Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Văn nghệ dân gian: "Nét văn hoá dân gian trong Tết Trung thu" của tác giả Lê Thị Dự
06/10/2023 02:07:11

Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng Tám âm lịch, đó là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Tết Trung thu trong tâm tưởng của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng là tết đoàn viên. Đây là dịp cả gia đình họp mặt quây quần bên nhau, là dịp để ông bà cha mẹ thể hiện tình yêu thương cho con trẻ, cùng con trẻ tìm về cội nguồn xưa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua những câu chuyện dân gian và các đồ chơi dân gian mang ý nghĩa văn hoá, phong tục độc đáo.

Qua một số tài liệu nghiên cứu thì tết Trung thu ở Việt Nam đã có từ thời sơ sử, gắn liền với nền văn hoá Đông Sơn của người Việt. Thời điểm ra đời chính xác của tết Trung thu ở nước ta cho đến nay vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ cần các nhà khoa học tiếp tục giải đáp. Nhưng có thể khẳng định là phong tục văn hoá đẹp đó đã được nhân dân ta lưu truyền qua các thời kỳ và đến thời phong kiến tự chủ thì đã được triều đình và người dân cả nước coi như một ngày lễ lớn trong năm. Theo thời gian tết Trung thu đã đi vào đời sống tinh thần của người dân như máu thịt, in đậm dấu ấn, điệu hồn người Việt, góp phần thể hiện nét bản sắc văn hoá, tâm hồn người Việt chung đúc qua ngàn năm.

Trung thu là ngày hội của trẻ thơ Việt Nam, gắn với giấc mơ hồn nhiên của trẻ nhỏ về một thế giới kỳ diệu và tốt lành. Mỗi dịp Trung thu đến trẻ em lại háo hức được nghe người lớn dạy cho hát những câu hát dân gian, đọc những bài đồng dao và kể chuyện về sự tích “chú Cuội, chị Hằng” rất ly kỳ hấp dẫn. Còn được chơi những món đồ chơi truyền thống của nước Việt gắn liền với nền văn hoá nông nghiệp lúa nước. Những món đồ chơi đều được làm từ những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên cây cối. Những đồ chơi không hề cầu kỳ, phức tạp nhưng lại có một sức hút kỳ diệu với trẻ thơ. Ông cha ta quan niệm rằng trò chơi và đồ chơi không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ.

Những món đồ chơi truyền thống trong dịp tết Trung thu đó là: Đèn ông sao, đèn cù, đèn lồng xếp giấy, trống ếch, đầu sư tử, con tò he, đèn kéo quân… Đèn ông sao 5 cánh được làm bằng tre và dán giấy bóng kính mầu sắc sặc sỡ, khi nến trong đèn được thắp lên thì các cánh sao trở lên sáng rực rỡ, lung linh. Đèn kéo quân là món đồ chơi độc đáo được ví như một màn diễn rối bóng tự động vì các “quân” được đặt ngay ngắn trong đèn, sẽ di chuyển một cách kỳ diệu khi đèn được thắp sáng. Lúc đó những hình ảnh tượng trưng cho “quân” được vẽ, cắt dán trong đèn sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng rồi xoay vòng do lực đẩy của luồng khí nóng tạo ra từ ngọn lửa. Ông bà xưa dùng đèn kéo quân để kể cho con cháu về lịch sử, về lòng yêu nước thông qua hình ảnh những đoàn quân xung trận được dán quanh đèn. Sau này đèn kéo quân được cải tiến, phong phú hơn như thể hiện hình ảnh quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, cảnh nông dân sản xuất nông nghiệp, mục đồng chăn trâu thổi sáo… Tò he là thứ đồ chơi hướng trẻ em tới nghệ thuật tạo hình vô cùng lý thú. Con giống bột – Tò he là giấc mơ muôn mầu sắc, ngộ nghĩnh được thể hiện qua những nhân vật cổ tích, những con thú đáng yêu được nặn ra từ bột gạo nếp pha đường và mầu sắc. Sau này một số tò he các con vật được gắn thêm chiếc còi để trẻ thổi tạo nên những tiếng tò te nghe rất vui tai. Đám rước đêm Trung thu giữa muôn vàn sắc mầu và âm thanh thì cũng không thể thiếu tiếng “tùng”, “cắc”, “boong” của các loại trống ếch mang đầy hương vị đặc trưng của ngày tết đoàn viên và hình ảnh những em nhỏ đánh trống, lắc trống tay đầy phấn chấn là hình ảnh đẹp trong đám rước Trung thu.

Hình ảnh các em nhỏ giơ cao chiếc đèn ông sao, đèn lồng đủ mầu sắc, hình dáng với ánh nến lung linh rồi nghêu ngao hát: “Chiếc đèn ông sao, sao 5 cánh tươi mầu, cán đây rất dài, cánh cao quá đầu, em cầm đèn sao, em hát vang vang, đèn sáng tươi mầu của đêm rằm liên hoan. Tùng rinh rinh rinh rinh tùng rinh rinh, ánh sao sáng ngời toả sáng nơi nơi” là hình ảnh tuyệt vời sẽ không bao giờ phai.

Ngày nay cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, đời sống nhân dân đầy đủ hơn xưa thì Trung thu xuất hiện nhiều loại đồ chơi đủ mầu sắc, hình dáng bắt mắt. Thói quen làm đồ chơi Trung thu dân gian cũng thưa dần, các em được bố mẹ mua cho những món đồ chơi đắt tiền với đủ kiểu dáng, mẫu mã đẹp được bầy bán ở nhiều cửa hàng. Có nhiều đồ chơi được chạy bằng pin, được gắn còi, thiết bị điều khiển… Nhưng chiếc đèn ông sao được làm thủ công thì vẫn luôn hiện hữu và vẫn được trẻ em yêu thích nhất mỗi dịp Trung thu về.

Ở Hải Dương, từ xưa đến nay tết Trung thu bao giờ cũng được nhân dân ta duy trì liên tục. Đó là dịp sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, tuỳ theo hoàn cảnh từng nơi mà tổ chức cho phù hợp. Ở vùng nông thôn, thường thì tự các gia đình lo liệu, từ sắm hoặc làm đồ chơi đến bầy mâm ngũ quả bằng những sản vật vườn nhà. Trong mâm cỗ thường có bưởi, chuối, ổi, cốm, hồng, mía, bánh kẹo, những chiếc đèn ông sao làm bằng giấy bóng kính, đầu sư tử, rồi những xâu hạt bưởi khô được kết lại thành dây để đốt tạo nên những tiếng nổ lép bép rất vui tai. Đêm Trung thu nhà nào nhà nấy giải chiếu và bầy mâm cỗ ở giữa sân. Sau khi đám trẻ con háo hức rước đèn, múa lân, đánh trống, đốt hạt bưởi quanh sân, quanh xóm xong thì mới tưng bừng phá cỗ. Nhiều nơi còn gọi là tết trông trăng vì vừa vui chơi vừa ngước nhìn lên ông trăng xem chú Cuội có còn ngồi dưới gốc đa hay không? Đó là những đêm trung thu vô cùng huyền thoại trong trí nhớ của trẻ thơ.

Tìm hiểu về văn hoá dân gian ở Hải Dương, chúng tôi thấy trong hương ước, hoặc quy ước văn hoá của một số làng ghi rõ: Hàng năm tổ chức rằm tháng Tám cho các em nhỏ. Như vậy Trung thu đã trở thành niềm vui lớn không chỉ cho trẻ con mà thấy rõ sự quan tâm và trách nhiệm của cộng đồng tới các em nhỏ mỗi dịp Trung thu về.

Trong mấy năm trở lại đây, Trung thu được nhiều cơ quan, đoàn thể, công ty, xí nghiệp đứng ra tổ chức cho con em họ, đó là dịp để các em được vui chơi thoả thích, đồng thời nhân dịp này các em học sinh có thành tích cao trong học tập sẽ được tặng những món quà ý nghĩa.

Đặc biệt Bảo tàng Hải Dương mấy năm trở lại đây đã có những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của văn hoá dân gian, như tổ chức cho các em học sinh đến Bảo tàng trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống. Dịp tết Trung thu các cán bộ của Bảo tàng đã tự học và làm ra những chiếc đèn ông sao 5 cánh, rồi mời các em nhỏ đến Bảo tàng truyền dạy cho các em để các em nhỏ tự mình có thể làm được những chiếc đèn ông sao để vui chơi trong dịp Trung thu. Đây là việc làm đáng khích lệ, đồng thời cũng là một trong nhiệm vụ công tác giáo dục của Bảo tàng Hải Dương.

Đêm Trung thu, dưới ánh sáng lung linh huyền ảo của chị Hằng, các em nhỏ được sống trong không gian văn hoá, trong thế giới kỳ diệu của mình. Đây là nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam mà không nhiều quốc gia trên thế giới có được. Như vậy tết Trung thu với những giá trị cao đẹp, đã góp phần làm nên hồn cốt dân tộc, bản sắc văn hoá của người Việt. Làm sao để giữ gìn và phát huy vẻ đẹp thuần hậu, nguyên sơ của tết Trung thu trong bối cảnh toàn cầu hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là việc làm rất cần thiết và ý nghĩa hiện nay. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chăm lo và tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, xã hội dành cho các em nhỏ nói chung và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn sẽ đều được đón nhận niềm vui, tiếng cười và cuộc sống của các em sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp, ý nghĩa về tết Trung thu.
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Trung thu của em (06/10/2023)
Tản văn "Hoa khế vườn xưa" của tác giả Hồ Huy(06/10/2023)
Thu nhớ(05/10/2023)
Thu sang(05/10/2023)
Truyện ngắn "Nắng nhuộm màu" của tác giả Nhất Chi Mai(05/10/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na