Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
"Về công tác nghiên cứu lý luận phê bình và văn nghệ dân gian" của tác giả Cảnh Thụy
09/10/2023 08:35:16

(Chuyên mục: Hướng tới Đại hội X - Hội VHNT tỉnh Hải Dương (nhiệm kỳ 2023-2028))

Tại Đại hội ban Nghiên cứu LLPB và VNDG với hai báo cáo tham luận của hội viên Tăng Bá Hoành với chủ đề về văn nghệ dân gian và của tác giả Văn Duy với chủ đề về phê bình văn học, đã bất ngờ gợi cho tôi nhiều suy nghĩ.

Tôi cho đây là hai tham luận có tính chuyên môn cao. Người viết đã đánh giá kết quả đạt được của từng ban trong nhiệm kỳ vừa qua, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tới, trên cơ sở am hiểu sâu sắc về chuyên ngành mình đang hoạt động, với nhiều suy nghĩ, trăn trở và tinh thần trách nhiệm cao, không né tránh những mặt còn yếu kém, bất cập mà bản báo cáo của lãnh đạo ban chưa chỉ ra.

Theo Văn Duy, công tác nghiên cứu lý luận, phê bình của hội viên trong nhiệm kỳ vừa qua còn bộc lộ những hạn chế, như: viết phê bình vẫn nặng về biểu dương, khen ngợi; ít chỉ ra những mặt hạn chế, non yếu trong thực tế sáng tác. Nó là sản phẩm của quan niệm “dĩ hòa vi quý” đã thành tập quán (không chỉ của Hội chúng ta mà của cả nền lý luận, phê bình Việt Nam đương đại). Bên cạnh hạn chế đó, tính khái quát, tính lý luận học thuật trong phê bình cũng chưa cao; chưa có công trình mang tính chuyên luận đòi hỏi người viết phải dày công nghiên cứu; chỉ đề cập đến vấn đề trong một tác phẩm, tác giả cụ thể. Cách tiếp cận trong phê bình thường là theo nhãn quan của người thưởng thức. Việc đánh giá văn chương nhìn chung vẫn theo một lối mòn, xoay quanh các vấn đề muôn thuở, như: đề tài, chủ đề, loại thể tâm lý nhân vật, bút pháp nghệ thuật, phong cách sáng tác, ngôn ngữ, tu từ... Quan niệm về văn học phản ánh hiện thực, phục vụ nhiệm vụ chính trị vẫn còn sơ lược, sơ cứng.

Tác giả Tăng Bá Hoành ghi nhận ban Văn nghệ dân gian trong nhiệm kỳ vừa qua có nhiều hoạt động phối hợp, không chỉ với các ban trong Hội mà cả các hoạt động liên ngành khác (phát thanh truyền hình, văn hóa, bảo tàng, lịch sử). Có hội viên ra đầu sách là một công trình nghiên cứu công phu, đoạt giải cao của đợt xét Giải Văn học Nghệ thuật Côn Sơn vừa qua. Trong tham luận, hội viên Tăng Bá Hoành cũng đã nhấn mạnh đến tiềm năng vùng “Văn hóa xứ Đông” là nguồn cứ liệu vô cùng to lớn để ban Văn nghệ dân gian khảo cứu, đánh giá mà những gì chúng ta đã làm được còn quá ít. Tăng Bá Hoành đã gợi mở nhiều lĩnh vực thuộc Văn nghệ dân gian cần phải tiếp tục khảo cứu, đánh giá (từ văn tự đến kiến trúc, điêu khắc, lễ hội, đến phong tục, tín ngưỡng và diễn xướng dân gian). Trong đó, định hướng trọng tâm cần quan tâm là văn hóa làng.

Từ những ý kiến trên, tôi xin được bày tỏ sự đồng thuận và có mấy lời chia sẻ, bộc bạch:

Về tình hình nghiên cứu lý luận, phê bình trong ban Lý luận, phê bình thời gian qua, đúng như Văn Duy đã nhận xét. Chúng ta chưa tạo ra sự đổi mới bao nhiêu trong nghiên cứu lý luận và phê bình, nếu không muốn nói là vẫn dậm chân tại chỗ, suốt hàng chục năm qua. Phê bình văn học của chúng ta vẫn nặng về cảm thụ, trực giác, cảm tính; lý giải và bình giá tác phẩm văn học chủ yếu bằng kiến thức ngôn ngữ học, tu từ học, xã hội học. Nếu có mở rộng hơn thì cũng chỉ là sự kết hợp với kiến thức liên ngành về lịch sử và văn hóa. Có thể nói, trong các bài phê bình, nếu có gì mới chẳng qua chỉ là phương pháp cũ được thực hành trên tác phẩm mới, tác giả mới mà thôi! Ngay cả việc tiếp cận phê bình văn học theo hướng nghiên cứu thi pháp học, vốn đã được áp dụng vào dạy học môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông hàng chục năm qua rồi, nhưng cũng chỉ có vài cây bút viết phê bình trong ban dùng như một phương pháp tiếp cận tác phẩm còn ở mức sơ khai. Những xu hướng nghiên cứu, phê bình đã và đang được áp dụng thịnh hành không chỉ ở trên thế giới mà ngay cả trong nước (như: hậu hiện đại, giải cấu trúc, ký hiệu học, phân tâm học, tự sự học, phê bình sinh thái, liên văn bản,...), thì dường như vẫn còn xa lạ với các cây bút phê bình của chúng ta. Phê bình văn nghệ vẫn dậm chân tại chỗ mà đời sống văn học thì không dừng lại, Lý luận phê bình của chúng ta không chỉ lạc hậu so với lý luận phê bình mà còn lạc hậu so với cả sáng tác. Đành rằng, không phải cứ áp dụng lý thuyết phê bình mới thì lý thuyết cũ là lạc hậu, phải bỏ đi. Trong nghiên cứu, phê bình, không có phương pháp độc tôn. Nhưng nếu cứ dùng mãi một phương pháp thì chỉ khiến nền văn nghệ trở nên nghèo nàn trong cách nhìn mà thôi. Biết vận dụng đa dạng phương pháp tiếp cận sẽ đem đến cho chúng ta những cái nhìn đa chiều, đa diện về một hiện tượng văn học, khiến cho ngay cả những di sản cũ cũng được “mới hóa”. Có như thế, nghiên cứu lý luận, phê bình mới trở nên hữu ích cho người sáng tác trong việc tìm tòi, đổi mới cách tiếp cận cuộc sống, đổi mới tư duy nghệ thuật, đổi mới quan điểm, hệ hình thẩm mỹ; để từ đó đổi mới cách xây dựng hình tượng, đổi mới hệ thống thi pháp, bút pháp nghệ thuật. Việc đổi mới trong nghiên cứu lý luận, phê bình cũng sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi trong “văn hóa đọc” cho cộng đồng, hình thành và phát triển thị hiếu thẩm mỹ mới, tạo nên một thế hệ công chúng nghệ thuật mới làm nền tảng cho đổi mới sáng tác. Có thể nói, chưa bao giờ trong sáng tác cũng như trong thưởng thức nghệ thuật lại có sự phân hóa cao, với những biên độ rộng và đa dạng như hiện nay. Vì thế, lý luận phê bình muốn thích ứng không được phép tự làm nghèo mình đi. Đó là chưa kể đến “nguồn cung” văn bản nghệ thuật ngày nay cũng đã khác xưa. Sự đa dạng và phong phú trong sáng tác văn học được thể hiện ở nhiều mặt: văn học trong nước, ngoài nước, văn học đông tây, kim cổ, văn học trên trang in truyền thống và văn học mạng... với đủ các trào lưu, trường phái khác nhau đang đòi hỏi ở lý luận, phê bình nhiều phương pháp tiếp cận. Rõ ràng là đổi mới đang trở thành một yêu cầu bức thiết để giới lý luận phê bình không chỉ tránh bị tụt hậu, mà còn là yêu cầu cao hơn để tham gia vào thúc đẩy tiến trình đổi mới của văn học. Vấn đề đặt ra mà giới phê bình đang phải đối mặt cũng là một thách thức lớn: đòi hỏi người làm lý luận, phê bình không chỉ có tâm hồn của một nghệ sĩ, một phông văn hóa rộng để “đọc” tác phẩm, mà còn phải không ngừng trau dồi kiến thức, năng lực về mọi phương diện: từ về tư tưởng đến thẩm mỹ; từ triết học, mỹ học, tôn giáo, chính trị... đến các lý thuyết về văn chương và loại hình nghệ thuật. Nói vậy, đủ biết công việc của người làm nghiên cứu, phê bình thật là gian nan; trong khi đó, tuổi đời của các hội viên thì đã cao, công việc tự học, tự nghiên cứu để hoàn thiện mình không hề đơn giản. Nhận thức được điểm yếu trong nghiên cứu thì dễ, nhưng để khắc phục được thì rất khó. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không nhận diện ra, để cố khắc phục, vượt lên chính mình được chừng nào hay chừng ấy!

Về định hướng hoạt động của bộ phận Văn nghệ dân gian, tôi xin được chia sẻ với đề xuất của tác giả Tăng Bá Hoành. Phạm vi nghiên cứu Văn nghệ dân gian rất rộng (folklore), nhưng chúng ta cần lựa vào sức mình để làm và xác định có trọng tâm, trọng điểm. Theo tôi, việc sưu tầm cùng với sự khảo sát văn học dân gian trên địa bàn Hải Dương đã làm được cơ bản, vì trong một thời gian khá dài, đã tranh thủ được nguồn lực từ dự án quốc gia. Bây giờ là lúc cần tập trung vào khảo sát, đánh giá văn hóa làng (lĩnh vực này có sự giao thoa với công việc của ngành Văn hóa). Như chúng ta đã biết, chưa bao giờ kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung lại có sự biến động mạnh như thập niên vừa qua- nhất là ở khu vực nông thôn. Cùng với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị đã và đang mọc lên. Đi theo sự thay đổi về kết cấu hạ tầng là biến động về dân cư, làng không còn là không gian khép kín như xưa. Mỗi làng Việt hôm nay đều rộng mở đón người dân tứ xứ đến “ngụ cư”; và người dân ở mỗi làng cũng đã vượt lũy tre xanh đến mọi miền của đất nước, thậm chí có mặt ở khắp năm châu để “lập nghiệp”. Chẳng còn bao lâu nữa, chúng ta không còn nhận ra hình thù “làng xưa” với lũy tre, cây đa bến nước, sân đình, mái chùa... cùng với những di sản phi vật thể, như lễ hội, tín ngưỡng và những lề thói được bảo tồn theo hương ước cùng những tập tục bất thành văn vẫn được duy trì. Văn hóa làng đã trường tồn trong lịch sử, có tính bền vững, là nền tảng làm nên những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt. Vậy mà giờ đây nó đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn của các trào lưu: công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế. Tốc độ phát triển của làng Việt đi cùng với sự “tha hóa” của nó đang diễn ra quá nhanh. Hậu quả có thể rất khó lường nếu chúng ta không chủ động để ứng phó. Nếu không giữ gìn được cái phần xác của làng xưa (không gian vật thể) thì chúng ta cũng cần giữ gìn cái hồn cốt của nó (văn hóa phi vật thể). Công việc cụ thể của chúng ta lúc này là từ những tư liệu khảo cứu (văn tự, hiện vật, di tích, phế tích, di sản vật thể và phi vật thể) phục dựng lại không gian vật chất, không gian sinh tồn, không gian văn hóa, đời sống lao động, sản xuất và đời sống tinh thần của làng xưa bằng ngôn ngữ, hình ảnh. Những thành công qua các công trình khảo cứu hoặc các bài viết nghiên cứu về văn hóa làng của các hội viên như: Quốc Văn, Tăng Bá Hoành, Nguyễn Long Nhiêm, Lê Thị Dự, Văn Duy... mở ra và khích lệ chúng ta một hướng đi như vậy. Từ những kết quả đạt được mang đến cho chúng ta sự tự tin đề nghị: Nên chăng, qua Thường trực Hội đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về giá trị đặc sắc của văn hóa làng của xứ Đông xưa. Từ đó, góp phần làm sáng tỏ hơn những đặc trưng văn hóa của địa phương; khuyến nghị với các cấp quản lý có các giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc, cốt lõi của văn hóa làng; góp phần vào giải quyết vấn đề đặt ra đang có tính thời sự, là làm thế nào để bảo tồn được không gian văn hóa “làng trong phố” trước làn sóng đô thị hóa đang diễn ra; việc xây dựng nông thôn mới cùng với việc sáp nhập các đơn vị hành chính ở cơ sở phải làm sao để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến văn hóa làng. Làm được như vậy, hoạt động của Ban Nghiên cứu LLPB và VNDG cũng đi đúng mục tiêu của một Hội chính trị, nghề nghiệp, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Chuyện làng Văn nghệ: "Lá cờ búa liềm đầu tiên trên đỉnh tháp nước"(09/10/2023)
Mục Kiến trúc: "Giữ gìn hồn Việt qua kiến trúc" của Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam(06/10/2023)
Văn nghệ dân gian: "Nét văn hoá dân gian trong Tết Trung thu" của tác giả Lê Thị Dự(06/10/2023)
Trung thu của em (06/10/2023)
Tản văn "Hoa khế vườn xưa" của tác giả Hồ Huy(06/10/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na