Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Ký "Tháng Chín đôi mươi Tháng Mười mồng năm" của tác giả Phạm Ngọc Toan
25/10/2022 12:00:00

Dòng sông Thái Bình trước khi chảy ra cửa Văn Úc về biển đã bồi đắp một lượng phù sa khổng lồ tạo thành khu Hà Đông trù phú với câu ca dao đã có tự bao đời:

“Đã là con mẹ con cha

Sinh ra ở đất Thanh Hà xứ Đông”

Được thiên nhiên ưu đãi đã bốn mùa hoa thơm trái ngọt, lại còn bao thứ thủy hải sản nức tiếng bốn phương.

 
 
Ảnh: TQ 

 

Mỗi năm cứ sau mùa lũ, các bờ bãi ven sông lại ngập lên đủ loại thủy hải sản ngon lành bổ dưỡng. Ruốc, rạm, cà ra, cua, cáy, cá, tôm làm cho bữa ăn thường nhật thêm ngon lành đậm đà hương vị quê hương.

Đặc biệt là con rươi, gần đây đã thành một thứ đặc sản cao cấp, vừa ngon lành, lại thu về nguồn tài chính lớn cho cư dân ở đây. Đặc sản này rất thời thượng đem lại hiệu quả kinh tế cao, không có ngành nghề trồng trọt chăn nuôi nào sánh kịp.

Ngược thời gian trở lại từ thập kỉ năm mươi sáu mươi về trước. Lúc ấy chưa đắp đê ngăn lũ. Hàng năm nước phù sa tràn về. Mấy tháng sống trong mưa lũ, bùn đất ngập ngụa, đường sá lầy lội nhưng khi nước rút đi, các đầm lạch ao rãnh đọng lại rất nhiều thủy hải sản quý. Tôm cá có thể vét được hàng giành hàng thúng. Tôm tươi, tôm khô thỏa sức ăn. Quanh năm ăn mắm tôm, mắm tép, mắm rươi nguyên chất bổ béo, chứ đâu phải ăn mắm công nghiệp nhạt nhẽo độc hại như bây giờ.

Con rươi ngày ấy có ở khắp nơi, ở đâu có nước là có rươi. Từ bãi sông ngọn đầm, ao rãnh. Cứ “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm” là rươi ra như trấu đáp.

Ai cũng có thể vớt được rươi. Nhà có điều kiện may được săm, đắp chiếm được ngòi đầm thì lấy được mươi thúng. Nhà không có điều kiện chỉ cần khâu cái vợt bằng vải màn, mang cái dần, cái rá ra bãi cũng vớt được hàng nồi hàng chậu đem về.

Thôi thì rươi nấu, rươi rán, rươi đốt, muôn ngả món nào cũng được. Mỗi món lại có hương vị khác nhau. Rươi nấu thì ngọt lừ béo ngậy ăn đến no bụng không chán. Còn rươi rán, rươi đốt thì không thứ khoái khẩu nào sánh kịp. Vừa béo ngậy thơm ngon thêm ít vỏ quýt, ít gừng vào là mùi thơm dậy lên, đi qua ngõ biết ngay là nhà này đang thưởng thức món rươi rồi. Ngày xưa kinh tế tiểu nông, thương trường chưa phát triển, giá trị con rươi chỉ giải quyết bữa ăn cho sướng miệng. Nhà nào vớt được dăm mươi thúng, phải thuê thuyền chở lên Hải Dương (lúc bấy giờ mới là thị xã) cũng vất vả nhiêu khê lắm, lại bán với giá rẻ mạt bèo bọt quá, có được bao nhiêu tiền.

Còn ngày nay, xã hội phát triển lên hiện đại, thương trường rộng lớn, giao thông thuận tiện, thế giới phẳng thật nhiều cơ hội. Con rươi chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đã có mặt ở Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng… Trở thành thứ hàng đặc sản cao cấp, giá trị tăng lên hàng trăm lần! Tiền triệu, tiền tỷ đối với người có bãi tươi dễ trong tầm tay. Bãi rươi, hai từ này trở nên hấp dẫn khắp hai bên triền sông Văn Úc.

Nhà nào ít vốn liếng thì có một vài sào, nhà nào có tiền đầu tư, diện tích bãi rươi của họ lên tới năm bảy mẫu, có người có tới chín mười mẫu. Ông Trịnh Văn Minh ở Thanh Cường chuyển hẳn vốn liếng từ cai thầu xây dựng làm đường sang làm một bãi rươi mười mẫu sát bờ sông. Riêng chuyện dọn mặt bằng phải đào lấp san tản hàng ngàn mét khối đất bùn. Đắp đập xây cống tốn hàng tiền tỷ.

Đã mấy mùa rươi, bãi nhà ông vẫn vắng như tờ, gần đây mỗi nước chỉ thấy lác đác, kiếm được dăm mười cân ăn, cho đỡ thẹn với thiên hạ! Không sao, ông vẫn kiên trì thi gan cùng trời đất. Mỗi năm cứ đến tháng Chín, tháng Mười ông lại nín thở, hồi hộp chờ mong lộc trời vận may liệu có đến… Trong khi đó gia đình ông Vách ở Vĩnh Lập đã có gần chục tỷ gửi ngân hàng sau mấy vụ rươi thắng đậm. Bãi rươi đã trở thành một thứ công nghệ đặc biệt của nhà nông. Cứ từ kinh nghiệm thực tế người nọ học người kia mà làm chứ chưa có luận chứng khoa học nào về con rươi để nghiên cứu, thực hành. Với con rươi tất cả chỉ là kinh nghiệm, kinh nghiệm và kinh nghiệm mà thôi.

Mọi thứ chỉ có từ trong lòng đất sâu. Có ai biết đầu ngang mũi dọc con rươi dưới âm tỷ âm ty thế nào, ăn uống thứ gì, sinh con đẻ cái ra sao mà con đàn cháu lũ đông như kiến cỏ khi bềnh lên mặt nước. Không ai có thể tính toán, đo đếm nước này bãi rươi từng nhà thu được bao nhiêu, mỗi sào, mỗi mẫu thu được bao nhiêu cân, bao nhiêu tạ mà hẹn trước như củ khoai cân thóc trên đồng ruộng.

Tuy nhiên tiếng gọi của tiền triệu, tiền tỷ từ con rươi, nhà kinh tế nào lại vô tâm vô tình với bãi rươi được! Lâu ngày thành kén, người làm bãi rươi ở Vĩnh Lập, Thanh Cường huyện Thanh Hà; ở An Định, Trại Vực huyện Tứ Kỳ đã dày kinh nghiệm rồi. Đất bãi rươi được phơi sạch không dùng thuốc sâu, thuốc cỏ, phân hóa chất. Chỉ dùng các loại hữu cơ như phân lợn, phân gà loại mục ủ kĩ với rơm rạ rắc ra bãi, cày bừa nhiều lượt cho đất nhuyễn ra tơi xốp. Đây là môi trường tốt, thức ăn hợp lý ngấm xuống tầng đất sâu, họ hàng nhà rươi chén no vào cứ thế sinh sôi nảy nở chờ đến ngày đến tháng theo con nước bềnh lên trả công cho người.

Cứ nhìn màu đất trên bãi rươi, kết hợp với thủy triều lên xuống, màu của bọt nước, các ông chủ bãi rươi mắt đã sáng lên, trong bụng đã mừng thầm mong ngày mong đêm, còn hơn người chơi xổ số chờ giải độc đắc. Ông Đượng ở Tiên Kiều, Thanh Hà, chân yếu bước thấp bước cao, mấy năm trước kinh tế cũng chỉ xoàng xoàng như mọi người. Ấy thế mà chỉ vài năm làm được bãi rươi ông giàu lên trông thấy. Có một đêm hình như nước rươi mồng năm tháng Mười ông được hai canh liền. Trống canh giành bạc, lộc nước mà, liền mấy hôm thu trên một tấn rươi. Thương lái tận Móng Cái đánh ô tô về xin cân hết, với giá thành bốn trăm ngàn một cân. Một bó tiền bốn trăm triệu, ngay sáng hôm sau ông lấy con Vios bốn bánh đỏ chót đậu ở sân. Cứ gì phải đốc đác, sếp nọ sếp kia, nông dân bình thường cũng có ô tô đấy sướng không? Chứ còn chỉ canh tác theo lối tiểu nông mấy quả bưởi chua, mấy quả chuối rẻ mạt ngoài thị trường, bao giờ mới giàu lên được!

Dọc sông Thái Bình từ ghềnh Bá Nha tới cửa Văn Úc, các xã Vĩnh Lập, Thanh Cường, huyện Thanh Hà, sang xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ là trung tâm các bãi rươi. Gặp bất cứ ai nhiều ít có bãi đều thấy họ rất tự tin. Nụ cười tươi rói lúc nào cũng nở trên khóe miệng, giọng nói oang oang xởi lởi phát ra hết cỡ. Nhà tôi đầu tư ngần này triệu mua bãi, ủ hàng tấn phân hữu cơ hàng mẫu rơm rạ, cày bừa đắp nước thuê người ăn người làm, kính thưa các loại chi phí, thiếu vốn không ngán vác sổ đỏ đi vay ngân hàng. Cứ chịu chơi thế mới mong có thành công. Vì một vài canh rươi thôi, làm phép nhân ba bốn trăm ngàn một cân với số tạ số tấn mấy mà có tiền triệu, tiền tỷ. Gom tiền vào đánh đề, đánh bạc ăn thua sát phạt nhau ngoài xã hội hẳn là khuynh gia bại sản là phạm pháp luật, còn đầu tư vào bãi rươi, đánh cược với thiên nhiên trời đất, với lòng thành thật và niềm tin, chỉ làm giàu cho đất đai sông nước tự nhiên, lẽ nào trời đất để cho thua thiệt.

Cứ đỉnh đương chậm rãi đợi chờ thời gian, người bãi rươi làm thật ăn thật rồi giàu lên trông thấy như có phép màu nào ban phát.

 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Bạch Thiên Hương" của tác giả Tống Ngọc Hân(24/10/2022)
Im lặng (24/10/2022)
Mây trắng mùa mưa (24/10/2022)
Truyện ngắn "Mùa trứng gà đầu ngõ" của tác giả Nguyễn Thu Hằng(20/10/2022)
Tạp văn "Cõi tịnh thổ của rêu" của tác giả Thi Nguyên(20/10/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na