Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kiến trúc: "Kiến trúc đình làng Việt đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt Nam" của KTS Nguyễn Phương Liên
27/04/2022 12:00:00

 
 
 

1. Đình làng xuất hiện từ rất sớm

Đình làng là công trình kiến trúc công cộng tập hợp được những tài năng điêu khắc và nghệ thuật tạo hình khác của tập thể cộng đồng làng xã Việt Nam. Qua tìm hiểu những tài liệu cổ, hình bóng đình đã có từ thời Bắc thuộc. Theo tiếng Hán, theo cách viết và hiểu thì đình có nghĩa là nghỉ, ngừng lại; là trạm thư, trạm nghỉ cho du khách và cho quan đi công cán. Thứ nữa đình còn là nơi hội họp, là nơi giải quyết những việc chung của cộng đồng làng xã Việt. Về mặt đề cao tâm linh tín ngưỡng của người Việt thì đình cũng đóng góp phần nhiều. Vào thời vua Trần Thái Tôn (năm 1231) nhà vua ra lệnh phải thờ Phật ở tất cả các dịch đình; đây là bằng chứng cho thấy đình làng đã đáp ứng tốt mặt tâm linh thờ Phật, Thánh của cộng đồng dân cư làng xã. Qua nghiên cứu và thực tế tại nhiều đình thời gian qua chúng tôi thấy: Đình làng là một ngôi nhà công cộng họp hội đồng làng, là nơi tổ chức hội hè và cao hơn là nơi thờ Thành hoàng làng.

Qua tìm hiểu, trước kia và nay còn rải rác vài nơi thì hàng năm theo bốn mùa thời hạn gieo trồng, gặt hái, cấy lúa và các lễ khao vọng, người dân tổ chức tại đình; mỗi năm có tới hàng chục cuộc tế lễ. Các ngày tế lễ Thành hoàng làng phải cúng tam sinh (Lợn, bò, dê) và trầu, rượu, oản, chuối… Đó là lễ mà theo tâm linh của người Việt để tế thần.

Âm nhạc sử dụng ở đình gồm các nhạc cụ: Sênh, tiền, nguyệt, tam, nhị, sáo, trống, chuông, chiêng… dùng cho các hoạt động vào dịp tế lễ là hát tuồng, chèo, đánh vật, đánh cờ, chọi chim họa mi, chọi gà, chạy chữ cướp cầu, rối nước…

2. Bố cục và thành phần của đình

Trải qua thời gian dài và qua nhiều biến cố, đình làng Việt Nam đã có biến đổi. Đình làng có thể là độc lập tính chất nhưng cũng có thể là quần thể di tích đáp ứng tư tưởng thờ cúng tín ngưỡng của người dân. Có 3 loại bố cục là: Kiểu chữ Công, kiểu chữ Đinh và kiểu chữ Nhất.

Các công trình trong đình thường có:

- Đại đình (Bái đường) thường có cấu trúc 5,7,9 gian và hai chái. Đây là nơi diễn ra các cuộc tế lễ, hội họp của làng. Có đình còn có nhà tiền tế làm cho bái đường càng tôn nghiêm và thiêng liêng.

- Hậu cung: Kiến trúc đình thường có cung cấm đặt ở chuôi vồ sát sau gian giữa đình. Cũng có đình do cấu tạo hình khối cung cấm đặt ngay gian giữa; tùy theo cấu trúc có thể các gian giữa của đình bày đặt hương án hoặc cửa cung cấm. Các gian còn lại từ xưa là nơi ngồi của các bô lão, những người có phẩm hàm cao, có chức tước và được phân biệt nhờ sự chênh lệch độ cao tầm 10 phân và được trải chiếu.

- Nếu đình có nhà tiền tế thì cũng bày hương án và bát bửu; cũng có chỗ ngồi và dành cho người có phẩm hàm thấp hơn.

- Các tảo mạc (tả vu, hữu vu) phía trước đình chạy dài hai bên sân làm nơi phục vụ chuẩn bị tế lễ, làm cỗ… trong khi mọi người tấp nập trong sân rộng trước đình.

- Tùy điều kiện, song thường trước đình có hồ nước lớn luôn được giữ gìn sạch sẽ, nước trong và sạch, lưu thông với hệ ao sông của làng. Hồ nước là nơi tổ chức bơi thuyền, múa rối nước… trong những ngày lễ hội của làng.

Ngoài ra còn có những công trình nhỏ khác nằm trong khuôn viên đình phục vụ cho các sự kiện diễn ra tại đình làng.

3. Kiến trúc thông thường của đình có gì đặc biệt

Đình là công trình kiến trúc dân gian. So với các công trình dân gian khác thì kiến trúc đình xuất hiện sớm, độc đáo, có nét riêng. Đình là công trình công cộng, không gian đình được sử dụng cho đông người nên cần rộng, cao, thoáng mát. Từ chỗ đó, kết cấu của đình như cột, xà… phải to, đủ lớn để chịu được tải trọng tĩnh và tải trọng động trên nền khí hậu. Đi theo đó là các chi tiết kết cấu khác cũng phải đủ độ, tạo sự hài hòa về tầm vóc giữa chi tiết với chi tiết, giữa chi tiết với cấu kiện công trình và giữa công trình với không gian chung. Đa số các đình đến nay đã qua trùng tu sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn mang phong cách chung của kiến trúc dân gian Việt, đặc biệt là mái.

Sự khác biệt của kiến trúc đình làng nằm ở bộ phận mái đình. Chúng ta thấy mái thường rất cao so với chiều cao đình. Nguyên nhân mái đình cao là do yêu cầu của không gian sử dụng, của sự tính toán hợp lý có khoa học về che mưa, che nắng gió… và nhất là motip của sáng tác kiến trúc. Các mái đình ở bốn góc đều cong vút; bờ nóc cũng cong vút theo. Các cột ngoài của đình nối với cột con bằng kẻ ngồi, cong thành nghé kẻ đỡ xà nách. Sự kết hợp đó trở thành đòn bẩy rất khỏe và được chạm khắc cực kỳ tinh xảo, công phu. Hệ thống cột, kẻ ngồi, bẩy, xà tứ… là những bộ phận cấu thành “Thức” cổ điển của kiến trúc đình làng Việt. Chiều cao mái lớn, đầu đao cong vút vươn cao, vươn xa là nét đặc trưng của mái đình. Nó không những thể hiện sự mạnh mẽ, ổn định của của các cấu kiện mà còn thể hiện ước vọng bay cao, xa lên bầu trời của người dân trong cộng đồng. Từ trong tâm thức mỗi người dân Việt, ấn tượng mái đình bao trùm vươn xa đem lại cho con người sự che chở, ấm áp và bình an.

4. Nghệ thuật điêu khắc chạm gỗ là nhân tố quan trọng, độc đáo trong kiến trúc đình làng

Kiến trúc đình làng chủ yếu dùng vật liệu là gỗ, gạch, đá… và hình thức trang trí, mỹ thuật sử dụng ở đây là chạm khắc. Những hình chạm trên các cấu kiện hay cửa võng đều rất tinh xảo và phong phú, thể hiện đời sống hiện thực và tâm hồn người Việt. Qua dòng thời gian, hầu hết các đình đã được trùng tu nhiều lần nhưng hình thức đường nét của các hình trang trí trong đình vẫn nguyên vẹn, sống động và bình dị như cốt cách người nông dân Việt. Những người thợ xuất thân từ nông dân, từ các làng quê Việt với trí tuệ, tâm thức, tình cảm và bàn tay khéo léo đã tạc vào gỗ đá những bức phù điêu có sức sống mãnh liệt. Các hoa văn trang trí trong đình đều được cách điệu theo phong cách nhất quán. Đình nơi này là hình Lân với 4 tư thế, nơi kia lại chạm khắc tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng; có nơi lại hình hoa lá phong cảnh thiên nhiên, có nơi chạm bát mã, có nơi lại chạm nông hình ảnh con dê trong vóc dáng và tư thế hiện thực… Chạm nông vì hình đó được chạm lên bộ phận kết cấu chịu lực của công trình. Đây là một yếu tố mang tính khoa học, tính kỹ thuật được đề cao trong kiến trúc dân gian. Đặc biệt các cửa võng của một số đình (Đình Bảng) chạm bồng tỉ mỉ hình lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh, bát bửu… từ trên xà thượng buông xuống trước cung thờ tạo vẻ huyền bí trang nghiêm nhưng rất gần gũi với cộng đồng… Tất cả những thành quả đó được những người thợ bằng tình yêu thiên nhiên, tình yêu giữa người với người, với xã hội chuyển vào các bức trang trí trong đình. Không ở đâu hoặc nền mỹ thuật nào có được sự tinh tế, chắt lọc mà rất tự nhiên, chân thật, sống mãi với thời gian.

Điều đáng nói nữa là sự kết hợp hài hòa ăn ý khéo léo giữa điêu khắc và kiến trúc, cái nọ hỗ trợ cái kia lấp đi sự vô lý, khoảng cách trong không gian đình. Chính bàn tay khối óc người thợ điêu khắc làm nên một “Thức” điêu khắc giống kiến trúc sư làm nên “Thức” kiến trúc trong đình. Sự kết hợp đó làm cho ngôi đình đẹp về hình khối, đường nét và chi tiết; hoàn hảo trang nghiêm và thiêng liêng.

Với chức năng sử dụng như trên, với hình khối được tạo dựng, với chi tiết họa tiết đường nét màu sắc… đình làng tổng hợp được căn cốt bản sắc hồn cốt dân tộc Việt đó là nét độc đáo, phong phú của đời sống người dân Việt Nam. Vậy có thể nói gọn: Đình làng Việt chính là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt Nam. 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tản văn "Những giai điệu gọi mùa tha thiết…" của tác giả Lê Kiều Hưng(26/04/2022)
Sân khấu: Kịch ngắn "Tình đồng đội" của tác giả Nguyễn Công Bằng(26/04/2022)
Truyện ngắn "Sông quê tráng gió" của tác giả Phan Đình Minh(25/04/2022)
Văn nghệ dân gian: "Tết mồng 3 tháng Ba của người Việt" của tác giả Nguyễn Thị Huê (Sưu tầm và ghi chép)(25/04/2022)
Bỗng tiếc dáng ngồi chợt nhiên nghiêng (22/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na