Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Một cõi đời luẩn quẩn" của tác giả Hoàng Thụy Anh
05/10/2022 12:00:00

Thế giới hiện thực dưới ngòi bút của Nguyễn Bình Phương là thế giới “thậm phồn”, được cơi nới mọi chiều kích, tận cùng và vô cùng. Ở đó, cái tôi đa bản thể - đời sống của hiện thực tinh thần, chảy trôi, chênh vênh trong vũ điệu bất tín, ngổn ngang thật giả, đúng sai, thực ảo. Một “cõi đời lẩn quẩn” cứ đi về trong các tiểu thuyết của ông, giao thoa trong cái nhìn nhân văn nhưng luôn chuyển động riêng khác và mới mẻ. Một ví dụ xoàng(*), cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Hội Nhà văn cuối năm 2021, là một minh chứng.

 

1. Sự mời gọi của các phạm trù đối lập

Nguyễn Văn Sang học hành tử tế, làm tiến sĩ ở Liên Xô, về làm nghề dạy học, không đủ trang trải cuộc sống, vợ thì bỏ theo trai, mong có cái tết ấm áp anh đã đánh liều cú chót buôn 4 cân chè Đại Từ về Thái Nguyên, nhưng vô tình bắn chết quân nhân nên anh đã bị kết án tử hình chỉ trong vòng hơn một tháng. Sau này, một trong hai người con trai của Sang đã phỏng vấn, ghi âm lại những người có liên quan đến cuộc đời và cái chết của bố mình. Chuyện cuộc đời Sang và xử bắn Sang chẳng có gì là lạ. Nói như Chánh án tòa án tối cao, đó chỉ là một ví dụ xoàng, một án tử hình trong vô vàn án tử hình. Ấy vậy mà, trong tay Nguyễn Bình Phương, một nhà văn vốn nổi tiếng với sự chăm chút, nghiêm túc từng chi tiết, cái chết của Sang không hề xoàng xĩnh chút nào bởi sự đan bện, va quệt của vô vàn câu chuyện, kiếp sống và nhân sinh. Sang trở thành cái trục chính, làm nền cho sự bất ổn, thoái hóa của cuộc sống “đâm chồi nẩy lộc”.

Truy tìm về cuộc đời và cái chết của Sang, các vấn đề của đạo đức, truyền thống giữa tốt - xấu, thiện - ác, đúng - sai, hay - dở, luân lí - loạn luân, phẩm hạnh - mất trinh tiết, chung thủy - ngoại tình,… được Nguyễn Bình Phương đưa ra phán xét lại, đặt chúng đúng vị trí mà chúng hiện tồn. Nhà văn bới những cuộc đời lên ở nhiều giác độ: trực tiếp - gián tiếp, chủ quan - khách quan, gần - xa… rồi lật trần bản chất thông qua sự bổ trợ, phản biện, đối cực. Sự sinh động của mỗi lời kể, lúc đổi tráo ngôi, lúc đối thoại, lúc chỉ là những lời độc thoại,… đã gắn vào cuộc đời Sang những yếu tố vừa thực vừa ảo, đầy bí ẩn, mời gọi. Ánh sáng và bóng tối cuộc đời Sang theo đó cũng làm cho các phạm trù đối lập liên tục chuyển đổi, khó có thể tìm ra căn nguyên, chân lí, kết quả cuối cùng. Mỗi người là một mảnh ghép tạo nên bức tranh điển hình cho cõi người méo mó, kì dị. Hơn nữa, vì chỉ là các mảnh ghép nên cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Bình Phương cũng tuân thủ theo nguyên tắc truy tìm mảnh ghép. Sự chồng lấn các ngôi kể xưng tôi đã phản bác lại cách xây dựng nhân vật theo lối cũ. Nhìn vào, ai cũng quen mà lạ. Người đọc căn cứ vào các mảnh ghép nhỏ, các đường xương cá mà nhận diện nhân vật. Nguyễn Bình Phương không can thiệp vào, ông để mỗi nhân vật là một chủ thể, xác lập nên một thế giới đa thanh, nhiều bè, nhiều giọng.

Trong sự đối thoại không có hồi kết giữa cái tốt với cái xấu, cái thiện với các ác, Nguyễn Bình Phương vẫn chậm rãi kể chuyện như cách mà ông đã kể trong cuốn tiểu thuyết gần đây - Kể xong rồi đi. Một ví dụ xoàng. Kể xong rồi đi, để lại mặt bằng bừa bộn, rỗng tuếch đạo đức, người đọc tự chắp nối, lượm vá, tự giải đáp những bất thường. Chỉ khi người đọc giải mã được giá trị của tác phẩm lúc đó người đọc mới thấy được ý nghĩa của sự cào bằng đối thoại: đặt mọi hệ giá trị lên một bàn cân, sự nặng lại không thuộc về bên nào, mà nó thuộc về ý-thức-làm-người - cái nhân vị hằng trường ẩn nấp này sẽ trồi lên khi lương tâm được đánh thức. Cái nhân vị hằng trường được Nguyễn Bình Phương giấu nhẹm trong tận cùng của sự đổ vỡ, phi lí. Mặt bằng là sự đối thoại “trơ trẽn” giữa các thể loại người nhưng bề sâu là nền tảng đạo đức, nhân phẩm. Nhân vật khách - con trai của Sang, đi tìm lại vết dấu của người bố mà thuở nhỏ anh chưa thể cảm nhận được ngoài cái hôm dặn dò bố đi thì nhớ mang theo khẩu súng cho oai, qua cái máy ghi âm của anh, bao tính cách, phận người được bày ra. Lúc này, cái máy ghi âm tồn tại như một con người, một nhân chứng góp phần hoàn thiện những mảnh ghép của cuộc sống. Người đọc men theo đó mà quán chiếu mà ngẫm ngợi mà thức tỉnh mà chua xót mà đắng cay.

2. Tiếng nói của quá nhiều nhân cách

Các nhân vật của Nguyễn Bình Phương thường hiện lên với đầy đủ góc cạnh, diện mạo thông qua sự phức hợp của nhiều điểm nhìn. Nhân vật này kể, phán xét nhân vật kia, các tổ hợp điểm nhìn liên tục vặn xoắn vào nhau và phơi lên những gì đã và đang hiện hữu. Thế giới nội tâm, thân phận, tình yêu, lẽ sống,… được lần lượt khám phá, lật trở, không có kết quả cuối cùng mà chỉ có những đối thoại lúc tương hỗ lúc đối kháng lúc đồng thuận lúc phản biện. Mỗi nhân vật mang trong mình hơn một/nhiều nhân cách tạo nên một hiện thực chông chênh, hỗn loạn, phức tạp, đầy phi lý.

Sang đã có lần tâm sự với Quyết: “…gia đình giống cốc nước đầy, ai khéo lắm cũng chỉ giữ được một quãng, trước sau rồi cũng sánh đổ” [tr.74]. Quả đúng vậy, sự thối nát, mục rữa đến từ bên trong. Cái thành trì máu mủ vững bền của gia đình đã bị đồng tiền và danh lợi thao túng. Tình cảm vợ chồng cũng bị chi phối bởi đồng tiền, vì mấy cục vàng mà chủ cửa hàng sẵn sàng đẩy vợ mình vào cửa ngõ của sự bán thân. Vì tiền, vì cái nhà mà Vân - cô con dâu cả, tìm mọi cách phủ dụ lão Chính - bố chồng, bất chấp mối quan hệ loạn luân. Cũng vì tiền mà vợ của Sang đã bỏ theo người đàn ông khác… Chị gái Uyên một lần đến nhà chơi đã dặn Uyên: “Nhà rộng thì lạnh, cố mà giữ cho nó ấm áp” [tr.16]. Một người như Uyên, đã từng khiến đời Sang vơi bớt cô lẻ, nhưng cũng bị vấy bẩn, đổi thay bởi cuộc đời. Uyên giữ ấm áp ngôi nhà bằng cách mất đi một người đàn ông thì bù đắp vào một người đàn ông khác. Cái sự vờn nhau giữa ông Chính và bà Uyên như đẩy mọi sự tha hóa lên đến đỉnh điểm: “Người quỷ quái, kẻ hung hăng, họ sinh động lạ thường, cụm vào nhau, xô dạt ra, vờn vẽo như hình ảnh trong cái đèn kéo quân. Ông Chính lồng lộn trên ghế, còn bà Uyên xoay mòng mòng quanh ông ta như con mèo xoay vờn con mồi. Hai cánh tay khẳng khiu của ông Chính lần mò quanh eo, mông và ngực của bà Uyên…” [tr.92].

Như vậy, vì nhục dục mà lão Chính vờn luôn cả hai cô con dâu, vì vàng mà giết luôn người bạn của mình. Bản tính thú - người của lão Chính đã kéo theo những hệ lụy buồn đau: cả gia đình què quặt, dị dạng tâm hồn, đều sống kiếp người không ra người, ngợm không ra ngợm. Những cử chỉ, lời nói thản nhiên, tỉnh queo đến rợn người túa ra từ những thành viên trong gia đình lão Chính dưới dạng đối thoại phản đối thoại: “Ông anh tôi đi vừa khéo” (lời Quyết nói với Uyên), “Nhân quả đấy” (lời Uyên nói với lão Chính), “Ừ, nhân quả đấy” (lời lão Chính đáp trả),… Dạng đối thoại không nhằm vào câu chuyện đang nói, không có mối liên hệ giữa người nói và người nghe nhưng nó gián tiếp bộc lộ bản chất của nhân vật. Sự không bình thường về tâm lí lẫn cử chỉ, hành động của gia đình lão Chính chính là phiên bản, là lát cắt thu nhỏ của xã hội hỗn độn bi hài. Những câu chuyện rời rạc, đứt đoạn giữa xưa - nay, quá khứ - hiện tại, cõi sống - cõi chết,… trong Một ví dụ xoàng được Nguyễn Bình Phương thu về một mối - ấy là sự đi vắng của tình người.

Các nhân vật có mặt trong Một ví dụ xoàng cũng làm nên những ví dụ xoàng. Họ sống, lật tẩy và đối ứng nhau trong sự tha hóa, nhốn nháo của cuộc thế. Người này là bản mặt của người kia và ngược lại. Kẻ được coi là đại diện cho pháp luật như Chánh án tòa án tối cao, đại diện cho trọng trách là phó chủ tịch thành phố, là trưởng phòng tổ chức,… lại tráo trở, vì chỗ ngồi, vì đồng tiền mặc kệ sự suy kiệt, khiếm khuyết của lương tâm. Những người cọ xát trong môi trường giáo dục - là đồng nghiệp của Sang, nhưng cái sự ghen thua, đố kị chưa bao giờ ngưng. Trong câu chuyện về Sang, họ tự diễn xướng luôn cái khoảng trống tâm hồn, một mảnh vỡ hiện thực tinh thần không thể cứu vãn: “Giống ông bạn này, tôi thương quá đi chứ, học tiến sĩ mà trở thành sát nhân… Nhưng rõ ràng đấy là cái kết do tay đó nó chọn. Như bọn tôi, cụ thể là hai anh em chúng tôi ngồi đây, xuất phát điểm thấp hơn tay đó, có may mắn được đào tạo ở tây ở tầu gì đâu, có của nả gì hơn tay ấy đâu, rồi kết thúc cũng giáo sư cả, cũng sống cả, không ai chết đói. Vấn đề là cách đi. Đi sao cho có ý, có tứ mà vẫn đến đích, chứ gãy đổ ngang chừng thì vinh quang gì. Vểnh tiếp” [tr.97]. Ông Chính sống thủ đoạn, toan tính, vì cái chức quyền mà sẵn sàng táng tận lương tâm giết chết kiểm lâm Ngạc. Để rồi cái giá đắt là Bằng, con trai ông Chính bị tháo khớp chân, hai mắt như bị chọc nát ra, máu me giàn giụa, y như lúc lão giết Ngạc. Ngay cả việc ông trưởng phòng tổ chức căn ke, sợ bị liên lụy, phải dặn dò khách - con trai của Sang: “Nhưng này, chỗ nào tôi nói hơi quá thì đồng chí phải cắt bỏ đi nhé, ừ, đúng rồi, dứt khoát phải bỏ đi, tuyệt đối không được lưu lại tí ti gì, nhớ đấy. Chờ mai kia tôi hết tuổi tham gia sinh hoạt đảng rồi, nếu muốn thì cứ quay lại đây, lúc ấy tôi nói cho thoải mái, không phải ý tứ gì hết” [tr.175]. Ấy là kiểu chết khi đang sống.

Ai sinh ra cũng có sứ mệnh riêng. Sang là tiến sĩ thì đáng nhẽ Sang phải đi dạy chứ! Đằng này Sang đi buôn. Đời nó thế, cứ sai vị trí là lệch hướng thôi! Để dằn mặt cho những kẻ sai vị trí đương nhiên phải có kẻ đầu tiên chấp nhận là một-ví-dụ-xoàng. Vì thế, giữa bộn bề, nhặng xị ấy, cái chết của Sang vô tình lại có giá trị. Cái chết của Sang tưởng xoàng mà chẳng xoàng chút nào, vì cái chết này đẻ ra nhiều cái chết khác, cái chết từ trung ương đến tỉnh, tỉnh xuống phố, phố xuống xã.

Trong Một ví dụ xoàng, mọi thứ đều đi ngược với quy chuẩn đạo đức. Những ngọt nhạt, đấu đá với nhau chỉ để tìm cách ngoi lên, khẳng định sự tồn tại mặc kệ cú đạp của mình có thể làm nguy hại đến người khác. Sợi dây đi giữa thiện và ác, tốt và xấu quá mỏng manh. Câu chuyện được mở ra vô biên. Lớp chuyện này chồng lên lớp chuyện khác. Các đường xương cá như một ma trận cuốn người đọc vào nhá nhem tối sáng. Lời của bà Vân, vợ ông Công, chị dâu của Uyên như nói hết hệ lụy của sự thấu thị, chiếu ứng của những con người trên canh bạc cuộc đời: “Nhà nào cũng có một cái hố xí, người nào rồi cũng có một bãi cứt trong lòng, lọ mọ bới ra làm gì cho nó bốc mùi hả con” [tr.116].

3. Hiệu ứng của song trùng kết cấu

Một ví dụ xoàng có kết cấu tiểu thuyết - thơ, một kết cấu khá quen thuộc trong nhiều tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Ngoài việc đưa vào các đoạn thơ của mình (xen kẽ 5 đoạn dài, ngắn), nhiều trang văn của ông vẫn thấm đẫm chất thơ. Ví dụ ở phần 1, đoạn 1: “Sẽ tìm lại, nhất định sẽ tìm/ trong hỗn loạn mồ hôi và máu/ vàng của trời hay của mình anh/ vàng gầm lên giọng vàng/ vàng rú/ vàng tung bay rồi gieo mình xuống đó/ cả trái tim với quả cật gieo cùng/ lòng tốt gieo/ chỉ còn lại cơn mê/ lộng lẫy bước ra từ bộ não phù nề/ từ cơm trắng trộn tương lai mù mịt/ nhưng ai đó thì thầm đừng hít/ hãy thật chậm quay đầu tìm lại…”[tr.11], nhà văn đã đưa vào ngôn ngữ, tiếng nói của một nhân vật khác - đó là VÀNG, nhằm dự báo những nước mắt, những bi kịch sắp diễn ra trong thế giới và nhân sinh khi con người bị giá trị vật chất thâu tóm, điều hành. Ở đoạn 7 (phần 1), nhà văn đưa vào tiếng nói khác, tiếng nói độc lập, trực tiếp đối thoại với linh hồn của Bằng và đối thoại với người đọc: “hồn ơi vĩnh quyết đừng quay lại/ đừng nhìn lấm láp đoạn trần ai” [tr.37]. Hay phần hai, đoạn “Gặp những người bọn họ”, có câu “Dân Linh Sơn thuở ấy/ giờ chỉ còn hai đứa bọn mình/ hãy thận trọng sống mà nhớ lấy/ không được ngừng thương mến lẫn nhau” [tr.90-91]. Có thể xem hai đoạn chêm xen thơ này như là sự ngân lên của vết thương, của khổ đau. Chỉ khi rơi vào tột cùng của bi kịch, là con rối của cuộc đời, con người mới hiểu được giá trị của trải nghiệm sống. Vậy, ở góc độ này, các đoạn thơ đã hòa hợp với cái bề sâu của Một ví dụ xoàng, làm rõ một cõi đời láo nháo, ô hợp, bất khả giải, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra một bè khác, đó là bè của những thân phận cô đơn, trống rỗng, lạc loài. Cái sự cô đơn, trống rỗng, lạc loài ấy còn kéo dài miên viễn, ngay cả ở kiếp sau.

Làm nổi rõ hành trình dằng dặc của kiếp người còn có sự tham gia của những đoạn văn giàu chất thơ. Những đoạn văn giàu chất thơ của Nguyễn Bình Phương thường gắn với việc miêu tả hình ảnh thiên nhiên: “Cả bầu trời giống như một chậu xà phòng sủi bọt. Mỗi khi gió ào qua, những cơn gió đầy ngẫu hứng, quầng xà phòng ấy lay động nhòa đi, các đốm trăng chực dan díu vào nhau, nhưng rồi vẫn không thể kết dính thành mảng, mà cứ li ti trong nỗi mong manh rã rời” [tr.93]; “Từ dệ cỏ bờ trái, những lời thoang thoảng, hỗn độn được gió mang vượt lên khỏi mặt sông Cầu đang đầm đậm nhuốm ánh tà dương. Âm thanh se se vón ướt kết thành đám mây rùng rình trên nóc thành phố. Quầng mây dần loang ra, che phủ một phần bầu trời của tỉnh Thái Nguyên, sau đó tiếp tục nhẩn nha lấn sang các vùng lân cận, để rồi cuối cùng bao trùm lấy toàn bộ miền Bắc” [tr.203]… Không gian thiên nhiên không còn xuất hiện bình thường như vẻ đẹp vốn có của nó mà đã ẩn chứa không gian tâm trạng của con người bởi sự tham dự của chuỗi hành động: sủi, ào, lay động, nhòa, dan díu, rã rời, hỗn độn, vón, kết, loang, rùng rình…; chuỗi tính từ: li ti, mong manh, nhẩn nha,… Bản chất tự nhiên của thiên nhiên vốn dĩ đồng dạng với bản chất tự nhiên của con người, cho nên, những kì dị, bất ổn của thiên nhiên trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng là hiện thân những kì dị, bất ổn của con người. Những kì dị, bất ổn của thiên nhiên còn là một không gian thu nhỏ của xã hội.

Tạo ra điểm song trùng về kết cấu tiểu thuyết - thơ (chất thơ), Nguyễn Bình Phương đã thể hiện rõ nét ý đồ nghệ thuật của mình: không gian thiên nhiên cũng chính là không gian tâm trạng, ẩn chứa những giá trị sâu xa, khái quát.

Không gian trong văn của Nguyễn Bình Phương đậm yếu tố huyền ảo, kì bí và ma mị. Đó là không gian đi về giữa hư và thực, âm và dương, vô thức và ý thức… Chi tiết những nét vẩy trên người thằng cu Vẩy (Sang), lão Chính cứ đến ngày rằm là mơ “thấy cái đầu cành khô”, hay sự song trùng bất ngờ giữa hiện tượng thiên nhiên với hoàn cảnh, tình huống của Sang như bầu trời nứt ra, hạt mưa bằng tép tỏi, nước có màu hồng tươi,… không là những nốt nhạc chói tai, rời rạc, ngược lại, gợi cho người đọc cảm giác có một điều gì đó khác lạ, phi lý đang diễn ra trong cuộc sống. Những điều kì dị này đã giúp Nguyễn Bình Phương khai thác sâu hơn và giải mã được các góc khuất của thế giới tâm hồn cũng như thiết lập một thế giới đa chiều. Với Sang, những nét vẩy quái dị này như một kết cấu ngầm ẩn chứa những điều bất trắc đang chờ đợi phía trước. Sang dù có chống chọi đến mấy cũng không tránh khỏi sợi dây nanh nọc mà cuộc đời giăng ra. Song nét vẩy này đâu chỉ riêng mình Sang có, khác chăng, nét vẩy của Sang mọc ra bên ngoài, nét vẩy hiện hữu, còn nét vẩy của người khác lại quắm vào bên trong, nét vẩy u mê. Nét vẩy bên trong mới là nét vẩy đáng sợ, cần vứt đi, biến mất. Nhưng cuộc đời luôn bỡn cợt, trêu ngươi, đảo lộn hết thảy giá trị, biến cái có thành không, biến không thành có. Hay chuyện lão Chính “cứ đến ngày rằm là ta lại mơ thấy cái đầu cành khô kia nhẩn nha, kiên nhẫn, kiên nhẫn đến mức khiến ta ngứa ran da thịt, dứ dứ chọc vào mắt ai đó rất quen, nhưng chắc chắn không phải mắt ta. Kẻ viết đơn nặc danh ấy làm sao biết được mọi thứ bên trong bóng tối. Còn ta, ta biết trong bóng tối cần phải có những gì và chỉ nên nhìn thấy những gì ở nó” [tr.34] có giá trị như là lời hồi đáp của luật nhân quả. Bằng - con trai lão Chính phải gánh cái quả mà lão đã gây nên. Ám ảnh của giấc mơ chính là sự trừng phạt. Nguyễn Bình Phương đã hữu hình hóa giấc mơ, biến giấc mơ thành công cụ phán xét sự tha hóa, biến chất của con người. Có thể nói, vận dụng một số yếu tố kì ảo đã giúp Nguyễn Bình Phương nối liền cấu trúc tác phẩm, lúc dồn nén lúc giãn nở về mặt không gian - thời gian, điểm nhìn bên trong - điểm nhìn bên ngoài, cõi sống - cõi chết, hiện thực - kì ảo,… mang đến cho người đọc cách tiếp cận hiện thực phong phú.

*

Nguyễn Bình Phương viết cái gì cũng ra tấm ra món. Khoản nào cũng hấp dẫn, ấn tượng. Ông không đao to búa lớn, xoáy vào trung tâm mà thường bám vào cái ngoại vi, mượn cái ngoại vi đả phá, giải trung tâm. Ở góc nhìn bên lề, ở góc nhìn hẹp, góc nhìn từ gia đình lão Chính, ông nới rộng ra vô biên, đó là các vấn đề về chiến tranh, chính trị, pháp luật, văn hóa, giáo dục, đạo đức, tình dục,… Tất cả đều vận động, châu tuần trong kĩ thuật “đảo thuật”, đánh tráo không thời gian, ngôi kể, điểm nhìn nhưng vẫn đảm bảo được tính hệ thống, liên tục của sự hỗn độn, gợi mở, không hoàn kết: “Trong cái đầu lồ chồ hóc hiểm kia còn muôn vàn những câu chuyện phấp phỏng chờ đợi đến lượt mình. Muốn chuyện khác lên tiếng thì chuyện này cần dừng lại, dứt khoát phải dừng lại” [tr.202]. Đấy là cái bình thường, tự nhiên nhưng đầy bất ổn, nghịch lí của cuộc đời mà Một ví dụ xoàng gửi gắm.

--------------

(*). Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, Nxb Hội Nhà văn, 2021.

 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Kiến trúc: "Tìm hiểu về kiến trúc hiện đại và nguyên tắc thiết kế" của tác giả KT(04/10/2022)
Đọc sách hội viên: "Thế giới thần tiên" (Đọc tập truyện thiếu nhi “Cây gạo cõng mặt trời” Nguyễn Thu Hằng, NXB Kim Đồng, quý II - 2022) của tác giả Nam Hồng(04/10/2022)
Truyện ngắn: "Chuyện ở một trại giam" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(03/10/2022)
Âm nhạc: "HỘi đền Kiếp Bạc"(03/10/2022)
Mục Văn nghệ dân gian: "Đức Thánh Trần về tiên giới" của tác giả Phạm Chức(03/10/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na