Nhân vật
- Biên
- Ông Bảy
- Tằm
- Bà Lụa
- Hải
Và một số vai khác
Dẫn: Chuyến xe lam chở khách chạy về làng Vân chỉ có Biên và mấy phụ nữ đi bán cá. Xã Hiệp Thạnh đây từng là căn cứ quân sự của Mỹ kéo dài 17 cây số từ mỏm Ghềnh Đỏ đến giáp chân núi Mẹ Bồng Con. Có đủ cả sân bay phản lực, tuyến phòng thủ dày đặc, hàng chục lớp rào kẽm gai, bãi mìn. Bây giờ trên mảnh đất ấy tất cả chứng tích đã biến mất, thay vào đó là những dãy nhà san sát, phía sau là cánh rừng xanh tốt. Biên đang miên man với hiện thực. Bỗng có tiếng hỏi của người có tên Út.
Cô Út: - Chú từ ngoài Bắc vô, mà chú tìm ai ở làng Vân vậy?
Biên: - Tôi hỏi thăm nhà cô Tằm
Cô Út: - Tằm nào ha chị Ba?
Cô Ba: - Làng mình làm chi có ai tên Tằm… nhưng cỡ bao tuổi hả chú?
Biên: - Nếu cô Tằm còn sống thì năm nay quãng ngoài 40. Tôi quen cô ấy từ lúc còn chiến tranh!
Cô Ba: - Ôi, chu cha... Lâu vậy, tụi cháu chả biết. À, hay chú xuống đây hỏi ông Bảy Bí thư cũ của xã Hiệp Thạnh, thời chiến tranh ổng là du kích gan dạ đánh giặc dữ lắm chú ha. Nhà ổng gần con kênh đó cứ đi là tới chú à!
Biên: - Vậy hả? Bác tài cho tôi xuống đây nhé! Cám ơn các cô nhé!
Tất cả: - Chào chú, chúc chú may mắn!
Dẫn: Biên xuống xe ngơ ngác một hồi. Mặt trời đang khuất sau dãy núi Mẹ Bồng Con. Trước mắt Biên một con đường nhỏ dài hút bám theo con kênh nhỏ. Biên đi tận cùng con đường, một cánh cổng gỗ khép hờ, Biên đánh tiếng gọi, có tiếng chó sủa. Chủ nhà là một người đàn ông trạc ngoài sáu mươi, chân đi khập khiễng.
Biên: - Chào bác!
Ô Bảy: - Chú hỏi ai?
Biên: - Tôi tìm gặp ông Bảy Bí thư xã Hiệp Thạnh?...
Ô Bảy: - Tôi đây, Bảy đây!
Biên: - Trời đất! Anh Bảy, anh có nhận ra em không?
Ô Bảy: - Chú là!...
Biên: - Biên lính hải quân đoàn tàu không số đây anh Bảy!
Ô Bảy: - Biên, đúng rồi thằng Biên (Ôm Biên xúc động) mấy chục năm rồi tau có biết đâu ngày gặp lại thủy thủ đoàn tàu không số. Vậy tụi thằng Hà, Thịnh, Long còn cả chứ?
Biên: - Chỉ còn lại mình em thôi. Tụi thằng Hà, Thịnh, Long, Hứa hy sinh ráo cả rồi.
Ô Bảy: - Trời đất! Thương tụi thủy thủ tàu còn trẻ, gan dạ. Cả tháng trời lênh đênh trên biển. Muốn đưa con tàu cập bến an toàn tất cả đều nhờ lòng dũng cảm và mưu trí của tụi bây...! Chiến tranh nghiệt ngã quá trời! Vậy bây giờ chú sống ra sao?
Biên: - Sau hai chuyến trót lọt bàn giao đầy đủ vũ khí khí tài cho mặt trận Nam Trung bộ. Đến cái lần ở đầm Vân ấy! Bị tụi địch phục kích, không “quá tam ba bận” được nữa anh à…! Mất tàu, mất đồng đội. Sau 18 ngày sống chui nhủi trong rừng, em gặp được đội công tác đưa đường vượt qua trên 1300 km về tới Hạ Lào. Trên đường đi dính bom B52, vết thương sọ não và vết thương mất hoàn toàn bộ phận sinh lý đã buộc em phải nằm liệt 3 tháng ở bệnh viện Mường Loòng. Khi trở ra Bắc nhận được tin dữ. Bom B52 đã ném vào làng. Bố mẹ chết trong trận bom ác liệt ấy. (Xúc động) Mất hết người thân. Em về làng thắp hương cho cha mẹ rồi trở lại sống tại trại điều dưỡng thương binh BN 2 anh ạ!
Ô Bảy: - Trời đất! Khổ chú quá trời. Vậy bây giờ chú vào đây sống với tụi anh đi!
Biên: - Anh Bảy, em lặn lội từ Bắc vào đây để tìm đồng đội!…
Ô Bảy: - Tìm ai? Sao chú bảo anh em hy sinh rồi kia mà?
Biên: - Anh em hy sinh rồi. Em vào tìm lại mộ phần để báo cho gia đình đón về ngoài đó. Người thân của họ mong mỏi lắm. Dù còn lại nắm xương thì gia đình cũng muốn đưa anh em về với quê mẹ. Sinh ra trên đất mẹ, khi nhắm mắt ai cũng muốn trở về với đất mẹ. Phải không anh?
Ô Bảy: - Tui biết chứ! Hàng triệu người nằm lại chiến trường mà mộ phần chưa rõ họ tên thì người thân đón họ về sao được? Thế chú đã tìm được những ai rồi?
Biên: - Em tìm được cậu Hà, cậu Thịnh. Còn cậu Long cùng tiểu đội trúng bom B52 thì không còn hy vọng gì!... Đợt này em vào đây để tìm cậu Hứa!
Ô Bảy: - Đồng chí Hứa hy sinh ở đây à?
Biên: - Cậu Hứa hy sinh cái đêm ở đầm Vân đó anh! Bây giờ em muốn tìm một người!...
Ô Bảy: - Tìm ai?
Biên: - Cô Tằm!
Ô Bảy: - Con Tằm cơ sở của làng Vân chớ chi?
Biên: - Dạ!
Ô Bảy: - Con Tằm bị kỷ luật!
Biên: - Kỷ luật?
Ô Bảy: - Ờ! Con nhỏ bị khai trừ khỏi Đảng. Hồi đó tôi ở trong cấp ủy, bỏ phiếu khai trừ nó chớ ai. Chẳng biết nó ngu dại với đứa nào, bỗng dưng mang bụng bầu. Hỏi không chịu khai, chi bộ kiểm thảo mấy cũng chỉ ngồi khóc. Rốt cục chỉ mỗi câu: “Cháu dại, cháu chịu. Đảng muốn kỷ luật gì cháu cũng lãnh! Cháu thương anh ấy... Cháu thương con cháu!…”. Đồng chí còn lạ gì, lúc ấy đang giặc dã cũng chẳng ai nỡ làm khó một cô du kích vi phạm kỷ luật. Vả lại, má nó bị tụi giặc bắn chết, nhà lại nghèo. Nó bỏ về làng làm ruộng. Chúng tôi cũng cho đó là việc nhỏ. Cái cây có trái tốt, trái hư. Biết làm sao được? Sau ngày giải phóng công việc càng bù lu, đầu tắt mặt tối. Tôi bị thương tật 65% lại ở trên thôn Trung, ít có dịp qua lại làng Vân, không biết con Tằm sống ra sao? Mà này, tôi hỏi thật. Đồng chí là thế nào với con Tằm?
Biên: - Cái đêm mất tàu ở đầm Vân. Nếu không có Tằm thì chắc gì bây giờ em gặp được anh Bảy!
Ô Bảy: - Đúng! Thì ngày đó tôi chỉ huy du kích giao nhiệm vụ cho Tằm đấy chớ!
Cảnh hồi tưởng
Dẫn: Khoảng 2 giờ đêm trời tháng Bảy. Con tàu không số đỗ cách bờ không xa. Từng đoàn thuyền du kích chở những hòm vũ khí vun vút lao vào bờ. Một chuyến an toàn. Chuyến thứ hai, thuyền gỗ chưa kịp rời bờ thì bất ngờ có tiếng súng, tiếng trực thăng, tiếng bọn lính ngụy hò hét. Trên con tàu không số, súng của các chiến sĩ hải quân nhả đạn quyết liệt. Tên chỉ huy lính ngụy gầm lên.
Chỉ huy ngụy: Bắn, bắn mạnh đi tụi bay. Mấy thằng đặc công Bắc Việt cứng đầu cứng đầu quá ha… Ê! Để tau kêu pháo nã vô tàu xem tụi nó cứng đầu tới đâu. Hê lô! Diều hâu gọi đại bàng, diều hâu gọi đại bàng. Tụi đặc công Bắc Việt trên tàu bắn trả dữ quá trời. Yêu cầu cho bắn tiêu tụi nó ngay!
Dẫn: Tên chỉ huy vừa dứt lời. Tiếng pháo thi nhau nổ chát chúa, những vầng lửa vây lấy con tàu không số. Các thủy thủ lần lượt hy sinh. Biên kéo Hứa lúc này đã bị thương lao xuống nước. Trước khi rời tàu, Biên không quên điểm hỏa khối thuốc nổ để phi tang con tàu. Biên dìu Hứa bơi tới sát bờ thì một cột lửa đỏ dựng lên cao hàng chục mét, kèm theo đó là tiếng nổ long trời. Biên gọi Hứa.
Biên: - Hứa ơi, tới bờ rồi Hứa ơi! Hứa, cậu sao thế này? Hứa, Hứa ơi!
Thêm Tằm
Tằm: - Các anh ơi lên bờ nhanh lên!
Biên: - Cô là du kích à?
Tằm: - Em là Tằm đội du kích Hiệp Thạnh!
Biên: - Đồng chí Hứa của tôi hy sinh rồi!
Tằm: - Trời ơi! Ảnh hy sinh thật rồi!
Biên: - Giờ tính sao cô Tằm?
Tằm: - Phải chôn ngay đêm nay. Sớm mai nhất định tụi lính sẽ càn vùng này. Anh để em vào gọi má!
Bà Lụa: - Má đây rồi con (với Biên) Giờ cháu đi theo em Tằm, mọi việc ở đây để thím lo liệu. Tằm!
Tằm: - Dạ!
Bà Lụa: - Hai anh em liệm anh bộ đội vào tấm tăng này chôn cất tử tế rồi đưa anh lên khe đá Chẹt trên rừng nghe con!
Tằm: - Dạ! Má yên tâm!
Biên: - Cám ơn thím, con đi!
Dẫn: Tằm dẫn Biên đi men chân núi sát biển. Biên vác theo xác Hứa. Tằm tay cầm thuổng, tay xách bao cát đựng đồ ăn… Họ chôn cất Hứa ở trên ngọn đồi cát giữa những bụi cây bờn bờn, cây gai, cây xương rồng bàn chải. Công việc vừa xong thì trời tang tảng sáng. Nghe râm ran tiếng súng nổ ở phía làng Vân, tiếng xe ô tô rú máy ở con đường tỉnh lộ. Đúng như dự đoán của Tằm, địch phong tỏa các xóm ấp để truy tìm “bộ đội đặc công Bắc Việt”.
Chỉ huy ngụy: Tụi bây bao vây tất cả xóm ấp, lùng sục ngóc ngách cho tau. Tóm được tụi nó sẽ có thưởng lớn nghe không?
Lính: - Thưa chỉ huy!
Chỉ huy ngụy: - Sao?
Lính: - Có vết máu trong vườn nhà bà Lụa!
Chỉ huy ngụy: - Lục soát!... Lôi bà Lụa ra đây!
Lính: - Mụ già ra chỉ huy gặp!
Chỉ huy ngụy: - Ê, bà Lụa. Mụ giấu tụi đặc công Bắc Việt ở đâu? Bà khai ra sẽ có thưởng!
Bà Lụa: - Các ông đi lùng thì cứ việc lùng hà cớ chi mà bắt bà già tra khảo chớ?
Chỉ huy ngụy: - Mụ đừng ngoan cố. Lũ du kích Hiệp Thạnh đã nhận vũ khí từ con tàu đó. Con Tằm đi đâu? Vết máu kia là của mấy thằng đó bị thương, mụ giấu chúng nó ở đâu?
Bà Lụa: - Tôi không giấu, mà tôi cũng không biết. Các ông đi mà tìm!
Chỉ huy ngụy: - Mụ ngoan cố hả? (Đánh bà Lụa) Ngoan cố hả? (Rút súng kề đầu bà Lụa) tau đếm ba câu nếu mụ không nói tao bắn bỏ. Tụi lính đặc công Bắc Việt ở đâu? Một! hai! ba!
Bà Lụa: - Không biết!
Dẫn: Tên chỉ huy nghiến răng bóp cò. Bà Lụa ngã sõng soài trên cát. Hắn ra lệnh cho lính đốt nhà bà Lụa rồi tràn đi càn quét hòng tóm được Biên. Đến đêm Tằm mới về làng, mẹ cô đã được bà con chôn cất. Tằm ra mồ khóc thút thít, thắp nén hương cho mẹ rồi cô vội vã lên với Biên. Nhiệm vụ mà Tằm được giao là không để Biên sa vào tay giặc, khi nào có cấp trên về thì bàn giao.
Tằm: - Anh Biên! Má em bị tụi giặc bắn chết rồi (Bật khóc nức nở)
Biên: - Trời ơi! Quân giặc thật tàn ác. Chỉ vì tôi mà má Tằm chết uổng.
Tằm: - Chú Bảy giao súng và lựu đạn cho em bảo vệ anh, đề phòng tụi giặc liều lĩnh kéo lên đây!
Biên: - Được! Nếu chúng dám lên tôi sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để trả thù cho má em!
Tằm: - Anh Biên! Tính mạng các anh là vô cùng quan trọng. Cuộc chiến đấu đang rất cần các anh. Các anh còn thì đất nước nhất định được giải phóng. Em thương má gần bảy chục tuổi rồi mà chưa được một ngày sống thảnh thơi!
Biên: - Tằm ơi! Má em cũng như hàng triệu bà mẹ Việt Nam luôn sẵn sàng hy sinh bản thân và dâng hiến những người con đi chiến đấu sinh tử để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Anh chia sẻ với em sự mất mát đau thương lớn lao này.
Tằm: - Anh Biên nói hay thật. Trên tàu anh là chính trị viên đúng không?
Biên: - Anh là chỉ huy phó con tàu!
Tằm: - Thủy thủ tàu không số các anh thật quả cảm. Em nghe nói, mỗi lần con tàu rời bến ra khơi là một lần các thủy thủ tàu tổ chức lễ truy điệu phải không anh?
Biên: - Đúng vậy! Tên tuổi, phiên hiệu để lại hậu cứ hết. Có những con tàu khi rời vùng biển quốc tế để vào đất liền thì bất ngờ bị địch phát hiện. Chúng dùng tàu lớn chặn đường kêu gọi chiêu hồi và giao nộp vũ khí cho chúng. Biết là khó thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù. Lúc đó tất cả thủy thủ trên tàu quàng chặt tay nhau sau khi đã điểm hỏa khối thuốc nổ nặng hàng tấn rồi đẩy hết vận tốc con tàu lao vào tàu giặc bắt chúng phải đền tội.
Tằm: - Trời ơi, đau xót quá! Như chuyến tàu của anh trên đầm Vân bữa trước, các anh ấy đã hy sinh hết cả, duy nhất còn lại anh thôi. Thật tội nghiệp các anh!
Biên: - Thương đồng đội đã ngã xuống nơi bờ biển miền Trung. Mà tôi thì thật may mắn được Tằm che chở, cưu mang. Hơn nửa tháng trời, đêm nào Tằm cũng đưa tôi về ấp để nắm tình hình và tìm cách bắt liên lạc với đội công tác từ trên về. Những khi tôi bị cơn sốt rét hành hạ, Tằm lần xuống biển bắt ngao, sò, cua về nấu cháo cho tôi ăn, an ủi động viên dịu dàng thân mến. Mỗi cử chỉ, mỗi việc làm của Tằm đã tiếp cho tôi thêm nghị lực và niềm tin, hy vọng trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Ôi! Một ngày mai phải tạm biệt Tằm, tạm biệt biển miền Trung này…! Và biết đâu trong trận chiến đấu mới tôi sẽ vĩnh viễn nằm lại nơi chiến tuyến thì sao. Tằm nhỉ?…
Tằm: - Không! Anh Biên không thể chết, không bao giờ chết! Em mong anh dù đi đâu cũng chân cứng đá mềm và mãi yên bình để trở về quê mẹ. Khi về bên cha mẹ anh nhớ chuyển lời thăm hỏi của người con gái miền Trung tới cha mẹ nghe anh!
Biên: - Tằm ơi! Những ngày sống gần nhau nhưng chúng ta luôn giữ một khoảng cách bình yên. Nhưng Tằm có biết, trái tim người lính trẻ luôn xao xuyến khi có Tằm ở bên. Và đến hôm nay tôi bộc bạch với Tằm “Câu tình yêu thật là kỳ diệu”, tôi yêu, tôi đã yêu cô du kích trẻ Hiệp Thạnh gan dạ mà thùy mị, nết na…!
Tằm: - Khoan đã anh! Nhớ khi em chưa được vào đội du kích. Tụi Mỹ - Ngụy phao tin rằng “Năm tên lính cộng sản Bắc Việt đu tàu đu đủ không gãy”. Giờ em đã hiểu chiêu trò lừa bịp của chúng!… Các anh là những chiến sĩ vô song, những con người cảm tử. Mười tám ngày đi qua. Không biết tự lúc nào, điều thầm kín thiêng liêng nhất cuộc đời mà em ấp ủ! Em yêu anh, yêu người thủy thủ con tàu không số!
Biên: - Em đừng cho tình yêu của chúng ta là do kết cục của hoàn cảnh bi đát, hiểm nghèo xô đẩy đến. Mà tình yêu như một duyên phận đưa chúng mình đến với nhau, ràng buộc lấy nhau!…Và cho nhau tất cả. Em biết không. Treo lơ lửng bên cạnh niềm hạnh phúc bất diệt là cái chết, là những rủi ro bất chợt của chiến tranh. Nếu trời Phật phù hộ, kiếp sau cho hai đứa mình gặp nhau!
Tằm: - Không! Em không cần kiếp sau, em chỉ cần kiếp này thôi. Em yêu anh và được anh yêu là em toại nguyện rồi! Anh Biên!
Biên: - Tằm!
Dẫn: Và cũng đúng vào đêm thứ mười tám ấy, Biên bắt liên lạc với đội công tác ở trên căn cứ. Biên và Tằm lặng lẽ trước lúc chia tay. Không một lời hẹn ước. Trong giờ khắc ấy, có lẽ cả Biên và Tằm đều nghĩ khó mà còn có thể gặp nhau sau cuộc chiến tranh…!
Cảnh phục hiện
Dẫn: Theo lời ông Bảy Bí thư, Biên tìm đường về Ghềnh Đỏ. Anh đi bộ ngót chục cây số. Chẳng cần hỏi đường, Biên đã đoán định nơi Tằm ở, hướng ra biển. Quả nhiên, đi chừng hai tiếng đồng hồ, anh đã nhìn dải cây xanh trải trên sườn núi. Gió từ ngoài khơi xa thổi vào lồng lộng. Biên vừa đi vừa chạy gằn. Anh nghẹt thở vì xúc động, khi nhìn thấy ngôi nhà nhỏ thấp thoáng dưới rặng cây. Bóng áo xanh của một người đàn bà đang ngồi gội đầu dưới gốc cây xoài lớn. Biên bật gọi.
Biên: - Tằm… Tằm ơi!
Tằm: - Anh, anh Biên! (Tằm ôm Biên nức nở) Mấy chú ở tỉnh nói anh chết rồi. Anh với người đưa đường bị địch phục kích lúc vượt qua đèo Phượng Hoàng về khu. Em nửa tin nửa ngờ, nhưng bụng em lại bảo anh không thể chết được. Nếu anh còn sống, thế nào cũng có ngày anh tìm về với mẹ con em!
Biên: - Sao? Mẹ con em? Vậy là chúng mình có con ư?
Tằm: - Vâng! Chúng mình có con. Nó giống anh như hai giọt nước vậy!
Biên: - Ôi Tằm! Tình yêu của anh. (Bật khóc) Em biết không, sau cái đêm ấy, trên đường về cứ, bom Mỹ đã cướp đi của anh cái quyền làm bố. Vậy mà giờ đây, anh tìm lại tình yêu, anh lại được làm bố!
Tằm: - Anh ơi! Chỉ một lần trong cái đêm thứ mười tám ấy, con trai chúng ta đã ra đời. Em chấp nhận mọi điều cay đắng, tủi nhục để giữ riêng cho mình niềm hạnh phúc cô đơn…! Sau ngày giải phóng. Em cũng khước từ luôn chức danh cán bộ phụ nữ huyện để trở về sống với những cánh rừng ven biển. Đánh bắt cá tôm, trồng mì, trồng bắp nuôi con! Nhiều đêm, rất nhiều đêm, em thức trắng đứng dưới hiên nhà nhìn lên chòm sao Bắc Đẩu.
Biên: - Cảm ơn em. Anh cảm ơn em đã cho anh niềm hạnh phúc vô bờ.
(Thêm Hải)
Hải: - Ba. Ba ơi!
Biên: - Tằm ơi! Ai thế hả em?
Tằm: - Vâng. Thằng Hải con trai chúng mình đấy anh!
Hải: - Con là Hải, con ruột của ba đây ạ!
Biên: - Hải… Hải, lại đây với ba!
Hải: - Ba… Ba Biên của con. (Hai cha con ôm nhau, Hải thổn thức) Ba ơi! Khi đến tuổi trưởng thành con nói với má cho con đi bộ đội, con sẽ xin mấy chú cho con vào bộ đội hải quân. Con sẽ đi cùng trời cuối đất, để hỏi cho được tin của ba. Trong tâm con luôn hy vọng, những người lính hải quân đi tàu không số chở vũ khí vào miền Nam những năm đánh Mỹ, nhất định mọi người sẽ biết…!
Biên: Con của ba thông minh lắm. Hải ơi. Những năm đánh Mỹ đã có 1789 chuyến tàu không số chuyên chở trên 150.000 tấn vũ khí và cả trên 80.000 cán bộ chiến sĩ miền Bắc vào Nam chiến đấu. Cả đất nước này đều biết đến chiến công của những con tàu không số đấy con ạ.
Hải: - Khi con được vào bộ đội hải quân con mới được biết những thủy thủ tàu không số là những chiến sĩ cảm tử cho Tổ quốc. Tấm gương sáng từ ba má mãi soi sáng đường con đi. Con tự hào về ba má của con.
Biên: - Tằm ơi! Vậy là với riêng anh… anh hạnh phúc lắm rồi. Nhưng còn đồng đội của anh… Gia đình cậu ấy không còn người thân, anh phải đưa hài cốt cậu ấy về với quê hương!...
Tằm: - Anh Biên! Đồng đội anh là ai vậy?
Biên: - Cậu Hứa! Hứa hy sinh trên đầm Vân, em còn nhớ không Tằm?
Tằm: - Anh Biên! Anh trông kia, phần mộ anh Hứa em đã xây cất khang trang ngay mỏm đồi phía sau đó anh.
Biên: - Tằm! Vậy là em đã đưa cậu Hứa về đây hương khói? Nhưng sao không đưa cậu ấy vào nghĩa trang liệt sĩ?
Tằm: - Em đề nghị với địa phương cho phép em được chăm sóc hương khói cho người chiến sĩ đoàn tàu không số đã hy sinh trên mảnh đất này. Và anh ơi, cứ mỗi lần khói nhang cho anh ấy em lại nhớ về anh!
Biên: - Ôi! Tằm. Vậy là anh toại nguyện rồi. Những đồng đội của anh dù họ đã đi xa nhưng anh vẫn tìm lại được họ, người được đón về với gia đình, người được bà con nơi chiến trường xưa khói hương thờ cúng. Còn riêng anh, anh có thêm niềm hạnh phúc lúc cuối đời, đó là mẹ con em. Hà, Thịnh, Long, Hứa ơi. Tằm ơi. Anh đã tìm lại TÌNH ĐỒNG ĐỘI của đoàn tàu không số năm xưa rồi!
Dẫn: Tằm ôm chặt Biên nức nở! Niềm hạnh phúc của Biên và Tằm biểu thị cho ý nghĩa của hai chữ hạnh phúc của người lính sau chiến tranh. Bởi trong chiến tranh có những thứ mất mát, nhưng cũng có những giá trị cuộc sống còn lưu lại mãi. Chuyện của Biên và Tằm trở thành một thiên tình sử. Hòn Núi Cóc và cánh rừng Ghềnh Đỏ sẽ cất giữ những bí mật của họ.