Quảng trường Ba Đình xưa là cửa phía Tây của thành cổ Hà Nội. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã phá thành vào năm 1894 và tại cổng phía Tây này, Pháp cho xây một vườn hoa nhỏ gọi tên là Puginier. Tên quảng trường Ba Đình là do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố (từ ngày 20/7 đến 19/8/1945) đặt tên để tưởng nhớ về dải đất Nga Sơn - Thanh Hóa nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX.
Sau khi Tổng khởi nghĩa trong cả nước giành thắng lợi, Bác Hồ đã ấn định ngày tổ chức Lễ Tuyên bố độc lập là 2/9/1945. Cũng chính Bác Hồ đã chọn quảng trường Ba Đình để tổ chức buổi lễ trọng đại của dân tộc. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, được coi như ngày Tết Độc lập của dân tộc, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ mọi phía, đặc biệt là sự chuẩn bị một lễ đài thật đẹp, trang nghiêm tại quảng trường Ba Đình.
Theo dự tính, lễ đài phải đủ cao, đủ rộng để 2/3 số dân nội và ngoại thành Hà Nội tham dự có thể nhìn thấy, và tác giả của công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập đó chính là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (KTS).
KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những thế hệ học trò cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (thuộc Viện Đại học Đông Dương, một trường đại học của Việt Nam chuyên đào tạo bậc đại học và sau đại học trong lĩnh vực Mỹ thuật. Trường được giới chuyên môn đánh giá là nơi đào tạo Mỹ thuật chính quy và có chất lượng cao của Việt Nam. Nơi đây đã là nơi nuôi dưỡng và phát hiện nhiều họa sĩ tài danh Việt Nam). Con người và sự nghiệp của ông là hình ảnh một kiến trúc sư đầy tài năng, uyên bác nhưng giản dị, một người nghiên cứu khoa học với tâm hồn nghệ sĩ và tấm lòng đôn hậu.
KTS Ngô Huy Quỳnh sinh năm 1920 tại làng Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình Nho học. Năm 1938, với tài năng của mình, ông đã thi đỗ vào cả hai khoa Mỹ thuật và Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngay từ năm thứ ba ông đã thiết kế một số công trình, đa phần là những ngôi nhà tư nhân và nhiều biệt thự: ngôi nhà 84 Nguyễn Du, biệt thự ở phố Cao Đạt - Hà Nội, những ngôi nhà ở Nam Định, Đình Bảng - Bắc Ninh... Những công trình do ông thiết kế, đến ngày nay vẫn còn giá trị nghệ thuật.
Năm 1943, sau khi tốt nghiệp, trở thành kiến trúc sư, ông chính thức tham gia Việt Minh và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc. Cách mạng tháng Tám nổ ra, KTS Ngô Huy Quỳnh được Ðảng cử tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Ðịnh.
Sáng ngày 1/9/1945, KTS Ngô Huy Quỳnh được cấp trên giao trọng trách thiết kế và tham gia dựng một lễ đài ở vườn hoa Ba Đình, lễ đài có thể giản dị nhưng phải trang nghiêm và bên trên có thể đứng được 30 người. Sau những phút giây rất nhanh tính toán, KTS Ngô Huy Quỳnh đã chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh (vì thời gian gấp) và bọc lụa xung quanh trên vàng dưới đỏ để tạo dáng mỹ thuật, vừa nhanh vừa dễ làm.
Thế là 12h30’ ngày 1/9/1945, Lễ đài bắt đầu được thi công. Nơi dựng Lễ đài là bồn cỏ tròn, trước các cổng cuốn tròn tỳ trên hệ thống cột kiến trúc theo kiểu Toscan (Pháp). Công trình này màu vàng nhạt như hai tay ôm lấy phía sau lễ đài, cùng với khối cây cổ thụ màu xanh như đóng vai trò "trẩm" theo cách nhìn phong thủy mà bà con nhân dân quen thuộc.
Nguồn: Bảo tàng lịch sử