Xuống thôi con, đến nơi rồi.
Nghe tiếng mẹ gọi, Ngọc chợt tỉnh giấc nhấc người khỏi chiếc ghế ô tô. Sau mấy tiếng ngồi trên xe, cô bé thấy ê ẩm cả người. Quê ngoại của Ngọc xa thành phố lắm nên một năm có khi gia đình về thăm quê được có một hai ngày. Lần này về quê, Ngọc sẽ ở lại đây nửa tháng vì bố mẹ phải đi công tác xa. Cô bé chẳng muốn chút nào đâu, về quê vừa chán, ông ngoại lại còn nóng tính nhưng bố mẹ không yên tâm để cô ở nhà một mình. Vừa đến cửa nhà, mẹ đã bảo:
- Vào nhà đi con để mẹ gọi điện báo tin cho bố biết là mẹ con đã đến nhà bà để bố yên tâm.
- Mẹ con cái Ngọc đã về đấy à? Đi đường có mệt không? - Bà ngoại từ trong nhà bước ra, vui vẻ hỏi.
Ngọc và mẹ chào bà rồi mọi người tíu tít đi vào nhà, ông ngoại từ sau vườn cũng đi ra, vừa đi, ông vừa xoa xoa hai bàn tay còn dính chút đất màu. Chào hỏi ông ngoại xong, mẹ đưa Ngọc vào căn phòng mà mẹ từng ở trước đây, giúp cô bé sắp xếp đồ đạc, quần áo. Mẹ căn dặn Ngọc phải ngoan ngoãn, phải nghe lời ông bà. Xong xuôi hết mọi việc, mẹ phải lên đường đi công tác ngay.
Những ngày đầu ở với ông bà đối với Ngọc trôi qua thật dài và nhàm chán, cô bé hết từ trong nhà chạy ra sân rồi lại quay về. Nhà ông bà là một ngôi nhà ba gian cũ, phía trước là một khoảng sân rộng có cái giếng cổ với hàng rào râm bụt, phía sau là khu vườn rất rộng. Ở đây chẳng có mạng, chỉ có một chiếc tivi hộp chiếu đi chiếu lại mấy kênh thời sự. May thay có bà ngoại luôn kể những câu chuyện thật hay và dạy cho Ngọc cách đan len, nấu nướng. Ông ngoại thì luôn chân luôn tay làm việc, hết cuốc đất, tưới cây, rồi nhổ cỏ,... thi thoảng ông lại gắt lên một cái, đạp chân xuống đất khi bực bội điều gì đấy.
Sáng sớm ở nông thôn thật tuyệt, không khí trong lành, phong cảnh yên bình. Ngọc theo bà ra sau vườn xem những quả xoài, quả mít. Vườn nhà bà có đủ loại cây trái, đủ loại rau, trong vườn còn có một cây bằng lăng rất đẹp. Ông ngoại vẫn miệt mài chăm sóc vườn cây.
- Để cháu giúp ông cho. - Ngọc vội nói khi nhìn thấy ông tưới cây. Ông đưa luôn bình tưới cho Ngọc.
- Tưới cao cao lên một chút. - Ông gằn giọng nói rồi quay đi cuốc đất.
Từ hôm ấy, sáng nào Ngọc cũng giúp ông tưới cây, rồi cả xới đất và nhặt cỏ nữa. Chốc chốc ông lại nhắc:
- Xới đất mạnh tay vào!
- Nhổ hết cả gốc nữa!,...
Ngọc cũng dần quen, cô bé thấy công việc này rất vui, mặc dù thỉnh thoảng vẫn bị ông mắng. Kể ra không phải lúc nào ông cũng nóng tính. Chứ như đợt trước mẹ quên đóng cửa chuồng gà làm mất một con gà mái, ông tức giận mắng lên mắng xuống, thúc cả nhà đi tìm gà. Hay cái lần bà không để ý dẫm chân vào luống rau cải ông vừa gieo hạt, trông vẻ mặt ông lúc ấy rất đáng sợ.
Hôm ấy, sau khi nhổ hết cỏ ở chỗ luống rau muống, ông ngoại sai Ngọc ra đằng sau nhà lấy cho ông cái túi hạt giống. Ngọc liền chạy một mạch ra sau, hấp tấp nhảy lên bậc cửa. Choảng.... Ôi, thôi xong! Chậu cây của ông... vỡ rồi. Vì không chú ý mà Ngọc đã vấp vào cái ghế rồi ngã đè lên chậu cây. Chậu cây vỡ ra thành từng mảnh, chân của Ngọc cũng bị một vệt máu dài do mảnh vỡ cứa vào. Lúc này cô hoảng lắm, không phải vì đau, vì chảy máu mà cô bé đã làm vỡ chậu cây ông ngoại thích nhất. Bà ngoại kể ông ngoại thích cái chậu cây này lâu rồi mà phải nài nỉ mấy tháng người ta mới bán cho. Hôm nay ông để chậu cây ra ngoài cho cây tắm nắng.
- Cái gì mà ồn ào thế? - Ông ngoại từ vườn đi vào hỏi. Mặt Ngọc tái mét đi vì sợ, cô bé từ từ ngẩng mặt lên nhìn ông. Ông ngoại không nói gì, mắt đăm đăm nhìn vào chậu cây, mặt ông đỏ ửng cả lên, tay nắm chặt. Ngọc biết ông đang rất tức giận, cô bé run rẩy, lắp bắp:
- Cháu... cháu... xin lỗi... lỗi... ông!
Bà ngoại từ xa cũng chạy vào, đỡ Ngọc dậy. Ông ngoại không nói câu gì mà bỏ đi. Ngọc vẫn chưa hoàn hồn, đứng yên tại chỗ mắt nhìn chậu cây mặc cho máu chảy. Bà đưa Ngọc vào nhà, rửa vết thương cho cô rồi lấy một cái khăn sạch băng lại, bà an ủi:
- Cháu đừng lo! Đừng có khóc, ông ngoại thương cháu lắm. Ông không giận cháu đâu.
Cả chiều hôm ấy ông ngoại không về, Ngọc lo lắm. Cô bé cứ một lúc lại chạy ra cổng ngóng ông. “Hay là ông không về nữa? Ông đợi mình đi rồi mới về?...” một suy nghĩ thoáng qua trong đầu Ngọc. Cô bé cảm thấy có lỗi lắm, cô xin bà keo dán rồi ngồi ghép từng mảnh vỡ lại, trong lòng mong sao ông về sớm. Đã quá 7 giờ tối rồi mà ông chưa về, Ngọc như sắp khóc. Và tối muộn thì ông ngoại đã về, trên tay cầm một túi đồ. Ông đưa túi đồ ấy cho bà ngoại, trong túi ấy là cồn, băng gạc, thuốc. Bà ngạc nhiên lắm, ngơ ngác định hỏi thì ông nói:
- Băng lại cho nó chứ để thế kia thì nhiễm trùng chết. Có kháng sinh nữa đấy, bà cho nó uống theo đơn nhé! Tôi không ăn cơm đâu, bà dọn mâm đi.
Nói rồi ông vào phòng nghỉ ngơi. Hoá ra cả chiều ông đi bộ hơn chục cây số lên huyện để mua thuốc cho Ngọc. Ngọc vừa bất ngờ vừa thương ông, cô bé muốn cảm ơn ông lắm nhưng không biết mở lời ra sao. Cả đêm hôm ấy, Ngọc trằn trọc không ngủ được.
Từ ngày hôm ấy, Ngọc trò chuyện và giúp đỡ ông nhiều hơn. Nhưng ông ngoại cũng từ ngày hôm ấy lại lộ ra sự mệt mỏi hơn. Lưng của ông thường xuyên đau nhức, cơ thể cũng dễ thấm mệt hơn. Chắc có lẽ vì ông đã đi bộ lâu dưới thời tiết nắng nóng. Hôm ấy, ông không ra chăm vườn sớm như mọi ngày nữa, bà bảo ông ốm rồi. Nhưng ông vẫn khăng khăng phủ nhận và đứng dậy ra vườn. Mấy ngày tiếp theo, tình trạng của ông lại càng nặng hơn, bà muốn đưa ông lên viện, ông từ chối liền. Thế nhưng, ông chẳng thể nhấc lưng ra khỏi giường được nữa. Biết tin, bố mẹ Ngọc cũng thu xếp công việc về sớm hơn, biết tính ông bố mẹ cũng mời cả bác sĩ đến nhà. Bác sĩ khám sức khoẻ cho ông nói không có gì nghiêm trọng, căn dặn cả nhà phải cho ông uống thuốc đầy đủ, không cho ông làm việc nặng. Bố mẹ Ngọc cũng ở lại nhà ông bà vài ngày để theo dõi tình hình của ông.
- Chúng mày có việc thì cứ về trước đi, ở lại đây làm gì. Mấy ngày nữa là tao lại khỏi ngay ấy mà, bệnh tuổi già thôi. - Ông ngoại lớn giọng nói với bố mẹ Ngọc. Mấy ngày trôi qua, ông ngoại đã khoẻ hơn, gia đình Ngọc cũng thu dọn đồ chuẩn bị về lại thành phố. Trước khi về, Ngọc đã ôm chầm lấy bà ngoại thật lâu. Bà tiễn cả nhà ra đến cửa, còn ông thì vẫn ngồi trong nhà. Lên xe, Ngọc ngoái đầu nhìn lại bà ngoại thật lâu, rồi nhìn ngắm ngôi nhà nhỏ. Bỗng, một bóng người từ từ bước ra đứng bên bà ngoại. Đó là ông ngoại. Ngọc thấy mặt ông thật buồn, dõi nhìn theo chiếc xe. Câu nói của bà ngoại lúc này cứ văng vẳng bên tai Ngọc “Ông ngoại thương cháu lắm”.