Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Bên cánh chim trời" của tác giả Vũ Thị Thanh Hòa
23/09/2022 12:00:00

 
Minh họa: Tiến Quân 

 

1. Lão Bảnh phóng xe ra đến cổng còn quay lại dặn: “Bẩu mẹ là trưa nay bố không ăn cơm nhà nhé!”. “Vâng, công trình ở Vạn Đôi vẫn chưa xong ạ bố?”. Chưa hỏi dứt câu cái San đã nghe tiếng xe máy của bố nó dừng bên ngõ nhà ông Phi: “Đi thôi chứ ông Phi. Nhớ mang theo đồ nghề đi nhé!”. “Nhớ rồi, quên sao được. Bàn tính kỹ thế rồi còn gì!”. Cô Vận thở dài. Lão Bảnh theo đội thợ xây đi công trình suốt tháng suốt năm. Việc thì có đều đều, chẳng mấy khi ế ẩm, ở nhà ngồi không nhưng đồng tiền mang về cô Vận chả mấy khi biết được mặt mũi nó ra sao. Nghe đồn công sá cũng khá. Bà Thường vợ ông Phi vẫn rỉ tai cô. Mỗi tháng bà ta cũng truy được của chồng đều đặn bảy, tám triệu. Hỏi lão, lão bảo còn để dành tích cóp tiền để phòng đến khi có công to việc nhớn. Công to việc nhớn nào mấy khi đến tay lão nhưng việc đi chợ, sinh hoạt cho cả gia đình thì đều do mình cô Vận lo tất. Tiền lão giấu nhẹm nhưng bực nhất là thu hoạch rau màu được đồng nào kiểu gì lão cũng sấn sổ bắt cô phải chi mua chè thuốc, rượu, bia. Những khoản lão không thể thiếu hàng ngày. Lão đi đâu vợ cũng chẳng được biết nhưng hôm nào cô cũng phải khai báo đầy đủ đi đâu, làm gì, gặp ai. Đến là khó chịu.

Cô Vận vất tạch cái chổi xương xuống đất, đoạn quờ tay vơ đống lá khô rồi ấn vào cái rổ sề bên cạnh. Được một rổ đầy chật lèn. Hai cây vải cạnh bờ tường mùa này trút xuống khối lá. Từng này với lại hai hôm trước nữa là vừa được ngày đun. Cái San có hôm bị mẹ bắt nấu cơm bằng bếp kiềng đun lá thì giãy nảy. Ui, bếp ga mẹ không cho nấu. Đun lá bụi bỏ xừ. Một tay cầm đũa đảo nồi, tay kia dùn lá. Tay nào mà nghỉ ngơi được hở mẹ?. Ôi trời, lá sẵn có trong vườn tội gì không đun. Để lại mất toi tiền ga của tôi à?!. Cô Vận biết thừa. Mọi hôm nấu bếp ga, thời gian chờ nồi canh sôi nồi cá chín thể nào nó cũng rảnh tay vớ cái điện thoại để cày game đào vàng. Hôm trước thấy cô đổ cái rổ lá về sân phơi nó đã lụng bụng. Cô Vận lúi húi nhặt mấy cái lá đậu vương trên luống cà. Chỉ có hơn chục cây cà thôi mà cho bao nhiêu là quả. Cà chua chín đỏ ăn không xuể, cô mang ra chợ ngồi nửa tiếng là hết veo.

Có tiếng chim ríu rít trong lồng gọi bạn. Cô Vận sực nhớ ra mình vẫn chưa lấy nước cho con Nâu. Cô xắn tay áo lấy cái gáo dừa nhoài ra vặn vòi nước. Nước mưa trong bể trong vắt, ngọt lịm. Độ này ít mưa nên mực nước chỉ còn cao hơn vòi một tí, chưa đến lưng. Cái bể nước chuyên để dùng nấu ăn còn giặt giũ nhà cô đã có nước giếng khơi, nước máy. Con Nâu tợp tợp vài ngụm xong vẻ tươi tỉnh hẳn lên, nó rướn người gọi bạn. Lích tích lích tích. Lạ thế chỉ một lát sau lũ sẻ ở đâu kéo về đến gần chục con, rộn cả khu vườn.

- Mẹ thả ra cho chúng tự do bay nhảy. Chứ ở trong lồng thế này chắc nó tù túng đấy mẹ ạ.

- Nó vẫn còn tập tễnh thế kia ra ngoài sẽ dễ bị con Mỡ vồ mất như chơi. Mày chịu khó chăm mẹ con con Nâu thêm một thời gian rồi mở lồng cho nó. Lúc đấy chỉ sợ nó vụt bay ngay chả còn ở nhà mình nữa thì công toi.

Chuyện đấy cái San chả lo. Tuần nay ngày nào cái San cũng vạch từng cái lá rau đi bắt sâu ngoài ruộng cho mẹ con nó. Ruộng ngay sau nhà, ba bước là tới. Đợt này bắp cải đã bắt đầu cuốn tròn xoe thế mà cây nào cũng lỗ chỗ bị sâu ăn. Buổi sáng thức giấc hay chiều tối trước khi ngồi vào mâm cơm nó lại chạy phắt ra ngoài ruộng. Hai sào ruộng một lúc là được cả một vốc đầy chẳng khó khăn gì. Chỉ cần mở cánh cửa lồng, sẻ Nâu cuống quýt há to cái mỏ đớp ngay lấy miếng mồi. Nhưng nó không ăn ngay. Gắp được con mồi nó quay sang mấy cái mỏ đang há to chờ sẵn bón ngay cho mấy đứa con bé bỏng của mình. Ngày đầu khi cô Vận mang mấy mẹ con sẻ Nâu về, ban đầu nó nằm dặt dẹo nom thật tội nghiệp e dè, sợ sệt. Giờ thì mỗi lần nghe tiếng bước chân cái San lại gần là mấy mẹ con mừng rỡ ngó nghiêng, cái chân ríu rít nhảy cẫng từ tầng dưới lên tầng trên. Chị em con Bậu còn cố thò cái mỏ dài qua khe cửa để mổ mổ vào tay cái San bằng được. Lần ấy cô Vận đi chợ về sớm thấy sẻ Nâu bị gãy cánh, vết máu vẫn còn chưa khô đang nằm thoi thóp thở dưới mặt đất, ngay vệ cỏ ven đường. Dẫu bị đau nhưng nó vẫn cố dang rộng đôi cánh che chở cho đàn con. Tổ của con Nâu có lẽ bị kẻ săn mồi bắn rơi từ trên cây bạch đàn gần đấy từ chiều hôm trước. Khi đó dù vết thương đã nặng nhưng nó vẫn nhanh nhẹn lết vào trong bụi mây gần đấy để trốn kẻ thù. Ngay lúc ấy cô Vận quay lại chợ rẽ vào hiệu thuốc mua vỉ kháng sinh về. “Lấy cho mẹ ít gạo, mang chén nước ra đây. Thuốc men vào rồi không biết đến bao giờ vết thương sẽ lành lặn được. Khổ thân chúng quá. Cầu trời lạy Phật!” Cô Vận rầu rĩ. Thấy vợ hơn 7 giờ vẫn còn luẩn quẩn với mấy viên thuốc, giã giã đắp đắp như chăm sóc mấy đứa trẻ gặp nạn, lại nghe vợ xuýt xoa, lão Bảnh tức muốn nổ đom đóm mắt.

- Ôi dào. Cứ làm như con mình không bằng. Có mấy con chim còi mà làm như vớ được con voi con ngựa. Ông thì ông cứ vứt mẹ chúng nó vào bụi giậu bây giờ. Còn không lo dọn cơm cho chồng con ăn mau. Rồi đi làm chứ! Cứ ở nhà là đã thấy bực mình rồi!

Cô Vận đứng dậy. Biết tính lão nên xách luôn cái lồng chim treo ra gốc cây vải cho khuất mắt…

***

2. Tối muộn. Mẹ con cô Vận đợi cơm đến mỏi mắt mới nghe tiếng xe của lão Bảnh về. Lão Bảnh cầm xâu chim quăng lên nóc bể, hất hàm bảo vợ:

- Mẹ mày nhanh tay làm cho tao mấy con này nhé. Tao sang bên nhà Chiêm Vụ làm mấy lít rượu. Lát nữa có mấy ông bạn đến nhâm nhi nữa đấy.

- Ông tha mấy con này ở đâu về thế. Chúng nó gầy gò thế kia có mấy thịt mà các người cũng bắt. Tội quá! Tôi không nỡ làm đâu!

- Á à. To mồm. Bảo làm thì cứ làm đi. Nói nhiều thế làm gì. Rách việc!

Cái San biết bố nóng tính nên đưa mắt nhìn mẹ ra dấu bảo mẹ cứ lặng yên mà làm. Nói nhiều kiểu gì cũng sẽ lôi thôi. Cô Vận không bận tâm đến ánh mắt của cái San, quả quyết. Ông đi mà làm. Có tiền không đưa tôi sang nhà Vụ Chiêm trả nốt mấy lít rượu còn nợ. Tiền bữa trước còn chưa trả. Lấy đâu ra mà mua. Lão Bảnh hậm hực. Mở mồm ra là tiền. Không trả trước thì trả sau chứ có trốn đâu mà sợ. Đây! Tiện thể lần này mua thêm vài lít nữa đổ vào đây cho tôi! Can đây này! Con mẹ này chỉ được cái ngang bướng là không ai bằng!

Cô Vận quay lại nhìn những chú chim đang giãy giụa. Có con mệt mỏi mắt nhắm nghiền, đau đớn với vết thương còn rỉ máu. Cô xót lòng nghĩ đến mẹ con sẻ Nâu. Chúng cũng vừa vượt qua cửa ải sinh tử chưa được bao lâu. May mà đận ấy thoát khỏi mấy tay bợm rượu. Còn mấy chú này làm sao vùng vẫy khỏi số phận đã an bài. Chỉ lát nữa thôi chúng trần mình co ro trên cuộc nhậu trở thành đồ nhắm với những câu chuyện khề khà chêm vào đầy những lời tục tĩu.

“Lão Bảnh và lão Phi mấy bữa nay thôi công trình rồi bà ạ”. “Ơ hay, tôi vẫn thấy sáng lão đi chiều tối mới về đều như vắt chanh là sao?” “Ừ, đi thì vẫn cứ đi. Nhưng là việc khác đấy chứ!” “Thế ư bà? Lạ nhỉ”. Đi qua ngõ, bà Thường chỉ đánh tiếng vỏng vào sân mấy câu rồi vòng ra đồng ngay.

Đúng là lạ thật. Gần đây lão Bảnh ngày đi thì chớ tối về cứ hùng hục như trâu húc bờ. Đến là khỏe. Nói đúng ra cô Vận chỉ làm tròn nghĩa vụ của một người vợ cho đúng nghĩa chứ cũng chẳng phải ham hố gì. Lắm hôm còn thấy người đau mỏi, hơn cả việc phải cắm cúi nhổ mạ ngoài đồng. Vậy nên cô muốn trốn. Hôm nay đến tháng rồi. Để hôm khác đi. Hễ lão đụng vào người là cô nói tránh. Tuổi này còn thòm thèm nỗi gì mà như người đói ăn. Với cô chỉ có thể cảm động nếu được lão yêu thương, quan tâm chăm sóc bằng những việc làm hằng ngày chứ đâu chỉ trên giường. Buổi tối ăn cơm xong miệng vẫn còn ngậm tăm, chén nước chè mới cầm lên chớm môi lão đã gầm ghè đẩy cô vào buồng. Cánh cửa vừa kịp đóng sập sau lưng, lão ấn ngửa cô xuống. Cái gối rơi lão kệ. Cái giường đóng từ dạo mới cưới bị mọt ăn ruỗng cứ rung lên từng chặp, kẽo cà kẽo kẹt. Chỉ khi quần áo đã mặc lên người, cô Vận mới đầu bù tóc rối chạy xộc ra khỏi phòng. Tuần đến ba bốn bận như thế cô phát hãi. “Mẹ mày không đáp ứng được thì đừng trách thằng này. Có đi đâu cũng cấm được kêu ca, than vãn gì. Nghe chửa”.

Cứ chập tối quán bia nhà ả Mùi lại đông khách. Cánh đàn ông không biết thích món rượu nếp nhà ả hay nghiện món nhắm mà bàn nào cũng chật lèn. Khách ra vào mặt mũi tưng bừng, hể hả.

- Này, cô đừng có mà lơi lả với thằng nào đấy nhé. Liệu hồn.

Lão Bảnh nóng mắt khi nhìn ả đàn bà lúc nào đôi mắt cũng lúng liếng miệng cười đon đả mỗi khi khách bước vào. Người đàn bà biết gã đàn ông đang trong men say tình nên cũng biết làm cao:

- Gớm, độc phục vụ mỗi nhà ông mà còn vã mồ hôi ra, thiết gì ai. Mụ nhấm nhẳng. Thế cuối tuần này nhà ông có lo đủ số lượng cho em không. Khách khứa đông cũng chỉ khoái món ấy. Nếu bữa đực bữa cái, hôm có hôm không, thất tín với khách là sớm muộn cũng phải đóng cửa quán như chơi chứ đừng có tưởng.

Làng Gừa từ khi có công ty về mở trên đất quê, nhà nhà khấm khá hẳn. Tường bao xây cao thay cho những giậu râm bụt, giậu cúc tần xanh mướt trước đây. Đám đàn ông, phụ nữ trở thành công nhân lao động đắc lực cho mấy ông chủ người Đài Loan chẳng còn phải quanh năm suốt tháng cắm cúi nắng mưa ngoài đồng. Tối muộn mới thoát khỏi lãnh địa mà cả ngày tỉ mẩn với những chiếc quần bò, áo phông nặng trĩu tay. Nhất là mùa đông toàn những chiếc áo khoác to sụ. Giả dụ nếu có biển thủ mang được về nhà cũng chỉ để ngắm chứ chẳng diện được vì đồ xuất đi châu Âu thì không cần ướm thử cũng biết quần trùm qua đầu, áo dài đến gối. Làm về, cánh đàn ông hẹn nhau đến quán ả Mùi xả hơi. Từ khi nghe gã Nhu cai thầu rỉ tai về cái bí quyết cải thiện bản lĩnh đàn ông, lão Bảnh hăng hái ngay. Có khó gì. Thuở bé lão cùng lũ bạn trẻ trâu vẫn vác súng cao su đi bắn chim cò suốt. Hồi ấy xách được con nào về mẹ lão lại vặt lông đem thui và bỏ vào nồi ăn dè kho mặn. Săn được chim cho quán, nếu nhiều đổ cho các nhà hàng thì lợi cả đôi đường. Giống chim cũng theo mùa. Mùa xuân có chim sẻ, gáy, mùa hè có cuốc, cò, mùa thu là chim ngói còn mùa đông có vịt trời, chim trời với đủ dạng chế biến nướng, xào, hấp, luộc, quay, chả sợ thiếu hàng. Mà thi thoảng lão cũng được tẩm bổ thêm cho “món ấy”. Bài thuốc tăng cường sinh lực bổ dương được khách này truyền tai ông khách kia khiến cho giá cả bỗng dưng được đẩy lên. Món nhắm đắt hàng thì món rượu cũng tốn theo. Ả Mùi tất bật cả ngày, hơi rượu hừng hực trên môi mắt. Nhiều khi khách vừa về khỏi, lão Bảnh thèm muốn đến tê người mà ả còn ỡm ờ vén váy ngồi ngay trên chõng tre ngửa tênh hênh ra đếm tiền.

*****

3. Cô Vận hé mắt nhìn vào trong. Trời tang tảng sáng nên quán chưa bóng người. Cửa khép hờ, ở ngay góc sân là ngổn ngang mấy cái lồng chim. Cạnh đó trên dây thép, mấy chú chim đang giãy giụa, sợ hãi vì bị buộc chặt treo ngược trên cao. Trên bàn, bát đĩa chỏng trơ chưa kịp dọn. Suốt đêm lão Bảnh đi không về. Tối hôm trước nghe điện, lão bảo uống rượu ở nhà người bạn quá chén không về được. Hỏi nhà ai, lão cúp máy luôn. Nghe lời bà Thường chỉ. Cứ đến quán nhà ả Mùi ắt sẽ tìm thấy lão. Cô Vận bán tín bán nghi. Đôi giày đen bị gặm nham nhở trên mũi là “thành tích” hôm trước của con Mỡ, cái quần kaki lão mới tậu về. Và cả cái áo sơ mi kẻ xanh vắt trên cái ghế nhựa kia trước lúc đi cô Vận đã đơm lại cúc cho lão sờ sờ cả trước mắt. Cô Vận giận run người, chân tay bủn rủn. Định bụng sẽ chạy lại mở toang cánh cửa rồi nhảy sổ vào và la toáng lên cho hàng xóm biết, cào cấu nện cho mụ ả kia một trận nên thân cho bẽ mặt anh ả nhưng cô thở dài thất thểu bước ra. Làm thế được gì. Cái San đang ở tuổi cập kê, dù nom nó cũng khá ưa nhìn đấy nhưng biết bố nó thế, còn đứa nào dám đến tìm hiểu rước đi cho nữa.

Tiếng chim lích tích trong vườn làm lòng cô Vận lắng dịu. Nhìn đàn chim ríu rít giữa bãi rau xanh ngăn ngắt trái tim cô như mềm đi. Bây giờ khó mà phân biệt được đâu là sẻ Nâu, đâu là chị em con Kê, con Bậu. Chúng phổng phao, nhanh nhẹn. Ban đầu mới thả cứ nghĩ nó sẽ bay đi ngay ai dè quấn quýt với ân nhân lâu ngày chúng không nỡ rời. Sẻ Nâu ngày nào giờ đã có đông đàn quầy tụ. Mẹ con sẻ Nâu còn gọi được cả bầy ở đâu về. Khoảnh ruộng bên vườn từ lâu đã vui với những tiếng rộn ràng. Ban đầu cô Vận coi chúng là người bạn thân thiết, đáng yêu nhưng sau còn thầm cảm ơn chúng vì từ khi có đàn sẻ Nâu khỏi phải mất công mua hóa chất độc hại về diệt trừ sâu bệnh cho rau trồng, rau nhà cô Vận luôn xanh mướt mà an toàn. Mà ruộng rau cũng đỡ hẳn cỏ nhờ được chúng nhặt hạt. Chẳng cần phải chở rau ra chợ, rau nhà cô cũng cung cấp đủ cho hai quán giữa làng đặt hàng quanh năm. Lũ chim chăm chỉ bắt sâu, nhặt cỏ nên con nào cũng béo mũm lông mượt óng.

Lão Bảnh rảnh rỗi bước ra vườn thì lấy làm thích thú trước đàn chim lạ. Thường ngày lão đâu có để ý vợ con làm những gì, rau màu ra sao. Lão chỉ biết có mỗi việc về đến nhà là ngồi vào mâm và cầm đến chai rượu. Thấy có người lạ đến đàn chim bảo nhau cất cánh bay đi. Lão ngước lên trầm trồ:

- Hay đấy. Không ngờ ở ngay vườn bãi nhà mình. Lúc nào cần là có ngay. Haha!

- Tôi cấm ông nhá. Ông nghĩ gì tưởng tôi không biết à ? Ông đừng có mà hòng bắt được chúng!

- Chim trời mà. Có gì mà không được. Chả nhẽ mẹ mày không muốn chồng khỏe mà lại muốn “chưa đi đến chợ đã hết tiền” sao?

- Tôi chả thiết. Khỏe để lại đi thì thà cứ… triệt cho xong!

Đ.mẹ. Cái thứ đàn bà mà ngu. Lão Bảnh tức giận chửi đổng một câu rồi bỏ về nhà. Bao giờ cũng thế lão cũng chỉ ngó nghiêng như người đi tham quan ngắm cảnh chứ chẳng muốn động tay động chân mó vào việc gì. Không còn rong ruổi theo công trình xa làm gã thợ hồ, mỗi khi về nhà cô Vận nhận thấy sặc mùi sát sinh, ám khí ở nơi lão. Được mấy chục con hôm nay? Có con nào bị gẫy cánh, sứt mỏ không? Cái con dẹo cổ ấy thì bán thế đéo nào được. Ở nhà lúc nào tay lão Bảnh cũng lăm lăm cái điện thoại để trao đổi, giao dịch các thương vụ. Ngoài việc đi lùng mồi cho quán, gã còn nhận ship hàng từ những gã săn khác cho các nhà hàng. Những câu chuyện lão nói ghê rợn hết cả người. Nằm bên lão cô Vận không khỏi rùng mình.

Thu hoạch xong vụ rau cô Vận mệt lả người. Buổi trưa đặt lưng xuống là mắt đã nhắm nghiền, lạc vào giấc mộng. Cô mơ hồ thấy lưng áo mình đẫm mồ hôi, cắm cúi nhặt cỏ bên những luống rau chẳng còn sức sống. Nhặt, nhặt mãi mà cỏ vẫn cứ vổng lên cao dày đặc. Những cây cải úa lá sâu ăn nham nhở, lá lỗ rỗ cả. Đoàng! Giật mình nghe tiếng súng nổ, cô Vận vứt lại rổ cỏ đấy rồi hốt hoảng chạy theo tiếng chim đang thảm thiết gọi bầy. Cả đàn dáo dác như ong vỡ tổ. Mẹ con nhà sẻ Nâu bị bắn rơi như lá rụng rồi bị gom vào nhốt cả trong một cái lồng. Cố bay mà không thoát khỏi tấm lưới khổng lồ đã trùm sẵn. Cô rượt đuổi theo nhưng chân bỗng khựng lại quỵ xuống không chạy theo nổi. Mảnh ruộng trơ lại với những chiếc lông mềm mại rụng bay tơi tả. Những dòng máu tươi rỏ xuống chảy dài trên đồng bãi, sực lên mùi tanh nồng. Sẻ Nâu, Bậu ơi. Đâu cả rồi. Dòng nước mắt âm ấm rơi trên má và tiếng gọi của cái San làm cô thức giấc. Mẹ. Mẹ sao thế?

- Đi, đi ngay ra bãi xem nào!

- Xem gì cơ hở mẹ?

Trời đã ngả chiều. Những cơn gió lành lạnh vờn qua mặt liếm láp trên mái tóc dài được cặp gấp cao làm cô Vận tỉnh hẳn. Cái San ngơ ngác tấp tểnh bước theo. Bãi rau rộng mênh mông chỉ còn trơ màu đất tơi và những gốc cây được phát ngổn ngang trên mặt dõng. Vắng lặng đến tê người. Tiếng chim rộn ràng mọi ngày giờ im bặt. Chúng ở đâu thế nhỉ. Trên cành cao, không còn một con nào ở đó. Cô chạy vào ngồi nhà kho, vén nón và ngước nhìn lên. Chỉ có mái ngói màu gạch sẫm cô đơn không một tiếng lích rích, câu chào. Thế là sao. Có nhẽ nào?

Đi qua chuồng lợn, cô Vận thấy tấm lưới vắt trùm qua nóc. Tấm lưới này là đồ nghề quen thuộc của lão. Hôm nào bước ra khỏi nhà lão cũng điểm danh đủ thứ: tấm lưới chụp, cái đài bé với cái loa như của gã bán toòng teng vẫn dạo khắp làng, một cái cây inox dài và hộp nhựa dính. Mọi khi phơi phong xong lão vẫn hay cẩn thận cất ngay trên gác bếp. Nhìn quanh, xe lão không có nhà. Lão đi mà không mang đồ nghề theo? Chiếc đài bé con nằm lặng im trên tủ làm cô Vận tò mò. Chiếc đài đó có gì mà lão coi như báu vật? Cô Vận nhấn nút “on”. Từ chiếc đài phát ra tiếng chim kêu lích chích. Y hệt như có đàn chim đang ở ngay đây. Hóa ra lão thâu sẵn để hòng làm mồi nhử dụ lũ chim ngây thơ hiền lành? Cô Vận như chợt hiểu ra, vớ vội chiếc xe, đạp lấy đạp để. Đến quán, cô dừng lại thở dốc, máu dồn lên não, hai thái dương giật giật khi nghe rõ tiếng chồng với mụ đàn bà trong đó:

- Ở ngay trong nhà mà lần này ông mới tóm được chúng á?

- Lũ này là của để dành, tóm lúc nào chả được. Chim trời thiếu gì. Chỉ cần cô ới là tôi đáp ứng liền. Kể cả là…

Ăn gì bổ nấy. Mà đợt này chắc chắn có thằng cu rồi. Lão Bảnh buông giọng ỡm ờ khiến ả Mùi thích chí cười híp mắt. Gớm, cái của nợ ấy còn lạ gì. Hóa ra ả và lão đang thoăn thoắt vặt lông chim. Mẹ con sẻ Nâu tội nghiệp trần trụi nằm sấp trên mặt bàn, đầu oặt sang một bên.

- Lũ chim chuột. Thật khốn nạn!

Cô Vận căm tức chỉ tay vào mặt lão. Không ngờ lão trơ trẽn cười khẩy:

- Đằng này đã nói ngay rồi. Không đáp ứng được còn kêu ca gì. Cái dạng đàn bà gầy đét như que củi thế kia thì còn sinh nở làm sao được nữa. Điếc rồi còn vênh váo!

- Này cô! Cô không đẻ được nữa thì để tôi đẻ. Có chồng mà không biết giữ còn kêu ai. Giờ tôi cũng đã có thằng cu rồi đấy. Mà siêu âm nhìn rõ mậm to là đằng khác nhé!

Cô Vận chết lặng. Tiếng cười ha hả đuổi bám sau lưng. Làm thế nào mà cô về được đến nhà cô cũng không biết nữa. Hình như là cô đã để quên chiếc xe ngay ở đó. Cũng có thể là cô được cái San hay ai đó chở về nhà. Nếu không ở được với bố, mẹ dọn ra sống ở khu vườn bãi đi. Mẹ con mình vui buồn có nhau. Mẹ chịu khổ như thế đến bao giờ nữa? Lời của cái San như vỗ về cô lúc này. Cái nhà kho nhỏ cũng kê thêm được một chiếc giường. Mẹ con cô sẽ ngủ tại đây. Cô cầm chiếc chổi bắt đầu quét dọn đám mạng nhện. Bất ngờ, sau đôi quang gánh may mắn còn sót lại chú chim nhỏ nấp trong đó đang run rẩy bước ra. Cô Vận ngạc nhiên mừng rỡ.

Cô mở rộng cánh cửa. Chú chim nhỏ bé đập cánh rồi vút lên không trung giữa nền trời xanh mây trắng… 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Ra Giêng(29/03/2024)
Hào khí nước Nam(29/03/2024)
Nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng(29/03/2024)
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Thu sang(22/09/2022)
Đà Lạt và em (22/09/2022)
Bác là ông Ké bản mình(19/09/2022)
Truyện ngắn "Một ngày vừa chớm Thu..." của tác giả Nguyễn Thị Lê Na(19/09/2022)
Âm nhạc: Nhớ Ninh Giang(31/08/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na