Trên tàu điện từ vịnh về nhà, Job thoáng thấy những người hùng từ chiến trường Việt Nam xa xôi cầm súng, chào danh dự trên những tấm áp phích ngay gần cửa ra vào ga. Một số tấm bị xé góc, rách mặt, rách mày, súng ống những người lính không nhận ra hình dạng. Có bức được ai đó viết đè lên: "Hãy về đi!”. Job im lặng lắng nghe hai chàng sinh viên nói chuyện. "Tớ muốn qua đây một lần!". Cậu kia bĩu môi: "Đừng mơ mộng nữa Kil à. Tuần nào trên đường phố New York cũng đầy khẩu hiệu đả đảo cuộc chiến tranh bẩn thỉu đó.
Về đến nhà, bữa tối đã được Lucy, vợ anh bày sẵn. "Anh không định bỏ thói quen mất nhiều thời gian ấy sao?", vợ anh nhỏ nhẹ hỏi chồng. "Nó là một phần cuộc sống của anh". "Để làm gì cơ chứ?". "Anh còn biết làm gì hơn?". Job trầm ngâm. Lucy tỏ vẻ khó chịu: "Anh sẽ chẳng bao giờ chôn được quá khứ. Anh đã làm gì, thấy gì ở đó? Sao anh lại im lặng? Giá như anh đừng sang bên đó. Và giá như trước khi lấy em, anh đừng bận tâm với những chiếc máy ảnh".
Job bỏ dở bữa ăn, ra hiên nhà ngắm cơn mưa mùa hè bất chợt đổ xuống. Anh lại lấy viên bi ve mang từ Việt Nam về trân trân trong lòng bàn tay, gõ cộp cộp lên mặt bàn, hoà theo nhịp mưa. Tiếng mưa lóc bóc trên mái, ngả nghiêng trên những tán sồi già trước nhà, rồi chảy thành từng dòng nhỏ trên mặt sân đầy cỏ, quanh những bồn hoa violet mới chớm nở. Tiếng mưa quen quá và cả cái mùi hơi đất khô khốc bốc lên, gợi nhớ những ngày còn ở vùng chiến sự nắng cháy.
Lần đầu tiên ra chiến trường, cơn mưa nhiệt đới tầm tã nửa ngày trời làm hạ nhiệt đáng kể thứ không khí hanh khô, nóng nảy đến bực bội của một tỉnh miền Trung, nước Việt. Anh ngồi dưới tấm bạt ponchor, hút thuốc và nhìn về vùng núi phía Tây đầy mưa mù, nơi được cho là đang có những hoạt động dữ dội của các đoàn quân cộng sản. Nhiều ngày qua, đại đội Charlie liên tục hành quân, càn quét vào những vùng nghi ngờ có Việt Cộng hoạt động được đánh dấu bằng những chấm hồng trên bản đồ chiến dịch. Ít nhất hai căn cứ không bóng người với hàng chục mái tranh đã bị đốt trụi, ba hầm trú ẩn đã bị điểm nhưng không có một vi- xi nào cả. Chỉ huy trưởng đại đội Charlie là đại uý Ernest Medina, sinh năm 1936, tròn 32 tuổi, hôm Job trình diện đang điên tiết với các bản báo cáo trinh sát. "Tao phải tiêu diệt được trăm tên vi-xi trong tháng này". Job hỏi: "Chúng ta phải làm như vậy sao?". Medina nghiến răng với chiến hữu mới nhập đội: "Phải, mày phải sớm biết điều đó. Charlie của chúng ta phải vét cho kỳ hết đám vi- xi ngoan cố chết tiệt kia. Hãy cố chụp những bức ảnh chiến công của chúng tao, những bức ảnh để đời vào". Bộ mặt dữ tợn của Medina khiến người đối diện phải khiếp sợ. Ít ra trong Charlie, mệnh lệnh của hắn không ai dám cưỡng.
Nhiều lần hành quân cùng hắn, Job hỏi vì sao anh thù vi- xi như thế? Medina lằm bằm trong miệng không nghe thấy gì. Mãi sau, hắn rống lên như một con sói. "Mày có biết tiểu đội đặc nhiệm của tao đã bị giết sạch ở Ba Gia bằng dao cắt chuối và chông tre không. Bọn nó giết sạch chỉ trong một đêm, khi chúng tao đi ngủ trong ngày hành quân cuối cùng. Những chàng trai mới tinh, từ Ohio, Arizona, Virginia... chết tức tưởi vì bàn tay cộng sản khi họ bước vào cuộc chiến chưa được một tháng". Job định tranh cãi rằng vụ đó anh biết, tiểu đội kia đã quá lạm dụng súng ống khi thảm sát hai mươi ba phụ nữ và trẻ em tay không tấc sắt sợ sệt trốn trong hầm. Nhưng Medina quay phắt đi chỗ khác, rút súng bắn chỉ thiên trong khi miệng nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đám cỏ bị đốt cháy khét.
* * *
Sau ngày kinh hoàng xảy ra, Job thường mơ về Charlie, bao giờ cũng có bộ mặt Medina với lòng trắng con mắt lồi ra, lia đại liên vô tội vạ về phía những người đàn bà tóc dài xơ xác và đám trẻ con mình trần. Job đứng bên, với hai bàn tay đỏ lòm, ống kính máy ảnh và khuôn mặt đầy máu từ những xác chết bắn tung toé vào. Anh la lên, bật dậy chạy ra khỏi phòng, châm thuốc mù trời cho đến sáng. Lucy chưa cảm nhận được sự đau khổ của chồng lớn đến mức nào và cô không giải thích được vì sao chồng cô lại thay đổi nhiều như thế. Cuộc sống trên phố Wall quá bận rộn, do tình cờ cô đọc được dăm bài báo về sự thối tha của lính Mỹ ở cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng cô tin Job, một phóng viên chiến trường khó có thể dính dáng đến một tội ác ghê tởm nào đó. "Anh làm ơn, làm ơn nói cho em nghe!", Lucy muốn chia sẻ, hâm nóng lại tình cảm vợ chồng gần như nguội lạnh. Mọi cố gắng của mẹ con cô đều thất bại và Job chưa hề đụng đến cô từ khi anh đột ngột trở về từ Việt Nam.
Hôm nay, Lucy về nhà thấy Job đang cầm tờ Washington Post. Tờ báo đưa tin về hàng người tập trung tại đài tưởng niệm Lincoln, dọc bờ hồ trước toà nhà Quốc hội Mỹ. Có dân hippie, các bà nội trợ, cựu chiến binh nhưng phần đông là sinh viên, học sinh yêu cầu chính phủ rút quân khỏi Việt Nam. Hơn năm mươi nghìn người biểu tình hướng về phía Lầu Năm Góc, làm nước Mỹ náo động. Cảnh sát dùng hơi cay, khiên, thậm chí cả báng súng để đẩy lui đám đông. Job biết những chuyện đó và trông anh ngày càng sầu khổ. Nỗi buồn khô héo dường như hút cạn nguồn sống mỏi mòn đến khó hiểu của anh.
Job thức trắng mỗi đêm. Rồi một đêm nọ, khi anh lăn hòn bi ve trong tay, ánh đỏ trong lòng bi như rực lên. Job cảm nhận từng hơi nóng của làng Hồng còn lại, những hơi thở đứt quãng và cả nước mắt hận thù lẩn khuất đâu đây. Anh để tâm trí mình treo lên ngọn tre làng ấy, thấy từng tốp lính hùng hổ như bầy sói xả súng trên cánh đồng khô cháy. Hòn bi ve rời khỏi tay rơi xuống nền nhà. Viên bi lăn khắp phòng cho đến khi nó ngừng lại dưới chân ghế sofa, Job dõi mắt theo và khi đưa mắt nhìn lên, anh bắt gặp cậu bé Việt Nam nhỏ xíu ngồi thu lu, nhìn mình.
Minh họa: Bùi Quang Đức
Cậu ngồi đấy hằng đêm trên chiếc ghế sofa da nâu, với bộ mặt nhuốm màu buồn bã, hận thù. Khi Job trở dậy, cậu bắt đầu câu chuyện của mình. Job đến bên cậu, châm thuốc rít và lắng nghe tiếng nói tưởng chừng chìm vào quên lãng. Cậu tên là Đẩu, một cậu bé vừa tròn mười một tuổi. Cậu nói, cháu sẽ không đòi lại hòn bi ve của cháu đâu. Giờ cháu không còn bạn để chơi nữa. Và cậu kể tiếp. Đẩu không quên những buổi sáng nắng tràn ngập thôn xóm, nhuộm vàng bờ giậu thưa. Những bông bìm bịp màu tím sẫm hân hoan, hùa theo bước chân của đám trẻ nít làng. Đẩu không quên đàn trâu hiền lành đi trên con đường sình ngập lấm đen ra đồng. Cứ mỗi sáng nhìn cặp sừng ngúc ngắc của chúng, tiếng cười sảng khoái tức thì nở trên môi lũ mục đồng thôn dã. Đẩu không quên những tấm thân trần vạm vỡ của cha, chú cày bừa, cuốc xới trên cánh đồng làng xanh mướt màu lúa thơm. Đẩu không quên các mẹ, các chị cắp giỏ đi chợ xa, những giọng nói râm ran, lan xa theo gió. Và không quên đám trẻ gầy tong teo ngồi đánh bi dưới tán tre già. Những buổi sáng trong lặng ấy đã chết tức tưởi trong cậu, để bây giờ quay về như một hồi ức trắng.
Hồi đó cháu ốm giơ xương, mẹ thường gọi dậy vào lúc năm giờ sáng, bao giờ cũng là: "Cu Đẩu ơi, dậy mở cửa chuồng trâu cho cha, rồi ôm về bó rơm để mẹ nấu cơm ăn. Cu Đẩu ngoan, cu Đẩu ngoan!". Cháu dụi mắt cho quên đi giấc mơ đêm qua, rồi lồm cồm bò dậy ra bể rửa mặt. Chú không biết là những buổi sáng ấy, mặt đất thơm và những ngọn cỏ đáng yêu như thế nào đâu. Đất đẫm hương đêm dịu ướt của cỏ dại và vô vàn xác hoa lộc vừng thắm đỏ. Cháu hít thật sâu, căng tràn lồng ngực, như thể ăn một bữa sáng ngon lành.
Hôm qua, cháu dắt Mẹp đi ăn đồng xa, tới tận Cổ Lũy, cùng chúng bạn bẻ bông súng về nấu canh, giờ người còn mệt. Cháu nói với cha không dắt trâu ra đồng cho cha được, thôi cứ để Mẹp đó, trưa con dắt sau. Mẹ nghe thế xoa đầu: "Bữa sau cho ăn đồng gần thôi, cỏ còn xanh nõn đồng nhà thế kia". Cháu dạ vâng rồi ra bếp ngồi bệt, ăn cơm với cha mẹ. Cha nói: "Hôm nay cho Đẩu ở nhà chơi, để trâu cha dắt". Cháu nghe như mở cờ trong bụng, liền chống đũa hỏi: "Bao giờ anh Tánh mua kẹo cau về cho con?". Cha mẹ buồn, không đáp lại. Ăn xong mẹ bảo lên chợ bán nốt chỗ lạc mới nhổ. Cháu đâu ngờ, đó là bữa cơm cuối cùng của gia đình mình. Cháu ở nhà một mình, buồn quá chạy ra đầu làng chơi. Trời chưa đổ nắng, sương mai còn đọng trên cành xoan. Cháu tung tăng ra ngõ, gió ngoài đồng thổi xàn xạt tóc đen…
Đêm sau, Job hứng thú hơn với cậu bé. Job không im lặng mà tham gia vào câu chuyện. Người ta đã bôi đỏ ngôi làng bé nhỏ của cháu lên bản đồ hành quân của lực lượng đặc nhiệm Barker. Quân đội chú gọi là Pinkville. Làng Hồng. Hồi đó, những tay chỉ huy phấn khởi vì chiến tích nay mai, huân chương và quân hàm vượt bậc khi giải quyết các điểm Pinkville ấy. Đại úy Medina, người chỉ huy của chú có mệnh danh là "chó điên". Chú phải nói thêm, hắn là người duy nhất còn sống sót sau vụ tiểu đội đặc nhiệm bị tập kích. Và thêm một gã chỉ huy Trung đội 1, trung úy Calley, với bản mặt khó ưa, đầy sát khí được mệnh danh là Calley "cau có". Hắn có hai người bạn thân cùng đến Việt Nam, không may là một người tử trận tại Củ Chi, người khác mất tích trong một lần hành quân ra Quảng Trị. Họ trực tiếp chỉ huy bọn chú vào chiến dịch Sơn Mỹ. Tin tình báo cung cấp rằng Tiểu đoàn 48 của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ẩn náu tại làng cháu. Hôm sau, đại đội Charlie của chú được không vận bằng trực thăng Bell UH- 1D Iroquois đến địa điểm tác chiến. Phải nói rằng, ngày đó chú rất hồi hộp khi được giao nhiệm vụ đầy thử thách như thế.
Cháu cũng nhớ là hôm đó một mình đi thơ thẩn trong ngõ. Gió thổi bụi trắng lao xao. Cháu nhìn qua núi Voi. Ngọn núi mỗi mùa hè cháu đều cùng chúng bạn lên thả diều, hái sim vào những ngày mát. Chú không biết trên đỉnh ấy đẹp thế nào đâu, sẽ nhìn được cả một vùng đồng bằng bát ngát lúa xanh, những ô ruộng ngang dọc như bàn cờ, những lối mòn đưa về các xóm thôn lẩn khuất sau những hàng cây phi lao xanh rì. Đó là Sơn Mỹ, làng cháu. Đi về hướng đông, biển xanh ngăn ngắt, sóng xoã lên cát vàng Mỹ Khê. Nhưng rồi người Mỹ các chú đến, chiếm núi Voi, xây lô cốt, đặt pháo trấn thủ, xua đám trẻ nghèo chúng cháu không được lên thả diều. Cháu và chúng bạn chỉ còn thèm thuồng nhìn núi từ cánh đồng mải miết lưng trâu.
Nhưng chú ơi, việc đó cũng không kinh khủng bằng hôm các chú đổ bộ vào làng cháu. Cháu sẽ kể cho chú nghe cháu đã chết như thế nào.
Ầm! Ầm!
Pháo dội, mặt đất rung chuyển dữ dội, những tiếng nổ đinh tai, nhức óc vang lên. Tiếng gà vịt kêu, tiếng người la khóc thất thanh. Bước chân cháu khựng lại. Ông Bốn nhà bên chạy ra, tóm lấy cháu lôi xuống hầm. "Chúng nó đi càn rồi! Con mau vào đây cho an toàn". Mặt ông nhăn nhúm. Cháu leo xuống hầm, trong đó có hơn chục người là con cái, hàng xóm sát nhà ông. Mặt ai cũng lo sợ. Lúc đó, cháu chợt nhớ đến cha còn ở ngoài đồng, mẹ còn đâu đó trên con đường ra chợ và cả con Mẹp tội nghiệp. Có tiếng trực thăng rền rĩ quần đảo nhiều vòng, tới tấp khạc đạn xuống những mái nhà. Thêm mấy tốp trực thăng nữa bay đến, đậu ngoài đồng xa, đổ hàng trăm lính, súng ống đầy mình, lầm lũi tiến vào làng.
Đại đội Charlie của chú phải không?
Hôm đó, họ như loài quỷ khát máu, chỉ chực lấy mạng kẻ khác. Cháu muốn chạy đi báo cho cha biết, cháu muốn chạy tới đầu làng đón mẹ về. Cha ơi! Mẹ ơi! Cháu nhót chân lên, ông Bốn với mấy cô lớn tuổi kéo lại. "Ấy, đừng mi, ra đó nguy hiểm lắm". Rồi có tiếng người xi lô xi la bên ngoài, tiếng bước chân gần gần. Cháu vùng khỏi tay ông Bốn chui lên, băng qua vườn chuối. Thoáng thấy những bóng quân phục xanh, mũ sắt, súng còn vương khói xông xáo băng vào thôn. Cháu vấp gốc chuối già, ngã xoạch xuống nền đất ướt. Mắt cháu nằm ngang tầm ngọn cỏ trai. Từ đó, cháu thấy lính Mỹ các chú chia thành nhiều tốp, sục đến từng nhà, tìm đến từng hầm. Họ sục vào nhà ông Bốn, chỉ cách cháu mấy bước chân thôi chú à, lúc đó trong hầm nhà ông có tới mười lăm người đang trú ẩn. Lính Mỹ kéo đến chọc hầm, tám người trong hầm bước ra, có cả ông Bốn, hai tay giơ lên đầu. "Tôi không phải là Việt Cộng", ông Bốn cố bình tĩnh, nói to, nhưng mặt ông không giấu được nỗi hãi hùng đến tội nghiệp. Lính Mỹ chẳng nói chẳng rằng xả súng bắn tất, ông Bốn chết tươi ngay băng đạn đầu tiên. Họ ngã gục, xác chồng lên nhau. Lính Mỹ tiếp tục đặt mìn giật tung hầm, giết nốt những người còn lại. Chú chắc cũng hình dung được những người hàng xóm của cháu đã nát nhừ thế nào. Cháu sợ, sợ lắm chú à. Cháu muốn khóc nhưng sợ quá không khóc được. Cháu muốn gọi cha, gọi mẹ nhưng sợ lính Mỹ các chú nghe được.
Ôi, chú ơi, những tiếng nổ ấy ngày nay thỉnh thoảng vang lên choáng váng cả tâm trí cháu. Có lẽ chú cũng như cháu, nhiều đêm vò đầu, bứt tóc để quên nó. Chú nhìn vợ, nhìn con trong đêm, muốn dìm quên tất cả những gì thuộc về đớn đau năm ấy nhưng vẫn chưa quên được phải không chú.
Vết thương trong lòng càng ngày càng há miệng rộng. Vào cái ngày tròn một năm của sự kiện ngoài sức tưởng tượng ấy, mọi thứ vẫn im lặng. Job không bao giờ đụng đến hai chiếc máy ảnh hiệu Nikon và Leica, những vật bất ly thân anh hằng trân quý như mạng sống của mình. Thỉnh thoảng, Medina gọi điện từ một căn cứ nào đó. Bây giờ hắn đã lên chức Tiểu đoàn trưởng, vẫn giọng chó điên xấc xược năm nào: "Mày hãy quên những chuyện đó đi nếu muốn sống tiếp. Giọng hắn vẫn chua chát, đầy sát khí như khi hắn ra lệnh cho các toán quân của Charlie tấn công Sơn Mỹ. "Giết! Giết hết!". Không cần nói nhiều, ở đâu có Việt Cộng là bắn bỏ, ai theo Việt Cộng cũng bắn bỏ, bất kể người già, phụ nữ, trẻ em. Lời tuyên bố của hắn vượt ngoài giới hạn của một quân nhân. Medina nói rằng, nuôi giấu Việt Cộng cũng có tội như Việt Cộng. Lũ trẻ có máu Việt Cộng rồi cũng sẽ thành Việt Cộng. Tao không muốn những anh em của tao phải chết ngu, chết dại dưới tay Việt Cộng.
Liên tiếp những tháng dài, nhiều cuộc gọi nặc danh dọa giết Job và cả gia đình anh. Lucy đau khổ và lo sợ không dám đi ra đường suốt một tuần lễ. "Anh đã làm gì ở Việt Nam? Làm ơn nói em nghe đi. Em khổ lắm rồi". Nhưng Job vẫn im lặng, anh không làm sao kể được sự thật kinh hoàng đó. Cứ độ vài ngày, một vài xác động vật ném vào nhà anh. Những con vật chết không toàn thây nằm trên cửa nhà vào mỗi buổi sáng, bầy nhầy như những xác người ở Sơn Mỹ. Job nôn thốc, nôn tháo. Cuối tuần đó, anh tống vào mồm một lọ thuốc ngủ melatonin với những lời ân hận.
Anh đã thấy tất cả, bên kia địa cầu, nơi đồng lúa chín vàng, nơi có những ngọn cỏ trai đẫm sương, long lanh trong nắng sớm. Cánh tím của hoa dại đính lên mắt anh những mong ước lớn lao. Nhưng anh và quân đội Mỹ đã phá những buổi chiều yên ả có cánh diều cao vút trên bầu trời xanh, làm nát tan cánh đồng vàng và những mái ấm hạnh phúc. Cậu bé ấy đã nói chuyện với anh hằng đêm. Năm trăm lẻ bốn thường dân đã bị giết một cách dã man. Họ là đàn bà, trẻ con, người già, không phải là cộng sản, họ không vũ trang, họ nghèo đói, chỉ có da và xương. Anh không còn con đường nào khác!
Xin lỗi Lucy, xin lỗi con gái.
Job nằm trong bệnh viện và cậu bé đến lay anh dậy.
Chú ơi, dậy đi. Tại sao chú phải làm thế?
Mà chú có chụp được bức ảnh nào về một tốp lính Mỹ kéo vào nhà thằng Đức bạn cháu. Nó dại dột mở nắp hầm chạy ra liền bị bắn chết khi miệng còn ngậm đầy cơm trắng. Thằng Đức đang ăn sáng với mẹ. Hầm nhà nó cũng bị họ đặt mìn giật tung giết cả thảy bảy người, không một ai toàn thây. Thằng Đức rất tốt với cháu, thường chia cho cháu những củ khoai lang ngọt nhất những ngày chăn trâu đồng xa. Cháu vẫn còn giữ quả bầu hồ lô hai đứa ăn trộm ngoài Cổ Lũy. Đó là đứa bạn đầu tiên của cháu bị lính Mỹ các chú giết.
Khi chú vào làng có thấy nhiều bàn chân đầy máu dọc đường đi. Nghe những tiếng la thất thanh, tiếng van lơn thống thiết xin tha mạng, xin đừng giết. Súng nổ. Tiếng thét. Tiếng khóc. Tiếng cười quặn lên. Cháu thì thấy cây bông gòn đầu làng, bông nhuộm đỏ đường đất. Quanh đó, thúng mủng lấp đè lên những xác người. Lính Mỹ đốt nhà, lửa khói mịt mù. Cháu sợ quá, khóc hưng hức không có ai ôm cháu dỗ dành, vuốt vuốt má cháu như khi bé nữa. Và kia thằng Tọp đang dắt con trâu còm nhà nó ra đồng. Một tràng đạn liên thanh xả về phía nó. Con trâu trúng đạn, rống lên ngã vật ra, máu phun ồng ộc. Nó đứng bên đường với vết đạn trúng ở cánh tay, tay còn lại ôm lấy chỗ bị thương. Máu chảy thành dòng nhỏ giữa những kẽ tay. Nó đứng trân ra đó với đôi mắt mở to nhìn chằm chằm chung quanh và dường như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cháu van xin trong ý nghĩ, chạy đi Tọp ơi, chạy đi. Đến khi Tọp hoảng hốt nhận ra một gã tóc vàng với hàm răng vàng xuộm vì khói thuốc giương súng bắn nó, nó chạy. Gã lính bắn một phát. Trượt. Thằng Tọp vứt dây buộc trâu chạy về phía nhà. Gã bắn phát nữa. Lại trượt. Gã đang tàn nhẫn tập bắn súng với một cái bia sống. Thằng Tọp nghe tiếng súng vấp khuỵu xuống đường. Đám bạn đi theo gã cười ngất ngưởng. Gã điên máu chạy đến dựng cổ áo thằng Tọp dậy. Cháu thấy nó tái nhợt, sợ, nước đái chảy rỏng rỏng ra quần, ướt đôi chân bùn. Gã đó há miệng cười nham nhở, nói: "Ăn kẹo đồng nhé thằng vi- xi oắt con kia". Óc thằng Tọp văng tung toé trên con đường cỏ xanh. Trên thân xác nó, cháu chỉ thấy hai màu, màu trắng và màu đỏ.
Cùng lúc ấy một nòng sắt lạnh đã tì lên đầu cháu từ bao giờ. Bọn lính kéo cháu xềnh xệch khỏi bụi. Nhiều người bị lôi ra khỏi nhà, tất cả bị dẫn về phía mương nước. Cháu nhớ chú có chụp những bức ảnh ở mương nước phải không? Cháu và người làng đang ở trong máy ảnh của chú. Chú phải làm gì đó đi chứ! Chú ơi, dậy đi!…
Job tỉnh dậy trong sự mừng rỡ của gia đình. "Anh đã ở đó. Anh là một trong số họ. Anh có tội như những người khác, Lucy à". Vợ ôm Job vào lòng. "Anh là kẻ đầy tội lỗi, là quỷ Satan. Chúa trời nguyền rủa anh!". Lucy bắt đầu hiểu câu chuyện của anh. Họ dành một tháng trời bên nhau, nói chuyện cùng nhau.
"Anh phải được rửa tội", Lucy nói. Job gật đầu.
Ngày Chúa nhật hôm sau, họ đến làm lễ tại nhà thờ thánh Paul.
Vị Linh mục nhìn Job thông cảm: "Những người từ các cuộc chiến đã về với Chúa rất đông. Khi tin tưởng vào thượng trí của Người, anh chị em bước đi trong ánh sáng Chúa Kitô".
Job cảm thấy sự gần gũi, máu đỏ của tội ác sẽ được rửa bằng nước thánh, bằng đức tin trong sạch, thánh thiện. Chúng ta hãy cầu xin tìm thấy nơi cộng đồng chúng ta sự đồng tâm và tinh thần bác ái dồi dào. Chúng con cầu xin Chúa. Job hiểu rằng trong buổi sơ khai của thế gian, trong chính nước hồng thuỷ, Chúa đã cho thấy hình ảnh ơn tái sinh, chấm dứt các tính mê nết xấu và khơi nguồn các nhân đức. Sau đó, vị Linh mục yêu cầu Job lại bên bồn rửa tội. Bài thánh ca do những cậu bé con cất lên, ôm ấp linh hồn xa xót của anh vào lòng. Anh đặt đôi tay chéo trước ngực và để hai vị đạo hữu nhẹ nhàng nhúng anh vào bồn. Toàn bộ cơ thể Job ngập trong làn nước thơm.
Job nhắm mắt. Lạy Chúa lòng lành! Tha thứ cho con! Tha thứ cho những tội lỗi con gây ra! Vì cái ác che mờ lương tri, vì sự ngay thẳng bị nỗi sợ và thói vô cảm chiếm lĩnh! Nước thánh ấy thấm vào da thịt, thấm vào lương tâm Job. Trong màu nước xanh, anh thấy ánh sáng của Chúa, thấy những người vô tội Sơn Mỹ vây quanh chờ anh một câu trả lời cho sự thật. Cậu bé ấy nhìn Job, gương mặt ngập tràn niềm tin. Sau ngày hôm đó, Job như được phục sinh với nguồn sống mới, đồng hành cùng bước đi với Lucy trong trái tim một con người.