Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Tình sử bên sông"
20/05/2024 04:29:11

Tác giả: Sơn Ngọc

 

Tại sân chùa Tinh Quang, làng Phù Tinh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, Hải Dương hiện diện một tấm bia đá khá đồ sộ, uy nghi. Bia hình tháp, bốn mặt cao chừng một mét rưỡi, bề ngang mỗi mặt chừng bảy, tám mươi phân. Bốn mặt bia khắc kín chữ Hán. Chữ còn rõ, đẹp chân phương. Với các nhà am tường Hán Nôm thì không thể không tấm tắc ngợi khen người viết tài hoa hiếm có. Nhiều người còn nói chữ này sánh ngang chữ viết ở các bia vinh danh tiến sĩ tại Quốc Tử Giám, Hà Nội. Quả đúng vậy. Bia ở làng Phù Tinh do Thượng Thư Bộ Lễ, tiến sĩ Nguyễn Giản Tề, thời Lê Trung Hưng soạn. Thám Hoa Vũ Thạnh hiệu đính. Bia đã hơn 300 năm từ đời Hoàng triều Vĩnh Thịnh năm thứ 4, 1708. Cho đến nay đã hơn 300 năm.

Nội dung bia vinh danh lệnh bà Phạm Thị Kiêu. Người con gái họ Phạm, làng Phù Tinh, tổng Lập Lễ, châu Nam Sách, nay thuộc xã Thanh Quang, Thanh Hà, Hải Dương. Bà là Á phu nhân của vị thượng tướng quân thời ấy. Truyền kỳ của làng, của họ Phạm Phù Tinh kể rằng: Một chiều xuân trời xanh mây trắng, gió đông hây hẩy thổi, người con gái họ Phạm lên bờ sông Thái Bình, cạnh làng Phù Tinh cắt cỏ, chăn trâu. Vốn người trâm anh lệnh tộc, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa hát xướng. Bà vừa cắt cỏ, vừa giơ cao chiếc liềm lên trời xanh mà rằng:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang

Nửa lo việc nước, nửa toan việc nhà

Bán nguyệt là chiếc liềm hình nửa vầng trăng. Chăn trâu cắt cỏ là làm giàu có cho làng, cho nước. Giọng người con gái trong trẻo vang xa. Chợt có đoàn chiến thuyền rầm rộ kéo qua. Trên thuyền, một vị thượng tướng quân oai nghiêm, vạm vỡ. Giọng hát trời phú, sắc đẹp thôn dã lạ thường làm động lòng tướng quân. Tài tử giai nhân gặp nhau. Lệnh ông cho dừng thuyền ghé vào bến làng Phù Tinh. Tiếng sét ái tình bừng lên. Tướng quân cho đón người con gái họ Phạm làng Phù Tinh lên thuyền. Ý hợp tâm đầu ngay từ thời khắc ấy. Về tới tư dinh nội phủ, thượng tướng quân tổ chức đám hỷ linh đình, phong bà làm Á phu nhân.

Từ ấy danh tiếng họ Phạm, tiếng tăm làng Phù Tinh vang xa. Thượng tướng quân cho khắc tấm bia ở miếu thành hoàng làng. Trong bia ca ngợi tài sắc của bà Phạm Thị Kiêu. Bia ghi rõ uý lạo cho làng Phù Tinh 250 quan tiền dùng vào việc lễ trọng của làng, cũng như thờ cúng bà Á phu nhân sau khi bà về chầu cõi Phật. Biết rằng số tiền lớn, theo nhà sử học Tăng Bá Hoành thì thời giá lúc ấy mua được 125 con trâu mộng…

Ký tên dưới lòng bia có đủ các vị chức sắc, hương lý của làng Phù Tinh. May sao còn có tên ông Trưởng ấp, Trưởng làng là cụ Nguyễn Quang Trạch, là thuỷ tổ họ Nguyễn Doãn Phù Tinh bây giờ. Năm tháng phôi pha, thời gian hơn ba thế kỷ với bao biến động thăng trầm nhưng bia làng vẫn còn đó. Câu chuyện người con gái họ Phạm xinh đẹp, tài hoa, trâm anh lệnh tộc còn đây. Thiên tình sử bên sông cứ vậy lắng sâu trong dân gian làng Phù Tinh không bao giờ cạn. 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Gặp ở đồn biên phòng(20/05/2024)
Màu xanh(20/05/2024)
Trường Sa, Hoàng Sa(20/05/2024)
Truyện ngắn "Bà nội tôi" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(20/05/2024)
Tản văn "Những phong thư cũ" của tác giả Nguyễn Văn Hòa(20/05/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na