Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Sân khấu: "Đắt rẻ chuyện đời" của tác giả Trần Phương Hạnh
28/09/2022 12:00:00

 

Nhân vật

Hùng: 35 tuổi (Giáo viên).

Hoa: 30 tuổi (Nhân viên bán hàng).

Bé Huy: 10 tuổi (Con trai Hoa và Hùng).

Chuyện kịch xảy ra tại nhà Hùng. Một gian nhà nhỏ cũ nát, chật chội. Đồ đạc trong nhà được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng, phía ngoài là bộ bàn ghế dùng để tiếp khách, phía trong là bếp...

Bé Huy ngồi nghịch ngợm một số đồ chơi điện tử trên bàn. Hoa lục đục phía trong, lấy bát đũa chuẩn bị dọn cơm.

Hoa: (Vừa dọn cơm vừa quát con) Huy đâu... mau cất đồ chơi, dọn bàn ăn cơm.

Huy: Ứ, con không ăn cơm đâu. Lại rau muống với đậu.

Hoa: (Bê mâm cơm ra, đặt xuống bàn, ngồi cạnh xoa đầu con) Ngoan nào, con trai mẹ ngốc lắm, ăn cơm rau đậu mới tốt. Nào, để mẹ phân tích cho con nghe nhé.

Huy: (Hốt hoảng, bịt chặt hai tai khóc) Con xin mẹ rồi, mẹ tha cho con. Ngày nào mẹ cũng phân tích với lý giải... con đã thuộc lòng bài giảng.

Hoa: Tốt! Con thuộc lòng rồi chứ gì? Vậy hãy giảng lại cho mẹ nghe!

Huy: (Luyến thoắng) Nhà mình nghèo, con phải biết tiết kiệm. Nhà nghèo, ăn cơm rau muống với đậu là tốt nhất. Tránh ngộ độc thực phẩm. Tránh bệnh béo phì ở trẻ em. Rau có nhiều chất sắt và vitamin A...

Hoa: Dừng lại...!

Huy: Có chuyện gì hả mẹ? Sao mẹ bắt con dừng đột ngột như vậy?

Hoa: Con đã thuộc lòng lý thuyết, bây giờ hãy thực hành cho mẹ xem.

Huy: (Hốt hoảng) Ơ... không, không... Con xin mẹ, cho con được nói trước khi ăn.

Hoa: Mẹ sẽ đồng ý sau khi con ăn hết chỗ thức ăn mẹ làm.

Huy: Con muốn được nói trước cơ.

Hoa: Có phải con đang cãi lời mẹ?

Huy: (Khóc oà) Con muốn nói mà mẹ không cho nói. Bố ơi, bố mau về với con... Con cần bố, con yêu bố...!

Hoa: Thôi được rồi, con nín đi, nín đi nào. Con cần gì, muốn gì thì cứ nói với mẹ, thế nhá. Nào con mau nín đi, mẹ sẽ chiều con trai của mẹ.

Huy: Con không muốn ăn!

Hoa: Sao?

Huy: Con buồn lắm, mẹ biết không? Bọn bạn con chúng nó có đủ thứ đồ chơi, đi học lại được bố mẹ cho tiền ăn quà. Còn con, mẹ chẳng bao giờ cho con tiền mua đồ chơi cả. Chỉ có bố thỉnh thoảng mua cho con một số thứ.

Hoa: (Im lặng một lát) Nhà mình nghèo, con không được đua đòi. Thôi, mau ăn cơm rồi còn đi ngủ, 12 giờ rồi.

Huy: Ứ... con đợi bố về ăn cơ.

Hoa: Mẹ bảo có nghe không? Mau bưng bát ăn cơm, lát bố về ăn sau. Ai có việc người ấy lo, con ăn xong đi ngủ chiều còn đi học.

Huy: (Mếu máo) Con không muốn ăn. Con đợi bố về cơ.

Hoa: Thôi con mau ăn đi, con ăn một bát thôi cũng được. Con ăn đi, rồi tối đi chợ về mẹ sẽ mua thịt quay cho. Mau ăn đi con. (Cầm bát cơm đưa cho con).

(Hoa đang dỗ dành con thì Hùng về).

Hùng: (Một tay xách cặp, một tay xách túi đồ, tươi cười) Chào hai mẹ con! Thế nào, sao cu Huy của bố lại khóc nhè thế kia?

Hoa: Anh về rồi à? Mau vào ăn cơm luôn. Gớm, con mong anh mãi. Mà sao hôm nay anh về muộn thế? (Đứng dậy vào bếp lấy thêm bát đũa. Huy từ nãy vẫn ngồi im, buồn thiu).

Hùng: (Tiến lại mâm cơm) Ừ! Hôm nay anh bận chút việc. May quá hai mẹ con chưa ăn cơm. Huy xem bố mua gì cho hai mẹ con đây này. (Giở gói quà ra).

Huy: A... bố mua thịt gà quay. Mẹ ơi bố mua thịt gà quay, mẹ mau ra ăn cơm đi. Bố mua thịt gà quay đây này!

Hoa: Ừ, ừ... mẹ ra ngay đây. (Đi ra, đưa bát đũa cho Hùng) Đây đây, bát của anh đây. Gớm, hôm nay tự dưng anh chơi sang thế? May quá, thằng Huy đang mè nheo mãi không chịu ăn cơm rau với đậu phụ.

Hùng: Thì anh là nhà tâm lý học mà lại. Anh đã biết trước, kiểu gì về nhà thằng Huy cũng đang khóc vì bị em ép cho ăn rau. Cứ thế này, anh sợ sẽ có ngày nó ngộ độc rau đậu của em mất.

Hoa: Anh lại bắt đầu rồi đấy. Tiền không có, không ăn rau thì ăn giời chắc?

Hùng: Đến giời mà phải ăn ngày ba bữa rau của em thì giời cũng ngất.

Hoa: Thôi thôi, không tranh cãi với anh nữa... Mà này, hôm nay không có chuyện gì với anh chứ?

Hùng: Ừ, không.

Hoa: Vậy sao lại mua đồ ăn sang thế?

Hùng: Thì muốn em và con được ăn tươi bữa thôi mà.

Hoa: Nhưng thường ngày anh đâu có như vậy?

Huy: Bố mẹ ơi...! Con đói lắm rồi!

Hùng: À, ừ... đây để bố gắp cho con một miếng nhá. (Gắp một miếng vào bát con) Cả em nữa, ăn nhiều vào nhé! (Gắp một miếng vào bát vợ).

Hoa: Trả lời câu hỏi của em đi đã.

Hùng: Hôm nay anh được lĩnh lương. Với lại, thỉnh thoảng nhà mình cũng phải cải thiện đời sống một tí chứ. Bữa nào cũng cơm rau muống với đậu thì con nó lớn làm sao được. Nhỉ, Huy nhỉ!

Huy: (Ngồm ngoàm trong miệng) Vâng ạ. Bố muôn năm!

Hoa: (Mắng con) Con thì... suốt ngày chỉ lo cho cái bụng, coi chừng thành con gián đấy.

Huy: Ứ, con sợ con gián lắm. Con thành dế mèn phiêu lưu kí cơ.

Hoa: Có mà dế gián.

Hùng: (Cười hạnh phúc) Đấy, em trông con ăn ngon chưa kìa.

Hoa: Nhưng tiền chắc là không ngon anh nhỉ.

Hùng: Ừ thì hôm nay anh có tin vui mà, phải khao cả nhà chứ.

Hoa: Tin vui gì hả anh?

Huy: À thì ra là bố có tin vui nên mới mua thịt quay.

Hùng: Từ tháng sau cơ quan anh được tăng lương.

Hoa: Từ tháng sau... Thế nay anh lấy tiền đâu mà mua thịt?

Hùng: Ừ, thì anh vay tạm đồng nghiệp.

Hoa: Trời đất ơi. Anh vay tiền để mua thịt?

Hùng: Ừ!

Hoa: Tôi đến chết mất thôi.

Hùng: Ơ kìa... em!

Hoa: Thôi được rồi. Thế tháng sau anh được tăng bao nhiêu phần trăm?

Hùng: Mười.

Hoa: Mười phần trăm, cũng tạm.

Hùng: Đời sống vật chất ngày càng nâng cao thì lương của công nhân viên chức cũng phải tăng chứ? Không thì phản khoa học à.

Hoa: Mười phần trăm... Còn công ty em thì chả thấy nói gì, không biết có tăng không? (Chợt buồn).

Hùng: Thôi, ăn đi, ăn đi. Thịt quay ăn nóng mới ngon. (Gắp cho vợ một miếng, cho con một miếng).

Hoa: Anh ăn đi. (Gắp cho chồng).

Hùng: Em cứ mặc anh, mau ăn đi. Hôm nay cả nhà ăn hết chỗ thịt này nhé, không để đến tối đâu, tối lại ăn thứ khác.

Hoa: Chà! Hôm nay ông xã xông xênh ghê nhỉ? Thịt ngon quá!

Hùng: Thế nào, em thấy anh không tồi đấy chứ. Làm việc gì cũng giỏi, kể cả mua thịt.

Hoa: Cũng tạm thôi. Mà anh mua thịt ở đâu thế?

Hùng: Anh mua ở cái quầy ngay ngoài cổng trường ấy. Quầy này chuyên bán các loại thịt quay, nghe nói uy tín lắm nên anh mua thử xem sao. Không ngờ ngon thật.

Huy: Đúng, thịt bố mua ngon lắm, ngon hơn thịt lần trước mẹ mua.

Hoa: Ừ, ai chả biết bố anh giỏi. Chỉ khéo nịnh bố thôi, còn mẹ thì hay mắng, chắc là ghét mẹ lắm nhỉ?

Huy: Mẹ. Không phải đâu. Lúc nào con cũng yêu cả bố và mẹ.

Hoa: Anh mua chỗ thịt này hết bao nhiêu tiền?

Hùng: Úi dào, mua thì ăn hỏi giá làm gì. Thôi hai mẹ con ăn đi, ăn nhiều vào. Mai thèm anh lại mua tiếp.

Hoa: Thịt ngon thế này chắc cũng đắt đấy nhỉ?

Hùng: Đâu có. Bà bán thịt nói, quầy bà thịt vừa ngon nhất, vừa rẻ nhất mà lại cân đủ. Không bao giờ biết cân điêu là gì.

Hoa: Thế chỗ này hết bao nhiêu mà anh bảo rẻ?

Hùng: Ôi dào, có vài trăm bạc mà thịt ngon thế này cũng đáng. (Quay sang Huy) Con mau ăn nữa đi, ăn nhiều thịt thì mới thông minh.

Hoa: Cái gì, anh... anh nói lại tôi nghe xem nào, bao nhiêu ngàn?

Hùng: Sao mình có vẻ ngạc nhiên thế? Chỉ có hai trăm ngàn thôi mà, chỗ này gần cân tư thịt đấy chứ chả ít đâu.

Hoa: Sao? Anh bảo hai trăm ngàn? Cân tư thịt?

Hùng: Ừ!

Hoa: Trời ơi! Thế này có chết tôi không cơ chứ? Thật không thể tưởng tượng được. Ăn thế này có mà ăn chết, anh có biết không? (Buông đũa xuống, ngoảnh mặt đi).

Hùng: Ơ kìa, em làm sao thế? Cả nhà đang ăn vui vẻ... tự dưng lại...?

Hoa: Tôi không nuốt nổi. Thôi, bố con anh ăn hết đi. Thật không thể tưởng tượng nổi... chồng với con, xểnh tí là đem biếu tiền cho thiên hạ cũng chả hay?

Hùng: Cái gì, cô nói cái gì? Ai đem biếu tiền? Hai trăm ngàn gần cân rưỡi thịt tươi, còn gì nữa mà phải cằn nhằn. Người ta còn mua trăm rưỡi một cân kia kìa.

Hoa: Tôi mua thịt chỉ một trăm ngàn đồng một cân mà ngon cũng không kém bao nhiêu.

Hùng: Tóm lại, vẫn không ngon bằng thịt tôi mua.

Huy: Con cũng công nhận thịt bố mua ngon.

Hoa: Cái thằng quỷ sứ này, ăn thì ăn đi, lắm chuyện.

Hùng: Đấy mình thấy không, tôi lúc nào cũng đúng nhé!

Hoa: Vấn đề không phải là ngon hơn hay không, mà là... chỗ thịt này chỉ được sáu lạng là cùng.

Hùng: Hả? Ai bảo là sáu lạng, chính mắt tôi nhìn thấy bà ấy cân cho một cân tư tươi chổng vó. Bà ấy còn bảo, như thế là bà ấy bán vốn cho nhà mình, để lần sau nhớ đến mua.

Hoa: Trời ơi! Vốn với lãi gì cơ chứ, sao anh lại đi tin lời con mẹ hàng buôn. Anh... anh thật là... chẳng biết cái gì cả. Chỉ khổ cho cái thân tôi thôi. Suốt ngày phải lo lắng đủ thứ việc nhỏ, việc lớn. Chẳng bao giờ anh giúp được gì cho tôi, lại còn làm khổ tôi thêm.

Hùng: Cái gì, ai bảo tôi làm khổ cô. Từ trước tới nay có bao giờ tôi đánh đập hành hạ cô. Lúc nào tôi cũng lo lắng quan tâm đến cô. Còn cô thì sao? Tối ngày cô chỉ lao vào tiền, mở miệng ra là tiền, tiền.

Hoa: Phải rồi. Tối ngày tôi chỉ lao vào tiền đấy, mở miệng ra là tôi nhắc đến tiền đấy. Thử hỏi nếu tôi không lo kiếm tiền, không chi li tính toán tiền nong thì cái nhà này sẽ ra sao? Liệu có đủ ngày ba bữa cơm rau mà ăn không?

Hùng: Cô nói thế là có ý gì? Cô tưởng mình cô biết kiếm tiền chắc? Cô tưởng tôi là thằng ăn hại không nuôi nổi gia đình à? Cô nhầm rồi, trong cái nhà này, nếu không có tôi cô sẽ chả làm được gì hết. Tôi mới là trụ cột gia đình. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, thử hỏi tôi không lo thì ai lo? Cô lo được hết chắc?

Hoa: Việc gì? Anh đã làm được gì cho tôi và con? Hay anh chỉ ngày ngày đến cơ quan, trưa tối về ăn cơm. Rồi cuối tháng quẳng cho vợ vài triệu bạc là xong? Như thế mà là lo cho gia đình hả? Rút cuộc từ trước tới giờ anh đã làm được gì cho tôi? Anh nói đi, nói đi! (Khóc).

Hùng: Cô... cô còn khóc lóc cái nỗi gì? Cô im ngay, im ngay. Tôi... thật không thể chịu nổi. Hơi tí là khóc, hơi tí là kể lể, ăn vạ... Cô có im đi không thì bảo. Định để cho hàng xóm người ta nghe người ta cười cho thối mũi đấy hả? Cô có im đi không?

Hoa: Giời ơi là giời. Có ai khổ như tôi không cơ chứ? Suốt ngày tối mặt vào công việc, lo lắng cho người ta, vậy mà người ta nỡ đối xử với tôi như thế này đây. Anh... anh đúng là đồ tồi. Anh đã làm được gì cho tôi, làm được gì cho cái gia đình này mà anh dám lên mặt quát mắng tôi?

Hùng: Cô... cô bảo tôi là đồ tồi? Cô là gì mà dám bảo tôi tồi? Chẳng phải năm xưa, nếu tôi không lo chữa bệnh cho mẹ cô hao tiền tốn của, thì bây giờ tôi đâu đến nỗi phải ngồi ở cái nhà ổ chuột này, để bây giờ nghe cô kể công, làm tình làm tội?

Hoa: À... thì ra bây giờ anh mới lộ cái bộ mặt xấu xa bỉ ổi của anh ra. Thật không còn gì để nói nữa... Thế hàng tháng ai gửi tiền về quê cho em gái anh và mẹ anh? Rồi thỉnh thoảng em anh lên kêu ca không có tiền đóng học. Mẹ anh kêu nhà dột đòi sửa sang, rồi thì chăn nuôi nhưng gặp dịch, gà lợn chết hết bị lỗ vốn... Còn bao nhiêu công to việc lớn nữa. Thỉnh thoảng anh lại về quê xòm xòm, mỗi lần về là quà cáp bao nhiêu thứ... Phải lo cho gia đình anh như thế, thử hỏi không lấy tiền ở cái nhà này thì đào đâu ra? Đi ăn cướp của thiên hạ chắc?

Hùng: Thôi đi! Cô... có im ngay đi không. Tôi cấm cô không được nói về gia đình tôi như thế. Cô đừng quên rằng khi cô lấy tôi, cô chỉ có hai bàn tay trắng, công việc không, nghề nghiệp cũng không nốt. Nếu tôi không xin cho cô một chân bán hàng, thì bây giờ cô đâu có việc làm mà kể lể, cậy này cậy nọ? Mọi việc trong cái nhà này vẫn phải bắt đầu từ tôi mà ra và cô không có quyền xỉ vả lăng mạ tôi, cũng như gia đình tôi. Cô hiểu chưa?

Hoa: Lấy anh bao nhiêu năm mà bây giờ tôi mới biết thì ra anh là con người như thế. Anh là đồ ăn cháo đá bát. Bao nhiêu năm tôi vun vén cho cái gia đình này, lo cho mẹ anh, em anh... Vậy mà bây giờ anh nói với tôi những lời như thế đấy. Thôi được, tôi cũng chẳng cần gì nữa. Tôi mệt mỏi vì gia đình anh lắm rồi. Nếu anh cũng thấy ngán tôi rồi thì anh làm đơn đi. Tôi sẽ kí.

Hùng: Cô... cô thách tôi đấy à?

Hoa: Tôi thách đấy, để xem không có tôi anh làm được gì nào?

Hùng: Thôi đi. Cô im đi. Tôi không cần cô nữa. Cô muốn biến đi đâu thì đi, biến đi cho khuất mắt tôi.

Hoa: Anh... anh dám đuổi tôi ư? Thôi được. Tôi với anh từ nay không còn tình nghĩa chồng vợ gì nữa. Anh hãy viết đơn đi, tôi kí ngay. Tôi không để anh phải mảy may khó xử gì đâu, tôi hết chịu nổi anh rồi. (Chị khóc, vùng vằng lục tủ lấy quần áo nhét vào ba lô. Hùng nhìn theo vợ, thoáng lo sợ... nhưng anh vẫn rất tức giận.)

Hùng: Cô định đi thật à? Cô dám đi à? Cô không coi tôi ra gì nữa phải không? Này thì đi này... đi này...

(Anh giằng lấy ba lô quần áo của vợ vứt quăng ra giữa sàn nhà. Quần áo của Hoa bay lả tả mỗi chiếc một nơi).

Huy: (Sợ hãi tránh ra xa bố mẹ, nép vào khe cửa gào khóc) Thôi, con xin bố. Con xin mẹ. (Những tiếng đập phá la hét của vợ chồng Hùng át cả tiếng kêu khóc của đứa trẻ).

Hùng: (Tiến lại phía mâm cơn, nhìn vào đĩa thịt quay đang ăn dở) Này thì cơm cháo, thịt thà này... Không ăn đi cho xong chuyện còn lắm mồm. Thích nát nhà hả? Thích nát nhà ông cho nát nhà luôn.

Hoa: (Ngồi ngậm ngùi khóc nhìn đám quần áo, bát đĩa đổ vỡ trên sàn. Bỗng cô vùng dậy). Được, để tôi đi. Tôi đi, anh ở một mình cho sung sướng.

Huy: (Từ khe cửa lao ra như bay, ôm chặt lấy mẹ khóc tru tréo) Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con, ... Lần sau con sẽ ăn rau và đậu. Con hứa không bao giờ đòi ăn thịt quay nữa. Mẹ... đừng bỏ con... ở lại với con, đi mẹ...

Hoa: (Đứng lặng trong tay con, dường như chị đang khóc) Chỉ vì đĩa thịt quay thôi ư? Chỉ vì đĩa thịt quay mà gia đình tôi đến nông nỗi này ư?

Huy: (Tiếp tục nói trong tiếng khóc) Con không muốn xa mẹ. Con xin mẹ đừng đi, đừng bỏ con... Từ nay trở đi con sẽ nghe lời mẹ. Con sẽ ăn những món mẹ nấu. Con không đòi mẹ mua thịt gà quay nữa... Mẹ đừng đi đâu, mẹ nhé! Mẹ đi rồi ai sẽ nấu cơm cho con ăn? Ai sẽ tắm cho con hàng ngày...?

Hoa: (Ôm con, khóc) Huy, mẹ thương con lắm... nhưng bố con... bố con đuổi mẹ... thì mẹ sẽ đi! Mẹ cũng là con người chứ đâu phải là con vật mà nuôi thì nuôi, không thích nuôi thì đuổi. Con vật cũng không đến nỗi bị đuổi đi như mẹ... Rốt cuộc thì mẹ là cái gì trong gia đình này, mà người ta thích cho ở thì ở, không thích cho ở thì đuổi đi?

Huy: Mẹ ơi, mẹ đừng đi! (Với Hùng) Bố ơi, bố giữ mẹ ở lại đi bố... Bố ơi, con cần mẹ...! (Hùng nhìn con, mủi lòng).

Hùng: (Với Hoa) Ơ hay... tại em cứ vùng vằng đòi đi chứ anh có đuổi em đâu? Mà em cũng quá lắm. Biết tính anh nóng sao không bao giờ em chịu nhường nhịn anh một tiếng?

Hoa: Sức chịu đựng của con người có hạn anh ạ. Em cũng là con người. (Với Huy) Thôi, con ngoan ở lại với bố, tạm thời bố sẽ lo cho con. Khi nào sắp xếp được chỗ ở ổn định, mẹ sẽ về đón con đi. (Hoa vội vã vơ quần áo nhét vào ba lô, lặng lẽ bước ra. Huy ôm chặt lấy mẹ, khóc lóc tru tréo, lôi tay Hoa lại).

Hùng: (Quay mặt về phía chị, giọng anh trầm xuống) Thế em định đi đâu? Chẳng lẽ em dễ dàng bỏ mặc bố con anh thế sao? Em không thương anh thì cũng phải thương con chứ?

Hoa: Anh muốn đuổi em thì em đi cho anh rảnh nợ. Em đi cho anh vui lòng.

Hùng: Thôi em ạ, đằng nào thì con cũng đã lớn rồi. Tính anh lẽ nào em không hiểu mà còn giận cá chém thớt. Thôi, bỏ qua lỗi lầm, giảng hoà em nhé! Nếu biết sự thể thế này thì anh chẳng mua thịt quay làm gì cho khổ.

Hoa: Thôi, anh đừng nhắc đến thịt nữa. Tất cả cũng chỉ vì nghèo túng nên em mới so đo tính toán như vậy. Là người, ai mà chẳng muốn được ăn ngon, mặc đẹp, sống cuộc sống vui vẻ hạnh phúc.

Hùng: Cuộc sống đầy lo toan vất vả, chúng mình nên dành thời gian yêu thương chăm sóc cho nhau, hơn là cứ suốt ngày cãi vã nhau về những chuyện vặt vãnh thường ngày.

Hoa: Muốn vậy thì đôi khi anh phải nhường nhịn em một chút chứ? Động tí là anh phát khùng lên rồi đập phá hết. Em buồn lắm, làm lụng vất vả mà anh phá sạch chỉ trong chốc lát.

Hùng: Ừ thì anh biết lỗi rồi mà. Em tha thứ cho anh nhé! (Quay xuống khán giả) Thôi, vì con, vì hạnh phúc gia đình, mỗi chúng ta nhường nhau một tí em ạ.

Hoa: Một người không thể xây lên tổ ấm gia đình anh ạ. Chúng ta phải dựa vào nhau mà sống. Sống vì nhau thì mới làm nên hạnh phúc.

Hùng: Ừ, em nói phải đấy. Như vậy là tốt rồi, anh yên tâm rồi. Huy ơi! Thế là mẹ con đã hiểu và tha thứ cho bố. Đúng là trên đời này, không ai hiểu bố bằng mẹ. (Với Hoa) Thôi em còn đứng đó làm gì, mau cất đồ, rồi vào trong nghỉ đi. Để anh quét dọn nhà cho. (Hùng vội vã lấy chổi quét nhà, Hoa đứng lặng, nhìn anh trong giây lát rồi chị cũng xông vào dọn dẹp cùng anh. Bé Huy lại hớn hở tươi cười tiếp tục ngồi chơi mấy đồ điện tử trên bàn...)

Màn!

 
Các tin mới hơn
Ra Giêng(29/03/2024)
Hào khí nước Nam(29/03/2024)
Nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng(29/03/2024)
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Tản văn "Mắt biển" của tác giả Hồ Huy(27/09/2022)
Apsara em(27/09/2022)
Người xưa ơi(23/09/2022)
Truyện ngắn "Bên cánh chim trời" của tác giả Vũ Thị Thanh Hòa(23/09/2022)
Thu sang(22/09/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na