Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Đường quê thấp thoáng" của tác giả Trương Vân Ngọc
27/12/2022 12:00:00

Tôi chuyển đến nơi trọ mới, đó là những dãy nhà xây khép kín trong ngõ sâu một tuyến phố rất nổi tiếng của thành phố, người ta thường nhắc tới nó với cái tên rất dân dã: Phố Vẫy. Không nói thì ai cũng biết, đơn giản cả khu này là nơi tập trung của gái làng chơi, mỗi tối ra chào vẫy khách mua vui. Lý do rời chỗ cũ thì cũng bởi nhiều chuyện buồn, tôi sẽ chia sẻ ở phần sau.

 
 
Minh họa: Nguyễn Tiến Quân 
 
 

Quê tôi là một vùng đất yên ả, chẳng có gì đặc biệt. Con sông hiền hòa quanh co sau những rặng tre làng, bên kia là những vạt ngô xanh mướt. Mùa nước lên, bọn trẻ trâu trong làng thường hay đóng bè chuối chèo ra giữa bãi, nơi có những mô đất cao, nước chưa ngập để bắt chuột. Bà tôi mỗi vụ nước, thu mua gom mối bán lại cho những lái buôn mang về thành phố, biến thành đặc sản.

Tôi sống với bà từ thuở lọt lòng, sau này lớn lên, mỗi lần tôi hỏi về mẹ, bà đều tìm cách lảng tránh, có lẽ bà không muốn tôi bị tổn thương về những điều quá sức chịu đựng của một đứa trẻ thiếu vắng hơi hướm của mẹ, vắng bóng người cha. Bà hay kể cho tôi nghe về những điều tốt đẹp của cuộc đời, những câu chuyện cổ tích có ông Bụt bà Tiên, những cô bé bất hạnh, biết tự vươn lên… Tuổi ấu thơ của tôi, bà chính là mẹ, bởi lúc mẹ sinh tôi thì bà cũng đẻ cậu Tèo, rồi không rõ vì sao mà tôi không có mẹ. Dòng sữa của bà thay mẹ nuôi tôi. Bọn trẻ con trong làng, dù không mấy kỳ thị nhưng chúng vẫn gọi tôi là Còi Rơi, ngụ ý là đứa trẻ không cha, không mẹ. Bà thương tôi hết mực, dù hoàn cảnh gia đình không mấy dư dật, nhưng vẫn gắng sức nuôi đứa cháu tội nghiệp ăn học bằng bạn bằng bè, thậm chí, đôi khi có phần thiên vị so với cậu Tèo. Cậu Tèo tên thật là Hiệu, hơn tôi đúng mười sáu ngày, hai cậu cháu học chung trường chung lớp, lắm lúc tôi coi cậu như một người bạn hơn là người cậu. Chẳng biết có hiểu hết những thiệt thòi của đứa cháu côi cút đáng thương hay không, nhưng luôn nhường nhịn, yêu thương tôi và chẳng bao giờ ganh tị hay bắt nạt tôi điều gì. Trong nhà, chỉ duy nhất ông ngoại là khắt khe. Ông luôn dạy lũ con cháu bằng chiếc roi tre đực gác trên cửa liếp dưới bếp. Ông ngoại tôi bị câm, nghe nói nguyên nhân chính là tại mẹ tôi, nhưng cụ thể thế nào thì chẳng ai nói cả. Âm thanh phát ra từ miệng ông nghe khô khan chói tai với khuôn mặt đỏ rực, quắc lại mỗi khi tức giận, nhất là sau khi tợp đôi ba chén rượu. Tôi rất sợ lối giáo dục bằng vũ lực, mỗi lần phạm lỗi là chiếc roi mây kia lại vút xuống thân thể, nó để lại những vết lằn con chạch tím tái, rướm máu. Tôi không hiểu vì sao ông ngoại lại khắc nghiệt đến thế, bởi có lần nghe người làng bảo, trước đây ông hiền và thương con lắm, sau ngày mẹ tôi bỏ làng biệt xứ ông mới thành ra thế. Có lần ông đánh rát đến mức bà phải hét lên: “Chúng là con, là cháu ông đấy, không phải kẻ thù đâu mà ông tàn ác thế”. Chẳng rõ ông có nghe thấy tiếng bà hay không nhưng cũng bớt đi đôi chút.

Dòng sông lấp lánh ánh bạc trong đêm trăng thanh bình, dòng sông chở tuổi ấu thơ vất vả lam lũ. Tôi không sợ khổ, không sợ đói, nhưng những ánh mắt xỉa xói và miệng lưỡi thế gian luôn như lưỡi lam cắt vào tim. Vì thế, ngay từ khi ý thức được về bản thân, tôi đã nhận ra rằng, chỉ có một con đường duy nhất để thoát ra khỏi lũy tre làng, thoát khỏi những nhọc nhằn đau đớn ấy chính là học. Tôi cố gắng chăm chỉ, ngoài việc đồng áng nhà cửa, tôi dành phần lớn thời gian vào bài vở. Nhưng cuộc đời chẳng phải phẳng lặng và đẹp đẽ như trang sách, tôi dù có nỗ lực đến mấy mà kết quả cũng chẳng khả quan là bao, có chăng nhỉnh hơn cậu Tèo một chút. Mỗi lần họp phụ huynh về, hai cậu cháu lại nhận những trận mưa roi mây, vì kết quả học tập chỉ đạt trên mức trung bình. Bà thương con thương cháu, cố giấu những giọt nước mắt sau khóe mi.

Năm hai cậu cháu vào cấp ba, bà thu hoạch vườn chuối xanh được mấy trăm nghìn, giấu ông mua chiếc xe đạp, bởi bà biết hai đứa không thể mỗi ngày đi bộ cả đi lẫn về gần chục cây số. Ông biết chuyện hết sức giận dữ, huơ huơ đôi tay ra hiệu rằng như thế là lãng phí, là nuông chiều. Với ông, phải chăng hai chúng tôi chỉ là thứ bỏ đi?

Bà thương con cháu, nhưng cách dạy dỗ của bà lại cổ điển, phong kiến. Giấy rách phải giữ lấy lề, chớ tham cá lớn bỏ bề đòng đong. Bà có thể nhẫn nhục chịu đựng, hi sinh tất cả để chúng tôi được mở mày mở mặt, nhưng lại hết sức cổ hủ khi thấy con cháu mình thay đổi theo cái mới. Bà bảo, điều hơn con chẳng ăn nhời, con nghe điều hểnh hết đời nhà con. Tôi thương bà, nhưng lắm lúc cũng nuốt cục tức vào bụng, bởi phải nghe bao sự máy móc giáo điều, lạc hậu vô lý. Có lẽ cũng bởi nếp sống gia phong ấy mà cậu cháu tôi trở nên trơ lỳ, nhiều khi bất mãn. Có lần cậu Tèo bảo tôi, Còi này, hay cậu cháu mình bỏ học quách đi, trốn lên thành phố tìm việc, kiểu gì mà chả sống được. Anh Nhược làng mình đấy, ra trường đã mấy năm rồi có xin được việc gì đâu, mà anh ấy học giỏi thế còn chẳng ăn nhằm gì, huống hồ lẹt đẹt như cậu cháu mình. Tôi không đủ can đảm để a dua với ý nghĩ ấy của cậu. Tôi sợ bà buồn và sợ cả những trận đòn quay quắt của ông, tôi như con chim non nớt, chưa đủ lông đủ cánh để tự bay vào khoảng không đầy rủi ro, thử thách. Lâu dần cũng quen, cái gì ở mãi dù sung sướng hay khốn khổ cũng thành bình thường, như con ếch nằm trên chiếc chảo, lửa nóng dần dần đến mức chết khô mà chẳng chút phản kháng. Tôi thấy cuộc sống tù túng gò bó đến tội nghiệp, không biết ngày mai sẽ ra sao. Cái tặc lưỡi như là phép thắng lợi tinh thần duy nhất mà hai cậu cháu thường xuyên sử dụng.

Mùa thi năm ấy, chẳng biết do sự nỗ lực ôn học ngày đêm hay trời thương mà tôi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở thành phố. Phải nói bà vui biết nhường nào vì bà bảo, thời buổi này, lần ông thì thế nào cũng được chứ lần bà mà thất học thì trăm đường khổ. Ngày tôi nhận giấy báo nhập trường cũng là ngày cậu Tèo bỏ nhà trốn vào Nam theo cánh lái buôn đường dài. Cậu ra đi bởi không chịu được đòn roi của ông và lời rỉa rói chê bai miệng làng vì hỏng thi. Người duy nhất cậu chia sẻ trước khi bỏ đi là tôi, cậu bảo, sẽ quyết tâm kiếm thật nhiều tiền, khi nào thành ông chủ giàu có mới về. Tôi ôm cậu khóc nức nở, nhưng tiếng khóc của tôi chẳng thể thay đổi được tình hình, cậu vẫn dứt áo ra đi. Tôi đưa tất cả số tiền mà nhà trường thưởng cho những học sinh đỗ đại học, mong muốn với số tiền nhỏ bé ấy sẽ giúp cậu có chút lộ phí trước khi đi xa. Nhưng cậu nhất định không lấy mà còn nói, sau này nếu làm ăn thuận lợi thì sẽ gửi tiền về nuôi tôi ăn học. Cậu bỏ nhà được hai ngày thì mọi người mới biết, ông lồng lên như chạm phải bọ lét chuối, còn bà chỉ biết nức nở một mình.

Cuộc sống mới đầy mới lạ nhưng cũng chẳng dễ dàng gì giữa phố thị phồn hoa. Số tiền bà đưa cho nhanh chóng hết sạch bởi trăm thứ phải đóng, phải chi. Lần đầu tiên tôi mới thấy mình cần tiền đến mức nào. Khu ký túc xá sinh viên của trường ngột ngạt, chật chội, thiếu thốn đủ thứ. Hết năm thứ nhất, tôi gọi điện xin bà cho ra ở trọ bên ngoài, phần vì muốn yên tĩnh để học, phần cũng là muốn tự do thoải mái thời gian để đi làm thêm. Biết tin, bà lập tức lặn lội vượt hàng trăm cây số để lên xem cuộc sống mới của đứa cháu ra sao, bà chỉ sợ tôi sa ngã, dở dang việc học. Trong mắt bà, tôi là sự hy vọng, niềm hãnh diện trước dân làng. Dù gì đời bà cũng khổ quá nhiều, đâu được ăn học đến nơi đến chốn như cháu bà. Tôi giấu bà tất cả những khó khăn, túng thiếu mà một đứa sinh viên nhà quê lên thành phố gặp phải. Tôi biết, để kiếm được dăm ba trăm nghìn cho tôi, bà phải đầu tắt mặt tối, tất tả sớm khuya mới có được.

Dãy nhà trọ giá rẻ ọp ẹp nằm hun hút trong ngách sâu của con ngõ ngoằn ngoèo. Mái lợp bằng tấm fibro xi măng, mùa đông còn tạm được chứ mùa hè thì rất cực. Ở bên trong hầm hập tựa lò hun, dù chiếc quạt điện cơ bật hết công suất mà mồ hôi vẫn đầm đìa. Cái Thảo cùng phòng chịu không nổi, người nó cứ nhoài ra, đến đêm, nó lột sạch quần áo, chốc chốc lại chạy ra bể nước giội ào một cái rồi vội vàng chạy vào. Nhìn đứa bạn trần như nhộng oằn mình vì nóng mà tôi bật cười. Nó bảo, Thư, mày không biết nóng sao? Có chứ, nhưng không chịu được thì biết phải làm gì? Nghe tôi lầu bầu vậy, nó cũng phì cười, rồi hai đứa toài ra chìm vào trong giấc ngủ đầm đìa. Bên ngoài, tiếng ve đêm inh tai nhức óc cuộn lấy bầu trời đầy sao.

Tôi dành dụm được một ít tiền vừa đủ mua cho mình một chiếc smatphone, máy đã qua sử dụng nhưng còn rất tốt. Có điện thoại, mọi cái đã trở nên dễ dàng hơn, nhưng cũng tốn kém hơn. Tôi vào mạng và tìm được rất nhiều việc làm thêm. Chiếc xe đạp bà mua cho hai cậu cháu hồi thi đỗ cấp ba, giờ nó cũ kỹ, long sòng sọc. Mấy lần định bán nhưng lại tiếc vì đó là kỷ niệm của bà, nhưng cố giữ thì rất khổ, nhiều lần nhỡ việc vì sự dở chứng của nó ngang đường. Cái Thảo bảo, thôi mày đem nó về quê, rồi lên đây chịu khó đi xe buýt, chứ tao thấy mày lọc cọc với nó, tới chỗ học đã đành chứ tới chỗ làm, người ta khinh cho. Thấy nó nói cũng đúng, thôi đành chấp nhận đi xe buýt, dù có bất tiện một chút nhưng xem ra, ánh mắt của mọi người cũng bớt phần khinh khi.

Hết năm thứ hai, cái Thảo có người yêu. Nó như bị chập, chân tay luống cuống, mắt thì lim dim, suốt ngày thờ thẫn, nhớ nhớ thương thương. Nó thầm thì, Thư, mày thử yêu đi, thú vị phết đấy. Anh ấy chiều tao lắm, này nhé, bộ váy tao mặc lúc chiều có đẹp không, anh ấy tặng đấy, cả đôi xăng đan hàng xịn nữa này. Này mày thử dùng chút son đi, đảm bảo không mê mới lạ. Tôi thở dài, gần hai năm làm bạn với nó lần đầu thấy nó thay đổi. Một con bé nhà quê chân chất nghèo khó, bỗng chốc hóa thiên nga, liệu sự bóng bẩy đẹp đẽ ấy có tồn tại được lâu. Bên ngoài xã hội có rất nhiều cặp đôi như nó mà người ta vẫn gọi là Tuesday, nếu lệch hơn chút thì là Surgar Baby, một bên cần tình, bên kia cần tiền, thế là cộng sinh, lợi cả đôi. Bọn đàn ông đểu lắm, chúng chẳng khác gì con gà trống cặp mẩu rơm khô, mỏ luôn túc túc dụ đám gà mái đến để thỏa nhục dục. Cái Thảo bật cười ngặt nghẽo, tao tha lừa nó thì thôi chứ thằng nào lừa nổi tao? Tuesday thì sao, Baby thì sao? Mày cứ cổ hủ như thế thì đến bao giờ mới khá lên được. Rồi một hôm, Thảo nói muốn chuyển đi, nó không chịu được cảnh chật chội nóng bức như thế này mãi. Anh ấy bảo sẽ bao hết, cả tiền ăn, tiền trọ, tiền học và tất cả các chi phí khác. Tôi thở dài vì biết, mọi lời can ngăn, cảnh báo với nó lúc này cũng bằng thừa, không có sức mạnh nào ngăn được kẻ đang say. Đành mặc kệ nhìn bạn tay xách nách mang dọn tới nơi ở mới. Tôi biết nó muốn sống riêng để khỏi bị ảnh hưởng tới tình yêu của nó. Lòng thầm mong, những điều nó gặp trong tháng ngày tới đây may mắn, suôn sẻ, dù biết rằng, ở đời chả ai cho không ai cái gì bao giờ. Ông mất chân giò, bà thò chai rượu. Mọi sự gắn kết sẽ vỡ khi quyền lợi đôi bên không được đảm bảo công bằng và thường xuyên.

Được tin ông ốm nặng, tôi tức tốc bắt xe về quê. Cả họ đang xúm quanh giường ông, bà khóc nấc, xung quanh cũng có tiếng sụt sịt. Mọi người đều biết ông chắc khó qua khỏi. Tôi dáo dác tìm cậu Hiệu, hơn hai năm trời biệt tin, giờ chẳng có cách nào để gọi cậu về. Tôi đau đớn, ngồi trước người ông đang hấp hối, cảm giác sợ sệt, oán hận tan biến hết, lòng chỉ còn nỗi thương xót, mong có phép thần tiên giúp ông tai qua nạn khỏi. Giọt máu đào hơn ao nước lã, sợi dây máu mủ ruột rà vô hình níu kéo người với người gần nhau hơn. Nhìn ông nằm im, mắt nhắm nghiền, khuôn mặt bỗng toát lên vẻ hiền lành, đáng thương hơn đáng trách. Hình như con người trước lúc ra đi về cõi vĩnh hằng đều thánh thiện. Người đời thường nói, chết là hết, là bỏ lại tất cả những đớn đau, oán giận. Ông nằm đó, thiêm thiếp, mặc kệ bên tai tiếng cháu con nỉ non than khóc. Tôi không kiềm chế được lòng mình vật vã ôm lấy ông mà gọi. Ông ơi, con Còi đây, con về với ông đây. Ông hãy tỉnh lại đi ông ơi. Bỗng đôi mắt từ từ hé, mọi người im bặt. Ông cố gắng chút sức lực cuối cùng giơ tay sờ lên mặt, lên tóc tôi, bỗng ông cất giọng thều thào: “Con Thư đã về đó hử con, đừng giận ông, ông thương Thư lắm”. Cả nhà kinh ngạc khi tận mắt thấy ông cất tiếng. Tôi xúc động, lần đầu tiên nghe giọng ông nói, mà lại gọi tên thật của tôi, là Thư chứ không phải Còi Rơi như thường ngày. Rồi ông lại ráng mở mắt: “Con Tý, thằng Tèo đâu, chúng nó vẫn chưa về ư?”. Cả nhà òa lên nức nở. Đôi mắt mở hé và dừng ở đó mãi mãi, ông đã ra đi mà trong lòng vẫn còn mang nặng nỗi niềm với con cháu. Bác cả Ninh có một lần nào đó vô tình bảo, mẹ tôi chính là nguyên nhân khiến ông sốc và tai biến rồi bị câm, từng ấy năm, ông đã vì giận mẹ tôi mà trút lên đầu bà và cậu cháu tôi, có lẽ ông cho rằng mẹ tôi thành ra như thế là do bà quá nuông chiều, giấu diếm mọi chuyện …

Tôi hốc hác trở lại trường học, sau đám tang ông ngoại, tôi suy sụp tinh thần mất một thời gian. Để thay đổi, tôi dọn đến nơi ở mới mà không nói gì cho bà biết. Tôi không muốn bà phải lo lắng, chí ít là trong lúc vẫn bình yên. Chẳng biết do duyên phận hay sự vô tình mà nơi tôi đến ở mới lại là con ngõ, phía đầu của nó dẫn ra Phố Vẫy. Ngạc nhiên hơn và có phần lo ngại khi cả khu trọ tuy sạch sẽ, khang trang thoáng mát nhưng lại là nơi trú ngụ của gái làng chơi. Sau ở một thời gian, tôi cũng thấy bình thường, vì cuộc sống sinh hoạt của họ trái ngược hoàn toàn với mình, nghĩa là ngày thì họ ngủ, tối rời phòng đến gần sáng mới về. Dãy nhà trọ có cả thảy năm phòng, phòng tôi bé nhất lại ở trong cùng, bốn phòng còn lại được xây khép kín, trang thiết bị khá đầy đủ và hiện đại. Mỗi người một phòng, chả ai quan hệ với ai. Khu trọ cứ im lìm cả ngày lẫn đêm. Những chủ nhân căn trọ này đều giống nhau là ai cũng có xe máy, ăn mặc hở hang và phấn son lòe loẹt. Trong ngày, khu trọ sôi động nhất có lẽ là vào buổi trưa và lúc chập choạng tối. Trưa, người đưa cơm hộp đến và tối là lúc họ chuẩn bị rời đi. Ở hơn tuần thì họ mới biết sự có mặt của tôi. Dần dà cũng làm quen tất cả bốn người ấy. Hai chị ở hai phòng ngoài cùng tên Liên và Hương tuổi tầm ngoài ba mươi, phòng giữa tên Phương, tối qua cũng vừa sinh nhật lần thứ hai chín. Sát phòng tôi là một chị nom rất trẻ tên Minh, nhưng tôi thấy ba chị kia đều gọi chị nên đoán chắc nhiều tuổi nhất. Ngoài cách ăn mặc và lối sinh hoạt trái ngược kia thì tôi thấy họ cũng hết sức bình thường như bao cô gái khác. Họ chẳng giấu diếm gì tôi về công việc của họ, thậm chí, sau hơn một tháng, tôi còn thay đổi cách nghĩ về cái nghề đi khách. Tôi biết, ở một số nước phương Tây, họ còn hợp thức hóa nghề này, có kiểm soát, đóng thuế và khám chữa bệnh định kỳ. Như vậy có khi lại tốt cho họ và tốt cho cả những kẻ hám của lạ. Nhưng … đột nhiên tôi thở dài

“Sao hôm nay chị không đi làm?” – Tôi hỏi chị Minh. Chị bật cười, con ngốc, cảnh sát giao thông bật đèn đỏ không cho đi. Thấy tôi ngơ ngác, chị càng cười, mày đúng là con bé nhà quê, nói thế mà vẫn chưa hiểu à. Là chị đến tháng, ngày này đi để mà chết à? Đã ăn gì chưa, thôi tối nay chị mời, đi ăn bún đậu mắm tôm với chị nhé. Thấy tôi do dự, chị lại nói, có cái quái gì phải ngại, đi ăn chứ đi trộm đâu. Nào lên xe, ăn xong chị đưa đi dạo quanh phố phường cho đỡ buồn.

Sau buổi tối hôm ấy, chị Minh có vẻ thân với tôi, có gì ăn cũng mang sang cho, lại hay đèo tôi đi ăn vặt và xem phim. Lần đầu tôi được chị dạy đánh phấn tô son. Chị bảo, mày trẻ và đẹp nhưng ăn mặc quê quá, đây, chị cho ít quần áo, toàn mốt hàng hiệu đấy, chọn bộ nào hợp hợp thì mặc. Tôi định hỏi về hoàn cảnh nhưng thấy chị lảng nên thôi. Chị bảo, cả bốn đứa bọn chị có một ưu điểm duy nhất là không đứa nào chơi hàng, nghĩa là ma túy ấy, dính vào nó là chết. Thực lòng chị muốn làm hết năm nay vừa đủ trả nợ tiền mua đất và tích ít vốn để học nghề rồi rửa tay gác kiếm. Ở cái tuổi này, cần phải biết mà dừng. Đáng ra, nếu không bị bắt đi trại thì chị cũng bỏ từ lâu, tìm đường hoàn lương, nhưng cái số của chị long đong lận đận mãi, cứ sắp thoát ra thì lại bập một vố, lại về mo, lại phải làm từ đầu.

Tôi chuẩn bị bước vào đợt kiến tập, biết bao khoản phải chi, đã thế mấy hôm trước đi làm thêm, tôi vô tình làm vỡ mất món đồ quí của chủ, họ bắt đền bằng cách trừ vào tiền công hàng tháng. Đúng là giậu đổ bìm leo, tôi vô cùng lo lắng mà chưa biết xoay sở ra sao. Thấy tôi mặt mày đầy vẻ lo âu và buồn bã thì chị Hương tỉ tê, có một đại gia đang cần một Surgar Baby để đi cùng một chuyến thương thuyết xa, ông ta sẵn sàng chi một số tiền lớn, nếu em muốn thì chị mối. Tôi tròn xoe mắt, bất giác thấy sợ hãi và kinh tởm. Đất dưới chân như sụt xuống, dù hơn hai năm thoát ly và cách suy nghĩ về cuộc sống cũng thoáng, nhưng thực sự sốc trước lời chào mời này. Tôi đóng chặt cửa, nằm úp mặt vào gối. Từng giọt nước mắt tự trào ra, ừ thì chị ta nói cũng có ý đúng, người ta lấy đĩ về làm vợ, bùn bẩn hôi tanh nơi này, thơm tho sạch sẽ nơi khác. Sau này về quê ai biết? Số tiền quá lớn, nó có sức hút ghê gớm, tôi có thể vừa có tiền trang trải, lại vừa sống sung sướng mấy năm học cuối nếu theo thỏa thuận đến cùng. Nhưng không, tôi có thể che được thế gian chứ làm sao che được chính mình. Không, tôi không thể, có lẽ ngay ngày mai, tôi phải dọn đến nơi trọ mới. “Ha ha. Này bé con. Thời đại nào mà em còn phong kiến cổ hủ đến vậy?” – Tiếng chị Phương bên ngoài cửa sổ - “Như bọn chị đây có muốn tham gia mà chẳng được kìa. Đại gia này tuy nhiều tuổi nhưng lịch lãm, phong độ và rất đẹp trai lịch sự chứ không phải như thiên hạ nghĩ cứ đại gia là bụng phải bự, là tham lam, dâm dê đâu. Người ta có tiền, đương nhiên có quyền...”. “Chị im đi” – Tôi gào lên – “Cách nghĩ của các chị chỉ là thiểu số, không thể đại diện cho xã hội này được”. Thấy tôi tức giận, chị Minh nhẹ nhàng bảo: “À em không ưng thì thôi, có nhất thiết phải làm dữ lên như vậy không? Nhưng đời người ngắn lắm, giờ trẻ đẹp còn có giá, trải qua ba cơn khốn khổ là hết tuổi thanh xuân, lúc đó chẳng đáng một xu, như bọn chị đây này, hết đát rồi thì mới phải ra đứng đường vẫy khách, chứ còn xuân sắc đâu phải ê chề khổ nhục?”.

Sáng chủ nhật, tôi đang lúi húi trang điểm, lòng phấp phỏm lo lắng do dự, chỉ một lát nữa thôi là họ sẽ cho người đến đón, tôi sẽ là một Surgar Baby của đại gia hoành tráng. Mấy đêm suy nghĩ, rồi có phải tại cái khó nó bó cái khôn mà tôi đã mủi lòng, không biết đã nhận lời ra sao và lúc nào nữa, tôi thật sự chẳng hiểu nổi mình …

Chợt nghe có tiếng người rất quen ở ngoài cổng, vừa ngẩng đầu lên thì chợt sững lại: Bà ngoại. Tôi ngạc nhiên: Sao bà biết con ở đây. Bà nức nở vẫn câu mọi ngày dạy cháu: Con ơi, giấy rách phải giữ lấy lề, sao tham cá lớn bỏ bề đòng đong hả con, hà cớ gì lại sa chân vào chốn nhơ nhớp này? Dân làng đang đồn ầm lên kia kìa, họ bảo con sống chung với lũ gái đĩ, rồi còn tận mắt chứng kiến con ngồi sau xe người ta dẫn đi khách, chính họ đưa bà đến đây, rõ rành rành thế này còn cãi gì nữa, giời ơi là giời. Con mẹ mày đã chả ra gì, mới nứt mắt là đã chửa hoang, hại cha hại mẹ rồi bỏ con bỏ cái, bỏ làng theo giai, bà đã chết đi sống lại vì nó, bây giờ lại đến lượt mày, bà còn mặt mũi nào nhìn dân làng nữa, bà đi chết đây con ơi.

Tôi thất kinh và như bừng tỉnh, không ngờ mọi việc lại ra nông nỗi này. Tôi vừa khóc vừa ôm lấy bà: “Bà, bà ơi! …”.

Đúng lúc ấy cửa phòng bên bật mở, chị Minh bước ra. Rồi như có một luồng điện giật khiến đôi chân quỵ xuống, chị lắp bắp nói chẳng thành tiếng: … Bu… bu… bu ơi.

Tôi hoàn toàn bất ngờ. Bên tai chợt nghe tiếng sóng ì oạp, bên chiếc cầu tre gãy nhịp vắt qua mặt sông lấp lánh ánh trăng, như giục giã, như kêu gọi đứa con lầm lỗi trở về. Mắt tôi nhòa đi, hình ảnh của bà, của mẹ chông chênh trên đường quê thấp thoáng. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Hoa phong lan nở muộn" của tác giả Trần Thúy Lành(26/12/2022)
Lời ru những cánh thư tình trong chiến tranh(24/12/2022)
Lá thư âm dương(24/12/2022)
Bút ký "Quả ngọt nông thôn mới" của tác giả Đinh Ngọc Hùng(21/12/2022)
Chúng tôi(21/12/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na