Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Sân khấu: Kịch vui "Đẻ cũng phải từ từ" của tác giả An Khang
11/10/2023 10:13:47

Nhân vật:

Người chồng - Công nhân

Người vợ - Công nhân

Nam - Công nhân

Quản đốc

Chủ tịch Công đoàn

(Cảnh trí: Trong phòng làm việc, quản đốc đi từ ngoài vào)

Quản đốc: (Ngâm nga): - Trông mặt mà bắt hình dong/ Dáng đi có chuẩn mới hòng leo cao. Hơ hơ…

Tiếng đế: - Dáng đi õng ẹo như đàn bà chửa thì chỉ có mà suốt đời rót trà, bê ghế cho sếp thôi!

Quản đốc: - Này, đừng có mà nói xằng. Nói cho mà biết nhé! Đây đường đường là quản đốc công ty. Dưới rất nhiều người cơ dưng mà cũng trên khơ khớ kẻ nhé!

Nam: (Đi vào, nịnh bợ): - Dạ, anh nói chí phải ạ! Chí ít ra thì không có cái chữ kí vàng ngọc của anh thì làm sao mà ối người được nghỉ vài ngày đi cỗ cưới thằng cháu họ xa, rồi lại mừng nhà mới con cháu họ gần say sưa bét nhè nhè mà vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội dành cho người ốm đau anh nhỉ? Hi hi... .

Quản đốc: (Cười tít, quát khẽ): - Này, be bé cái loa công cộng của chú lại ngay! Chú định bóc tiệt hử? Chú định lột sạch ư? Định khiến anh mất việc và chú thôi làm hay sao?

Nam: (Cười hềnh hệch): - Ấy chết, anh lại giỏi đùa nữa mới tài. Ai dám làm gì cháu ông tổng giám đốc nhỉ? Cái ô của anh to oành thế cơ mà, choán hết cả một bầu trời rộng lớn. Anh có khác gì con ông giời đâu nào?

Quản đốc: (Cau có, nói nhỏ): - Thôi, thôi, vừa vừa cái miệng. Ở đây tai vách mạch rừng. Không cẩn thận là bị nốc ao ngay chứ không đùa đâu nhé! À mà, chú đi làm hay đi chơi mà sao người cứ có mùi là lạ... (Hít): - Cái mùi này giống như mùi men rượu.

Nam: (Giật mình, lùi lại): - Rượu đâu mà rượu, chiều hôm qua em ngã vào hàng hồng xiêm chín nên nó ám mùi vào người đấy ạ! Thật đấy anh ạ! Mùi hồng xiêm chín...

Quản đốc: - Chú định qua mặt tôi đấy à? Ngã từ chiều hôm qua mà hôm nay vẫn nồng nặc (Xua xua tay trước mũi) Có mà ngã vào quán lòng lợn, tiết canh thì có. Đúng không thì bảo?

Nam: (Lẩm bẩm): - Úi giời, sao mà thính thế không biết! Thính cứ như là cái anh gâu gâu ấy. Hi hi... (Nói với quản đốc): - Em là em phục anh sát đất đấy. Anh tài đến thế là cùng.

Quản đốc: (Đeo kính vào, ngồi vào bàn làm việc, hắng giọng): - Chuyện! Còn phải nói! Lần sau có ngã vào đâu thì... kéo anh ngã cùng cho nó thơm, cho nó vui. Nhỉ? Thôi, quá giờ làm rồi đấy! Mau xuống xưởng làm thôi!

Nam: (Đấm lưng, bóp vai): - Anh ơi, chả là hôm qua em ngã mà hôm nay người em nó mới bất bình thường, tất cả các cơ quan đoàn thể nó đình công, nó ốm anh ạ! Anh kí cho em cái giấy để em xuống trạm xá...

Quản đốc: - Ôi giời, trông thế kia mà lại ốm à? Không được đâu. Nhất định không được! Chú đừng có mà thấy anh dễ dãi lại cứ được đằng chân, lân đằng đầu nhé!

Nam: - Ấy chết, em nào dám! Chẳng qua là em đánh hơi thấy có khoai bở nên muốn đào tí thôi ạ! (Giúi vào tay quản đốc tiền): - Mà ai chả vậy anh nhỉ? Sung vả lòng dạ như nhau mà!

Quản đốc: (Đẩy lấy lệ rồi cầm tiền đút túi, kí giấy): - Lần cuối đấy nhé! Chú phải nhớ đấy! Lần cuối cùng nhé!

Nam: - Em biết rồi, nhớ rồi. Lần sau em sẽ... cứ thế! Hê hê hê... (Nói một mình): - Đấy, cái anh đồng tiền nó lợi hại thế đấy! Biến đen thành trắng, trắng thành đen ngay tắp lự!

Người vợ: (Bụng bầu, đi vào): - À, thì ra muốn được việc thì phải có hoa đồng tiền cơ đấy! Thảo nào nhà em vác mỗi cái bụng bầu với hai bàn tay không lên gặp bác nên bác cứ đuổi em nguây nguẩy ấy nhỉ:

Quản đốc: - Này, cô đừng có mà ăn nói linh tinh, hàm hồ nhé! Tôi là tôi sẽ không để cô yên đâu.

Người vợ: (Cong cớn): - Ui giời, sao bác dễ quên thế nhỉ? Thế ai khi nãy em vào xin nghỉ chế độ thai sản lại giãy lên: Rằng thì là... Không có nghỉ đẻ, nghỉ điếc gì nhá. Làm xong đợt hàng này rồi tha hồ nghỉ. Cô mà nghỉ bây giờ là nhỡ hết kế hoạch của công ty. Rồi thì là... đẻ cũng phải từ từ, cuối tháng rồi đẻ. Nhá!

Nam: - Nghỉ ốm vài ngày còn được chứ nghỉ đẻ những sáu tháng có mà vỡ nợ à? Nhỉ, anh nhỉ?

Quản đốc: - Đúng thế! Quá đúng. Cứ làm xong đợt hàng này đi! Cuối tháng tôi giải quyết cho nghỉ rồi tha hồ mà đẻ!

Người vợ: - Ôi giời ơi! Nhà em đau đẻ mà bác lại bắt nhà em chờ sáng giăng à? (Đổi giọng): - Tôi hỏi lần cuối nhé! Tôi xin nghỉ đẻ đúng chế độ thai sản của luật Bảo hiểm xã hội anh có cho nghỉ không?

Quản đốc: (Cau có): - Đã bảo không nghỉ là không nghỉ. Bao giờ đẻ hẵng hay. Hết giờ giải lao rồi, cô xuống xưởng làm đi. Nhanh lên! Nhanh lên!

Người vợ: - Ô, ở đâu ra cái kiểu lạ lùng thế này? Người không ốm thì được nghỉ ốm mà người sắp đến ngày sinh nở thì bắt làm đến tận lúc đi sinh mới cho nghỉ là sao?

Nam: - Này, sao giăng gì ở đây? Sao giăng tối đến ngửa cổ lên trời mà ngắm nhé! Mà nhà cô có ấm ức thì đi mà ấm ức một mình, đừng có mà lôi tôi vào nhé! Tôi là tôi không có nể nang gì cô đâu nhé!

Người vợ: - Tôi nói cho các anh biết, đừng có tưởng tôi là phụ nữ mà bắt nạt nhé! Luật bảo hiểm xã hội tôi nắm chắc trong tay...

Nam: - Ô, ô, cô này quả là chậm tiến. Luật gì cũng ở trong tay anh quản đốc đây hết nhé! Một tay anh có thể che hết cả bầu trời anh nhỉ?

Quản đốc: - Chính thế! Chính phải!

Người vợ: - Em hỏi thật, các bác có bị làm sao không? Thời buổi này là thời nào rồi? Xã hội văn minh, con người tiến bộ, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rầm rộ mà hai bác còn suy nghĩ lạ lùng thế ư?

Quản đốc: - Hơ hơ... cái cô công nhân quèn này mà cũng nói chuyện cách mạng 4.0 cơ đấy! Sắp sửa công ty không nhận những người lao động giản đơn như các cô rồi. Rồi thì đói rã họng ra chứ lại chả to mồm à?

Người vợ: - Ô, nhà bác dọa ai chứ dọa sao được em, dọa sao được những người công nhân tiến bộ. Thế các bác không biết công ty mình có vô khối anh chị em đạt danh hiệu công nhân lao động có bàn tay vàng à?

Nam: - Cô chỉ được cái hồ đồ, nhận vơ là giỏi. Người ta tiến bộ vì người ta vốn dĩ trời sinh ra đã giỏi rồi. Chứ cái ngữ tôi, ngữ cô thì chỉ có mà, chỉ có mà suốt đời cu li chậm tiến thôi. Chấp nhận số phận đê!

Người vợ: - Úi giời, úi giời, nhìn bác thế kia cứ tưởng là khôn ngoan lắm. Thành ra cũng thường thôi! Bác cứ suốt ngày rượu chè, toàn tinh ăn mù làm lại chả suốt đời làm cu li chậm tiến. Em thì còn lâu mới chịu nhé! 4.0 chứ 10.0 em cũng chả có sợ!

Quản đốc: - Kinh nhể? Con mẹ ỏng này ra vẻ phết nhể?

Người vợ: - Em có ra vẻ gì đâu, chỉ là em biết cố gắng tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tay nghề thôi ạ. Rồi mai đây, các bác sẽ thấy, nhờ cuộc cách mạng khoa học 4.0 này mà sức lao động sẽ được giải phóng, kéo theo nó là năng suất lao động cao và mức thu nhập cao. Môi trường sẽ được cải thiện tốt hơn. Thế công nhân chúng em lại chả sướng hơn tiên à?

Người chồng: (Từ ngoài vào): - Ô, sao mẹ nó vẫn còn đứng đấy? Thủ tục xin nghỉ đã làm xong hết chưa?

Người vợ: - Ôi giời, đã đâu vào đâu đâu. Mà bố cu đi đâu đấy?

Người chồng: - Thì tôi cũng lên xin nghỉ chế độ thai sản để chăm sóc mình với con chứ còn đi đâu nữa?

Quản đốc: (Nhảy dựng lên): - Cái gì? Cậu cũng đòi nghỉ chế độ thai sản á? Đàn ông con trai, chửa đẻ gì mà đòi nghỉ? Vợ cậu tôi còn chửa cho nghỉ kia kìa. Vớ văn vẩn!

Người chồng: - Anh nói sao cơ? Vợ tôi xin anh nghỉ đẻ theo chế độ anh cũng không cho nghỉ?

Quản đốc: - Nghỉ là nghỉ thế nào? Còn hàng còn phải làm. Cứ kế hoạch mà thực hiện.

Nam: (Làm điệu bộ xòe tiền): - Làm gì có... ấy mà đòi nghỉ anh nhỉ? Nghỉ là nghỉ thế nào?

Người chồng: - Tôi xin nghỉ anh cũng không cho?

Nam: - Người đẻ còn chẳng cho nghỉ, người không đẻ điên gì mà cho nghỉ. Không cho anh ạ. Anh đừng có cho họ nghỉ.

Quản đốc: - Đúng thế! Xin xỏ thì bỏ... e hèm... ra. còn không thì... đừng có nói nhiều, mất thời gian!

Hai vợ chồng công nhân: (Túm hai tay quản đốc nhấc bổng lên): - Thế thì đi, anh đi với chúng tôi. Đi gặp lãnh đạo công ty!

Quản đốc: (Vùng vằng, giãy giụa): - Bỏ tôi ra, bỏ ngay! Đi thì đi, sợ cái giề!

Chủ tịch công đoàn: (Bước vào): - Chào các anh chị! Có chuyện gì xảy ra vậy?

Người chồng: - Chào chị! May cho tôi quá! Tôi đang định đưa con người bảo thủ không nắm được luật Bảo hiểm xã hội này lên gặp Chủ tịch công đoàn đây ạ!

Quản đốc: - Vâng, bá cáo chị Chủ tịch công đoàn, xin chị hãy đòi lại công bằng cho tôi chứ không thì tôi bức xúc lắm! Bức xúc không chịu được.

(Nam định lỉnh ra bị Chủ tịch công đoàn gọi giật lại).

Chủ tịch công đoàn: - Cậu Nam cứ ở lại đây, sao đi vội thế?

Nam: - Dạ, em là em đang đau đầu, nhức mắt quá! Dạ, em đang ốm lắm, ốm thật ạ! Em xin phép cho em xuống trạm xá...

Chủ tịch công đoàn: (Che miệng cười): - Là tôi muốn hỏi để xác minh sự việc cho chính xác thôi, chứ tôi đã nghe được hết mọi chuyện rồi! Giờ tôi muốn anh chồng trẻ đây nêu cho mọi người nghe khoản 1, Điều 157, Bộ Luật Lao động sửa đổi 2012 quy định từ ngày 01/5/2013 được không?

Người chồng: - Vâng, theo khoản 1, Điều 157, Bộ Luật Lao động sửa đổi 2012 quy định từ ngày 01/5/2013 lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Chủ tịch công đoàn: - Còn đối với người là chồng thì chiếu theo khoản 2, điều 34, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì anh được nghỉ

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Nam: - Ô, luật với chả lệ gì lạ thế? Đàn bà họ đẻ thì họ nghỉ làm, đàn ông phải đi làm chứ! Cho nghỉ hết thế thì để chết công ty à? Đúng là vô lí. Ngày xưa, vợ tôi sinh hai đứa mà tôi có được nghỉ như vậy đâu?

Người vợ: - Ngày xưa đúng là Bảo hiểm xã hội chưa có luật vợ sinh con chồng được nghỉ thật. Còn bây giờ nó khác. Các anh phải cập nhật thông tin chứ! Các anh đúng là... các anh định vi phạm pháp luật chắc? Thế khi vợ các anh đẻ các anh không muốn nghỉ để chăm sóc vợ con à?

Chủ tịch công đoàn: - Các anh chị ạ, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới người lao động khi tham gia Bảo hiểm xã hội. Để tạo điều kiện chăm sóc con và gia đình nên Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đã quy định: Khi vợ sinh con, người chồng cũng được nghỉ để chăm sóc vợ. Điều này này thể hiện tính nhân văn rất cao, nhằm tạo điều kiện để vợ chồng chăm sóc cho nhau. Nhưng luật này đến tháng 01 năm 2016 mới được thực hiện đấy ạ.

Quản đốc: (Gật gù): - À ra là thế? Bây giờ thì tôi hiểu rõ luật Bảo hiểm xã hội về chế độ thai sản rồi. Tôi sẽ về nghiên cứu cả bộ luật Bảo hiểm xã hội để tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty mới được.

Chủ tịch công đoàn: (Nói với quản đốc): - Tôi biết anh lo cho công ty, vì công việc chung cả thôi, nhưng ta phải thực hiện đúng luật Bảo hiểm xã hội anh ạ!

Quản đốc: - Vâng, vâng, tôi đã hiểu ra rồi! Để tôi trình lãnh đạo công ty cho chị vợ nghỉ chờ sinh đúng luật định. Còn anh chồng, cứ vui vẻ làm đi. Hôm nào chị ấy sinh thì báo cho tôi rồi nghỉ chăm vợ nhé!

Chủ tịch công đoàn: (Nói với Nam): - Còn anh, theo điều 25, công nhân, người lao động muốn được thanh toán theo chế độ thì phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế chứ không phải cứ thích là nghỉ ốm, say rượu cũng nghỉ rồi đòi chế độ.

Người chồng: - Chỗ anh em, tôi nói thật! Cậu phải bỏ ngay tật uống rượu vô tội vạ đi! Giờ mới ốm giả thôi, chứ rồi ốm thật, mắc bệnh nguy hiểm thì khổ thân, khổ gia đình và ảnh hưởng đến toàn xã hội đấy!

Nam: (Gãi đầu): - Thì ra là em thiếu hiểu biết quá. Đúng là cần học mọi lúc, mọi nơi và học nữa, học mãi để tự mình nâng cao hiểu biết để thực hiện đúng luật các anh chị nhỉ?... Giờ thì em đã hiểu ra rồi, em không xin nghỉ ốm nữa đâu ạ! Em sẽ đi làm ngay đây!

(Tất cả vỗ tay, cúi chào khán giả)

 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, lý luận, phê bình: "Từ “Buồn tàn thu” tới mùa thu Cách mạng" của tác giả Trần Lệ Chiến(10/10/2023)
"Về công tác nghiên cứu lý luận phê bình và văn nghệ dân gian" của tác giả Cảnh Thụy(09/10/2023)
Chuyện làng Văn nghệ: "Lá cờ búa liềm đầu tiên trên đỉnh tháp nước"(09/10/2023)
Mục Kiến trúc: "Giữ gìn hồn Việt qua kiến trúc" của Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam(06/10/2023)
Văn nghệ dân gian: "Nét văn hoá dân gian trong Tết Trung thu" của tác giả Lê Thị Dự(06/10/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na