Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Bà nội tôi" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn
20/05/2024 12:00:00

Gia đình tôi là nông dân gốc, nhiều đời gắn liền với mảnh ruộng bờ ao. Tôi từ làng ra đi. Suốt thời gian sáu năm, vừa học đại học lẫn làm nghĩa vụ quân sự, may mắn tôi toàn ở thủ đô. Một thành phố mà ánh sáng ban ngày lẫn ánh điện ban đêm rất khó phân biệt. Cầm lá đơn xin việc chạy nhông mấy tháng, nơi bảo đã nhận đủ, nơi khác lại nói cứ để hồ sơ đây khi nào cần sẽ gọi. Ba, bốn bộ hồ sơ nằm chết dí ở xí nghiệp với công ty. Mệt và buồn. Tôi hiểu đằng sau lời hẹn kia là cái gì nhưng tôi không muốn làm phiền tới gia đình. Đêm nằm trăn trở không tài nào ngủ nổi. Trăng mười sáu vằng vặc soi qua cửa sổ khiến tôi nhớ quê quay quắt. Nhớ thuở ấu thơ chân trần, vừa chạy trên đường làng, vừa ngẩng mặt nhìn trăng đuổi theo. Tôi quyết định về quê.


 
Minh họa: Nguyễn Lâm Thao 
 

Giờ thì tôi đã về với làng. Làng Vạn Ninh thuộc xã Bạch Đằng của tôi như nửa vành trăng nằm trong đoạn cong của con đê ngăn lũ. Bạch Đằng là xã duy nhất của huyện được công nhận là xã miền núi. Ngẩng mặt lên là núi. Núi cao vời vợi. Cúi mặt xuống là sông. Nước sông chảy lững lờ về mùa đông, dữ dội về mùa mưa. Sau nữa mới đến cánh đồng chạy dài thẳng cánh cò bay. Ngày tôi về, mưa tầm tã. Mưa trắng trời, trắng đất. Ruộng lúa ngập nước mênh mông trong ánh chớp và sấm sét rền rĩ. Nước sông lên to, chảy ào ào như thác lũ. Tiếng ếch nhái kêu vang. Tiếng côn trùng hòa nhịp như mừng đón cơn mưa cuối mùa. Bà nội tôi ngồi trên chiếc ghế thấp, tay giã trầu trong chiếc cối bằng đồng nhỏ xíu. Mùi trầu cay cay, nồng nồng ấm sực cả ba gian nhà. Bà bảo: “Giời với chả đất, miếng cơm đến tận miệng rồi mà ông trời cũng chẳng tha. Ngày xưa mà thế này thì đói là cái chắc”. Ý bà tôi nhắc lại thời bao cấp, nông dân đi làm theo tiếng kẻng. Mẹ tôi trêu bà: “Bà lại ngày xửa ngày xưa rồi”. Bà cũng cười: “Chứ không à”. Quả thật chuyện của bà toàn kể về những cảnh vất vả, đói kém rất cụ thể, rất chi tiết.

Bà nội tôi là con gái út một cụ đồ chữ Hán nên bà được lĩnh hội một nền giáo dục kiểu cổ, luôn tuân theo những khuôn vàng thước ngọc, được đúc kết qua ngàn năm. Về làm vợ từ năm 17 tuổi. Ngày vu quy xấu hổ không đủ can đảm ngẩng mặt nhìn chồng, nhìn mọi người. Năm sau, bà đẻ ra bố tôi. Năm 1965, chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, ông nội tôi nhập ngũ. Trong làng cũng có một, hai người cùng đi. Người ta thầm thì: “Đợt này toàn quân đi B”. Xong huấn luyện, ông nội tôi được nghỉ phép 15 ngày. Những ngày được nghỉ, ông nội tôi làm luôn tay. Từ dọi lại cái mái nhà dột, đến san lại cái sân đất lồi lõm. Từ trát lại tường bếp bị mưa lở lói đến tra lại cái cán cuốc, cán liềm. Hết phép, ông nội tôi trở lại đơn vị. Bà nội tôi dậy từ sớm chuẩn bị hành trang cho chồng. Lại còn ấn vào tay chồng tờ mười đồng: “Nhà cầm đi uống nước dọc đường”. Ông nội tôi đẩy ra: “Đừng lo cho tôi. Ăn uống, áo quần đã có quân đội và nhân dân đùm bọc rồi”. Trước khi tạm biệt, ông nội tôi cầm tay vợ dặn dò: “Mình ở nhà giữ gìn sức khỏe, trông nom mẹ già con dại. Tôi đi chuyến này không thể tính trước được điều gì”. Hai tháng sau, bà nội tôi biết mình mang thai, đồng thời nhận được tin chồng hy sinh do một người cùng làng viết thư báo về. Thế là bà nội tôi trở thành góa phụ từ khi mái tóc còn xanh mướt. Sau này cũng có một hai đám dạm hỏi, vì bà rất xinh đẹp, nhưng bà đã từ chối.

Do muộn phiền, lo lắng lúc mang thai nên khi sinh ra cô Tâm cứ ốm đau sài đẹn. Bao nhiêu lần cô Tâm đi cấp cứu là bấy nhiêu lần bà nội tôi giành giật đứa con từ tay thần chết. Bà như không nghe mọi người nói gì hết, không nhìn thấy gì hết. Bỏ ngoài tai mọi lời nói bất lực của ông bác sĩ khả kính: “Bệnh viện làm hết khả năng của mình rồi, cô bế cháu về để cháu được ra đi trong vòng tay thân thương của gia đình”. “Mẹ sẽ cứu con. Nhất định mẹ sẽ cứu được con”. Bà nội tôi luôn tự động viên mình như thế. Có bệnh phải vái tứ phương. Ai mách thuốc gì hay là bà làm theo cách ấy. Bà bán tất cả những thứ gì có thể bán được. Ngày và đêm, ăn và uống, ngủ và chăm sóc con với bà không còn phân biệt rạch ròi. Có thể do niềm tin sắt đá cứu con khỏi bệnh của bà nội tôi, cũng có thể do số cô Tâm chưa tận nên cô Tâm sống sót, khỏe mạnh dần lên. Nhưng cứu được con thì người mẹ không còn ra hồn người nữa. Đi đứng lêu nghêu, vật vờ lay lắt như một bóng ma đói ngày giáp hạt, tóc bạc nửa mái đầu nhưng nụ cười chiến thắng của một người mẹ lại rất tươi. Để rồi sau này anh em tôi, các con của vợ chồng cô Tâm đều lớn lên trong vòng tay và lời ru cũng như những lời răn dạy của bà nội.

Mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn. Ngoài hiên chỉ còn những giọt nước rơi tí tách từ mái gianh, gõ nhịp xuống nền sân gạch. Tôi không rõ mình thiếp đi từ khi nào. Gần sáng, tiếng điếu cày xoe xóe của bố tôi làm tôi tỉnh giấc. Tôi hỏi: “Có việc gì mà bố dậy sớm thế?”. Nhả hết khói trong miệng, bố trả lời: “Anh cứ ngủ thêm chút nữa. Nước trong đồng to lắm, ngập hết lúa rồi. Tôi ra kiểm tra trạm bơm. Nóng ruột quá”. Tôi vùng dậy: “Bố cho con đi với”. Ngày còn ở nhà tôi cũng có nhiều đợt tham gia chống úng thế này. Đêm nghe tiếng nước réo ồ ồ trong kênh nội đồng mà giật mình thon thót. Lo cây lúa chìm lâu trong nước chết ngạt. Lo bông nổi chim ăn, bông chìm cá đớp. Những người đàn bà khi nấu cơm không quên bốc lại một nắm gạo bỏ vào hũ gạo tiết kiệm phòng hờ khi thất bát. Giờ nghe kể lại cứ như chuyện cổ tích. Điếm canh đê đêm nào cũng vui như hội. Bọn con gái mang theo khoai lang, bắp ngô. Lũ con trai cắm đầu vào đám tú lơ khơ bôi râu. Ăn chán, chơi chán lại quay sang kể chuyện tiếu lâm, cười nghiêng ngả.

Những đứa con trai, con gái ngày ấy đã nhiều đứa giờ đã đi lấy chồng, lấy vợ. Hơn chục năm trôi qua quê tôi thay đổi nhiều quá. Nhìn vào đâu cũng thấy đẹp, thấy yêu. Y như có bàn tay thần tiên nào đó nhấc một góc phố thị đặt vào. Người dân giàu hơn trước, sang hơn trước. Thời làm giàu cho mình, cho đất nước. Hộ nghèo giảm còn chưa đến chục hộ. Chưa khi nào tôi thấy mọi người ăn mặc đẹp như bây giờ. Đã có nhiều tà áo dài tha thướt cùng mùi son phấn. Ban đêm ánh điện chói lòa. Cứ cho là bề nổi thì cũng là dấu hiệu đáng mừng. Chỉ có các ao hồ cùng nhiều rặng tre thì cứ bị thu hẹp dần.

Hai bố con ra trạm bơm 12 vòi đang mải miết tung bọt trắng xóa. Tiếng máy chạy rì rì. Nước trong đồng xuống trông thấy. Bố tôi nói to át cả tiếng máy: “Các ông làm tốt lắm. Chỉ chiều nay là lúa ngoi đầu”. Tốp chạy máy cũng chào: “Chào ông chủ nhiệm. Ồ, lại cả cậu Huy nữa. Dạo này có khỏe không? Phục viên hay về phép đấy?”.

Câu hỏi như nhắc tới sáng qua bà nội tôi cũng hỏi: “Con về hẳn hay đi phép?”. Tôi nói: “Con ra quân rồi, bà nội ạ. Hiện đang chạy xin việc hoặc chuyển ngành”. Bà nội lại hỏi: “Thế đã xin được chưa?”. Tôi nói bằng cái giọng buồn buồn như muốn khóc: “Chưa đâu nhận cả bà nội ạ”. Tôi định nói thật mọi chuyện cho bà nội nghe nhưng lại sợ bà lo nghĩ và buồn. Bà bảo: “Bà thấy ối người làm giàu từ quê. Con nên nhìn vào đó mà học”. Nghỉ lấy hơi, bà nội tôi nói tiếp: “Hôm rồi, con bé Phượng mang đôi áo gối sang khoe. Con bé thật đẹp người, đẹp nết”. Quê tôi người con gái đi lấy chồng có viên mãn hay không, có hạnh phúc hay không chỉ cần nhìn vào đôi áo gối cưới là biết ngay. Họ tự kén vải, tự vẽ những ước mơ của mình và tự thêu. Cặm cụi và nắn nót như gửi gắm cả cuộc đời mình vào đường kim, mũi chỉ. Nó như một tục lệ, tựa như ngày xưa bà nội tôi đi lấy chồng phải nộp cheo cho làng 10 mét gạch lát nghiêng con đường đi. Đấy là lấy chồng cùng làng. Nếu lấy chồng thiên hạ phải nộp gấp rưỡi. Lớp trẻ chúng tôi gọi đó là “Con đường tình duyên”. Còn bà nội tôi lại bảo: “Đó là kỷ niệm chấm hết thời con gái”. Hóa ra các cụ xưa cũng lãng mạn ra phết. Đừng có đùa. Con đường ấy mỗi năm dài ra mãi, chạy khắp xóm làng. Thế hệ chúng tôi sinh sau đẻ muộn chẳng biết được con đường ấy bắt đầu từ đâu, có từ bao giờ. Tục lệ ấy hôm nay được thay bằng đôi áo gối ngày cưới.

Thấy tôi im lặng, bà nội hỏi: “Con thấy con Phượng thế nào?”. Tôi hỏi lại: “Thế nào là thế nào hả bà nội?”. Bà trả lời: “Chẳng hạn như tính nết, dung nhan. Bà cứ nói thật, quê mình xưa nay vẫn trọng cái nết. Nết ở đây là lam làm, chịu thương, chịu khó. Tóm lại là công dung ngôn hạnh. Dung ở đây không phải là xinh đẹp mà là tươi tỉnh, vui vẻ trong mọi tình huống, độ lượng và bao dung. Có vậy người chồng mới gặp nhiều may mắn trong công việc, trong cuộc sống”. Thật khó trả lời. Tôi và Phượng thân nhau từ thuở còn chăn trâu cắt cỏ, học chung lớp, chung trường qua các năm học. Phượng không đỗ đại học. Tuy có buồn và tiếc đấy nhưng không đến nỗi bi quan.

Quê tôi trai, gái ít bỏ làng ra đi nơi khác tìm việc. Ngoài việc đồng áng, còn có nghề thêu hàng xuất khẩu. Những bộ trang phục kimono, những bức tranh thêu như rồng bay phượng múa. Khách phương tây mê mẩn. Có lẽ ít dầm mưa, dãi nắng nên cô nào cũng nuột nà xinh đẹp, duyên dáng như dải lụa. Các cụ truyền lại rằng thời phong kiến năm nào làng tôi cũng có một hai cô gái được tiến cung. Đền Mẫu thờ một bà thứ phi là một minh chứng. Bà nội tôi còn kể vào những đêm trăng sáng có cả bầy tiên nữ xuống vui chơi, hát hò cùng gái làng. Bọn chúng tôi cả trai lẫn gái ngày còn bé đều hiểu đó chỉ là huyền thoại nhưng vẫn rình rập mong được tận mắt nhìn thấy.

“Sao bà nội hỏi con không trả lời? Hay con chê nó không giỏi, không xinh bằng gái thành phố?”. Tiếng bà nội cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Tôi lúng túng: “Con nào dám chê Phượng. Cô ấy được cả thanh lẫn sắc. Mà cũng chưa biết ý cô ấy ra sao”. Bà gật đầu tỏ vẻ hài lòng: “Thôi được, để việc này bà lo cho. Nó hình như muốn chờ con đấy”. Tôi hiểu lòng bà mong mỏi có đứa chắt đích tôn biết nhường nào. Chợt bà hỏi giật: “Ai như con mẹ Thành vừa đi qua ngõ thì phải? Nó gồng gánh đi đâu mà sớm thế? Con chạy ra bảo nó vào đây cho bà hỏi chút”. Quê tôi có lệ gọi tên chồng, tên con, tên cháu thay cho tên khai sinh. Thành là tên thằng con đầu lòng của chị. Chị Thành là một trong số ít hộ nghèo, là cái bóng mờ của làng. Chị không phải họ mạc với nhà tôi. Hai nhà chung nhau cái hàng rào cúc tần phủ vàng những sợi tơ hồng. Hoàn cảnh chị thật khó khăn. Năm kia chồng chị bị cảm đột ngột và ra đi để lại cho chị bốn đứa con lít nhít. Chị Thành đặt quang gánh ngoài sân, bước vào nhà chào bà nội tôi. Bà hỏi: “Mẹ Thành đi đâu sớm thế? Gạo còn không?”. Chị Thành cúi gằm mặt xuống đất, giọng ngân ngấn nước: “Dạ, con tranh thủ trời tạnh ráo mang đàn lợn giống ra chợ bán. Tiếc lắm, chúng đang độ lớn, để tháng sau chắc được giá hơn. Nhưng năm học mới bắt đầu rồi, các chắt cụ rất cần tiền trang trải sách vở, học phí, áo quần”. Bà nội tôi gắt nhẹ: “Vớ vẩn. Có thế mà cũng phải bán lợn sớm. Mang về. Thiếu bao nhiêu tiền sang đây tôi cho vay dăm thùng thóc. Thóc đang được giá đấy”. Chả cứ gì chị Thành, trong họ, ngoài làng hễ ai thiếu thốn, chạy đến bà nội tôi vặt đầu, vặt tai là y như rằng thế nào cũng toại nguyện. Mẹ tôi có lần trách: “Bà thật thà quá. Rồi lại thả gà ra đuổi”. Mẹ tôi nói có chứng cứ hẳn hoi. Khối kẻ đã chạy nợ. Bà nội tôi cười: “Thấy người ta khổ quá không đành lòng. Coi như mình làm việc thiện”.

Mẹ tôi là một người đàn bà thông minh, sắc sảo từ khi còn trẻ. Tám tuổi đã biết cầm cái tràng xay thóc. Mười tuổi đã biết theo mẹ ra đồng cắm cây mạ. Đã định làm điều gì là quyết làm cho bằng được. Thời mà hầu hết các gia đình trong làng phải vơ vét mọi thứ có thể ăn được để nhét vào cái bụng đang sôi vì đói, thì nhà mẹ tôi chưa phải ăn cháo bữa nào. Mẹ tôi là cô giáo cấp 3. Nhưng vừa lấy bố tôi được một năm thì lâm bệnh nặng. Chẳng rõ bệnh gì. Bố tôi xin cho vợ về “một cục”. Lạ thay, sau khi nghỉ dạy học bệnh tình của mẹ tôi khá dần lên. Sau năm năm thì khỏi hẳn. Cứ như chưa hề có trận ốm thập tử nhất sinh vừa qua. Lắm lúc anh em tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao một người con gái đầy kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng như mẹ tôi lại chịu làm vợ một anh nông dân chân đất vô danh tiểu tốt như bố tôi. Lại còn tuân phục, cung phụng hết lòng nhà chồng. Về sau khi vui chuyện, anh em tôi có hỏi điều này. Mẹ tôi trả lời ngắn gọn: “Vì yêu cái nề nếp, gia phong của gia đình”.

Ngày mẹ tôi về làm dâu, ai cũng nghĩ nhà có hai người đàn bà, một già một trẻ cùng sắc sảo, tài giỏi ngang nhau chắc chắn khó dung hòa. Chừng như họ nín thở đợi chờ những cuộc đụng độ tay đôi giữa mẹ chồng và nàng dâu. Vậy mà không hề xảy ra điều tiếng gì. Cô em họ bố tôi một lần vào chơi nói vui với bà nội tôi: “Bác chịu được tính nết của chị ấy thì con phục sát đất”. Bà nội tôi cười bảo: “Đúng là tôi có phần chịu nó, nhưng nó cũng có phần chịu tôi. Thôi thì mỗi bên nhường nhau một chút là nhà cửa ấm êm ngay”. Chừng như chưa yên tâm với lời giải thích, bà nói thêm: “Con dâu là thỏi vàng mười do ông trời ban tặng. Không đẻ, không nuôi ngày nào bỗng dưng nó về nhà mình, gọi mình bằng mẹ. Nó sinh con đẻ cái cho gia đình mình. Nó hết lòng cáng đáng mọi việc từ nhỏ đến lớn cho gia đình mình, cho dòng họ mình. Vậy thì mình không lễ sống nó thì thôi chứ còn hoạnh họe nỗi gì”. Nghe nói vậy, bà cô họ tôi chỉ còn nước nhe răng ra cười trừ. Bà nội tôi quý và tôn trọng các con, các cháu thật lòng nên hàng năm các anh chị em, cháu chắt họ mạc gần xa mỗi lần có dịp đều ghé vào thăm. Đi tay không. Chẳng cần quà cáp gì hết. Thăm để xin bà một lời khuyên, một lời răn dạy. Người xưa bảo: “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Nghĩa là năm mươi tuổi hiểu được mệnh trời. Vậy tám mươi tuổi minh mẫn, khôn ngoan như bà nội tôi có khi còn biết được cả thiên mệnh của tạo hóa nữa.

Được vài ngày nắng, hôm nay trời có vẻ nặng mây nhưng công việc không thể dừng lại. Lúa chín rồi. Mẹ tôi chuẩn bị bao bì, dây buộc. Từ ngày dồn điền đổi thửa, máy gặt đập liên hợp chạy băng băng, người nông dân không phải còng lưng gặt lúa nữa nhưng vẫn mong trời nắng. Nắng thật to, thật gay gắt. Còn phải phơi phong nữa chứ. Bà nội tôi bảo mẹ tôi hái cho nắm lá thơm để bà nội tôi tắm gội như một thói quen. Tắm gội xong bà lên giường nằm và không bao giờ dậy nữa. Bà nội tôi ra đi thanh thản, nhẹ nhàng như đi vào cõi Phật. Các cụ trong làng bảo: “Cụ ăn ở phúc đức nên khi đi theo tổ tiên mới nhẹ nhàng như thế. Chết thế là chết tiên”. Đứng cạnh linh cữu của bà nội mà hồn tôi như đang bay vào miền cổ tích bà thường kể. Chuyện về ngôi đền thờ Mẫu, chuyện về bầy tiên nữ xuống vui chơi, nhảy múa cùng gái làng. Không khóc mà nước mắt tôi cứ trào ra.

Ở quê thêm được vài ngày, vợ chồng cô Tâm phải trở lại nơi làm việc. Mẹ tôi chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Bố tôi ngồi trên giường, đầu gục xuống hai đầu gối. Tiếng ông thì thầm như vọng từ chốn xa xôi: “Thương bà quá. Cả đời hết lo cho chồng con rồi lại đến cháu”. Cô Tâm thắp một tuần nhang chưa kịp lễ thì gục đầu lên bàn thờ nức nở. Bố tôi nhẹ nhàng: “Thôi em ạ, đằng nào mẹ cũng mất rồi. Người chết đã yên phận, người còn sống vẫn phải sống tiếp. Chỉ cần anh em mình sống sao cho đúng với những điều mẹ dạy dỗ và mong mỏi”. Trên ban thờ, khói nhang bảng lảng. Tôi tưởng như lời bảo ban của bà còn văng vẳng bên tai: “Để có được một gia đình nề nếp gia phong thì phải mất cả đời người, vài đời người. Hạnh phúc không phải là món quà bất ngờ từ trên trời rơi xuống. Không thể đi tìm, cũng không phải do lễ lạt khấn khứa. Nó là cách sống, là quan niệm sống, là nếp nhà, nếp quê. Nó ở ngay trong suy nghĩ của mình. Dễ lắm. Nhưng vun trồng nó lớn lên, ra hoa và kết quả thì lại không dễ chút nào”.

Ngoài vườn, gió thu xào xạc. Cò trắng bay từng đàn đi kiếm mồi. Hình như nhà chùa vừa kéo chuông. Tiếng chuông ngân nga, ngập tràn trong không gian huyền ảo như một lời nhắc nhở: “Hãy giữ lấy nếp nhà”.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Đại thắng 30 - 4 – 1975 Đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc (17/05/2024)
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam(17/05/2024)
Về thăm Tiên Lữ(17/05/2024)
Mùa hoa bưởi(17/05/2024)
Cuộc gặp năm mươi năm(17/05/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na