Khi ánh điện bừng sáng căn nhà, chân bà như khuỵu xuống. Ôi! Đây là nhà của mình sao? Bà không thể tin vào mắt mình về những đồ vật bài trí trong nhà, toàn những thứ đắt tiền mà bà chưa trông thấy bao giờ. Từ giường, tủ, bàn ghế, nhà vệ sinh, nhà bếp, bàn có gương trang điểm… Cô Liên, bạn của con trai bà đi theo, luôn miệng giới thiệu với bà từng loại đồ dùng và cách sử dụng chúng. Bà nghe ù cả tai mà chẳng nhớ được mấy. Riêng việc sử dụng cái bếp ga, cô ta hướng dẫn bà vận hành thử mấy lần mà vẫn chưa thành thạo. Cứ mỗi khi xoay núm về phía mở thì cái bếp lại kêu “pùng” một tiếng, giật cả mình. Phải tới hai tuần sau bà Thuận mới sử dụng trôi chảy mỗi khi làm bếp hay vào nhà tắm.
Thật là như mơ! Một giấc mơ quá thần kỳ với đời bà. Không thể ngờ cuối đời bà lại có thể thay đổi cuộc sống. Từ một bà mẹ nghèo ở trong ngôi nhà bé nhỏ, ọp ẹp ngay dưới chân đê, bỗng trở thành một người sang trọng nơi đô thị. Chẳng thế sao! Bây giờ thì bà ăn vận lịch sự theo kiểu thành phố. Cô Liên đã thay hết những quần, áo, đồ dùng ngày trước của bà, thay vào đấy bằng những đồ hàng hiệu hợp thời trang với lứa tuổi ngoài sáu mươi của bà. Cô còn hướng dẫn bà chải tóc, thoa chút kem chống nắng mỗi khi ra ngoài. “Bác phải cố gắng chăm sóc sức khỏe, ăn uống đủ chất. Mấy tuần đầu, con sẽ kê cho bác thực đơn đủ ăn trong một tuần để bác tham khảo. Sau đấy, bác sẽ tự lựa chọn những thực phẩm mà mình ưa thích, mua ngay ở siêu thị phía dưới, thứ gì cũng có. Còn tiền tiêu, bác khỏi lo, anh Thành đã chuẩn bị cho bác đầy đủ cả tiền mặt và tiền trong thẻ đây rồi…”. Bà Thuận thấy mình như thay da đổi thịt. Bây giờ khó có ai nhận ra bà là người nhà quê, trình độ chỉ biết đọc, biết viết đến con số hàng trăm. Bà để ý thấy mấy anh bảo vệ khu chung cư, mỗi khi gặp bà xách túi hàng nặng, thường lễ phép chào: “Bà đi siêu thị về đấy ạ? Để chúng cháu xách giúp túi đồ vào thang máy cho đỡ mệt”. Hay mấy cô bán hàng ở siêu thị cũng thế, khi quẹt thẻ tính tiền xong và liếc túi hàng to tướng, họ nhìn theo bà với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Bà không đọc được tờ giấy tính tiền mà họ đưa lại, nhưng bà tin họ tính đúng, vì toàn những người có học và thật là lễ độ!
Mỗi lần cô Liên đến thăm, bà Thuận rất vui. Bà thầm nghĩ: “Chẳng biết con bé với thằng Thành con trai bà quan hệ thế nào, nhưng nếu may mắn, thằng Thành lấy được nó thì thật là phúc đức, con bé vừa xinh, lại ngoan, hiền, lễ phép. Lạ! Cái thằng đã đi biệt tăm bao nhiêu năm nay, bây giờ sống chết ra sao, chẳng biết. Đùng một cái có tin về, rồi lại còn gửi tiền cho bà tiêu, mua nhà thành phố cho bà ở. Nếu đúng thật là nó thì quả là ông trời có mắt, không phụ người hiền lành, tử tế.
Đêm đã khuya, bà Thuận tắt tivi đi nằm từ mười giờ đêm, nhưng trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Trong đầu bà hiện lên biết bao ký ức về cuộc đời khổ đau mà bà đã từng trải. Thỉnh thoảng nước mắt bà lại trào ra, bà sụt sịt khóc một mình. Thủa ấy, bà còn là một cô gái trẻ, khá xinh đẹp và có duyên. Nhưng số phận thật là trớ trêu, bà thường bị người làng khinh rẻ, bởi bố bà là một anh tá điền làm cái nghề mà xã hội cho là mạt hạng nhất, nghề “mõ làng”, chuyên làm chân điếu đóm, sai vặt của các vị chức sắc trong làng, trong xã. Mẹ bà, tên Hoa, là một người có nhan sắc, nhưng lại là con rơi của một vị chức sắc trong tổng với một người đàn bà trong gánh hát rong. Cô Hoa được cho làm con nuôi ở một nhà hiếm con, nhưng khi lên tám tuổi thì vợ chồng bố nuôi cũng lần lượt qua đời. Từ đấy, cô Hoa phải tự kiếm sống, nuôi thân bằng nghề làm thuê, làm mướn. Quá lứa, nhỡ thì, hai con người khổ đau là ông “Mõ Thiết” và “Cô Hoa con hoang” đã đến với nhau và sinh hạ được một người con gái duy nhất là bà Thuận. Với cái lý lịch không mấy tốt đẹp, bà Thuận cũng bị người ta gọi là “Con nhà mõ”, nên cũng khó lấy chồng. Mãi đến gần ba mươi tuổi, bà Thuận mới được gả cho một anh chàng vô gia cư đến làm thuê ở trong làng. Ông bà cũng sinh đươc một trai, một gái. Người con gái lớn tên là Thảo, người con trai tên Thành. Tưởng cuối đời, bà đã tạm yên hàn, nhưng cái nghèo, cái khó nó cứ đeo bám mãi gia đình bà. Đùng một cái, ông chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo, không đủ tiền thuốc thang, ông đã qua đời lúc mới ngoài bốn mươi tuổi. Cô con gái bà, tuy có chút nhan sắc, nhưng làm ăn lại chậm chạp, chẳng bằng ai. Cô nàng đã theo một anh đò dọc buôn gỗ, lên mạn ngược từ lúc mới ngoài hai mươi tuổi, bây giờ cũng chẳng biết ở đâu. Giờ chỉ còn bà và anh con trai nương tựa vào nhau. Thành theo học được gần hết lớp 11 phổ thông. Thời đi học, Thành thông minh, học giỏi, nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Mẹ Thành thường hay đau yếu. Đi học, thì đến cái xe đạp cũng không thể mua. Đường đến trường lại xa, tới hơn chục cây số. Sáng ra, Thành thường phải nhịn đói đến lớp. Nhìn chúng bạn phóng xe vù vù qua trước mặt mà anh chàng không khỏi tủi thân. Có đứa còn ác mồm: “Cái đồ con cháu “Nhà mõ” thì lấy đâu ra tiền mua xe mà chẳng phải cuốc bộ…”. Nghe chúng nói mà Thành uất nghẹn trong lòng. “Quân tử không kể đến xuất xứ bản thân. Lưu Bị từ một anh bán chiếu mà làm nên sự nghiệp lớn. Hàn Tín từng phải nhẫn nhục chui qua háng thằng bán thịt mà lừng lẫy thiên hạ. Chúng mày hãy chờ đấy, sẽ có ngày chúng mày không thể khinh tao được!”. Thành cúi gằm mặt lầm lũi bước đi, trong lòng bỗng lóe nên những ý tưởng mới. Một hôm, Thành nói với mẹ: “Con không đi học nữa và sẽ đi tìm việc làm mẹ ạ. Con tính rồi, dẫu con ở nhà phụ giúp mẹ, nhưng với mấy sào ruộng này, thì suốt đời mẹ con mình vẫn nghèo khó, không ngóc đầu lên được!”. “Chết thật, con nghĩ gì mà lạ thế? Con còn đang tuổi ăn học. Phải học cho hết cấp ba. Dù khó đến đâu mẹ cũng cố gắng cho con ăn học bằng chúng, bằng bạn. Bây giờ con mới chưa đến mười bẩy, tý tuổi đầu, với lại, con mà đi, thì mẹ biết trông cậy vào ai?”. “Không. Con tin mẹ sẽ tự lo liệu được. Con đã quyết định, sẽ phải đi xa một chuyến để tìm việc làm. Con nhất định không để mẹ con mình nghèo khổ mãi được. Mẹ hãy tin con đi. Khi nào thật khá giả, con mới trở về. Còn việc học hành, con sẽ tính toán, khi có điều kiện thuận lợi, con cũng sẽ tiếp tục học. Mẹ đừng cản con nữa!”. Bà Thuận đã khóc hết nước mắt. Biết không thể thay đổi được quyết tâm sắt đá ấy, bà đành phải chiều theo ý con trai.
Ngày đầu tiên, Thành lên xe lửa xuôi vào miền Trung. Mỗi giờ phút trôi qua, cái xóm nhỏ ven đê của Thành càng thêm xa mãi. Thành bỗng thấy nhớ quê nhà quá. Trong đầu Thành bỗng văng vẳng tiếng mẹ ấm áp: “Con đi nhớ giữ gìn sức khỏe, cố gắng sống và làm việc cho tốt con nhé. Mẹ ít học, nhưng mẹ vẫn nhớ mấy câu các cụ ngày xưa thường nói: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy. Gắng công mà học, có ngày thành danh. Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề. Con người có tổ, có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn… Con người phải luôn nhớ về cội nguồn, về quê cha đất tổ con ạ…”. Ôi! Mẹ. Mẹ thật là sâu sắc! Nếu mẹ của mình mà được đi học đầy đủ như người khác, chắc mẹ phải thông minh và giỏi lắm đấy. Thành bỗng thấy nhớ và thương mẹ vô cùng. Giờ này, mẹ đang làm gì nhỉ! Thành thấy cay cay nơi khóe mắt.
Thành dừng lại ở một thị trấn khá đông người buôn bán. Những ngày đầu lang thang tìm việc làm, vì không có chuyên môn gì, nên chẳng ai mướn. Thành đánh liều xin một chân phụ vữa và khuân gạch cho một ông cai xây dựng. Buổi tối, thuê nhà ngủ chung với cánh phụ xây cũng hoàn cảnh như mình. Được gần một tháng thì kiệt sức vì công việc quá nặng nhọc, ăn uống khem khổ, lại thêm cái nắng miền Trung quá gắt gao, Thành bị ốm, không đi làm được nên bị ông cai xây dựng đuổi việc. Thành lại xin vào làm vườn cho một gia đình trồng cà phê, nhưng cũng không hơn gì đi phụ vữa, rồi cũng bị chủ vườn cho nghỉ việc. Thành lại nảy ra ý định: “Hay mình kiếm cái bơm xe, ra gần ngã ba đông người qua lại, bơm xe cho người ta, may ra cũng có chút việc làm”. Ai dè, vừa vác bơm ra ngồi chờ chưa nóng chỗ, đã có hai anh chàng mặt mũi hung tợn đến hất hàm hỏi: “Mày là thằng nào, mà dám tranh chỗ của bọn tao thế hả? Biết điều thì cút ngay, kẻo mất mạng đấy con ạ.”. Thật là hú vía! Giờ thì Thành chợt nhận ra một điều giản dị: Cơm áo không dễ gì kiếm được, nếu không có bản lĩnh và kiến thức. Cùng đường, Thành lại đánh liều xin làm chân giúp việc cho một quán ăn trong thị trấn. May sao, bà chủ cũng là người miền Bắc, thương tình, bà nhận lời cho Thành làm chân chạy bàn ăn và cho ngủ nhờ ở một gian nhà nhỏ, gần gian bếp. Thành mừng lắm. Tuy chạy bàn vất vả, nhưng làm trong nhà, đỡ bị mưa nắng, lại có miếng ăn, tuy phần lớn là cơm canh thừa không bán hết, hoặc trút lại của khách, nhưng cánh làm thuê cho nhà hàng, xào xáo lại, ăn cũng không tồi.
Bà chủ cửa hàng có một cô con gái có cái tên khá ấn tượng: Hoài Thu. Thu đang học lớp 10 phổ thông, trông khá xinh xắn, rất có cảm tình với Thành. Biết Thành là người đã từng học tới 11, nên thỉnh thoảng hai người cũng trao đổi việc học hành. Đã mấy lần Thành giải được bài tập khó cho Thu, nên Thu càng quý và thân mật với Thành hơn. Thấy thái độ thân thiết của con gái với anh chàng giúp việc khôi ngô và chăm chỉ, bà chủ cửa hàng cũng thêm phần thiện cảm với Thành. Bà có ý định sẽ giữ Thành làm việc lâu dài cho cửa hàng.
Mỗi tuần, bà chủ cửa hàng cho những người làm thuê lần lượt nghỉ nửa ngày để thu xếp việc cá nhân. Chiều nay, Thành được nghỉ. Anh chàng dự tính sẽ đi mua một số đồ dùng cá nhân. Đến một đoạn đường vừa dốc, vừa có vòng cua thì thấy một chiếc xe máy đang xuống dốc. Chiếc xe đang phóng nhanh bỗng lảo đảo rồi đổ nhào ra vệ đường. Cô gái ngồi trên xe cũng ngã lăn ra đất, may mà cả người và xe đều chưa lăn xuống sườn dốc. Thành vội lao đến đỡ cô gái đứng dậy và dựng chiếc xe máy lên. Thì ra, chiếc xe máy bị đinh cắm vào, thủng lốp trước, đến đoạn đường này thì hết sạch hơi. Thành nhìn cô gái, chia sẻ: “Bạn có đau lắm không? Cố gắng nhé! Mình sẽ dắt xe cho bạn đến một hiệu sửa xe máy. Nhớ bám vào đuôi xe cho chắc, đi hơi xa chút đấy!
Sửa xe máy xong thì trời đã tối. Tìm cái túi nhỏ luôn đeo bên người để lấy tiền sửa xe, thì không thấy đâu nữa, cô gái giật mình lo lắng. Chắc lúc cô ngã, chiếc túi đã bị đứt quai và văng xuống sườn núi, hoặc rơi đâu đó thì bây giờ cũng có người nhặt nó đi rồi. Thành vội an ủi: “Bạn yên tâm. Tôi có đủ tiền trả cho cửa hiệu đây rồi. Còn cái ví và giấy tờ, ngay tối nay, tôi sẽ đến công an phường khai báo giúp bạn, chắc không bao lâu nữa sẽ có người trả lại thôi!”.
Cô gái hết sức cảm động trước nghĩa cử hào hiệp, chân thành của người bạn mới quen. Hai người trò truyện với nhau một lát, cô gái chia tay Thành và hứa hôm khác sẽ đến cảm ơn anh.
Chiều muộn. Thành vừa dọn dẹp xong ở cửa hàng thì có tiếng gọi: “Anh Thành ơi, ra có khách!”. Trước mặt Thành là một chiếc xe con màu đen bóng, đứng bên cạnh là một cô gái ăn mặc sang trọng. Không ai khác, đó chính là Liễu, cô gái đã được anh cứu giúp cách đây không lâu. Liễu rất vui. Cô mời anh lên xe và chở anh đến một tiệm ăn lớn nhất ở trung tâm thị trấn. Lần đầu tiên Thành được ngồi trong một chiếc xe con sang trọng, lại do chính một người con gái xinh đẹp cầm lái. Cô gái đã đặt trước một bàn ăn lịch sự với những món đặc sản của Tây Nguyên. Cô vồn vã mời Thành và luôn tay gắp thức ăn vào bát anh với cử chỉ rất thân mật, khiến những thực khách sang trọng ngồi xung quanh cũng phải ngạc nhiên, pha chút ghen tị. Đến lúc này Thành mới biết, thì ra Liễu chính là con gái của bà Lê Phương Hồng, chủ tập đoàn bất động sản Cao Nguyên nổi tiếng ở miền Trung. Lúc đầu, Thành không khỏi bối rối khi nghe Liễu kể về thân thế của mình, nhưng anh trấn tĩnh được ngay, bởi Liễu không hề tỏ ra kênh kiệu như các tiểu thư con nhà giàu khác. Liễu đã hỏi nhiều chuyện về gia đình Thành và anh cũng không ngần ngại kể về gia cảnh và những dự định của mình cho Liễu nghe. Liễu nhìn Thành rất chăm chú với thái độ cảm thông, chia sẻ. Lúc sắp chia tay, Liễu chậm rãi nói với giọng thật ấm áp, chân tình: “Anh Thành ạ. Lần trước, anh đã tâm sự với em chút ít về hoàn cảnh của anh. Lần này thì rõ hơn rồi. Em thấy anh là người có nghị lực và có chí hướng vươn lên. Em định thế này, em sẽ về thưa chuyện với bố mẹ em, nhận anh vào là người của tập đoàn. Những năm đầu, bố mẹ sẽ tài trợ để anh tiếp tục theo học cho hết phổ thông và hết bậc đại học. Sau khi ra trường, anh sẽ trở lại làm việc trong tập đoàn. Anh thấy có được không?”. Mắt Thành sáng lên: “Liệu có được không? Mình sợ các cụ không đồng ý. Với lại, mình là người xa lạ, có công lao gì với tập đoàn mà đòi hỏi đặc ân lớn như vậy!”. Lại đến lượt Liễu an ủi: “Anh yên tâm, tập đoàn của mẹ em luôn có các chương trình từ thiện, chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Hoàn cảnh như anh, tập đoàn mẹ em cũng đã tài trợ nhiều rồi. Riêng anh, em tin anh sẽ có đủ quyết tâm để đạt được ước mơ của mình. Em tin là bố mẹ em sẽ đồng ý. Em nghĩ đây sẽ là một cơ hội tốt đối với anh. Mong anh đừng từ chối”.
Đúng như dự định của Liễu, Thành đã trở thành người của tập đoàn Cao Nguyên. Bà Lê Phương Hồng, Chủ tịch tập đoàn rất ưng ý với cậu học trò nghèo Nguyễn Tuấn Thành, bởi thái độ khiêm tốn, chân thật, cùng những câu trả lời vấn đáp ngắn gọn và thông minh. Đối với Thành, đây là một đặc ân lớn. Cậu thầm cảm ơn bà Hồng, cô Liễu - những người đã thương cảm tới hoàn cảnh của anh, một người con vùng quê đồng bãi, khó nghèo. Thấm thía cái nghèo khó, thất học, khó có thể đổi đời, Thành miệt mài học tập. Lúc đầu, phải học chung với các em lớp 11, 12, Thành thấy rất ngượng, nhưng rồi cũng quen. Va chạm cuộc sống, nhận thức nhiều mặt tăng lên, kể cả về học văn hóa, Thành nhanh chóng trở thành học sinh xuất sắc của trường phổ thông trung học. Rồi anh thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Theo gợi ý của bà Phương Hồng, anh thi vào ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Năm năm học đại học, Thành luôn dẫn đầu lớp về kết quả học tập và rèn luyện. Anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa với tấm bằng xuất sắc, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Nhưng, trân trọng biết ơn bà Hồng đã cưu mang, giúp đỡ, Thành quay về làm việc tại tập đoàn Cao Nguyên. Anh nhanh chóng được bà Hồng rèn luyện và thử thách. Sau 3 năm ra trường, Thành đã trở thành trợ lý, thư ký riêng của bà. Bà Hồng yêu quý và coi anh như con cháu trong nhà. Cô Liễu bây giờ đang học Thạc sỹ bên Anh quốc, nghe nói cô sẽ tiếp tục làm luận án Tiến sỹ kinh tế và sẽ nhập cư bên ấy cùng một anh chồng người Việt cũng đang là giáo sư giảng dạy ở một học viện lớn của nước Anh.
Cắp cặp theo bà Hồng 5 năm, Thành được cử làm giám đốc một công ty bất động sản của tập đoàn. Giờ thì Thành đã là một tên tuổi lớn trong tập đoàn. Anh có thư ký, có lái xe riêng và thu nhập thì khỏi nói. Người ta đồn sếp Thành dư sức mua biệt thự lớn ở bất cứ tỉnh nào và sống một cuộc đời sung túc. Nhưng Thành luôn nhớ tới thân phận và gốc rễ của mình là con nhà lao động, nghèo khổ, nên anh luôn sống giản dị, chân thành với mọi người. Cán bộ, công nhân trong công ty đều quý trọng anh. Song, nhiều người cũng hết sức ngạc nhiên vì sao sếp Thành ít về quê và sao đã gần 40 tuổi vẫn chưa xây dựng gia đình. Chỉ có Thành mới hiểu hoàn cảnh của mình và tâm niệm anh chỉ về quê khi thật thành đạt, dư dả về kinh tế để chăm sóc mẹ già. Anh sẽ mua một căn nhà thật đẹp cho mẹ ở, sẽ đủ tiền cho mẹ chi tiêu dưỡng già. Đến một lúc nào đó anh sẽ xin bà Hồng cho ra Bắc làm tại một chi nhánh của tập đoàn ở ngoài ấy để tiện chăm sóc mẹ. Thực ra, mấy năm qua anh cũng đã nhờ người gửi tiền về cho mẹ tiêu. Còn anh sẽ để cho mẹ một sự bất ngờ lớn, khi anh về là mẹ đã có nhà cửa khang trang và có cả người vợ tương lai sẽ về ra mắt mẹ.
Mới 8 giờ sáng mà trời đã nóng nực. Cái nóng của những căn nhà chung cư trong mùa hè mới khó chịu làm sao. Bà Thuận vừa loay hoay tìm cái điều khiển để mở máy điều hòa nhiệt độ thì bên ngoài có ai bấm chuông. Bà vội ra mở cửa. Cô Liên bước vào với nụ cười thật tươi: “Bác ơi, cùng đi với con đây là cô Hà – trưởng cửa hàng thực phẩm sạch ở ngoài phố. Cô ấy thuê đất nhà ta để mở cửa hàng được 3 tháng rồi. Hôm nay cô ấy đến gửi tiền thuê đất quý này”.
Bà Thuận ngạc nhiên: “Đất nào nhỉ? Nhà tôi làm gì có đất ở ngoài phố!”.
- “Có đấy bác ơi! Chả là, đất do anh Thành mua và đăng ký tên bác. Bác cứ yên tâm, những chuyện đất cát ấy chúng con đã lo liệu cả rồi.” “Giời ạ! Tôi cứ tưởng các chị nhầm lẫn thế nào chứ! Vậy thì tôi yên tâm rồi!”.
Bà Thuận cầm trên tay sấp tiền 30 triệu đồng toàn loại 500 nghìn mà lòng vẫn hồi hộp. “Lạy giời, nếu đúng như thế này thì thằng Thành con bà quả là tài giỏi và hiếu thảo”. Bà đặt sấp tiền lên bàn thờ, thắp mấy nén nhang và lầm rầm khấn vái. Bà thấy mắt mình cay cay. Bà mong sao sớm được gặp nó.
Bà Thuận vừa xách làn ra khỏi siêu thị thì có tiếng điện thoại di động: “Bác ơi, bác ở đâu về ngay thôi. Bác có khách quý đến thăm đấy!”. Bà Thuận lập cập bước chân. Lòng bà chộn rộn. Bà thầm nghĩ: “Ai thế nhỉ? Ai ở quê, họ hàng gì mà biết được chỗ ở của mình, lại còn đến thăm? Hay là… không thể nào!”. Gần đây, cô Liên mới nói, anh Thành bận lắm, anh ở rất xa, chưa có điều kiện về thăm bác đâu!
Bà Thuận vừa ra khỏi cửa thang máy của chung cư thì cô Liên đã đứng ở phía trước cầu thang, nét mặt thật vui. Cô chỉ tay vào người đàn ông đứng bên cạnh, nói: “Bác biết ai đây không?”. Bà Thuận ngây người giây lát rồi reo lên: “Thành phải không con? Cha bố anh! Làm sao mãi tận bây giờ mới về thăm mẹ! Mẹ lo lo là!…”. Thành nắm hai bàn tay mẹ nghẹn ngào nói: “Con xin lỗi! Con bận nhiều việc quá! Bây giờ con được ra Bắc làm việc rồi. Con sẽ ở đây với mẹ, không xa mẹ nữa!”.
Thật là không niềm vui nào tả xiết! Trong lòng bà Thuận như có hàng ngàn con sóng trào dâng, hàng trăm bài ca nối nhau reo mãi. Bà cứ ngây người nhìn anh con trai, ngày xưa gầy gò, bé nhỏ, nay cao lớn chững chạc quá. Mỗi khi Thành nói, đôi mắt như cười, thêm chiếc lúm đồng tiền trên má, trông thật đẹp trai và có duyên. Nó giống ai nhỉ! Chẳng biết nữa, nhưng bà rất tự hào là Thành có nhiều nét giống mình.
Trong bữa cơm đoàn viên, chỉ có ba người nhưng thật ấm cúng và sôi nổi. Thành đã kể cho mẹ nghe câu chuyện về cuộc đời mình từ khi xa mẹ. Thỉnh thoảng cô Liên lại thêm vào những chi tiết cảm động mà Thành chưa nói tới. “Sở dĩ con chưa về thăm mẹ trong những năm qua vì con đã hứa bao giờ con thành đạt mới trở về quê hương. Con không thể để mẹ con mình nghèo khổ mãi được. Nghèo là hèn mẹ ạ!”. “Đúng thế! Anh Thành là người có ý chí mạnh mẽ và quyết tâm cao. Anh ấy là hình mẫu của tập đoàn chúng con đấy mẹ ạ.” – Cô Liên thêm vào. Bà Thuận càng vui hơn vì bây giờ bà biết cô Liên chính là vợ chưa cưới của Thành. Cô ấy là cháu gái gọi bà Phương Hồng, Chủ tịch tập đoàn Cao Nguyên là dì ruột.
Đêm ấy, bà Thuận lại mơ, nhưng đó là giấc mơ thật đẹp, giấc mơ đổi đời, giấc mơ của những người biết kiên trì phấn đấu để vươn tới những thành công.