Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Bí ẩn giếng đời" của tác giả Hoàng Đăng Khoa
27/10/2022 12:00:00

 

Nhà văn Mĩ Paul Auster từng chia sẻ câu chuyện liên quan đến cái ngẫu nhiên có khả năng làm sáng tỏ một điều bí mật của gia đình ông. Một lần, người em họ ông đi máy bay sang châu Âu nghỉ hè. Ông già ngồi cạnh kể mình quê ở Wisconsin. Cậu ta thích thú bảo bố mình cũng là người Wisconsin. Sau khi biết tên bố cậu thì ông già lại hỏi có phải bà cậu là một người thấp lùn, hơi ngớ ngẩn, tóc đỏ không. Đúng như vậy. Thế là ông già kể một câu chuyện, theo đó bà nội nhà văn đã bắn chết chồng do một mối tình tay ba. Trong truyền thuyết gia đình nhà văn cố nhiên không có vụ này. Cậu em đã tìm về Wisconsin ngay sau kì nghỉ hè, vào tòa soạn báo địa phương sao lại hết những bài viết về vụ đó, mới vỡ lẽ là từ lâu lắm rồi, năm 1919, đã xảy ra đúng như thế. Nhà văn biết chuyện qua người em họ, nếu không chắc chẳng bao giờ biết. Tuyệt nhiên không ai trong gia đình kể về chuyện ấy.

Thiết nghĩ, nhà nào cũng có một cái vòm mái, để che phủ bí mật nhiều ít bên trong. Tôi bật cười khi gặp câu thoại của một nhân vật nơi “Một ví dụ xoàng” - tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương vừa xuất bản: “Mà nghe bác bảo này. Nhà nào cũng có một cái hố xí, người nào rồi cũng có một bãi cứt trong lòng, lọ mọ bới ra làm gì cho nó bốc mùi hả con?”. Câu thoại này tuy phũ nhưng đã nói một sự thật hiển nhiên tất yếu về hai mặt song tồn nơi mọi nhà mọi người. Thói đời tốt khoe xấu che, vui phô buồn đậy. Mà, người này càng che càng đậy thì càng kích thích sự tò mò tọc mạch nơi người khác. Và, từ bao giờ đến bây giờ, văn chương cứ trình xuất những tra vấn về những khoảng mờ điểm tối của cuộc đời. "Nhà văn thì chỉ giỏi thắc mắc thôi, ngoài ra không biết gì nữa đâu" - cũng một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết vừa dẫn đã xác tín như thế.

Chẳng biết có phải tôi sẵn tố chất của một nhà văn hay không, mà ngày bé cứ có thói quen chui rúc gầm bàn gầm giường lưng tủ lưng chạn để khám phá. Tôi săm soi tìm xem có chữ viết hay hình vẽ hay gì gì in khắc lên bề mặt gỗ không, đặc biệt là ở những chỗ khuất lấp kín đáo; nếu có thì đó là những viết bậy vẽ bạ vu vơ, hay là những kí hiệu kí gửi thông tin mà tác giả của chúng - những ai đã từng sống trải ở ngôi nhà cùng các vật dụng cao niên này - đinh ninh là chỉ có họ mới phiên dịch được. Rồi tôi khều ra những tờ giấy gấp năm gấp mười lấm láp bụi bặm mạng nhện, giải nén xem chúng đơn thuần là những tờ giấy loại được dùng để chêm nêm, hay là còn gói bọc văn bản mật gì trong nó nữa...

Thi thoảng, từ cành khế tôi lại bước sang mái nhà, đi một vòng trên cái máng đón nước mưa, cũng soi tìm những tờ giấy gấp năm gấp mười dưới những viên ngói. Mắt một đứa trẻ đưa đến đâu là ở đấy mở ra thế giới lạ lùng bí ẩn. Như cái mái của ngôi nhà ba gian cổ kính mà ông bà nội tôi để lại này, lô xô lấp xấp những lớp vảy ngói thâm nâu rêu mọc, có cả đôi ba mầm cải nhánh mạ tin hin run rẩy còn dính nguyên cuống rốn trên những cái hạt hoang đàng. Và bên trên là bầu trời thênh thang. Những đám mây thoắt hình này thoắt dạng nọ, thoắt còn đó thoắt biến tan. Khói lên trời có thành mây không? Mây chỉ lưng chừng trời, hay là ém sát đỉnh trời? Xa phía trời Nam kia là núi, thoai thoải và gần thôi, hay là thẳng đứng như tấm bìa và dựng sát chân trời? Còn sau cái vùng mờ mờ xam xám quanh năm chằng phủ không biết là mây hay là khói ở phía trời Tây kia, đi thêm bao nhiêu nữa thì đến quê ngoại tôi? Những khi trời u ám, mẹ tôi thường ngó ngược xa xăm và nói là mưa đang trên nguồn mưa về.

Vũ trụ cao vợi sâu hút xa thẳm ngậm chứa trong nó những gì, tôi làm sao biết được. Đến rương tủ sập gụ dưới nhà mà cũng là những thế giới phong khóa kín bưng kín mít với tôi nữa là. Ba tôi lớn lên thì ngôi nhà này đã có tự bao giờ. Còn tôi lớn lên thì cả bốn ông bà nội ngoại đều đã lẩn đồng khuất núi tự bao giờ. Bốn bức ảnh trên ban thờ chung chính giữa nhà ngày ngày nhìn tôi mỉm cười độ lượng, càng đầy lên trong tôi những gì là bất khả tri nhận. Có hôm tôi nghe lỏm mẹ nói, rằng ông nội ngày xưa suýt bị quy là địa chủ, mặc dù sinh thời ông bà bốc thuốc nam hành thiện, chứ có địa chủ gì đâu. Mà khi mẹ từ rú nguồn xa ngái về đây làm dâu thì chỉ còn bà nội; dăm năm sau thì bà cũng theo ông khuất đồng… Tôi sống nội tâm, nên cứ một mình mình tự khám phá, tự nghe ngóng hớt hóng rồi xâu chuỗi mà hiểu ra vấn đề theo cách của một đứa trẻ.

Văn chương viết về cái bí mật thì nhiều vô kể. Nhưng tôi đặc biệt ám ảnh bởi câu chuyện ma mị trong cuốn tiểu thuyết ngắn của nhà văn Đoàn Minh Phượng. Truyện mở đầu bằng cái chết đột ngột của một người chồng. Góa phụ trẻ thấy mình không còn lí do tồn tại khi mà sợi dây nối kết bản thân với thế giới bị đứt lìa, nhưng cô xác quyết trì hoãn bằng cách sống trên những chuyến tàu, tìm câu trả lời cho câu hỏi mình là ai, để ngày mình chết thì bản thân biết rằng ai đã chết. Cô cần một cuốn sổ để ghi chép mình ra giấy, để mình đọc được chính mình. Cuốn sổ của chàng trai trực khách sạn đưa cô đã dẫn dụ cô vào một tự sự buồn trong đó, nơi có một người mẹ bị giết, một đứa trẻ bị bỏ rơi rồi mất tích, một tâm hồn bị chấn thương mãn tính, một nghi án chồng giết vợ, và một cô giáo đang nắm giữ mọi bí mật ẩn uất của một gia đình… Rồi tất cả đều sẽ đến lúc thành tro bụi. Nhưng trước khi thành tro bụi thì hết thảy đều có nhu cầu được gọi tên, để xác minh rằng mình từng tồn tại, cũng là để tường minh rằng ai/ cái gì đã thành tro bụi.

Gần đây, tôi lại bị mê hoặc bởi tiểu thuyết “Những ngọn nến cháy tàn” của nhà văn Hungary Márai Sándor qua bản Việt ngữ của dịch giả Giáp Văn Chung. Giữa rừng già có một ngôi nhà, đúng hơn là một tòa lâu đài. Trong ngôi nhà có một người vú già ngoài 90 tuổi, người mà gần như cơ thể “có bí mật của thời gian, của sự sống và điều này không thể nói cho người ngoài hiểu được, không thể chuyển dịch sang ngôn ngữ, ngôn từ không thể chứa đựng nổi điều bí ẩn này”. Mặc dù đã gắn bó với tòa lâu đài hai phần ba thế kỉ, và mặc dù có khả năng nghe được tiếng nói của im lặng, nhưng bà vẫn bất lực trong việc thấu suốt những cô đơn niềm nỗi bí ẩn của những con người trong ngôi nhà này. Tại đây, hai đứa trai 10 tuổi gặp gỡ và kết thân như định mệnh, có vẻ hoà hợp khăng khít tựa một cặp song sinh. Trưởng thành, cả hai cùng vào quân đội, nhưng một người không thuộc về môi trường này nên đã sớm giải ngũ. Cho đến một ngày, người đàn ông độc thân và vợ của quân nhân bạn mình đã lén lút tư tình với nhau. Làm sao có thể ngờ được, chiếc giường trong ngôi nhà riêng của người đàn ông độc thân cách ngôi biệt thự không xa lại trở thành vật chứng oa trữ cái điều bí mật có lẽ là vĩ đại nhất của rừng già. Trong một cuộc đi săn, người phản bạn đã giương súng về phía con mồi nhưng thực ra điểm ngắm bắn lại là người bị phản. Không thể bóp cò, cũng không thể đối mặt với “hiện trường”, người phản bạn đã bỏ xứ ra đi. Vợ của người ở lại vì tâm bệnh nên mất 8 năm sau đó. Sự giận dữ và ý định trả thù của nạn nhân dần biến thành sự chờ đợi, như một lí do để sống. Và rồi, sau 41 năm và 43 ngày xa cách, từ xứ nhiệt đới, người bỏ trốn đã quay lại chốn xưa. Trong ngôi biệt thự cũ kĩ, hai ông lão ngoại thất tuần đã tàn đêm cùng nhau bên những ngọn nến. Ông tướng về hưu - người mà vì bạn nên trắng tay - đã nhã nhặn và thân tình tường minh hoá mọi sự thật mà người kia cứ tưởng là vĩnh viễn thuộc về bí mật riêng của anh ta.

Nhiều tác phẩm của tiểu thuyết gia bestseller đương đại người Nhật Bản cứ lặp đi trở lại chi tiết nhân vật xuống đáy giếng như một chủ ý nghệ thuật hàm chỉ tính chất ẩn mật của cuộc đời. Ngày bé tôi cũng từng vài bận xuống giếng để lấy gàu hoặc vật gì rơi dưới đó. Giếng nhà được quây bằng đá hộc, chu vi chỉ nhỉnh hơn cái mâm, nên tôi cứ cho hai chân vào hai bên mà từ từ đi xuống, không quên ngó nghiêng vào các hang hốc rêu mọc, biết đâu từ đó lại lộ thiên bí mật.

Thế giới này cũng giống như giếng khơi, không ai biết trong sâu thẳm tầng đáy có những gì. Chỉ biết mỗi lần nhìn xuống giếng là một lần trí tưởng tượng của người nhìn lại nở bừng. Và con người, đặc biệt là nhà văn, lại không ngừng hành trình khám phá. Để thông hiểu. Để hóa giải. Để người gần người hơn. Sức quyến rũ của cuộc đời không phải nằm ở những con người, mà là nằm ở khoảng giữa những con người.

 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Mục Tác giả, tác phẩm: "Tác giả Nguyễn Thị Bích- Một hồn thơ dịu dàng đằm thắm" của tác giả Kim Xuyến(26/10/2022)
Kiến trúc: "Bàn về bản sắc dân tộc trong tác phẩm kiến trức" của KTS. Nguyễn Văn Thường(26/10/2022)
Chuyện làng văn nghệ: "Nhà thơ Xuân Diệu với chính sách kế hoạch hóa gia đình" của tác giả Nguyễn Hữu Phách(26/10/2022)
Giấc mơ(26/10/2022)
Ký "Tháng Chín đôi mươi Tháng Mười mồng năm" của tác giả Phạm Ngọc Toan(25/10/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na