1. Các nhà điện ảnh là chiến sĩ bảo vệ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc
1.1. Trong sáng tác
Ở phim truyện, ngay từ bộ phim đầu tiên Chung một dòng sông, phim Việt Nam đã thể hiện nguyện vọng thống nhất đất nước.
Tiếp đó, phim đã tái hiện hình ảnh các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc qua những phim về khởi nghĩa chống Pháp (Thủ lĩnh áo nâu - đạo diễn Trần Phương, về cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám), Cách mạng tháng Tám (Sao tháng Tám của Trần Đắc), toàn quốc kháng chiến (Hà Nội mùa đông năm 46 của Đặng Nhật Minh), kháng chiến chống Pháp (Tuổi thơ dữ dội của Nguyễn Vinh Sơn, Chị Tư Hậu của Phạm Kỳ Nam, Nhà tiên tri của Vương Đức), kháng chiến chống Mĩ (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của Hải Ninh; Hà Nội 12 ngày đêm của Bùi Đình Hạc; Ngã ba Đồng Lộc của Lưu Trọng Ninh; Mùi cỏ cháy của Nguyễn Hữu Mười; Những người viết huyền thoại của Bùi Tuấn Dũng; Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng của Hồng Sến).
Có những phim làm về nhân vật lịch sử hoặc danh nhân văn hóa. Ngoài những phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội mùa đông năm 46, nhân vật chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh với những trăn trở làm thế nào để tránh đổ máu cho nhân dân, và một số phim khác) còn có phim về Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Tổ quốc tiếng gà trưa của Huy Thành), về Nguyễn Du (Long Thành cầm giả ca của Đào Bá Sơn).
Chủ đề phim chiến tranh cách mạng vẫn được tiếp tục làm đến bây giờ, gần đây nhất là Truyền thuyết về Quán Tiên (2019) của Đinh Tuấn Vũ; Bình minh đỏ (2021) của Nguyễn Thanh Vân, đều lấy đề tài về Trường Sơn.
Những bộ phim chính trị này kén khách, đa số do Nhà nước đầu tư. Tuy vậy, tư nhân cũng có vài hãng làm, như: Vũ khúc con cò của Nguyễn Phan Quang Bình, Áo lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh.
Phim tài liệu về chủ đề yêu nước xuất hiện sớm hơn, ngay từ những năm 40 thế kỷ trước:
Năm 1946, Trận Mộc Hóa của Mai Lộc và Khương Mễ là bộ phim đầu tiên của điện ảnh kháng chiến Nam Bộ, cũng là đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Năm 1952, Mai Lộc cho ra phim Chiến thắng Tây Bắc, sau đó là Giữ làng giữ nước có cảnh đoàn tàu chở xăng của giặc Pháp bị du kích bắn cháy trên đường 5.
Năm 1954, nhà làm phim Xô viết Roman Karmen cùng với các nhà làm phim tài liệu Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu màu đầu tiên của Việt Nam: Việt Nam trên đường thắng lợi. Sau đó có phim Chiến thắng Điện Biên Phủ của Ngọc Quỳnh.
Thời chống Mĩ, cứu nước, nhiều bộ phim tài liệu giá trị được sản xuất, phản ánh và ca ngợi cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc như: Đầu sóng ngọn gió, Lũy thép Vĩnh của Ngọc Quỳnh (hai phim đoạt Huy chương Vàng tại LHPQT Moskva), Ngọn đèn cửa biển (đạo diễn Thanh An)...
Đó là những bộ phim tài liệu quý giá thể hiện trình độ và phong cách làm phim tài liệu chiến tranh mang tính chính luận, chất anh hùng ca trữ tình.
Tố cáo tội ác chiến tranh của Mĩ, đạo diễn - NSND Ngọc Quỳnh thành công trong bộ phim Thủ phạm là Nixon, có ghi những khung cảnh đổ nát mà bom Mĩ gây ra trên một số thành phố ở miền Bắc. Tác phẩm của ông cùng với những phim đề tài chiến tranh của đồng nghiệp tạo nên một nền điện ảnh tài liệu chiến tranh rất mạnh của Việt Nam, được các nhà làm phim tài liệu quốc tế công nhận, và trở thành tư liệu lịch sử.
Trần Thế Dân có phim hay như Những người săn thú trên núi Đắk Sao cho thấy những dũng sĩ Tây Nguyên dùng súng trường hạ máy bay Mĩ. Hồng Sến có phim Đường ra phía trước, Nghệ thuật tuổi thơ phản ánh cuộc chiến đấu chống Mĩ ở miền Nam.
Một loạt phim của NSND, Anh hùng Lao động Phạm Khắc về cuộc chiến đấu ở miền Nam như Đồng Xoài rực lửa, Chiến thắng đường 13, Chiến thắng Tây Ninh và Chiến dịch trên đường phố Sài Gòn. Phim Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không của ông ngoài đoạt giải Bông sen Bạc của Liên hoan phim Việt Nam còn nhận giải Nhất về báo chí, giải Nhất về nghệ thuật tại Tiệp Khắc... Ông có nhiều phim đoạt giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam. Sau này, ông còn làm lại một loạt các phim ký sự truyền hình được nhiều người theo dõi.
Đạo diễn Trần Việt có phim Chiến thắng lịch sử xuân 1975 – bộ phim chính luận thể hiện cuộc chiến đấu anh hùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh và gián tiếp phản ánh cục diện chung của chiến tranh, các mối quan hệ quốc tế cực kỳ phức tạp.
Những bộ phim truyện về cách mạng và bảo vệ Tổ quốc cùng những phim tài liệu chiến tranh giúp bảo tồn các giá trị tinh thần, củng cố lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Trong thời chiến tranh, những phim truyện như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu cũng như các phim tài liệu phóng sự chiến tranh đã giúp bạn bè thế giới hiểu về cuộc chiến đấu yêu nước đầy gian khổ của nhân dân ta. Một nhà điện ảnh Xô viết đã nói với nghệ sĩ Trà Giang khi bà cùng bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm tham dự Liên hoan phim Quốc tế Moskva: “Trong chiến tranh, chúng tôi không làm được phim truyện như các bạn”.
1.2. Trên thực địa, các nhà làm phim là chiến sĩ
Những người làm phim tài liệu chiến tranh là những chiến sĩ thực thụ khi phải quay phim dưới làn bom đạn địch. Ví dụ như khi làm các phim Lũy thép Vĩnh Linh (Ngọc Quỳnh), Đầu sóng ngọn gió (Ngọc Quỳnh), chỉ riêng làm phim Lũy thép Vĩnh Linh đã có ba người hi sinh vì bom đạn Mĩ. Xưởng phim tài liệu có 8 liệt sĩ, xưởng phim truyện có 1 liệt sĩ hi sinh ở miền Nam. Khi làm phim Những cô gái Ngư Thủy của Lò Minh, để có được những hình ảnh phim chân thực về tổ của A Cứu trên Tây Nguyên săn máy bay bằng súng trường, nhà quay phim Trần Thế Dân cũng phải trèo đèo lội suối bám sát trận địa, đối diện với hiểm nguy.
Làm phim truyện trong chiến tranh cũng đầy nguy hiểm. Khi quay phim Người về đồng cói (1973), quay cảnh ngoài trời, đạo diễn Bạch Diệp phải cử người theo dõi máy bay Mĩ từ Hải Phòng vào để đoàn làm phim kịp che những tấm phản quang (dân làng rất sợ những tấm phản quang có thể gây chú ý cho máy bay Mĩ) và mọi người tản đi. Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973) quay cảnh biểu tình ở bãi biển Hải Hậu cũng rơi vào tình trạng phải có sẵn cành cây để che phản quang; khi đoàn quay ở Hòa Bình cảnh biểu tình và xe tăng địch đàn áp, xe tăng của ta phải đi sơ tán nên phải quay ghép cảnh. Hôm đó, máy bay địch xẹt qua nhưng chúng chú ý đến sân bay nên đám đông quần chúng chỉ bị một phen sợ hãi.
Ở đây cũng phải nói đến những người xây dựng điện ảnh kháng chiến Nam Bộ ở cả hai giai đoạn từ rất sớm. Khoảng năm 1947, khi ra bộ phim đầu tiên, NSND Khương Mễ cùng các đồng nghiệp như Phan Nghiêm, Mai Lộc nghiên cứu cách in tráng phim thủ công trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề; một chiếc xuồng bịt kín chừa ra một lỗ lộ ánh sáng, một thùng tráng phim bằng gỗ, hòm làm lạnh có chứa ngăn để đá, máy quay dây cót làm máy in, định sáng bằng đèn manchon... nhưng với thiết bị này, các nhà điện ảnh vẫn hoạt động có hiệu quả.
Tháng 10/1947, NSND Mai Lộc giới thiệu Khương Mễ với tướng Trần Văn Trà mời Khương Mễ về khu 8 thành lập Tổ Điện ảnh. Khương Mễ và đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu các bài thuốc in tráng phim phù hợp (với nước sông Cửu Long), cải tạo dụng cụ tráng phim, Khương Mễ đã mạo hiểm vào nội thành Sài Gòn mua máy móc, dụng cụ (máy của Pháp tự động hóa mà ở chiến khu lúc ấy ta chưa có điện); giải quyết phòng lạnh, thùng tráng phim. Ông cũng là tác giả nhiều phim tài liệu ghi lại hình ảnh cuộc chiến đấu ở Nam Bộ, ngoài bộ phim Trận Mộc Hóa.
Sau ngày tập kết ra Bắc, Khương Mễ trở thành nhà quay phim nổi tiếng với các tác phẩm như Vợ chồng A Phủ (giải Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam), Hai người lính (giải Nhất của Tiểu hội Á-Phi-Mĩ Latinh tại Liên hoan phim Quốc tế Karlovy-Vary (Tiệp Khắc), Lửa rừng, Khói trắng.
Trở về Nam sau 1975, Khương Mễ có ngay phim Cô Nhíp (2 tập) về cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968. Phim được phát nhiều lần trên các đài truyền hình trong nước và được Đài Truyền hình Liên bang Xô Viết mua bản quyền và phát sóng.
Đạo diễn Mai Lộc được coi là người đầu tiên xây dựng điện ảnh kháng chiến Nam Bộ trước 1954. Đầu những năm 60, ông trở vào chiến trường (đi B), thành lập Hãng phim Giải phóng năm 1963. Ông là nhà quản lý tài giỏi. Ngoài công tác, ông trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ về nghiệp vụ cho các đồng nghiệp trẻ. Ông có các phim Quyết chiến thắng giặc Mĩ xâm lược đoạt giải Bồ Câu Vàng ở Liên hoan phim tài liệu quốc tế Leipzig (Cộng hòa dân chủ Đức), Tình đất Củ Chi, Chiến thắng Tây Ninh. Giữa hai kỳ kháng chiến, sống trên đất Bắc, Mai Lộc làm đạo diễn phim truyện, nổi tiếng nhất là Vợ chồng A Phủ (Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam), Đi bước nữa...
Ngoài những nhà điện ảnh kể trên, cán bộ điện ảnh từ Bắc đi B còn có Vũ Sơn, Trịnh Mai Diêm, Hoàng Thanh, Thép Hồng bổ sung cho lực lượng đã có ở trong ấy như Nguyễn Hiền, Trần Nhu, Thanh Hùng, Đoàn Quốc, trước đó là nữ diễn viên Kim Chi. Sau này, họ là những người sáng tác, những cán bộ lãnh đạo xây dựng Trường Điện ảnh, ngành phát hành phim... của thời hòa bình.
2. Họ là những chiến sĩ xây dựng nếp sống mới
2.1. Những bộ phim chống tiêu cực, xây dựng nếp sống mới
Những bộ phim chống tiêu cực, xây dựng nếp sống mới xuất hiện rất sớm. Đầu tiên là phim Vườn cam của Phạm Văn Khoa, sản xuất năm 1960, ngay sau Chung một dòng sông chống đầu óc tự tư tự lợi, bắt bí và ép duyên ở nông thôn. Chùm phim hài của Phạm Văn Khoa còn có Sau cơn bão, Kén rể, dùng tiếng cười hóm hỉnh nhẹ nhàng đấu tranh với tiêu cực cản trở sự phát triển của xã hội. Tiếng cười này có tác dụng lớn bởi phim hài của Phạm Văn Khoa được yêu mến, tên các nhân vật trở thành lời nói cửa miệng của khán giả.
Đi bước nữa (đạo diễn Mai Lộc – Trần Vũ) phản ánh việc cán bộ xã và dân làng đã chuyển biến thái độ với việc ngăn cản phụ nữ góa chồng tái hôn (chống lại toan tính giữ đất của người anh của chồng đã mất).
Phê phán xã hội phong kiến theo giọng bi kịch, ở đó đề cao văn hóa Việt Nam, nhất là hình thức - hình ảnh thể hiện điện ảnh cũng là hai bộ phim của Phạm Vân Khoa: Chị Dậu (dựa theo tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố) đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Quốc tế châu Á ở Pháp, Làng Vũ Đại ngày ấy (kịch bản dựa trên nhóm truyện ngắn của Nam Cao).
Chuyến xe bão táp (Trần Vũ) chống lại thói móc ngoặc kiếm tiền và hành hạ hành khách trên xe khi lái xe không vừa ý.
Nhưng ngay phim chống tiêu cực cũng “có xây dựng” luôn, nêu những hành động tốt như việc can thiệp của chính quyền trong ba phim hài, hay Chị Dậu và Làng Vũ Đại ngày ấy là tình làng nghĩa xóm của những người nghèo. Ngày lễ thánh (đạo diễn Bạch Diệp) có tiếng nói chống lại thần quyền làm khổ những tín đồ vô tội và góp phần xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn.
Cũng theo cách trong khi phê phán có xây dựng là ở phim Hi vọng cuối cùng của Trần Phương. Nhân vật chính là một thanh tra sống nghèo khổ nhưng trong sạch, tìm đến tận cùng những tiêu cực (tất nhiên tiêu cực này gắn với tham ô), đã từ chối sự hối lộ; cùng với thanh tra là một nữ phóng viên cũng quyết khám phá vụ việc dù càng đi sâu vào sự việc cô càng biết người phạm tội là chồng mình, và chị còn biết khuyên anh ta dừng lại và đầu thú. Phim kết thúc không “có hậu” nhưng có hồi chuông xe cứu hỏa như một lời cảnh báo cùng cận cảnh thanh tra nói “những ai sẽ đi cùng tôi”. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục.
Trong Sẽ đến một tình yêu, Phạm Văn Khoa đề cao tính chính xác và trung thực trong xây dựng khi nhóm kỹ sư kiên quyết đề nghị dừng tiến độ thi công để khảo sát lại phần địa chất công trình dù cuối cùng thì dưới nền công trình không có túi nước như công trình bên cạnh, nhưng được sự yên tâm.
Truyện vợ chồng anh Lực (của Trần Vũ) nêu một điển hình người tốt việc tốt. Lực là chủ nhiệm hợp tác xã, hết lòng lo mở đất cho dân làng; nhường nhà mình cho nhà trẻ của hợp tác xã, cắt đất nhà mình cho con kênh đào của xã đi thẳng không phải đi vòng vèo. Phim cũng có nhân vật hài, cảnh hài làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn. Nhân vật hài ông Củng (Trịnh Thịnh đóng) của phim được khán giả nhắc mãi. Chọn chỗ gian khổ nhường chỗ thuận lợi cho bạn là Son - nhân vật chính trong phim Những người đã gặp (Trần Vũ).
Tóm lại, ở thời kỳ đầu, những gương người tốt việc tốt luôn được chú ý thể hiện, có khi là một cá nhân, có khi là một tập thể. Ở đó có tính chiến đấu của những người làm nghệ thuật với ý thức đóng góp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
2.2. Xây dựng, đề cao văn hóa Việt Nam
Vấn đề này không được mở rộng lắm, chủ yếu là đề cao tình cảm gia đình giữa mẹ con, bố con, bạn bè nương tựa vào nhau… Xin kể một số ví dụ:
Nắng của đạo diễn Đồng Đăng Giao kể chuyện cô bé Nắng có mẹ thiểu năng trí tuệ tên là Mưa. Hai mẹ con yêu quý, quấn quýt nhau và được hai người bạn quen chăm sóc.
Hạnh phúc của mẹ (Huỳnh Đông) là tình yêu của Tuệ, người góa phụ (chồng bị chết ở biển khơi khi đi đánh cá gặp bão) làm mọi việc để chữa cho con khỏi chứng tự kỷ. Chị đã giấu việc mình bị ung thư giai đoạn cuối, thậm chí bỏ cả chữa bệnh vì con. Chị không qua khỏi nhưng đứa con trai bé bỏng của chị thoát chứng tự kỷ. Trong phim còn có tình cảm của anh bạn cùng xóm chài nghèo chăm sóc mẹ con Tuệ và trông nom nuôi nấng con trai Tuệ sau khi chị mất đi. Hai mẹ con được sống bao bọc bởi những người hàng xóm láng giềng trong xóm chài nghèo. Phim rất cảm động.
Tình mẹ con còn được thể hiện trong phim võ thuật phiêu lưu Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), trong đó, người mẹ vượt qua bao khó khăn nguy hiểm để cứu con gái bị bọn buôn người bắt cóc.
Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa (Mai Thế Hiệp) có tình yêu của người mẹ già với đứa con trai đi biệt xứ (thực ra thì anh ta đã mất), có tình cảm của người bạn con trai đối với mẹ bạn.
Thưa mẹ con đi (Trịnh Đình Lê Minh) là tình yêu, sự rộng mở của tấm lòng người mẹ trải qua nhiều đau khổ để ủng hộ con trai – cháu đích tôn của dòng họ - trong tình yêu đồng giới của con.
Bố già (Trấn Thành biên kịch và đồng đạo diễn) là tình cảm yêu thương, hi sinh, bao bọc của ông Ba Sang với con, cháu và anh chị em trong gia đình. Ông chết vì bệnh thận dù đã được con trai hiến thận, nhưng tấm gương, tấm lòng của ông đã chuyển biến tính cách và cách sống của con trai ông. Phim kể chuyện với giọng đời thường, có chút hài, gây xúc động, tác động đến tình cảm của người xem nên bộ phim đạt doanh thu kỷ lục ở trong nước với hơn 400 tỉ đồng, gấp đôi các kỷ lục phim đông khách trước đó. Khán giả vẫn trân trọng tình cảm gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội. Văn hóa gia đình được chú ý thì văn hóa xã hội cũng phần nào được nâng cao.
Phim phiêu lưu Chạy đi rồi tính kể chuyện hai vợ chồng và đứa con trai chạy trốn bọn cướp đã bị cậu bé ghi hình. Khán giả thích phim phiêu lưu võ thuật, nhưng phim này không chỉ có thế mà có tình cảm che chắn bao bọc của bạn bè, của láng giềng bạn. Đó là tình người.
Lật mặt, ba chàng khuyết (đạo diễn Lý Hải) thể hiện sự đùm bọc nhau trong cuộc mưu sinh của ba chàng khuyết tật mồ côi hoặc lạc mẹ. Trải qua một cuộc phiêu lưu hài hước, một anh đã tìm được mẹ sau bao năm oán trách mẹ bỏ rơi mình, giờ mới biết bao năm qua mẹ anh vẫn đi tìm đứa con thất lạc của mình.
Cũng có một vài phim đề cập đến thái độ tích cực với xã hội, ví dụ Gái già lắm chiêu (đạo diễn Nam Cito, Bảo Nhân) ở cuối phim hé lộ đôi nam nữ thanh niên thường đến trại trẻ mồ côi chăm sóc các em nhỏ. Tuy vậy, tính xã hội còn ít được thể hiện trong các phim.
Dù các chủ đề xây dựng văn hóa, xã hội còn ít được đề cập nhưng dù sao vẫn tốt vì những phim này toàn ở khu vực phim thị trường - nơi người ta làm phim kiếm lợi nhuận nên thường thiên về các phim hài, mua vui cho đám đông.
Đặc biệt có phim Song lang thành công cả về ý tưởng cả về nghệ thuật xây dựng phim. Phim là tiếng nói bảo vệ được sự tồn tại của ngành nghệ thuật cải lương được người dân Nam Bộ yêu thích nhưng đang hồi xuống dốc, ca ngợi tình bạn và tính trượng nghĩa của một thanh niên chết bởi tay người mình đã cứu giúp mà không nói ra.
Tóm lại, cả trên tác phẩm, cả trong thực tế, nhiều nhà điện ảnh là những chiến sĩ thực thụ. Đây là tấm lòng của nghệ sĩ nhưng những phim đề tài truyền thống - chính trị là có sự hỗ trợ của Nhà nước. Phim xây dựng cuộc sống mới trước đây được Nhà nước tài trợ có thể rồi sẽ có nữa nhưng hiện giờ là tự nguyện của tư nhân. Phim Nhà nước ngày càng ít và gần như chỉ theo chủ đề chính trị - truyền thống, vì đề tài chiến tranh, chiến đấu vẫn còn là cảm hứng lâu dài. Vấn đề là cần động viên khối tư nhân làm phim thị trường để họ phát huy vai trò là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Cũng cần có thái độ nghiêm khắc hơn để nâng cao giá trị nhân văn của những phim bẩn bôi bác xã hội, hạ thấp nhân phẩm con người Việt Nam của một số phim độc lập nhận tài trợ của nước ngoài. Để văn hóa, nghệ thuật vẫn là một mặt trận hoặc đấu tranh chống cái xấu hoặc xây dựng một xã hội mới với những con người tốt đẹp, nghĩa là để các nhà điện ảnh vẫn giữ được trách nhiệm và vinh quang của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật, cần có sự tác động và khuyến khích của Nhà nước và công luận.