Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác giả, tác phẩm: "Người truyền lửa nghệ thuật chèo"
21/05/2024 12:00:00

Nghệ sĩ Bùi Đức Tống sinh năm 1939, ở miền quê Lê Hồng (Thanh Miện). Yêu tiếng hát chèo, năm 1960, ông chính thức về công tác tại Đoàn Chèo Hải Dương, trở thành lớp diễn viên đặt viên gạch đầu tiên cho đoàn (tiền thân của Nhà hát Chèo Hải Dương ngày nay).

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông cùng các diễn viên trong đoàn tham gia biểu diễn phục vụ tại nhiều đơn vị chiến đấu trong tỉnh. Thực hiện sự điều động của Tỉnh ủy, trong 2 năm 1971 và 1972, ông cùng 18 diễn viên xung kích của đoàn chèo lên đường biểu diễn phục vụ chiến trường miền Nam. Đảm nhiệm vai trò diễn viên và chỉ huy biểu diễn của đoàn, hằng ngày, nghệ sĩ Bùi Đức Tống cùng anh em đi bộ hàng chục cây số đến các đơn vị bộ đội biểu diễn. Nghệ sĩ Bùi Đức Tống tâm sự: Anh em trong đoàn xác định vào chiến trường, người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ. Cho dù bom rơi, đạn nổ vẫn sẵn sàng hy sinh phục vụ tiền tuyến. Có những hôm lịch biểu diễn dày đặc, lúc ăn cơm không kịp tẩy trang, chỉ lau qua son môi rồi ăn để kịp giờ diễn.

 
Chân dung NSƯT Bùi Đức Tống 
 

Nghệ sĩ Bùi Đức Tống được kết nạp vào Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Ban Sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương cùng năm 1978. Ông là người sống chan hòa, vui vẻ, cởi mở. Lợi thế về giọng hát êm dịu, truyền cảm, cùng với tố chất biểu cảm phong phú trong diễn xuất, kỹ thuật vũ đạo điêu luyện, nghệ sĩ Bùi Đức Tống được đánh giá là số ít diễn viên có khả năng đảm nhận nhiều vai diễn thời bấy giờ. Dù ở vai diễn chính diện, hay phản diện, vai diễn các nhân vật lịch sử hay đương đại… khán giả đều bắt gặp một Bùi Đức Tống tài hoa, ấn tượng. Trong 40 năm cống hiến cho nghệ thuật chèo, ông đã tham gia hơn 30 vở diễn, với các vai diễn tiêu biểu như: anh Thắng, vở “Con đò của mẹ”; vai Thái sư, vở “Tình hận giữa hoàng cung”; vai Đức vua, vở “Chiếc bóng oan khiên”; vai kỳ lão Hồng Châu, vở “Trần Hưng Đạo”… Đặc biệt, có những vai diễn đã mấy chục năm vẫn vang vọng như một hình mẫu trên sàn diễn như: vai Thái sư, vở “Tình hận giữa hoàng cung”; vai Mãng ông trong vở “Quan âm Thị Kính”; vai Anh Thắng trong vở “Con đò của mẹ”…

Nói về những kỷ niệm khó quên trong nghề diễn, nghệ sĩ Bùi Đức Tống chia sẻ: Cuộc đời ông có hai kỷ niệm thật đặc biệt. Lần thứ nhất, khi ông thể hiện vai Tống Chân, bản thân mẹ và vợ ông đi bộ từ 2 giờ chiều, hơn 7km để xem con trai và chồng diễn. Hôm đó, khi ông thể hiện vai Tống Chân, rất nhiều khán giả ở dưới, trong đó có mẹ ông đã khóc. Lần thứ hai, khi vào vai Thái sư trong vở “Tình hận giữa hoàng cung”, ông diễn nhập tâm như thật khiến nhiều khán giả bức xúc nhặt gạch ném lên sân khấu. Cũng may ông né được, không bị thương. Sau đêm diễn, rất nhiều anh em đồng nghiệp tới bắt tay khen ngợi.

Nghệ sĩ Bùi Đức Tống là người luôn hết lòng giúp đỡ các thế hệ kế cận trong chuyên môn nghệ thuật. Theo ông, lựa chọn con đường nghệ thuật nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng, ngoài niềm đam mê, phải có tình yêu nghề và cái tâm. Một câu hát phải luyến láy nhiều lần để sao cho nhuần nhuyễn, thành thục, sao cho đúng với tính cách, tâm trạng nhân vật mình thể hiện. Người nghệ sĩ ngoài tích cực học tập từ thầy cô, bạn bè, các đồng nghiệp cần phải tự nỗ lực rèn giũa không mệt mỏi, phải đắm mình với nghề mới có thể gặt hái thành công.

Với cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật chèo, nghệ sĩ Bùi Đức Tống đã giành được nhiều giải thưởng ấn tượng: huy chương Bạc, vai Đức vua, Hội diễn tại Thái Bình, năm 1990; huy chương Bạc, vai Lão say, Hội diễn tại Ninh Bình, năm 1993; huy chương Bạc, vai Xã trưởng, Hội diễn Hà Nội, năm 1995; huy chương Bạc, vai Phú ông, năm 1993; vai Anh Thắng, năm 1996 tại Hội diễn chuyên nghiệp miền Duyên hải. Ngoài ra, nghệ sĩ Bùi Đức Tống còn nhận được 7 Bằng khen của các cấp, ngành; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam…

Nghỉ hưu năm 2000, nhưng nghệ sĩ Bùi Đức Tống vẫn luôn quan tâm, trăn trở với nghệ thuật chèo. Mỗi năm ông đều dành thời gian thăm lại đơn vị cũ, chia sẻ những điều tâm huyết trong nghề diễn cho các thế hệ kế cận. Mỗi khi gặp ông, các thế hệ diễn viên Nhà hát Chèo tỉnh luôn thân mật: chào bố Tống, bố Tống đã lên. Niềm đam mê nghệ thuật chèo trong nghệ sĩ Bùi Đức Tống đã lan truyền sang hai người con trai, là nghệ sĩ Bùi Sông Thương và nghệ sĩ Bùi Đức Thiện. Đến nay, cả con trai và con dâu của ông cùng là diễn viên, công tác tại Nhà hát Chèo tỉnh.

Đầu năm 2024, các thế hệ diễn viên Nhà hát Chèo tỉnh và những người yêu quý, mến mộ ông vui mừng, phấn khởi khi biết tin ông được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ở tuổi 85 cùng với con trai Bùi Đức Thiện. Bởi trong mắt họ, nghệ sĩ Bùi Đức Tống không chỉ là một người thầy, thế hệ đàn anh đi trước mà còn là một tấm gương nghệ sĩ mẫu mực hết lòng yêu nghề, cống hiến cho nghệ thuật chèo chuyên nghiệp cũng như chiếng chèo xứ Đông. Đây chắc hẳn là món quà vô giá không chỉ đối với bản thân ông, mà còn với cả gia đình có 5 nghệ sĩ.
 
NGỌC HÙNG
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Tình sử bên sông"(20/05/2024)
Gặp ở đồn biên phòng(20/05/2024)
Màu xanh(20/05/2024)
Trường Sa, Hoàng Sa(20/05/2024)
Truyện ngắn "Bà nội tôi" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(20/05/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na