Bức tranh làng Việt ngàn thuở vẫn là nương nép vào thiên nhiên nên mới được trời cho để thêm duyên cho ngôi nhà Việt từ nhiều thế kỷ qua. Người Pháp đọc vị nhanh những lời mách bảo ấy, đã dành cho Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt hay Sài Gòn những ngôi vị mới, nét đẹp mới để kiến trúc Việt mềm mại tiếp nhận sự chuẩn mực, tinh tế của kiến trúc Pháp và châu Âu.
Cây xanh, thiên nhiên xanh vẫn rộng vòng tay ấm áp ôm lấy ngôi nhà xinh, tòa biệt thự, dãy phố, mặt phố, con phố để không có bất kỳ ai đủ quyền lực tước bỏ, phá vỡ những cấu trúc đô thị đương nhiên phải có và phải tồn tại miên viễn ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt hay Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.
Cơn lốc xoáy trôn ốc đô thị hóa ở Việt Nam đã đành là khó cưỡng. Nhưng dung nhan chuẩn mực, ngạo nghễ trong yên lặng, bất chấp thời gian, thời cuộc và thế sự xoay vần của kiến trúc ngày cũ, ngày xưa vẫn nhẹ nhõm đối diện với áp lực xóa phẳng để “nhô” ra những đô thị mới, chung cư mới, thành phố mới của người Việt và xã hội Việt đương đại khi những yêu cầu thiết kế mới thiếu tính đồng bộ, tùy tiện, không khoa học, không tuân thủ nguyên lý Thiết kế Quy hoạch và Thiết kế công trình. Bởi vậy, kiến trúc Việt không thể hiện được bản sắc văn hóa của người Việt. Kiến trúc bước vội theo thị trường, pha tạp và lai căng, không phù hợp với từng thành phố, từng vùng miền trong cả nước.
Một câu hỏi khó chưa dám có lời giải nhưng vẫn thật nhẹ nhõm để sống chung với cơn lốc khó dừng của đô thị hóa. Làng Việt và phố cổ, phố cũ Hà Nội vẫn đang tự bảo trọng nền cốt xưa của tâm hồn Việt, văn hóa Việt, mỹ cảm Việt. Và một khi đã dám ngỏ lời thì sẵn lòng chịu trận.
Với vai trò tư vấn, phản biện điềm tĩnh nhưng sắc sảo và quyết liệt từ nhiều thập kỷ qua, sứ mệnh đẹp đẽ ấy của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đang đón nhận những thách thức mới – 75 năm tuổi Hội đã sang vai và trao tay cho các thế hệ đến sau vững lòng mà bước tiếp.