Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Đảo mê" của tác giả Phạm Thuận Thành
21/05/2024 12:00:00

Tam Đảo ở đâu nhỉ? Tam Đảo có thật không nhỉ? Chắc phải có thật mới có tên chứ. Tỉ như Giếng Nghè, Cầu Khoai làng mình ấy. Lão Bật ngồi vót nan dưới gốc đa cổ thụ đầu làng cứ nghĩ vẩn vơ như vậy. Con dao dài cán cong hình chữ V lướt đi, lướt lại loang loáng. Trời nắng lừ đừ mắt mà chỗ lão Bật ngồi vẫn mát mẻ, thanh tịnh. Như cuộc đời lão đến giờ vẫn thanh tịnh. Đống nan cao dần. Dáng lão Bật ngồi như pho La Hán đói mặc: quần đã thu ngắn ống, áo đã thu ngắn tay khoác hờ, nước da ngăm ngăm đen đã hơi chùng. Lão Bật là hạng tứ cố vô thân. Lão chiếm gốc đa làm của riêng mấy chục năm nay. Con dao vót nan cũng đã qua mấy đời dao. Lão làm nghề đan mà nghiễm nhiên kiêm luôn việc gác làng bất đắc dĩ. Ai đi, ai về, ai sắm được đồ gì mới, lão Bật đều biết tuốt. Và ai chịu ngồi chơi, dù chỉ thoảng qua cũng được lão thông tin chi tiết lại ngay. Nhạy. Lão còn nhận ra rằng thời thế thay đổi nên cách thức người làng ra đi cũng khác nhau. Thời trước, thường là người đi về trong ngày. Nếu trong ngày không về là biệt tích luôn. Biệt tích mà bò về được thì hiếm người được lành lặn hẳn hoi. Thời nay, người đi hàng năm mới về. Ai cũng béo tốt, trắng trẻo hơn. Thích đi hơn thích về. Người làng loãng đi trông thấy. Nhiều đứa đang tuổi chăn trâu cũng quyết bỏ trâu, nao nức ra đi làm kinh tế. Vì thực ra cũng làm gì còn trâu để mà chăn. Trừ nhà thằng Trần Công Nghiệp, bạn thân nhất của lão Bật mấy năm nay. Thằng này rất máu làm giàu. Học hết lớp năm nó đã lên kế hoạch tập trung phát triển kinh tế nông thôn, li nông bất li hương chăn trâu. Kế hoạch lập tức được thầy nó phê duyệt, u nó thông qua. Nó đã khảo sát kĩ lưỡng tiềm năng đất đai cho kế hoạch rất khả thi này. Cả làng không có mống trâu nào, cỏ đồng tốt bời bời. Cứ thử tổng cộng chi li số bờ cỏ đồng làng mà xem, hơi bị ít đấy, kém gì dải đồi đâu, thả sức nuôi được một trại trâu. Trần Công Nghiệp tự ra quyết định thôi học, để phấn đấu làm một anh hùng ngành chăn nuôi. Quyết định của nó rắn như đá tảng (có lẽ mọi thứ quyết định đều rắn đá tảng thế) khiến cô giáo, ông trưởng họ, bác trưởng thôn đều tòe lời vận động nó cố kiếm cái phổ cập mà không ăn thua, không lay chuyển. Sau mấy năm cần mẫn từ một con trâu cái, nay nhà nó đã có ba con cái thay nhau đẻ. Không đặt vòng. Hầu như lúc nào cũng có nghé. Nghé xấu xuất xe Min đi làm món thui. Nghé đẹp bán cho lái chọi Đồ Sơn. Trần Công Nghiệp còn táo bạo lên kế hoạch dựng sới chọi trâu đỡ phải đi xa xem nhờ nhưng kế hoạch còn ở thời ấp ủ, manh nha, chưa thể thực thi vì đồng tiền chi dùng ngay trước mắt thúc giục nên tạm thời vẫn phải xuất nghé đi. Không có bạn chăn trâu. Trần Công Nghiệp đành đánh bạn với lão Bật đan. Nghe lão Bật nêu giả thiết và tự kết luận về Tam Đảo, Trần Công Nghiệp cũng thấy thu thú. Tam Đảo có thật à? Hẳn là thế. Không có thật sao lại có tên. Tỉ như Giếng Nghè, Cầu Khoai làng mình ấy. Vậy nó ở đâu nhỉ? Ừ, nó ở đâu nhỉ? À, nó phải ở đâu đó ngoài tít tắp biển Đông. Đảo phải ở ngoài biển mà. Không phải thế, hình như nó ở phía tây. Phía tây không bao giờ có biển. Biển Đông phải ở phía đông. Ầy thế mới lạ. Những hôm trong trời, tao thấy mấy ngọn núi lam dán ở lưng chừng trời tây. Đời tao gặp mấy lần trong trời rồi. Ánh mặt trời còn dát vàng, dát bạc trên đỉnh, đúng là núi chứ không phải hình mây giống núi đâu. Thằng Trần Công Nghiệp à, trời trong tầm nhìn xa vậy mà hôm trời trong khắc thấy núi đột ngột bay đến chắn tầm nhìn. Mới biết trời đất chẳng cho con người tầm nhìn xa, ác thế chứ lị. Tao phục lão Trần Công Ngu, tổ nhà mày dám hót núi hất đi. Dẫu biết việc chẳng đi đến đâu nhưng ít ra cũng tỏ được thái độ đòi quyền nhìn xa với đất, với trời. Phía tây cũng có biển à, sao không thấy ai gọi là biển tây. Có biển mới có đảo chứ, mà đâu phải một đảo, những tam đảo cơ. Ấy đấy, vấn đề là thế đấy. Cũng như làng mình ai bảo là có trâu thế mà lại có trâu nhà mày đấy, không phải một mà những bốn trâu kia. Lão Bật ví dụ sát sàn sạt khiến Trần Công Nghiệp cứng họng. Nghe nói người ta còn dựng cả tháp truyền hình trên đỉnh Tam Đảo. Cứ đi theo đường sóng truyền là tới. Mày lớn rồi cũng nên làm một chuyến đi Tam Đảo xem sao. Này, trên đó có tiên đấy. Lên đó kiếm cô vợ tiên cũng hay đấy chứ. Thế sao lão không kiếm vợ tiên cho chính lão trước đi. Tao khác. Tao tuổi canh, canh biến vi cô, cô độc quen rồi. Nhưng ý mày hay, đi được Tam Đảo một chuyến thì còn gì bằng. Mày có dám cùng đi với tao không. Sợ gì, làm trai chí lớn ở đời, đi thì đi.

 
 
Minh họa: Hà Huy Chương 
 

Thế là lão Bật đan và Trần Công Nghiệp một già, một trẻ kết nghĩa anh em, lên kế hoạch đi Tam Đảo. Với thằng Trần Công Nghiệp làm gì cũng phải lập kế hoạch cụ thể, tính nó thế, không thích được chăng hay chớ tùm lum tùm loa, úi xòa. Tiền ăn đường không lo. Nghiệp bắt chước Cuội bán trâu. Hết tiền thì con dao nan và bàn tay vàng của lão Bật sẽ được việc. Đi bộ để rèn luyện sức khỏe một thể. Nghiệp thủ đôi giày da Côxưghin của bố. Lão Bật có sẵn đôi giày da di truyền. Chọn đúng ngày thiêng mồng tám tháng tư xuất phát.

Ba ngày mồng bảy, mồng tám, mồng chín tháng tư, người làng Khoai nhộn nhịp đi chơi hội Khám, hội Dâu, hội Gióng. Chẳng ai để ý đến sự thiếu vắng của lão Bật, thằng Nghiệp và đàn trâu. Hội tan cả làng mới nhộn lên giúp nhà họ Trần tìm người, tìm của. Chạy ra gốc đa hỏi thăm thì lão Bật cũng mất tăm, chỉ còn lại đống nan và mấy cái mê đan dở. Giả thiết. Rất nhiều giả thiết. Bán tín, bán nghi. Người bảo đi báo công an ngay. Người bảo chẳng cần, lão Bật sức mấy bắt nổi thằng Nghiệp đem bán. Mà lão Bật cũng lạ, dám bỏ gốc đa ra đi thì loạn thật. Cái thời xô nhau làm tiền này con người như dở hơi cả. Chẳng lẽ lão Bật rủ thằng Nghiệp đi đào vàng. Thế còn mấy con trâu đâu. Của đống tiền, chứ ít à. U thằng Nghiệp khóc tru tréo lên vì xót con. Thầy thằng Nghiệp quát nhặng xị vì xót của. Rồi xóm làng cũng lặng đi, trở lại nếp thường. Cháu họ lão Bật thừa kế gốc đa, dựng lên quán bia bom có karaoke phục vụ. Hậu cung quán có ban thờ lão Bật, nhưng chủ quán nói thác đi là ban thờ thổ địa.

Trong khi đó, huynh đệ lão Bật sóng bước mải miết về tây. Đi Tam Đảo. Không đi lấy kinh. Sứ mệnh hàng yêu phục quái lấy kinh, thầy trò Đường Tăng làm từ thời Đường rồi. Đi để xem Tam Đảo có thật hay không và có thật thì nó ra sao thôi. Lão Bật vai khoác tay nải, tay cầm con dao vót nan gia truyền. Trần Công Nghiệp khoác ba lô lộn, tay khư khư chiếc đài có tai nghe, vừa đi, vừa nghe nhạc. Cứ cắt góc phương vị mà đi. Qua núi. Qua sông. Qua đồng lúa chín. Qua làng mạc. Đói ăn bánh mì, lạc rang. Khát uống nước sông, nước suối. Tối trải áo mưa ra nằm. Kể ra mấy ngày đầu cũng khí mỏi, Nghiệp ta muốn bỏ về, nhưng lão Bật chỉ nhắc chuyện đàn trâu là nó ngại lại hạ quyết tâm đi tiếp. Cũng có lần ngủ nhờ ở một làng ven sông Cà Lồ, suýt bị rắc rối vì thằng Nghiệp không có chứng minh thư, vì chưa đến tuổi làm chứng minh thư. Ai tin được nó là người họ Trần, làng Khoai. Nhỡ nó là phần tử Ankêđa thì sao. Dân quân khám ba lô lộn không tìm thấy vũ khí, chất nổ chỉ có chiếc radio là khả nghi. May mà khi kiểm tra các núm radio chỉ biết nghe chứ không biết phát. Băng nhạc thì cũng chỉ có băng Đan Trường và băng Quan họ, không phải là văn hóa phẩm đồi trụy. Nhưng làm sao chứng minh anh đúng là Trần Công Nghiệp làng Khoai đây. Nghiệp đành kể tỉ mỉ tên các xứ đồng thường chăn trâu, tên các nhà hàng xóm láng giềng, tên một loạt cán bộ thôn, xã. Khoan, bí thư xã là Trần Khắc Tiến à. Có phải Tiến dong dỏng cao, dáng thư sinh, tuổi tầm ngót năm mươi không. Thế thì tôi biết. Ti vi vừa phát hình hôm qua. Xã ấy đang là đơn vị điểm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đấy. Thôi cho qua.

Vậy là đóng dấu thông quan điệp văn. Đi tiếp. Đôi bạn một già, một trẻ cứ đi, đi mãi, chân dẻo ra không biết mỏi là gì. Càng về phía tây, làng xóm càng thưa dần. Đường cũng hướng lên cao dần. Có lần đôi bạn đi mấy ngày không gặp làng nào để mua đồ ăn, đành phải dừng lại tát vét, bắt cá. Vừa tát, vừa bảo nhau nghe chừng sắp đến Tam Đảo rồi cũng nên. Động viên nhau như vậy. Đường càng lên cao, càng vắng vẻ. Chỉ còn tiếng rừng, tiếng suối hoang sơ. Sương mù dày đặc. Thằng Nghiệp bỗng nổi máu thi sĩ, liền cảm tác mấy vần thơ về cảnh mây, cảnh núi: Ta kéo mây về đắp rừng cây lạnh/ Ta vén mây phơi nắng ấm chan hòa/ Đất trời khỏa thân run rẩy/ Ta thắp lòng mình cháy với bao la. Nghe thằng Nghiệp vừa đi, vừa ngân nga ư ử, lão Bật gật gù tấm tắc, mày có thể trở thành Huy Cận, Xuân Diệu của thiên kỉ mới lắm. Lão cũng hứng chí lên làm Đình Quang, Đình San, cất giọng ngâm theo thơ của Huy Cận, Xuân Diệu thiên kỉ mới. Ngân mãi thành hát. Không cần Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, vẫn tự phổ nhạc hát được. Cây cối lặng mình lắng nghe song tấu làng Khoai. Đường núi như thu ngắn lại tầy gang. Đấy, mây đùn lên dày đặc không cả nhìn rõ đường đi đây này. Nếu không có chiếc đài thì khó mà biết được là ngày hay đêm.

Đột nhiên, đường cảm thấy bằng hơn và xuất hiện những giàn su su tầng tầng, lớp lớp, bạt ngàn nối tiếp ven đường. Chắc có làng đâu đây. Phải thế chứ. Năm mươi con theo mẹ về non, chẳng lẽ đến nay vẫn chưa có ai đến ở đất này hay sao. Vô lí lắm. Cái thời buổi tấc đất, tấc vàng này làm gì có chuyện đất không người. Quanh co một thôi một hồi, len lách qua các giàn su su, đôi bạn cuối cùng cũng gặp được một ông già đang buộc giàn su su mới. Lão Bật hỏi thăm đường. Tam Đảo hả? Hình như có đấy. Nó ở đâu đó phía tây kia kìa. Khắc đi, khắc đến. Ông già đáp xong, lẩn ngay vào màn sương dày đặc, dường như thiên cơ bất khả lộ, nói thế là quá nhiều rồi, không muốn nói thêm câu nào nữa.

Đi tiếp. Hết bài Tương phùng, tương ngộ thì gặp mấy cô gái trẻ. Lần này, Trần Công Nghiệp tiến đến hỏi thăm đường. Mấy cô gái cười ré lên, khiến Nghiệp nóng bừng mặt e thẹn. Cười chán, một cô có vẻ thông thạo giảng giải, thấy bảo Tam Đảo có hai hòn đảo nổi, một hòn đảo chìm, quanh năm sương khói, mây mù che phủ. Đó là nơi tiên ở. Ai đến được đó thì không còn nhớ đường về nhà đâu, chẳng lẽ hai anh không sợ hay sao mà hỏi đường đến đó. Làm trai chí lớn ở đời, sợ cả nơi tiên ở thì còn kể làm gì nữa. Hôm nay, tối rồi xin các em chỉ giúp nơi nghỉ trọ. Ở đây không có nhà trọ. Nếu các anh không chê thì mời vào nhà em nghỉ tạm cho lại sức đã. Huynh đệ lão Bật nhìn nhau khẽ gật đầu đồng ý, rồi theo cô gái về nhà. Nhà cô gái thưng toàn cây gỗ nguyên lộng lẫy như một lâu đài. Thì ra, cô gái chính là chủ nhân còn mấy cô đi cùng là người hầu. Họ nhanh nhẹn gánh nước, nhóm lửa đun nước cho huynh đệ lão Bật tắm. Nước ấm pha tinh dầu tràm làm cho cơ thể đôi bạn sảng khoái không thể tưởng tượng được. Tắm xong, được mời ăn tối. Khai vị là rượu nếp cẩm ngâm lâu ngày, nhắm với hạt dẻ. Cháo gạo nếp nấu lẫn củ từ tía thêm món ngọn su su xào tỏi, ăn xong lại có hồng ngâm tráng miệng. Lâu lắm mới được bữa nóng sốt, đôi bạn ăn như rồng cuốn. Sao lại lắm món đặc sản lạ miệng đến thế. Hương vị còn giắt mãi ở kẽ răng, đầu lưỡi. Ăn uống xong cô chủ mời đến phòng khách. Dưới ánh đèn dầu lạc leo lét, cô chủ tóc búi cao mặc bộ đồ tơ tằm vàng óng, trông lung linh, huyền ảo, khác nào tiên nữ. Đôi bạn không cả dám nhìn. Cô chủ duyên dáng giới thiệu:

- Thiếp là Trám Nương, con gái thứ chín Mẫu Hồng Đăng Ngàn. Thiếp là chủ khu rừng trám này. Do có duyên trời định với chàng Trần Công Nghiệp nên có ý đợi sẵn từ lâu. Nay chàng đã đến thì chúng ta mau kết làm vợ chồng, có đại huynh kết nghĩa Bật làm chứng.

Trần Công Nghiệp không tin ở tai mình, hỏi lại:

- Em không phải là ma, cũng không phải là tiên đấy chứ?

- Thiếp chỉ là vợ chàng thôi.

Chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, chàng Nghiệp quay sang hỏi lão Bật. Lão đáp bừa, chắc là do duyên phận, phải chiều thì cứ chiều thôi. Anh xin chúc phúc cho chú em tốt số.

Trám Nương sai mở nhạc. Dòng nhạc véo von, réo rắt, tràn ra như lưu thủy hành vân. Đoàn nữ hầu xiêm y rực rỡ, thướt tha tiến vào múa lượn. Chỉ thấy những khuôn mặt thanh tú, thân hình thon thả, kiều diễm, uyển chuyển trong mùi hương tràm nồng nàn. Chàng Nghiệp hau háu như hổ đói thấy mối quên cả Trám Nương huyền ảo bên cạnh. Bực quá, Trám Nương phát tay một cái, đoàn múa vội lui ra như đàn chim chớp cánh về trời. Lão Bật cũng được mời đi nghỉ. Trám Nương đưa chàng Nghiệp vào hoa phòng. Chàng Nghiệp lẽo đẽo theo sau như trâu lạ về chuồng mới. Của đáng tội, chàng Nghiệp tuổi vừa đôi tám, thân thể tuy cường tráng đấy, nhưng là hạng có lớn, mà chưa có khôn, đứng trước con gái nào biết làm gì. Trám Nương thì thào, thiếp vẫn còn trinh thật chứ không phải trinh vá bệnh viện màng Tàu, màng Nhật đâu, sao chàng cứ đứng ngây ra thế. Trám Nương càng giục, chàng ta càng ngây như phỗng. Trám Nương đành tự cởi hết xiêm y, nằm lên giường, gắt sao chàng bảo đi tìm Tam Đảo. Thì Tam Đảo đây, trời quang mây tạnh, nhìn rõ chưa. Hai đảo nổi phía trên, một đảo chìm phía dưới, nào đã nhìn rõ chưa. Thế mà cũng lớn tiếng làm trai cho đáng nên trai, chí lớn để đời kia đấy.

Bị Trám Nương mắng, chàng Nghiệp mới tỉnh cơn ngây, se sẽ tiến về phía giường. Lại một lần nữa, chàng Nghiệp ngây ngất trước vẻ đẹp nguyên sơ kì vĩ của Tam Đảo mà tạo hóa đã ban cho loài người.

Sớm hôm sau, chàng Nghiệp tỉnh giấc vì cái đài cứ ọt ẹt bên tai. Bây giờ, đang là mục quảng cáo và nhắn tin. Giọng phát thanh viên rành rẽ: Trần Công Nghiệp tuổi mười bảy, cao một mét sáu nhăm, da trắng, bỏ nhà đi từ ngày mồng tám tháng tư nay ở đâu hãy báo tin cho gia đình biết. Ai được tin, báo cho gia đình theo địa chỉ làng Khoai, huyện… tỉnh… hoặc cơ quan công an gần nhất, chúng tôi xin cảm ơn và hậu tạ. Trần Công Nghiệp vội vùng dậy. Lâu đài và Trám Nương không thấy đâu, chỉ thấy một cây trám cổ thụ, gần đó là đền Cô, đền Cậu.

Lần đầu tiên, Nghiệp thấy nhớ nhà da diết. Lần đầu tiên, kế hoạch đi Tam Đảo bị cháy quăn trong nỗi nóng bỏng nhớ nhà. Chắc chắn thầy u cũng nhớ Nghiệp lắm mới gửi lời nhắn qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Đàn trâu trót dại bán rồi sẽ gây đàn khác. Cỏ đồng lâu nay không trâu gặm, chắc đã tốt lắm rồi. Người làm ra của, chứ của đâu làm ra người. Thế là Trần Công Nghiệp len lén bỏ đi, mặc kệ lão Bật đang vẫn còn say sưa với giấc mơ Tam Đảo của lão.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Tình sử bên sông"(20/05/2024)
Gặp ở đồn biên phòng(20/05/2024)
Màu xanh(20/05/2024)
Trường Sa, Hoàng Sa(20/05/2024)
Truyện ngắn "Bà nội tôi" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(20/05/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na