Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Mục Văn nghệ dân gian: "Đức Thánh Trần về tiên giới" của tác giả Phạm Chức
03/10/2022 12:00:00

Chuyện kể rằng, sau khi bình định xong giặc Nguyên Mông, triều đình ban thưởng cho tướng sĩ, luận tội những kẻ phản nghịch, hèn nhát… Đất nước thái bình, thưởng phạt rất công minh nên quân dân ai cũng vui mừng. Bấy giờ thiên hạ vô sự, bốn phương thái bình, kế được mùa luôn mấy năm, trăm họ vui vẻ.

 
Tượng Đức Thánh Trần thờ tại đền Kiếp Bạc. 

 

 
Thượng hoàng Trần Thánh Tông nghĩ đến công đức của Hưng Đạo Đại vương bèn sai quan quân về nơi dinh cũ của ngài ở Vạn Kiếp sửa sang, lập một tòa Sinh từ thật tráng lệ để thờ sống Hưng Đạo Đại vương.

Thượng hoàng lại thân soạn ra một bài văn bia, kể công trạng của ngài, so sánh ngài với Thái công Thượng phụ của nhà Chu khi xưa, tứ thời bát tiết, sai quan đem lễ vật về tận nơi Sinh từ tế bái.

Năm Quý Tị (1293), vua Nhân Tông nhường ngôi cho thái tử, tức vua Anh Tông… Hưng Đạo Vương bấy giờ đã già, danh tiếng, quyền thế lừng lẫy một nước, mà tự vua đến dân ai ai cũng mến đức ngài. Ngay đấy đến bên Nguyên triều cũng tôn kính gọi là Hưng Đạo Đại vương, chứ không dám gọi tên.

Hưng Đạo Vương muốn cáo lão về nhà hưu dưỡng, mới dâng biểu tâu với Thượng hoàng và vua, xin giao trả quyền chính, trí sĩ về nhà. Mặc dù không muốn, nhưng vua không nỡ trái ý ngài.

Đại vương có dinh cũ ở Vạn Kiếp và mới có Sinh từ của Thượng hoàng lập cho, ngài đã về tại đó hưu dưỡng.

Sinh từ lập ở trên núi Vạn Kiếp, nơi có thế phong thủy tuyệt vời, hình núi như tay long ngai, tục thường gọi là núi Tay Ngai. Mé sau dựa vào núi Huyền Đăng (Đinh), xung quanh có hàng mấy trăm ngọn cao chầu về. Mé trước trông xuống sông Lục Đầu. Ngoài sông có một bãi cát, hình như lưỡi kiếm. Hai bên tả hữu lại có hai ngọn núi gọi là Nam Tào, Bắc Đẩu, hình thế quanh co, trùng trùng điệp điệp, trông ra rất là ngoạn mục. Trong sân đền có hai cái giếng, một bên trong và một bên đục.

Hưng Đạo Vương được chỗ thiên nhiên cảnh thắng ấy, thực là một nơi vui vẻ trong lúc cảnh già; có khi dắt hai ba tiểu đồng trèo núi nọ, qua núi kia xem phong cảnh; có khi đem một vài đầy tớ, túi đàn, hồ rượu, bơi một chiếc thuyền nhỏ thung thăng chơi giữa dòng sông; hoặc có lúc vui cùng bạn hữu, đàm đạo trong vườn hoa; hoặc có lúc dắt díu một hai thầy tăng, chơi giăng (trăng) trước cửa động. Khi nhàn thì xem sách, vịnh thơ chơi.

Người sau có bài trường thiên vịnh phong cảnh và thú hứng của ngài như sau:

Giời (trời) Nam riêng một cõi doanh bồng

Sơn thủy thiên nhiên cảnh lạ lùng!

Bắc Đẩu, Nam Tào chia tả hữu,

Huyền Đăng trăm ngọn đá trông vông.

Mấy chòm cổ thụ bông sầm uất,

Một dãy cao phong thế trập trùng.

Bãi nổi sè sè hình lưỡi kiếm,

Nước trong leo lẻo một dòng sông.

Véo von vượn hót trên đầu núi,

Lác đác hươu ăn dưới gốc thông.

Ráng tỏa chiều hôm chim ríu rít,

Mây tuôn ban sớm khói mịt mù.

Phong quang bốn mặt trông như vẽ,

Một tòa lâu đài cao sát không.

Rèm ngọc sáng quang mây núi bắc,

Gác hoa bóng lộn sóng chiều đông.

Đại vương khi nhàn rê trượng trúc,

Theo sau một vài gã tiểu đồng.

Khi đeo bầu rượu qua sườn núi,

Lúc dạo cung đàn bơi giữa dòng,

Thủng thỉnh cuộc cờ khi gió mát,

Ung dung ngâm vịnh lúc giăng trong.

Nghĩ mình thú hứng vui ngày sót.

Ngắm cảnh giang sơn thỏa khúc lòng!

Tuổi già, cảnh thú, công danh trọn,

Than ôi! Đại vương thực anh hùng!

Từ khi Đại vương về hưu dưỡng, Thượng hoàng Nhân Tông và Hoàng thái hậu (tức con gái nhà ngài) và vua cùng các quan, thường thường ngự giá về thăm tại Vạn Kiếp hoặc sai người đến thăm nom. Hưng Đạo Vương cũng thi thoảng về chầu vua…

Tương truyền, năm 1300, một bữa vào độ canh hai, đêm hôm ấy trên không quang đãng, sao sáng rực trời. Vua nhân lúc thanh nhàn, ra sân ngắm xem thiên văn, sực thấy một ngôi tướng tinh cực to, tự hướng Đông Bắc bay vụt sang Tây Nam, rồi sa xuống đất, ánh sáng lòe ra mười trượng. Vua thất kinh, không biết là điềm hay dở làm sao.

Sáng hôm sau, vua ra ngự triều hỏi các quan rằng:

- Đêm hôm qua là 24 tháng 6, có ngôi sao to sa xuống ở góc Tây Nam, các quan có ai biết là điềm gì chăng?

Phạm Ngộ bước ra thưa rằng:

- Ngôi tướng tinh sa là điềm báo nhà nước mất một vị lương đống. Đêm qua, chúng thần cũng có trông thấy ngôi sao sa tự mé Đông Bắc, chắc là ứng vào Hưng Đạo Vương, thiết nghĩ ngài cũng không thọ được bao nhiêu lâu nữa.

Vua thấy nói không vui lòng. Kíp sai ngay quan đi thăm Hưng Đạo Vương. Hôm sau về báo rằng, Hưng Đạo Vương phải bệnh từ đêm hôm ấy. Vua thất kinh, lập tức ngự giá, thân về Vạn Kiếp thăm bệnh ngài.

Gặp khi ấy, Hưng Đạo Vương mệt nặng, các con cùng các gia thần hầu hạ xung quanh, không dám rời ra lúc nào. Sực báo có ngự giá đến, bốn vị vương tử cùng ra nghênh tiếp. Hưng Đạo Vương sai người đỡ mình dậy.

Vua vào nhà trông thấy ngài mệt lắm, nói rằng:

- Trẫm ở trong cung, không ngờ Thượng phụ quý thể lại trọng bệnh thế này.

Hưng Đạo Vương tâu rằng:

- Lão thần năm nay đã ngoài 70 tuổi, thế đã là thọ, dù chết cũng không hối hận gì nữa.

- Thượng phụ là lương đống nhà nước, mong sao hưởng thọ được lâu dài, cho trẫm trông cậy.

- Bệ hạ chớ lo, lão thần tuy không được ở lại báo đáp quốc ân, nhưng còn nhiều người hiền tài giúp được bệ hạ.

- Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân Bắc lại đến xâm nhiễu, thì làm thế nào.

Ngài nói: “Nước ta tự thuở xưa Triệu Vũ vương dựng nước, Hán đế đem binh đến đánh. Vũ vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để đồ lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Trường Sa, dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời. Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam ta đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà phương Bắc đang lúc suy nhược, cho nên đắp thành Bình Lỗ (nay thuộc Thái Nguyên), mà phá được quân nhà Tống, đó lại là một thời. Đến thời nhà Lý, quân Tống sang xâm lược, Lý đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh, quân hùng tướng dũng, đó là có thế đánh được. Kế đến bản triều (triều Trần), giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi cùng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng giời giúp ta mới được thế. Đại để: kẻ kia cậy có trường trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với trường, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào giặc kéo đến ầm ầm, như gió như lửa, thế ấy lại là dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới là khó trị; thì ta nên ủy dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, cốt dùng được binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là chước giữ nước hay hơn cả đấy” (Phan Kế Bính dịch).

Vua chịu lời ấy là rất phải.

Hưng Đạo Vương lại nói rằng:

- Lão thần cõi thọ đã hết, xin bệ hạ nghĩ việc nhà nước làm trọng. Lão thần từ đây không được chầu bệ hạ nữa đâu.

Vua rất xót xa, lưu luyến mãi, nhưng rồi cũng phải từ giã về cung.

Các vương hầu và văn võ bá quan, ai nấy cũng lần lượt đến hỏi thăm. Hưng Đạo Vương nhất nhất cảm tạ tấm lòng của mọi người và dặn lại rằng:

- Ta nay hết lộc, không được cùng các quan lo việc nước, các quan nên đồng lòng thờ vua giúp nước, phải giữ trung, hiếu làm đầu mới được.

Các quan ai nấy đều vâng lời và từ tạ.

Hưng Đạo Vương gọi con trưởng là Hưng Vũ Vương Nghiễn vào dặn rằng:

- Sau khi ta mất, không được cho Quốc Tảng vào khâm liệm, đợi khi nào đậy nắp áo quan rồi, sẽ cho nó vào.

Nguyên nhân vì tự khi xưa, thân sinh ngài là An Sinh vương có hiềm với Thái Tông, có dặn ngài tranh lấy thiên hạ. Đến lúc quân Nguyên vào cõi, quân quyền về cả tay ngài. Ngài mới đem lời An Sinh vương bảo, để thử lòng các gia tướng là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người đáp rằng:

- Làm như thế thì phú quý được một thời, nhưng để tiếng xấu nghìn năm. Nay Đại vương cũng đã quý rồi, sao nỡ làm thế. Chúng tôi xin chết già làm đầy tớ Đại vương, chứ không muốn mang tiếng bất trung, bất hiếu, mà lo cầu làm quan to.

Ngài nghe nói xong, xúc động rớm nước mắt. Ngài lại hỏi Hưng Võ vương Quốc Nghiễn rằng:

- Cổ nhân giàu, có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, bụng con nghĩ thế nào?

Quốc Nghiễn thưa rằng:

- Phận làm tôi không nên thoán nghịch, giá vua khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ.

Ngài lấy lời ấy là phải. Lại hỏi đến con thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng. Quốc Tảng thưa rằng:

- Ngày xưa vua Thái Tổ nhà Tống vốn là một ông lão làm ruộng, còn biết thừa thời tranh cướp, để lấy thiên hạ, huống chi phụ thân bây giờ binh quyền cả trong tay, việc gì mà chẳng lấy.

Ngài nổi giận, rút ngay gươm ra, kể tội Quốc Tảng là bất trung, bất hiếu, rồi toan đem chém ngay. Quốc Tảng khóc lóc chịu tội. Các tướng cũng can ngăn mãi, ngài mới tha. Bởi thế ngài vẫn rất ghét, đến bây giờ dặn không vào khâm liệm…

Từ đấy, bệnh ngài ngày một nặng, qua sang tháng sau thì mất. Bấy giờ nhằm ngày 20/8 năm Canh Tý, niên hiệu Hưng Long thứ tám, hưởng thọ 75 tuổi (Theo tư liệu hiện nay, Hưng Đạo sinh năm 1228, mất năm 1300, thọ 73 tuổi). Có thơ tán rằng:

Trung hiếu lòng son tự tính thành,

Anh hùng ra sức chống trời xanh,

Gươm thần một lưỡi kinh hồn giặc,

Ngựa đá nghìn thu vững cõi mình.

Đền Kiếp bia cao truyền sự nghiệp.

Sông Đằng sóng cuốn hiển uy danh.

Trời Nam hương hỏa còn ghi nhớ.

Oanh liệt kia kìa dấu hiển linh!

Hưng Đạo Vương mất rồi, các vương tử sai người về kinh đô cáo phó. Vua bấy giờ đang ngự ở Tuyền Thất, nghe tin ngài mất, than khóc rằng:

- Thượng phụ vì nhà nước mặc áo giáp, cầm đồ binh, quét sạch rợ Hồ (giặc phương Bắc), đem lại thần kinh, phủ yên họ, nay bỏ trẫm mà đi, trẫm bao giờ lại được người yêu vua, lo nước như là Thượng phụ nữa?!

Thượng hoàng và Hoàng thái hậu cũng khóc. Các quan ai nấy đều cảm thương. Dân gian xa gần sụt sùi sầu thảm, tựa hồ như mất cha mẹ. Vua sai bãi chầu 10 ngày, lệnh văn võ bá quan cùng phải để tang. Vua lại ngự giá, ngồi xe mộc, ngựa trắng, thân đến Vạn Kiếp coi việc lo tang. Sai các quan dùng hậu lễ rước ma táng ở vườn An Lạc…

Vua về triều giáng chiếu truy phong ngài là: Thái sư Thượng phụ, Thượng quốc công, Bình Bắc đại Nguyên súy, long công thịnh đức, vĩ liệt hồng huân, Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương. Sai thợ dùng gỗ quý, chế ra tượng ngài, để thờ trong đền Vạn Kiếp. Lại sai lập miếu thờ ở quê ngài là làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, bốn mùa sai quan tế bái.

Ngài thực là một người hết lòng với vua với nước, tuy rằng uy quyền lừng lẫy, mà vẫn giữ chức phận làm tôi, không dám điều gì kiêu ngạo. Đang khi quân Nguyên quấy nhiễu, ngài cầm binh quyền, vua Thánh Tông, Nhân Tông cho ngài được chuyên quyền phong tước. Thế mà ngài không dám tự tiện phong thưởng cho ai chút nào. Chỉ các nhà giàu, ngài có quyên tiền gạo, để cấp cho quân ăn, thì ngài chỉ phong cho làm Giả lang tướng mà thôi. Đó là ngài giữ phận làm tôi cẩn thận như thế. Bởi vậy khi ngài mất đi, tự vua quan cho chí bách tính, ai cũng tiếc thương vô hạn.

Từ khi lập đền ở Vạn Kiếp, hai làng Vạn Yên, Dược Sơn ngày đêm đèn hương phụng sự. Ngài thường hiển linh trừ tà, trị bệnh cứu hộ nhân dân. Trên đỉnh Mâm Xôi - núi Trán Rồng phía sau đền, tương truyền có dấu tích ngài khi hiển thánh. Hoặc khi nào có giặc, triều đình sai quan đi đánh, thường đến cầu đảo, hễ thấy thanh kiếm thờ trong đền tự nhiên rung động, thì khi ấy tất thắng trận. Thanh kiếm thần là bảo vật vô giá, hiện đặt trong một hộp sơn son thếp vàng, được bảo quản rất cẩn mật tại đền Kiếp Bạc, từ xưa tới tận bây giờ. Nhiều nơi trong nước lập đền thờ Hưng Đạo Đại vương, lịch triều có sắc phong ngài là Thượng đẳng tối linh thần. Nhân dân tôn kính gọi là Đức Thánh Trần…

Kể từ năm Đinh Tị Nguyên Phong thứ bảy (1257) Hưng Đạo Vương mới bắt đầu phụng mệnh đi đánh giặc, cho đến nay đã trên 760 năm, những nơi thờ phụng Đức Thánh Trần ngày càng uy nghiêm và thu hút nhân tâm của con dân nước Việt. Hàng năm, có tới hàng triệu lượt người tìm về thắp hương, chiêm bái tại Kiếp Bạc.

Hưng Đạo Đại vương thực sự là một bậc anh hùng của nước Nam:

Đông A vận mở trời sinh thánh,

Nam Hải danh thơm sử tạc bia.

 

Nguồn tham khảo:

- Tư liệu ghi chép tại đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình); đền An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh); đền Kiếp Bạc (Hải Dương)…

- Sách “Hưng Đạo Vương” của tác giả Phan Kế Bính do Đông kinh ấn quán ấn hành năm 1914.

 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Sau cơn bão" của tác giả Hải Thắng(30/09/2022)
Chiều quê(30/09/2022)
Chuyện làng Văn nghệ: "Người thiết kế "Lễ đài Độc Lập" ngày 2/9/1945" (30/09/2022)
Tác giả, Tác phẩm: "Người kể chuyện đời bằng văn chương" của tác giả Ngọc Hùng(29/09/2022)
Thu đến(29/09/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na