Minh họa: Nguyễn Phương
Mày học bài gì chưa mà ngồi đấy vẽ vời đấy hả? Lúc nào cũng chỉ thích mỗi vẽ là sao. Tao cho mày một trận bây giờ! Giọng Nghĩa lè bè toàn hơi rượu hướng về phía thằng cu Nhân, con trai gã đang say mê tô tô, vẽ vẽ cái gì đó trên tờ giấy trắng. Câu hỏi của gã làm con trai giật thót mình. Khuôn mặt ngây thơ tội nghiệp của nó xanh mét, trân trân nhìn gã rồi run run cụp xuống, nó vội đưa tay giấu bặt tờ giấy xuống hộc bàn. Nghĩa say đến mức chẳng còn đứng vững trên đôi chân của mình. Gã vịn hai cánh tay vào hai cạnh tường trước cửa ra vào, toàn thân nặng trịch của gã dựa hết vào một bên tường, hai mắt đỏ ngầu dắm dúi vào đứa con trai lên tám nhỏ thó ngồi gọn thỏm trên chiếc ghế nhựa bên bàn học.
- Mày đưa tao xem mày vẽ gì trong đó!
- Không! Con xin mãi bạn Bích mới cho được tờ giấy A4 để vẽ. Mấy lần ba xem rồi lại xé. Con không cho ba xem nữa.
- A, cái thằng này láo! Chắc mày lại vẽ cái thằng cha mày đang cầm chai rượu để cô mày cười tao thúi mũi à? Hay lại vẽ con mẹ mày mặt mũi đầy máu chẳng khác gì để bêu riếu cái gia đình này à?
- Con không vẽ thế nữa. Xin ba đừng xem tranh của con. Thằng bé nói rồi gục đầu xuống bàn học, mắt rơm rớm, tay vẫn khư khư cây bút màu đã vơi đến phân nửa, ngực áp chặt cái hộc bàn, cố ý để ba nó không thể giành lấy bức tranh như mấy lần trước. Chân nam đá chân chiêu, Nghĩa loạng choạng suýt ngã dúi đầu xuống đất nếu không có Huệ, vợ gã chạy ra đỡ và dìu gã vào trong giường.
- Mình uống ít thôi. Mình hãy nghĩ đến thằng cu Nhân. Hãy cho tôi được một ngày thanh thản, bình yên để lo kiếm tiền nuôi con, nuôi cái gia đình này được không? Giọng Huệ vừa như than phiền, vừa như năn nỉ gã.
- Mày im cái miệng không tao lại cho cả mẹ lẫn con ra ngoài đường bây giờ. Nghĩa đã líu giọng, vẫn cố ra vẻ trịch thượng, dọa nạt. Một tay gã đưa lên lăm lăm, khiến mặt Huệ bỗng chốc tối sầm lại. Huệ chọn cách im lặng vì biết nếu lên tiếng thêm, chắc chắn gã sẽ đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà thật.
Sau khi được dìu vào giường, Nghĩa đánh một giấc tì tì đến sáng, chẳng hề quan tâm hay để ý đến vợ con đang lo lắng, đau khổ vì có một người chồng, người cha như gã. Gã cũng chẳng thể biết trong giấc ngủ, thằng con gã đã bao lần giật thót mình vì mơ bị gã đuổi đánh khắp sân, bị gã giật lấy bức tranh của nó mà xé vụn. Gã cũng cóc thèm quan tâm vợ gã, người đàn bà mới bước qua tuổi 30 nhưng đã xác xơ, gầy đét vì quá lo nghĩ chuyện cơm áo, gạo tiền. Gã cũng đâu có hay những đêm Huệ ôm con trai khóc ròng vì tủi thân tủi phận, vì không được gã tôn trọng, yêu thương như bao người đàn bà có chồng khác. Với gã, chẳng niềm vui nào sánh bằng rượu. Gã say sưa tối ngày bên cuộc nhậu cùng mấy ông bạn chí cốt nhàn cư vi bất thiện, ăn không ngồi rồi. Những thằng đàn ông ăn bám vợ, sinh ra không xứng mặt đàn ông như có lần mấy bà vợ của các ông từng ca thán.
Sáng nay trong giờ tập vẽ, Nhân khép nép mãi mới dám đưa bức tranh của mình cho cô giáo Hương và cả lớp xem. Trong tranh, nó vẽ cảnh mình nắm chặt tay ba mẹ, tung tăng dạo bước trên đường phố huyện ngợp sắc hoa và nhộn nhịp người qua lại. Nó vẽ ba nó nhìn mẹ đầy yêu thương. Còn nó thì cười toét, vẻ vô cùng sung sướng.
- Em hãy giới thiệu về bức tranh của mình cho cả lớp nghe nào Nhân! - Cô Hương hướng về Nhân như thúc giục.
- Dạ… đây… đây là bức tranh em vẽ về gia đình em. Nhưng… nó chỉ là mơ ước của em thôi. Vì… vì… Nhân ấp úng, giọng run lên, rồi nước mắt lưng tròng. Ngay tức thì thằng cu Thắng bên cạnh bàn đứng phắt dậy, giọng thanh minh:
- Ba bạn Nhân uống rượu rồi chửi bới suốt ngày, chẳng chịu làm việc. Mẹ bạn Nhân bị ba bạn ấy đánh suốt. Em ở gần nên biết cô ạ. Bạn Nhân tội lắm. Nhà nghèo nữa… Ánh mắt cô Hương chùng xuống. Cả lớp rộn lên đôi ba tiếng xì xào rồi im bặt. Cô bước đến bên, vòng tay ôm lấy Nhân, xoa đầu nó còn nó thì đứng lặng trong vòng tay cô, một tay đưa lên quệt hai hàng nước mắt nhạt nhòa.
Điện thoại réo chuông đến cả chục lần, Nghĩa vẫn nằm vắt chân trên giường ngủ ngon lành. Ngoài trời, mưa lâm thâm. Mấy bữa nay, Huệ thường đi làm về khuya. Giáp tết, hàng hóa bộn bề. Cô lại xin làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Huệ làm ở xưởng gỗ cách nhà hơn 5 cây số, đoạn đường đi phải băng qua cánh đồng, đêm hôm ít người qua lại. Lúc nào, Huệ cũng thủi thủi đi về trên chiếc xe đạp cà tàng. Tối nay tan ca muộn, đi về được giữa đường thì chẳng may Huệ bị ngã do tránh chiếc xe tải chở hàng ngang qua đoạn đường hẹp. Mặt mũi máu me loang lổ, chân bị trẹo không thể đi nổi. Còn chiếc xe đạp thì bị sang vành, méo mó. Đoạn đường về nhà cũng còn đến hai cây số nữa. Sau nhiều lần gọi cho Nghĩa không được, Huệ tủi thân ngồi khóc. Nhớ đến bác họ cuối xóm, Huệ gọi, may mà bác bắt máy. 10 giờ tối, Huệ ngồi sụp bên lề đường chờ giữa đêm tối mênh mông đang trùm lên cả cánh đồng, hai bên đường và xung quanh; trông cô nhỏ thó, tội nghiệp đến xót xa.
Mấy hôm nay, Huệ xin nghỉ làm nhưng trong lòng thì quá đỗi sốt ruột. Nghỉ ở nhà một ngày đồng nghĩa với việc số tiền lương sẽ bị cắt giảm. Cả tháng đi làm quần quật từ sáng tới tối mò, có khi tăng ca thêm 2, 3 tiếng đồng hồ cũng chỉ được 3 đến 4 triệu. Kiếm được đồng tiền đâu phải dễ dàng, vậy nên đau nằm một chỗ, biết lấy gì chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Thằng cu Nhân đi học về là cứ quấn quýt bên mẹ nó. Nó không dám đi chơi. Nó bảo phải ở bên để giúp mẹ khi mẹ cần chứ chân mẹ đau chưa thể đi lại được. Vả lại, thường ngày, mẹ nó đi làm thì nó cũng đi học. Khi mẹ nó đi làm về, có khi nó đã ngủ say. Hai mẹ con ít có thời gian ngồi trò chuyện bên nhau. Nó còn bảo, nó thương mẹ. Có lần, nó năn nỉ:
- Hay là mẹ cho con nghỉ học. Con nghỉ học, mẹ sẽ đỡ lo một khoản tiền. Mẹ nó nghe nó nói liền sụt sùi khóc:
- Khó khăn cỡ nào mẹ cũng không để con phải nghỉ học. Nó nghe rồi rưng rưng. Sợ con lo buồn vì thấy mình như vậy, chị Huệ tuy đau đớn nhưng chẳng dám xuýt xoa, rên rỉ. Nhưng thằng Nhân tinh tế lắm. Nó biết hết. Nó hiểu hết cảm giác và nỗi lòng của mẹ nó. Mỗi lần ba nó chìa tay xin tiền uống rượu mà không có thì lại vung tay lên trút vào mặt, vào người mẹ nó những cái tát, cú đấm giáng trời. Nó ghét ba vì ba không thương mẹ, không thương nó. Ba chỉ thích làm bạn với rượu và mấy ông bạn có cùng sở thích như ba. Nhưng trong lòng nó cũng vui vui. Nó nghĩ, mẹ cũng cần được nghỉ ngơi. Chỉ đến khi đau thế này, khi không thể nhấc nổi đôi chân, mẹ mới chịu ngồi yên trên giường.
- Để con đi cắm nồi cơm nghe mẹ! Nghe con nói vậy, chị Huệ ngỡ như nghe nhầm. Ai ngờ, nó lấy nồi, đong gạo, vo gạo, lấy tay đo mực nước trong nồi, lau đế nồi, đặt vào nồi cơm điện, đậy nắp, cắm dây điện, nhấn công tắc cho nồi sáng. Nó làm các bước y chang như chị từng dạy. Nó làm chị khóc. Khóc vì thương nó, vì tự hào về đứa con trai bé bỏng, tội nghiệp.
Thằng bé Nhân nhìn quanh bếp rồi chạy ù sang cửa hàng tạp hóa nhà bà Hiên đối diện. Nó chạy về với gói mì tôm trên tay cùng hộp bút chì màu nho nhỏ.
- Có thức ăn rồi mẹ ạ. Chị Huệ nhìn gói mì tôm trên tay con, ngạc nhiên hỏi:
- Con lấy tiền đâu mà mua mì. Còn hộp bút màu kia nữa?
- Số tiền hôm bữa mẹ cho để mua Oishi, con vẫn để dành. Còn đây, bà Hiên cho con vì biết con thích vẽ. Thằng bé giơ hộp bút chì màu về phía mẹ nó giải thích cặn kẽ. Chị Huệ nhìn con trai mà xúc động. Có lẽ chính vì thế mà năm lần bảy lượt ba mẹ chị khuyên chị làm đơn li hôn với chồng, chị vẫn không muốn, dẫu phần thiệt thòi, đau khổ mình chị gánh hết. Chị nghĩ cho con. Chị nghĩ đến cảnh nó bị tổn thương khi biết ba mẹ ly hôn, và chắc chắn tâm hồn của một đứa trẻ vốn dĩ đã bị tổn thương ấy lại càng tội nghiệp hơn gấp bội. Vả lại, chị vẫn không thôi hi vọng ở chồng, có ngày nhìn thấy con khôn lớn mà thay đổi, tu chí làm ăn.
Nhân ngồi say sưa vẽ bên hộp bút màu mới được bà Hiên cho mấy hôm trước. Chị Huệ đã rón rén đi lại được dăm bước trong nhà. Chị đang thắc mắc không biết chồng mình từ sáng đến giờ đi đâu mà im hơi lặng tiếng. Vốn dĩ mọi ngày, giờ này, giọng Nghĩa đã lè bè, lẩm bẩm từ đầu ngõ. Nhân nhìn mẹ nó rồi nói:
- Khi sáng con thấy ba mượn xe của nhà bà Hiên đi đâu ấy mẹ ạ. Con sợ nên không dám hỏi. Huệ càng ngạc nhiên khi thấy Nghĩa về. Anh xách trên tay bó rau muống, một miếng thịt ba chỉ và một hộp bút màu lớn hơn, đẹp hơn hộp bút bà Hiên cho thằng cu Nhân, hết nhìn vợ rồi lại nhìn con. Im lặng một hồi rồi anh chợt lên tiếng:
- Tôi… tôi mua từ chợ chiều đấy. - Anh đặt vào tay con hộp bút màu, nhếch môi cười một cái. Lần đầu tiên, thằng bé Nhân thấy ba nó cười, nụ cười hiền lành và gần gũi khiến nó nhận lấy hộp bút mà quên cả lời cảm ơn. Nghĩa quay sang phía vợ, giọng nhẹ nhàng:
- Để tôi đi nấu chút thức ăn cho bữa chiều.
- Ba thằng Nhân… anh… sao… Nghĩa đưa tay lên gãi đầu, cười trừ:
- Tôi sẽ không uống rượu nữa. Tôi sẽ đi tìm việc làm. Sẽ phụ mình lo cho gia đình, lo cho thằng Nhân. Không kịp để vợ hỏi thêm gì, Nghĩa liền giải thích:
- Cũng nhờ có cô giáo của thằng cu Nhân. Sáng nay, tôi được cô cho xem những bức tranh con trai mình vẽ về những ước mơ của nó. Tôi… tôi thấy hối hận vì suốt mấy năm qua đã để hai mẹ con mình phải sống trong tủi cực. Nghĩa nói rồi bước nhanh xuống bếp, bỏ lại sau lưng nụ cười nhẹ nhàng của Huệ và khuôn mặt mừng rỡ của con trai.
Buổi tối, Nghĩa ngồi bên vợ con. Thằng cu Nhân mải mê thuyết minh về những bức tranh nó vẽ. Nào về bữa cơm gia đình có đầy đủ cả ba, mẹ và nó. Nào là ba và nó cùng làm vườn. Nào cảnh cả nhà cùng nắm tay nhau đi dạo phố… Anh nhìn vợ thật lâu rồi tủm tỉm cười. Anh nghĩ đến lời đề nghị của bà Hà đầu cổng chợ sáng nay về việc khuân vác, vận chuyển hàng cho bà với số tiền công mỗi ngày cũng kha khá. Anh bàn với vợ con về dự định cho cái tết gần kề. Anh còn loay hoay chọn lấy một bức tranh con vẽ đẹp nhất dán lên tường ngay cạnh chỗ giường ngủ. Xong rồi, anh ôm con trai, đặt nó ngồi lọt thỏm vào lòng. Thằng bé cũng ôm chặt lấy ba nó như chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc đến thế.