Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Chuyện làng văn nghệ: "Mùa xuân kể thêm chuyện xe tăng 390" của tác giả Nguyễn Ngọc San
30/04/2022 12:00:00

Khoảng giữa năm 1996, tôi được tòa soạn báo Hải Dương giao nhiệm vụ viết về sự kiện xe tăng 390. Tôi xuống xã Yết Kiêu (Gia Lộc) để gặp Trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên, trưởng xe 390.

 
 

Lúc ấy gần trưa, Trung úy Toàn mình trần, quần đùi đang cầm nơm úp cá dưới ao. Tôi dựng xe trên bờ giới thiệu ở báo Hải Dương xuống muốn gặp. Ông Toàn quay đi không muốn tiếp. Bởi trước đó mấy chục năm báo, đài, tivi nói nhiều về xe tăng 843 tiếp cận Dinh Độc Lập, không ỏ ê gì đến xe 390. Sau này khi có bức ảnh của nhà báo Pháp Francoise De Munder đăng rõ mười mươi xe 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập thì sự thật mới dần sáng tỏ. Tôi thông cảm. Tôi cứ ngồi chờ cho xong cuộc bắt cá của ông. Mãi rồi ông cũng mời vào nhà. May mà tôi mặc chiếc áo “bay” bộ đội, lại nói quê ngoại tôi ở làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh cùng huyện với ông. Thời ông chỉ huy xe tăng tôi cũng là lính cầm vô lăng lái xe vận tải quân sự ra mặt trận. Anh em đồng cảm, chuyện trò dần đến hồi xúc động. Tôi đưa ông xem bức ảnh của nữ nhà báo Pháp chụp cảnh xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập. Câu chuyện cứ thế đi từ lạch sông đến ngọn nguồn. Ông kể phút đầu tiên ông chỉ huy cho xe rú ga lao vào Dinh như thế nào. Cảnh ông cùng đồng đội dưới sự chỉ huy của Trung tá Bùi Văn Tùng áp giải tướng Dương Văn Minh đến đài phát thanh Sài Gòn ra sao…

Sau đó tôi đến xã Hoàng Diệu cũng ở Gia Lộc gặp thượng sỹ lái xe 390 Nguyễn Văn Tập. Anh Tập giải ngũ về chạy thư báo cho xã, gia cảnh nghèo nàn. Ý tứ của anh Tập cũng phiền muộn như Trung úy Vũ Đăng Toàn. Anh Tập kể rành rẽ: “Năm 1972, lữ đoàn chúng tôi lên tàu hỏa ở ga Vĩnh Yên xuôi vào chiến trường. Đi hết đường sắt, chúng tôi đi tiếp đường bộ băng đèo vượt suối, gian nan muôn trùng mấy tháng trời mới vào đến Tây Nguyên ém quân. Chúng tôi tham gia giải phóng Tây Nguyên. Tháng 4 năm 1975, Lữ đoàn 203 hùng dũng tiến vào Sài Gòn. Trên đường giải phóng nhiều xe đã bị bắn cháy, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. May mắn xe 390 ngày 30 tháng 4 năm 1975 được mang lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng sáng chói đến Dinh Độc Lập. Lúc húc vào cánh cổng chính của Dinh, chúng tôi bất chấp hiểm nguy như địch gài mìn thì sao? Địch chập điện thì sao? Chúng tôi chỉ nghĩ đến chiến thắng, nghĩ đến nhiệm vụ cao cả góp phần giải phóng miền Nam.

Sau này xe 390 tiếp tục tham gia chống quân Pôn Pốt, hành quân về bảo vệ biên giới phía Bắc. Bao nhiêu mồ hôi máu xương nước mắt. Xe 390 có 4 người thì 2 người ở Hải Dương còn 2 người ở Hà Nội, người là thợ cắt tóc, người lái xe công nông kiếm sống. Đó là các chiến binh Lê Văn Phượng đại đội phó kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2, Ngô Sỹ Nguyên pháo thủ số 1.

Xe 390 bây giờ để ở Bảo tàng Lực lượng Tăng – Thiết giáp. Một phiên bản nữa để ở trong Dinh Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện cách nay non nửa thế kỷ. Những chứng nhân lịch sử đã ở vào tuổi ngoại bảy mươi. Vui buồn đi qua như đêm đen, như bão tố nhưng trời lại xanh, mây lại trắng.

Tôi cứ ngẫm ngợi giả sử không có bức ảnh của nhà báo Pháp. Giả sử giới truyền thông không làm mạnh mẽ lên thì sự thật lịch sử sẽ như thế nào? 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Cố hương(19/04/2024)
Tháng Ba tìm lối ta về (19/04/2024)
Tản văn "Đêm nay hoa bưởi dậy thì" của tác giả Lê Phương Liên (19/04/2024)
Đi và về(19/04/2024)
Truyện ngắn "Chị Lành" của tác giả Vũ Ngọc Thư(19/04/2024)
Các tin cũ hơn
Nguyên cứu, lý luận phê bình: "Vai trò của nhà làm phim..." của tác giả Nguyễn Thị Nam(29/04/2022)
Sông Thái Bình (29/04/2022)
Tác giả, tác phẩm: "Họa sĩ Phạm Khải Hồng lao động sáng tạo là hạnh phúc của người nghệ sỹ" của tác giả Ngọc Hân(28/04/2022)
Kiến trúc: "Kiến trúc đình làng Việt đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt Nam" của KTS Nguyễn Phương Liên(27/04/2022)
Ra đồng gặp lại chùm rau khúc(27/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na