Trời vừa sáng ngày, đã nghe tiếng chị phụ huynh lảnh lót ngoài cổng: “Cô giáo ơi, có ít rô đồng căng bụng trứng, cô thư thả chế món gì ăn chơi đi ạ. Nhà tôi bận chả có thời gian” (ai bảo người nhà quê không khéo nào, nói thế thì từ chối sao được ạ). Cầm túi cá đổ ra rổ, hơn chục con rô đồng thứ thiệt, con nào con ấy bụng tròn căng những trứng, vẩy vàng lóng lánh dưới nắng sớm ban mai. Rô đồng thì chế được nhiều món lắm, từ món bún cá, canh cải, rồi kho khế chua, hay om tương Bần... món nào cũng ngon, món nào cũng đưa cơm. Nhưng giữa buổi sáng lộng đông thế này, sao mà thèm bát canh bầu cá rô của thầy đến thế! Nhớ những ngày tháng Ba từ rất xa, rất xa. Sau những cơn mưa rào đầu hạ. Thầy lùa lũ trẻ đi xét cá rô lóc. Loanh quanh ven cừ, ven mương, cứ thấy chỗ nào có dòng nước chảy lóc róc, vạch cỏ, vạch cây ra kiểu gì cũng vớ được vài con. Có khi là nguyên cả một vũng cá béo tròn. Đứa trẻ tinh ranh đi xét cá bao giờ cũng đánh quả lẻ, nghĩa là đi một mình thôi. Rất lặng lẽ. Rất âm thầm. Kể cả những chỗ nhiều bước chân đã qua nhưng không có nghĩa là không còn cá. Rô đến kì tức trứng, thấy dòng nước xuôi là cắm đầu, cắm cổ mà ngược, chả biết cuối con đường nước ấy là cái gì? Chị em nó thuộc như in những chỗ hay có cá, riêng cái rãnh nước chỗ bụi khoai ngứa của cụ Chỉnh hay cái úng chỗ mương muống nhà ông Dũng... thì không bao giờ thoát. Thấy cá lóc phải chộp thật nhanh. Chộp được thì phải nắm chặt đầu. Lỏng lẻo một chút vừa dễ trượt, không cẩn thận nó lại oánh cho toác tay. Buốt đến tận lông tơ cơ.
Sướng nhất là lúc tụ về, cá thả ra cái thau nhôm mà vẫn giương vây, bạnh mang ra ngóc lấy ngóc để. Rồi thầy chọn vài con cái to nhất (chỗ còn lại giộng vào cái chum nước nhỏ ăn dần) hì hụi, đánh vẩy, rửa sạch. Mẹ bắc nồi nước lên cái bếp củi cháy bập bùng, nước sôi, thả cá vào, đun sôi nhỏ lửa. Um thêm chút nữa thì vớt cá ra. Con cá vừa chín tới, không vỡ, không nát. Nước luộc trong veo, vàng óng. Nhìn đã thèm chảy nước miếng. Cá nguội mẹ bắt đầu gỡ, nhẹ nhàng tách cá làm đôi. Bắt sạch xương mà miếng cá vẫn nguyên hình khuôn khổ, rồi mẹ xếp ra cái rứng nhỏ ướp xíu muối, xíu gừng, xíu ớt băm. Việc của mẹ đến đó là xong.
Phần của chị nhớn là rửa cối, rửa chày giã nhừ chỗ xương và đầu cá lọc lấy nước cốt.
Thầy ra sau vườn, cắt về một quả bầu non. Thầy không nạo vỏ, mà để nguyên quả dựa trong cái rổ thưa, dạng chân, băm rất đều tay. Mình với cu Ấm mê say theo dõi mọi công đoạn bằng con mắt háo hức, thèm thuồng đến lúc này bắt đầu chạy vòng quanh thầy cùng cất giọng theo nhịp băm: “Băm bầu băm bí, băm phải hạt ngô, ba cô thiên lí, chuột chắt chuột chí”. Bầu đã băm xong, thầy bắc cái chảo gang lên bếp, lấy cái ăng gô mỡ để trên cái quang tre con treo trên xà bếp, lấy một đầu đũa xíu xíu phi thơm hành với chỗ cá mẹ vừa ướp lúc trước. Thầy rim khéo lắm. Hành thì vàng ruộm, cá xém vàng mà vẫn nguyên miếng mềm thơm. Nồi nước cốt lọc của chị nhớn cũng vừa được bắc lên, sôi liu riu bên cạnh. Thầy cời to lửa. Thả bầu vào xoong. Nước sôi, bầu chín tới. Thầy trút chảo cá rim lên miệng nồi canh đang bốc khói. Thả thêm chút gừng băm... Rồi thầy lấy cái muôi nhôm, múc lưng muôi nhỏ đưa lên miệng... chà chà... xuỵt xuỵt... rồi thầy lẩm nhẩm: “Canh bầu cá rô, bà cô khéo nấu, ông cậu khéo tra, ông già tôi khéo nếm”. Tất cả mọi cử động ấy đều được con mắt trẻ nhóc chúng tôi ghi lại một cách sống động bằng cả một trời vị giác nồng nàn.
Cơm trong nồi gang vừa chín tới, bát canh bầu nóng hổi thơm nồng. Thêm một bát cà bát non muối xổi. Ôi cả một trời thương nhớ. Trong lúc đưa miếng trứng cá vàng ruộm đậm đà vào miệng, cái con nhỏ đầu trần, da đen bóng, tóc cháy khét mù là tôi vẫn lởn vởn suy nghĩ: Sao bọn cá rô kia cứ ngược dòng mà tiến, dù chẳng biết cuối con đường ấy có gì?