàng nói phải! Vậy để ta liệu xem”.

Ngũ Lão từ khi đưa phu nhân về đến dinh, chờ chực nghe ngóng hơn nửa tháng trời, không thấy tin tức gì, nóng lòng nóng ruột, nghĩ ngợi thâu đêm đến sáng, ngày này qua ngày khác. Không biết vì cớ làm sao, hay mấy tướng nói chơi, hoặc Hưng Đạo Vương sẽ kén cửa công hầu, không thèm mình chăng? Nghĩ vơ nghĩ vẩn, lúc nào cũng thẫn thờ. Một hôm, bỗng thấy lính hầu tới đòi vào gặp Hưng Đạo Vương. Ngũ Lão mừng thầm, chắc hẳn là việc nhân duyên đây! Vội vàng chỉnh tề khăn áo đi vào. Đến nơi thì thấy có Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật ngồi chơi. Vương cũng chỉ nói những chuyện đâu đâu, không có câu nào nói động đến chuyện ấy. Một lát, Chiêu Văn Vương trở về, Vương cũng lùi vào nhà trong nghỉ. Ngũ Lão buồn rầu biết ngần nào, lại phải lủi thủi trở ra. Chân đi lững thững, thỉnh thoảng ngoảnh cổ nhìn vào nhà trong xem công chúa có ý tứ gì không, nhưng cửa sâu nhà rộng, nhìn vào chẳng thấy.

Ngũ Lão ấm ức lắm vì không rõ chuyện ra làm sao. Sáng hôm sau, chàng lại vào hầu thật sớm và có ý muốn trông mặt công chúa một chút. Đến nơi, Vương vẫn còn ngủ. Ngũ Lão chờ chực hồi lâu không thấy ngài thức dậy, dạo ra sau vườn hoa, giả tiếng xem phong cảnh, nhác trông thấy bóng hồng thấp thoáng dưới lầu. Ngũ Lão nhìn vào thì mỹ nhân đã bước lên lầu, khuất người không trông thấy gì nữa. Chàng ruột gan bấy giờ như xé, đứng ngây ra như phải thuốc mê. Một lát thấy Hưng Đạo Vương thức dậy ra ngồi chơi ngoài cung đường. Ngũ Lão vội vàng trở vào ra mắt.

Hưng Đạo Vương hỏi: “Nhà ngươi đến đây có việc gì sớm vậy?”.

Ngũ Lão: “Bẩm, con nhân ngồi nhàn nên vào hầu Đại vương ạ”.

Vương cho ngồi bên dưới, sai rót nước uống, rồi lại nhàn đàm một lúc, cũng chẳng nói động gì đến việc nhân duyên. Ngũ Lão tuy vâng vâng dạ dạ, nhưng trong bụng vô cùng chán nản, một lúc lại từ tạ trở ra.

Phạm Ngũ Lão về đến nhà, lẩn thẩn ngồi nghĩ một mình, chắc là mỹ nhân không có ý gì với mình, cho nên không thèm nhìn đến. Mà Hưng Đạo Vương chắc cũng quyết là không thèm gả con cho một đứa đầy tớ. Thôi thì cũng yên phận, quạ chẳng dám sánh với phượng hoàng, đừng nên mong tưởng lắm cho mệt sức. Từ bấy giờ sự háo hức nguội dần. Chàng cũng tự nhủ, miễn là chờ lập được công danh, thiên hạ không thiếu gì mỹ nhân, tài nữ.

Cách nửa tháng nữa, bỗng lại thấy Hưng Đạo Vương cho đòi vào dinh. Ngũ Lão bấy giờ không còn mơ tưởng gì nữa nên thấy đòi thì vào, không hào hứng cho lắm. Đến nơi, chào lạy xong, Vương cho ngồi, sai pha nước uống.

Hưng Đạo Vương nói chuyện đâu đâu một vài câu, rồi bỗng hỏi rằng: “Chẳng hay nhà ngươi ở nhà đã kết duyên Tần Tấn với đâu chưa?”.

Nghe Vương hỏi vậy, mặc dù lửa tình như đã tắt bấy lâu, nay bỗng dưng lại bùng lên mạnh mẽ. Chàng như được uống thuốc cải tử hoàn sinh!

Ngũ Lão bấy giờ biết Ngài có ý đến mình, nửa mừng nửa thẹn, thưa rằng: “Dạ bẩm Đại vương, con chưa có ạ”.

Hưng Đạo Vương cũng rất mừng rỡ rồi bảo rằng: “Ta thấy nhà ngươi có tài kiêm văn võ, nên rất quý mến. Vậy ta còn một công chúa, muốn cho kết duyên cầm sắt với nhà ngươi, không biết ý ngươi thế nào?”.

Phạm Ngũ Lão mừng rỡ lạy tạ: “Bẩm, Đại vương có bụng thương yêu như thế, con biết lấy gì báo đáp hậu ơn cho được!”.

Hưng Đạo Vương mừng lắm, liền sai kén ngày làm lễ thành hôn. Đến ngày cưới, Vương mở tiệc mừng, mời cả vương hầu đến ăn yến. Phạm Ngũ Lão và Anh Nguyên công chúa, hai vợ chồng thành hôn, trai tài gái sắc, vui vẻ biết ngần nào!

Hưng Đạo Vương lập riêng một dinh cho hai con ở. Phạm Ngũ Lão tạ ơn Vương nhiều lắm. Từ bây giờ, loan hoàng đẹp lứa, cá nước ưa duyên, cầm sắt hòa vui, trăm năm phỉ nguyện. Vì thế, có thơ rằng:

Bởi phượng đã hài duyên thục nữ.

Cưỡi rồng nay phỉ nguyện anh hùng.

Về cuộc đời của Phạm Ngũ Lão, khi mới được vào kinh, Hưng Đạo Vương đã tiến cử lên triều đình và được giao cai quản Cấm vệ quân. Năm 1290, vua Nhân Tông giao cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Năm 1294 được ban Kim Phù (Binh phù vàng) và năm 1297 được ban Vân Phù (Binh phù có khắc chạm hình mây) đều do lập công lớn khi đánh trận ở Ai Lao. Năm 1301, ông tiếp tục được phong Thân Vệ Đại tướng quân và được ban Quy Phù (Binh phù có chạm hình rùa). Đến đời vua Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu… Một người con gái của ông bà, hiệu là Tĩnh Huệ được cất làm Thứ phi của vua Anh Tông.

Không chỉ có tài về quân sự, Phạm Ngũ Lão còn sáng tác thơ về chí trai, lòng yêu nước. Tiếc là hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật Hoài (Tỏ lòng), theo thể thất ngôn tứ tuyệt và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương - Có sách nói bài này của Bùi Tông Phan), theo thể thất ngôn bát cú.

述懷

橫槊江山恰幾秋

三軍貔虎氣吞牛

男兒未了功名債

羞聽人間說武侯

Thuật hoài

Dịch thơ:

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân hùng khí át sao Ngưu

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Trần Trọng Kim dịch)

Phạm Ngũ Lão mất ngày 1/11/1320, thọ 65 tuổi. Vua Trần Minh Tông vô cùng tiếc thương, nghỉ chầu 5 ngày, rồi phong là Thượng Đẳng Phúc Thần. Đây là một đặc ân của nhà vua đối với ông. Nhân dân Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông. Nhân dân cả nước từ xưa tới nay đều thành kính, kiêng gọi tên húy, chỉ gọi là Phạm Điện Súy hay Đức thánh Phạm. Tại rất nhiều nơi có thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo cùng gia quyến, đều có phối thờ Phạm Điện Súy cùng các gia tướng.

Tại đền Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương), Phạm Điện Súy được thờ tại gian chính giữa tòa Trung từ. Phu nhân của ông là Anh Nguyên Công chúa được thờ cùng thân phụ, thân mẫu và anh chị của bà trong tòa Hậu cung của đền.

Con dân nước Việt xưa nay tới tham quan chiêm bái đền Kiếp Bạc, không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh kỳ thú của đất này, mà còn được nghe kể về những trận đánh, những chiến công lừng lẫy trong các cuộc chiến chống ngoại xâm cùng nhiều truyện của triều Trần, trong đó có câu chuyện tình xúc động của Phạm Điện Súy và Anh Nguyên công chúa được lưu truyền suốt hơn 7 thế kỷ qua.

 
Các tin mới hơn
Đọc sách hội viên: "Vẻ đẹp của những vần thơ "Vụn"" (Đọc tập thơ “Vụn” của nhà thơ Hà Cừ -NXB Thông tin và Truyền thông, tháng 12/2023) (03/05/2024)
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"(02/05/2024)
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, lý luận, phê bình: "Những cánh én báo tin Xuân trong thơ và nhạc" của Nguyễn Thị Lan(08/02/2022)
Chùm thơ của các tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh, Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Phách(08/02/2022)
Chùm thơ của các tác giả Hồng Cờ, Đỗ Tuấn Tơn, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Viết Luyện(07/02/2022)
Truyện ngắn "Nàng Hai" của Cao Duy Sơn(04/02/2022)
Mùa trại viết nhiều dấu ấn đặc biệt(04/02/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na