Đêm nay Thượng tá, giám thị trại giam Nguyễn Đình Hướng không về nhà như mọi bận. Trại vừa tiếp nhận thêm một phạm nhân mới với mức án 12 năm tù về tội cướp của gây hậu quả nghiêm trọng và vượt ngục không thành. Trên mặt bàn là toàn bộ hồ sơ về phạm nhân ấy. Hắn có một cái tên khá hay: Trần Hoàng Vũ. Ông Hướng đọc đi đọc lại nhiều lần mà có vẻ như chưa hiểu. Mắt ông nhìn vào giấy mà hình như không đọc được chữ nào. Đầu ông toàn nghĩ về đứa cháu con của người em ruột. Nó là một đứa trẻ thông minh, đẹp trai, học giỏi của khối 12 trường huyện. Thế mà nay bỗng nhiên thành một đứa ngớ ngẩn, ngây dại. Càng nghĩ lòng ông càng sôi lên. Chỉ vì một chiếc xe đạp trị giá không quá ba triệu đồng mà kẻ ác đã gây cho gia đình người em của ông một vết đau không bao giờ nguôi ngoai. Trời đất tưởng bao la hóa ra rất chật chội. Rõ là oan gia đường hẹp. Ông Hướng cứ nghĩ chẳng bao giờ giáp mặt tên cướp ấy, thế mà bỗng dưng hôm nay hắn phải về cải tạo dưới quyền ông. Ông không hề có ý định trả thù. Nhưng ông căm giận hành động vô lương của hắn. Ông căm giận tất cả những việc làm phi pháp, bất nhân. Ông Hướng đứng dậy khỏi ghế, vươn vai cho giãn xương cốt. Bóng ông nhỏ thó, gầy guộc in trên tường nhà. Cái lưng bắt đầu còng xuống do sức nặng của tuổi tác. Những ngọn đèn cao áp bảo vệ quanh khu nhà làm việc sáng trưng soi rõ từng gốc cây, ngọn cỏ ngoài sân.
Trời đang đổ mưa to. Một luồng gió lạnh ùa vào. Lòng ông bỗng chùng xuống. Hắn ta là kẻ có tội và đã phải đền tội. Cái giận của ông rõ là mang nặng tình cảm gia đình. Ông là người có quyền cao nhất ở trại giam này. Mọi mệnh lệnh của ông đều được cấp dưới và phạm nhân thực hiện nhanh chóng. Trong cái trại giam có tường rào bảo vệ nghiêm cẩn, chu vi chỉ trên một cây số vuông này chứa nhiều loại người rất phức tạp. Họ phạm tội vì nhiều lẽ. Người vô ý. Kẻ cố tình. Và cũng rất nhiều kiểu cách phạm tội khác nhau. Những cái tên như Tý “chuột”, Dũng “đại bàng”... từng gây bao nỗi sợ hãi lo ngại cho cả một vùng rộng lớn. Chuyện về những cái biệt danh đều có nguồn gốc. Những cái tên do cha mẹ đặt cho nhiều khi bị lu mờ. Người ngoài thường gọi theo biệt danh hơn gọi tên thật. Các lực lượng công an phải mưu trí lắm mới bắt được. Còn nhiệm vụ của ông và đồng nghiệp ở đây là cải tạo, giáo dục những con người đó hoàn lương sau khi chấp hành xong hình phạt của luật pháp.
Với ý nghĩ ấy, ngay từ ngày đầu về công tác tại trại giam này, ông đã làm trong sạch các buồng giam. Nạn “đại bàng”, “đầu gấu” dần dần bị dẹp bỏ. Ông còn mở thêm lớp học văn hóa dành cho phạm nhân mù chữ, mở mang các lớp dạy nghề. Cấp dưới luôn hiểu tấm lòng vị tha, nhân ái của giám thị. Họ hiểu cần phải làm gì để cùng lãnh đạo xây dựng một trại giam kiểu mẫu về mọi mặt. Ông thường tâm sự với cán bộ chiến sĩ toàn trại rằng: “Đừng nghĩ cứ thi hành các biện pháp mạnh thì họ sẽ sợ và lập lại trật tự ngay tức khắc. Có thể ban đầu sẽ ổn, nhưng về lâu dài lại không bền vững”. Có lẽ vì quan điểm ấy mà buồng kỷ luật, buồng biệt giam chả mấy khi phải dùng đến. Ông nhắc quản giáo phải tìm hiểu tâm tư tình cảm của phạm nhân thì mới cảm hóa, giáo dục được họ ngay giữa cộng đồng toàn tội phạm. Ông cũng biết một người đi tập trung cải tạo là ít nhất có một gia đình cuộc sống bị đảo lộn, nhốn nháo và xơ xác. Phải công nhận nhiều năm rồi phạm nhân ở trại Tiền Tiến sau khi mãn hạn tù đều trở thành công dân tốt có quyết tâm hoàn lương. Nhưng vẫn còn vài kẻ chẳng những không hoàn lương mà còn tỏ thái độ bất cần, để rồi lần thứ hai phải giáp mặt ông trong nhà tù. Ông nặng tiếng hỏi: “Vì sao vậy?”. Phạm nhân thản nhiên trả lời: “Đã mang vết chàm tù tội rồi. Còn gì nữa”. Những lần ấy ông buồn lắm.
Còn đang suy nghĩ miên man, bỗng tiếng kẻng báo động khua ầm ĩ. Ông Hướng vơ vội khẩu súng ngắn, lên đạn rồi chạy vọt ra ngoài. Dáng điệu ông nhanh nhẹn, khẩn trương như độ tuổi còn đang sung sức. Trời đổ cơn mưa lớn từ lâu. Một chiến sĩ ướt như chuột lột lao vào báo cáo: “Thưa giám thị, tên Vũ lợi dụng đêm mưa đã bỏ trốn khỏi nơi giam giữ”. Ông Hướng ra lệnh: “Huy động tất cả đơn vị truy bắt tội phạm theo phương án 1. Chà, mấy cậu bảo vệ làm ăn kiểu gì mà tội phạm mới vào được có vài tiếng đồng hồ lại để trốn mất”.
Trong khi mọi người lùng sục trong ngoài tường rào thì ông Hướng lại chạy về phía buồng giam tên Vũ. Bất ngờ ông gặp hắn đang nép mình trong bóng tối. Ấn mạnh mũi súng vào ngực hắn, ông bắt hắn quay lại buồng giam. Tên Vũ quỳ xuống khóc òa: “Đằng nào thì con cũng chết. Thà chết trước cho đỡ khổ. Ông cứ bắn con đi”. Thực ra tên Vũ không hề bẻ khóa trốn trại. Hắn cuộn tròn người trong chiếc cửa sổ nhỏ trên cao. Theo ý thích của riêng hắn. Người lính bảo vệ đi kiểm tra không nhìn thấy hắn. Gọi, hắn không thưa. Hoảng sợ, anh ta mở vội buồng giam ào vào kiểm tra. Không thấy. Anh ta ngoắt người chạy ra khua kẻng báo động, quên khóa cửa. Thế là tên Vũ nhẹ nhàng lẻn ra.
Sáng hôm sau ông Hướng gọi hắn lên hỏi vì sao trốn trại. Hắn mếu máo thưa rằng hắn sợ bị ông trả thù cho đứa cháu. Ông Hướng cười nhạt: “Anh nghĩ tôi xấu đến như vậy sao? Đời người ngắn lắm, quay đi ngoảnh lại đã hết một đời. Cho nên phải sống sao cho xứng là con người. Anh hãy suy nghĩ kỹ lời tôi nói hôm nay. Thôi về buồng giam, nằm vắt tay lên trán mà nghĩ. Khi nào chín hãy lên gặp tôi”. “Phạm nhân Trần Hoàng Vũ có người thăm nuôi”. Tiếng của người quản giáo gọi to. Người thăm nuôi là một cô gái chừng tuổi hắn, có nước da nâu rám nắng mặn mà duyên dáng. Cô khai với người thường trực mình là bạn học cũ của Vũ. Thoáng nhìn thấy cô gái từ xa hắn đã chối đây đẩy không quen biết cô gái. Hắn chạy về buồng giam nằm úp mặt lên gối nức nở. Cô gái đứng tần ngần, nước mắt lóng lánh đậu bờ mi, thất vọng tràn trề. Ông Hướng lại gần nói nhỏ: “Cô gái, hãy tha thứ và cảm thông cho hắn. Hắn còn biết xấu hổ với tội lỗi của mình nghĩa là hắn vẫn còn đôi chút nhân cách. Cô cứ để lại đây quà và địa chỉ của mình. Tôi sẽ cho người chuyển giúp”. Nói vậy là ông Hướng tin trong con người hắn vẫn còn tính bản thiện. Ông động viên cô gái: “Cô hãy đến với hắn nhiều hơn. Động viên hắn cải tạo cho tốt. Ngày trở về không xa đâu. Nếu có điều gì trắc trở hãy gọi vào số điện thoại này. Tôi sẽ giúp theo chức năng và quyền hạn của mình”.
Đêm đó hắn không sao ngủ được. Tất cả mọi việc ban chiều như cuốn phim quay chậm qua đầu hắn không sót một chi tiết nhỏ nào. Qua khung cửa sổ nhỏ, dưới ánh đèn điện nhạt nhòa, vườn hoa do các tù nhân tự trồng dường như đang cựa mình. Sương giăng giăng mờ ảo như tấm màn mỏng. Hương thơm thoang thoảng phả vào mũi hắn. Hắn cố hít lấy những hơi dài như muốn thu gọn tất cả vào trong lồng ngực. Những bóng cây cao lêu nghêu mãi tít xa, bên ngoài bức tường ngăn cách nhà giam với xã hội đời thường, thấp thoáng lay động. Bầu trời đầy sao lung linh như rơi hút vào mắt hắn. Lần đầu tiên kể từ ngày về trại giam này hắn thấy cuộc đời sao đáng sống đến thế. Thời còn trai trẻ hắn không bao giờ nghĩ mình lâm vào vòng lao lý dù chỉ một ngày. Huống chi những bốn ngàn ngày. Thì ra việc trở thành tội phạm chỉ trong khoảnh khắc mà thôi. Cái khoảng cách giữa người lương thiện và kẻ tội đồ rất mong manh. Người ta phạm tội khi không làm chủ được hành vi của mình. Riêng hắn lại không làm chủ được mình những hai lần.
Hắn cũng như bao chàng trai khác ở một vùng quê nghèo. Hắn cũng có một gia đình êm ấm tạm gọi đủ ăn. Năm hắn mười tuổi, cha hắn chết vì tai nạn khi khai thác ở một mỏ đá tư nhân. Ông chủ mỏ đưa cho mẹ hắn một ít tiền gọi là bồi thường. Từ đó hai mẹ con hắn chống chếnh sống trong ngôi nhà như mất nóc. Mẹ hắn là người đàn bà còn trẻ và khỏe mạnh. Nhiều người đàn ông vì mọi lý do đứt gánh giữa chừng có ý định "thăm ván, bán thuyền". Thương đứa con côi cút, sợ cảnh con anh con tôi, bà nén chịu những đêm mưa gió lạnh lùng. Bà từ chối mọi lời mời mọc. Thu nhập trên mảnh đất lắm mưa nhiều nắng chẳng đáng là bao nhưng bà lại yêu chiều hắn như vàng như ngọc, nâng niu như trứng như hoa. Bà làm tất cả mọi điều mà một người mẹ có thể làm. Miễn sao con bà lúc nào cũng vui. Trong giấc ngủ chập chờn nghĩ về tuổi thơ của mình, bao giờ hắn cũng có cảm giác quanh hắn là mùi tanh tanh của nước mặn đồng chua, là mùi nồng nồng và tiếng thở dài của mẹ. Hắn bắt đầu sai lầm khi quen và ngỏ lời cầu hôn với một cô gái làm tiếp viên nhà hàng trên phố huyện. Không có tiền cho các cuộc du hí cùng người tình, hắn quyết định chặn các cháu học sinh để cướp tiền, cướp tài sản. Và đứa cháu ông Hướng là nạn nhân của hắn. Hắn bị kết án 8 năm tù. Tiếp theo là cái tin cô gái tiếp viên nhà hàng lên xe hoa làm hắn phát điên phát dại. Hắn lồng lộn trong phòng giam như con hổ đói mồi. Hắn quyết định vượt ngục về trả thù con đàn bà phản bội. Hắn bị bắt trước khi ý định hoàn thành. Hắn "cõng" thêm 4 năm tù nữa.
Người ta chỉ ham sống khi cuộc đời còn hy vọng. Còn hắn, ngày trở về xa quá, vời vợi quá. Con thuyền cuộc đời hắn không bến bờ neo đậu. Mỗi ngày trôi qua là một ngày nhạt nhẽo, vô vị. Không mong ước, không quá khứ, cũng không có cả tương lai. Mười hai năm tù cho một kiếp người. Hắn nhẩm tính mười hai năm nữa hắn đã bốn mươi tuổi rồi. Ở độ tuổi 40 người ta làm được gì nhỉ? Chịu. Hắn không thể nghĩ ra câu trả lời.
Thời gian thấm thoắt trôi. Người bạn gái của hắn đều đặn mỗi tháng lên thăm một lần. Mỗi lần như thế hắn lại thấy mình như đang mơ. Hắn luôn miệng cảm ơn nàng. Còn nàng lại bảo: “Anh hãy cảm ơn ông Hướng”. Hắn ngỡ ngàng. Hắn hiểu ra tất cả. Ông Hướng đã có công dạy dỗ hắn nên người, biết hy vọng vào tương lai. Nay ông lại còn "se duyên" cho hắn nữa. Công ơn này biết đến khi nào hắn mới đền đáp cho hết. Mấy năm nay ông Hướng thường dành ra mỗi tuần dăm mười phút nói chuyện riêng với hắn. Ông không đao to búa lớn, không rao giảng những vấn đề cao siêu khó hiểu. Toàn chuyện thường ngày, đưa tay ra là cầm được. Hắn đã bị ông thuyết phục. Mỗi lần gặp ông xong là hắn lại mong mỏi tới ngày gặp lần sau. Ông đã gieo vào lòng hắn những hạt giống lương thiện. Cũng có lần ông quát vào mặt hắn: “Anh là thằng đàn ông ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Nếu con người ta lúc nào cũng nghĩ đến tham vọng cá nhân một cách hèn mạt thì trước sau gì cũng hỏng”. Hắn nghe lời quát mắng của ông một cách chăm chú, chẳng hề nhàm chán. Bởi hắn biết những điều ông nói đúng như những điều ông hằng tâm niệm. Và cũng là những điều ngày xưa cha hắn từng răn dạy. Nàng nói thêm: “Ông Hướng bảo em cố gắng bớt chút thời gian lên thăm anh, động viên anh cải tạo cho tốt. Ngày trở về không xa đâu. Thú thật, không có ông, vào đây em sợ lắm. Nhìn các anh, mặt người nào cũng khó đăm đăm, em cứ hãi hãi là”.
Từ đó hắn là người hạnh phúc nhất trại giam. Hắn nghĩ vậy. Từ một kẻ ngang ngược sống bất cần đời, không hy vọng, chẳng tương lai, chết lúc nào cũng được. Thế mà chỉ một thời gian sau hắn trở nên dễ mến dễ thương. Hắn hiền lành chăm chỉ như ngày còn sống bên mẹ. Hắn chăm sóc bạn tù ốm đau như chăm sóc anh em ruột thịt. Hắn quét dọn nơi buồng giam sạch sẽ tinh tươm. Hắn nói năng dịu dàng với bạn tù. Nhiều khi hắn giật mình tự hỏi: “Tại sao mình thay đổi nhanh chóng đến như vậy?”. Không khó khăn lắm hắn đã nhanh chóng tìm ra câu trả lời: “Vì tấm lòng nhân hậu, vị tha của ông giám thị. Và cả tình yêu vừa chớm nở với người bạn học cũ đã vực hắn đứng lên vào đúng lúc hắn sắp gục ngã hoàn toàn”.
Hắn thầm cảm ơn trời đất, cảm ơn linh hồn người cha quá cố đã ban cho hắn cùng lúc hai người tốt bước vào cuộc đời mình. Hắn lại hy vọng. Hắn lại mơ ước. Hắn có quyền mơ ước mà. Như lời ông Hướng nhiều lần nói trước phạm nhân: “Các anh mất quyền công dân trong thời gian cải tạo. Nhưng quyền làm người các anh vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi tôn trọng cái quyền ấy”.