Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kiến trúc: "Nơi neo giữ hồn quê" của KTS. Nguyễn Văn Thường
16/02/2022 12:00:00

 
 

Làng Ngư Đại bây giờ được gọi là khu dân cư Chín, thị trấn Thanh Hà, nhưng tôi vẫn muốn gọi theo tên cũ, bởi vì nó có vị trí tách biệt, cách xa thị trấn hẳn một cánh đồng. Đoạn đường không xa lắm, nhưng vì chiều ngang nhỏ, hai bên mọc dày hoa dại khiến ngôi làng trở nên hẻo lánh, khác hẳn với không khí tấp nập, xô bồ nơi phố thị. Về thăm làng Ngư Đại khách không khỏi ngỡ ngàng khi nhiều dấu ấn của một làng quê đồng bằng Bắc Bộ còn hiển hiện ở nơi đây... Lần đầu tiên tôi về Ngư Đại cách đây khoảng hơn ba mươi năm, vào dịp cưới vợ cậu em trai của chị bạn đồng nghiệp thân thiết của tôi. Cái tên Ngư Đại nghe ngồ ngộ, cổ xưa và rất ấn tượng có lẽ xuất phát từ một sự tích nào đó của làng. Nhà ở, đình chùa, miếu mạo cùng với những phong tục tập quán, đời sống văn hóa mang đậm nét truyền thống lâu đời. Bao quanh làng Ngư Đại là con sông Hương và sông Bái uốn lượn mềm mại như dải lụa. Những vườn cây ăn quả xen lẫn với đồng lúa xanh tốt quanh năm.Thời gian lưu lại không nhiều nên tôi chỉ cảm nhận được một đám cưới quê rộn ràng, náo nhiệt nhưng thật chân thành, ấm áp. Sau này có nhiều dịp về Ngư Đại tôi lại càng thêm ấn tượng về vùng đất, con người nơi đây. Làng Ngư Đại không lớn, chỉ hơn một trăm năm mươi hộ với khoảng năm dòng họ đã cùng chung sống đoàn kết, gắn bó với nhau nhiều đời trên mảnh đất này. Ngôi làng nằm về phía Nam, còn phía Bắc là cánh đồng canh tác. Các hộ gia đình sống quây quần hai bên con đường chính của làng. Đi dọc con đường, qua hàng giậu bằng cây xanh thấp hai bên là những ngôi nhà ở, vườn cây, ao cá nhìn mát mắt. Trên trục đường này có hai công trình tôn giáo, tín ngưỡng lớn là đình và chùa cách nhau chưa đầy 300m. Hàng ngày mọi người đi lại qua đây gặp gỡ, chia sẻ với nhau mọi buồn vui trong cuộc sống. Những ngày lễ, Tết hoặc những đêm trăng sáng, cánh trẻ trong làng thường tụ tập vui chơi ca hát rất náo nhiệt. Con đường đã từng chứng kiến những cuộc chia ly, đoàn tụ của mỗi gia đình, bao sự đổi thay của quê hương…

Về phía Tây thị trấn, từ xa đã nhìn thấy một ngọn cây xanh ngắt vươn cao, đó chính là cây đa đình Ngư Đại. Đến cổng làng, đi một đoạn ngắn là tới. Ngôi đình nằm ở phía Bắc con đường chính, quay hướng Nam, đối diện với nhà văn hóa. Đây cũng là ngã năm có các đường ngõ, xóm đấu vào. Trước đình là một khoảng sân rộng và một cây đa cổ thụ cành lá xum xuê. Theo thần tích thì đình Ngư Đại thờ thành hoàng Cao Minh Hựu Đại Vương, người có công diệt Phong Xà và giúp vua Lê Đại Hành đánh quân Tống. Vào các dịp lễ, Tết hoặc khi có việc trọng đại trong nhà, các gia đình thường mang lễ vật ra đình cầu, cúng. Hàng năm đình có hai lần lễ hội vào ngày 6/11 và ngày 7/3 âm lịch, là ngày sinh nhật và ngày giỗ của ngài. Gần ngày lễ cả làng rậm rịch chuẩn bị dựng rạp, làm cỗ, mời đoàn tế lễ và gánh hát chèo về biểu diễn. Chị bạn kể hồi nhỏ, ngày lễ hội vẫn được xem rước kiệu từ ngôi miếu, nơi ngài hóa ở gần bờ sông Bái về đình. Những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đình còn được sử dụng để làm lớp học. Hình ảnh quê hương cùng với ngôi đình in đậm trong tâm trí, là hành trang không thể thiếu của mỗi người con làng Ngư Đại khi đi xa…

Chùa Ngư Đại, còn gọi là Phượng Hoàng Tự nằm ở phía Tây, cuối con đường chính của làng. Ngôi chùa tọa lạc trên một rẻo đất hình con chim phượng, có hai mắt là hai giếng nước. Trước đây một trong hai giếng từng được dùng làm giếng nước ăn của làng. Hiện trong chùa còn năm ngôi tháp mộ các sư trụ trì và nhiều bia đá cổ ghi lại những đợt trùng tu tôn tạo. Cách đây 15 năm ngôi chùa cùng với đình đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Đi sâu vào chùa, một không gian tĩnh mịch sẽ mang lại cho khách một cảm giác bình an, thư thái. Nơi đây gắn với rất nhiều kỷ niệm về thời thơ ấu của chị bạn tôi. Vào ngày rằm, mồng một chị cũng như nhiều trẻ khác thường theo mẹ, theo bà ra chùa làm lễ. Thái độ sùng kính của người lớn khi vào chùa làm cho bọn trẻ cũng phải e dè, lễ phép hơn. Kỷ niệm về những ngày tháng học ở trong chùa đã in đậm trong tâm trí của những lứa học trò một thời không thể nào quên. Đó là những lần máy bay Mỹ nhào lộn trên trời, song dưới mái chùa, bên cạnh các ông tượng Phật cả lớp vẫn chăm chú nghe cô giáo giảng bài… Hồi xưa cứ chiều về, khu giếng chùa lại rộn lên tiếng nói, tiếng cười của những người tập trung về đây gánh nước. Vào đêm trăng sáng, bọn trẻ lại tụ tập chơi trốn tìm, bịt mắt bắt dê hoặc đuổi theo những con đom đóm lập lòe từ giếng nước bay lên rồi tỏa theo các ngõ. Chùa Ngư Đại nằm ở ngay trong xóm, có đường đi lối lại xung quanh. Đạo Phật như gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân hơn. Cách đây vài tháng tôi cùng chị bạn có mặt ở Ngư Đại vào dịp làng tổ chức đón sư cô. Sự có mặt của sư trụ trì chùa đã đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu nay của làng. Từ lâu rồi, giờ lại được nghe tiếng chuông ngân, tiếng tụng kinh gõ mõ…

Khuôn viên của các hộ gia đình ở làng Ngư Đại đều rất rộng. Nhà chị bạn tôi cũng có diện tích khoảng gần ba sào Bắc Bộ. Ngôi nhà ở theo kiểu truyền thống, làm bằng gỗ ba gian, mái lợp ngói ta. Hiện chỉ còn cụ ông thân sinh ra chị đang ở, chăm sóc bàn thờ gia tiên. Bên trái có ngôi nhà 2 tầng của cậu em trai thứ ở gần với cụ. Phía trước nhà có sân phơi lát gạch, hàng cau rồi đến ao thả cá. Bên phải là vườn cây ăn quả trải rộng tới bờ sông Bái. Chị bạn kể nơi đây đã gắn bó với cả quãng đời suốt thời thơ ấu của chị, những năm tháng một đàn con cháu sống quây quần bên ông bà, cha mẹ dưới một mái nhà. Cuộc sống ở làng quê thường vất vả, trẻ em ngoài việc học hành phải phụ giúp thêm việc gia đình. Mới mười hai, mười ba tuổi đã biết ra đồng chăn trâu cắt cỏ, ở nhà xay thóc, giã gạo, thổi cơm… Nhưng ở quê trẻ con cũng có nhiều lúc thảnh thơi. Ngày hè vắt vẻo trên lưng trâu ra đồng, tha hồ đọc truyện, ngắm trời ngắm đất rồi mơ mộng. Khi mặt trời lên cao, cả người và trâu cùng lội ào xuống sông tha hồ lặn ngụp. Những đêm thanh vắng được nghe bà thì thầm kể truyện cổ tích ngày xưa… Vui nhất là những ngày Tết Nguyên đán, mọi người tất bật quét dọn nhà cửa, giã giò, luộc bánh, cắm hoa… Chiều ba mươi Tết cả nhà sum họp quây quần quanh mâm cỗ tất niên. Sáng mồng một Tết xúng xính trong bộ quần áo mới, nhận tiền mừng tuổi và theo người lớn đi chơi, chúc tết. Những kỷ niệm xưa thật là bình dị nhưng hồn nhiên, trong trẻo và đẹp làm sao.

Cánh đồng của làng Ngư Đại trước đây chủ yếu là trồng lúa. Được bao bọc ba mặt bởi con sông Bái, sông Hương uốn lượn quanh co. Không biết có phải do thế đất dáng hình con cá hay sông hồ ở đây chứa nhiều tôm cá mà làng được mang cái tên “Ngư Đại” – có nghĩa là “con cá lớn”. Vào kỳ giêng hai, trời lất phất mưa xuân là cả cánh đồng Ngư Đại lúa lên xanh mơn mởn. Từng đàn chim én từ đâu bay đến chao liệng khắp cánh đồng. Đây là dịp nông nhàn, cả vùng quê bước vào mùa lễ hội. Những con trâu cũng được nghỉ ngơi, thong dong ra đồng gặm cỏ. Rồi chờ cho những bông hoa gạo đầu làng chớm đỏ là những cơn mưa rào tháng Ba xuất hiện. Từng đàn cá đủ loại nối đuôi nhau từ sông bơi ngược lên đồng vật đẻ. Cả làng í ới gọi nhau vác dậm, mang nơm, xách lưới ra đồng bắt cá. Lúc đi về ai cũng đều có xâu cá nặng trĩu trên tay. Thấm thoắt chả mấy chốc cánh đồng lúa chuyển dần sang một màu vàng rực. Tháng Năm, mọi nhà tập trung ra đồng gặt lúa. Mồ hôi ướt đầm vai áo nhưng ai cũng rất vui vì đã đón một mùa màng bội thu. Sang tháng Mười gió heo may, nước ruộng cạn dần, cá tôm dồn xuống nơi ruộng trũng, lươn trạch rúc hết trong bùn… Người dân Ngư Đại lại chuẩn bị bước vào gặt vụ mùa. Thiên nhiên thật là hào phóng với những con người nơi đây. Gần đây nhiều ruộng lúa đã được chuyển thành vườn cây ăn quả. Những thửa ruộng nhà chị bạn cũng chuyển hết sang trồng vải. Cứ đến mùa vải chín thế nào chị cũng gửi biếu hoặc mời bạn bè về quê chơi, thăm vườn vải. Đi giữa một vùng vải chín đỏ bạt ngàn, chùm sai trĩu trịt mới thấy được sự trù phú của đồng đất Thanh Hà nói chung và làng Ngư Đại nói riêng. Gần đây đồ án quy hoạch Khu du lịch sinh thái sông Hương đã được tỉnh phê duyệt. Làng Ngư Đại sẽ góp phần hiện thực hóa kế hoạch tổ chức tuyến du lịch sinh thái sông Hương. Khách sẽ được đi thuyền trên sông, thăm các vườn cây đặc sản, di tích lịch sử văn hóa đồng thời khám phá cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân quê.

Hôm rồi chị bạn rủ tôi về quê dự lễ khánh thành tôn tạo giếng chùa Ngư Đại - chính là cái “giếng nước ăn” ngày xưa kể đến ở trên. Chị đã cùng với gia đình xin được công đức xây kè và lan can giếng. Là một kiến trúc sư giàu kinh nghiệm nên chị đã lựa chọn hình thức và vật liệu truyền thống hài hòa với xung quanh. Sau mấy tháng trời vất vả, thi công trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gạch gốm lại phải mua ở tận Bát Tràng, chị phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, công trình cũng hoàn thành. Đi quanh bờ giếng, xem xét tỷ mỉ từng chi tiết, có vẻ hài lòng, ánh mắt chị mơ màng nhìn sâu vào làn nước trong xanh. Liệu có phải nơi đó đang hiện về những hình ảnh ngày xưa… Tôi thầm nghĩ có lẽ chính vẻ đẹp bình dị của làng Ngư Đại đã neo giữ tâm hồn của những người con đi xa như chị, để rồi dù ở tận chân trời góc biển họ vẫn không nguôi hướng về nguồn cội, nguyện làm hạt phù sa bồi đắp cho quê hương...

 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tản văn "Hương mùi" của Lê Phương Liên(12/02/2022)
Truyện ngắn "Gà trên đỉnh Cơi Pòn" của Kiều Duy Khánh(11/02/2022)
Truyện ngắn "Về nơi núi đồi" của Trần Quỳnh Nga(09/02/2022)
Văn nghệ dân gian: "Chuyện tình của Điện Súy Phạm Ngũ Lão với Anh Nguyên Công chúa" của Phạm Chức(09/02/2022)
Nghiên cứu, lý luận, phê bình: "Những cánh én báo tin Xuân trong thơ và nhạc" của Nguyễn Thị Lan(08/02/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na