Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tạp văn "Cõi tịnh thổ của rêu" của tác giả Thi Nguyên
20/10/2022 12:00:00

Chân vừa chạm mây Tây Côn Lĩnh, chưa kịp cất hành lý ồn ào, bụi bặm... của phố xá, chúng tôi đã chạy đi "săn" rêu. Rêu ngũ sắc mọc ở mọi nơi trên da thịt Xà Phìn.

 

Mây phải chuyển qua bao nhiêu kiếp để thành rêu??? Rêu phải trải qua bao kiếp để thành mây xanh trên mái lá cọ cổ của người Dao???

Ôi!!! Rêu được tự do mọc chầm chậm trên những điều cũ muộn làm cho đá nơi đây mọc lông tơ.

Rêu được tự do bàng bạc trên cây trà ngót nghét ngàn năm tuổi.

Đến với Xà Phìn du khách như thấy mình là Bạch Tuyết lạc vào bản làng bé tí xíu của bảy chú lùn. Rêu ăn ví dụ, uống ví dụ, thở ví dụ... mà sống thành cổ thụ. Chúng mọc từng cụm, ôm lấy nhau mà bền bỉ sống giữa gian nan. Bám đất, bám rừng như người dân bản bao đời nay là những cột mốc sống cắm chắc vào quê hương.

Để có một thiên đường Rêu thực sự ấn tượng, rất cần trong thời gian gần nhất có nhiều hội thảo các chuyên ngành liên quan. Cần sự góp ý của các chuyên gia nhiều lĩnh vực nhằm khai thác hiệu quả chuỗi sản phẩm du lịch Rêu ở bản Xà Phìn- Phương Tiến- Hà Giang.

Vì đến một lần là mê nên tôi mạo muội đưa ra vài ý kiến cá nhân ở góc nhìn (du lịch) Mỹ thuật:

Cổng vào bản không nên xây hai trụ bằng gạch như hiện nay. Nên xây trụ cổng bằng đá hoặc đã trót xây gạch thì nên ốp đá vỉa vào. Nhưng hay nhất vẫn là chọn một phiến đá rộng nằm nghiêng trên lối dẫn lên bản rồi khắc chìm tên bản vào đó.

Trong quần thể mấy chục nóc nhà rêu thì lẫn vài mái lợp tôn và ngói xi măng. Giải pháp là nên lợp chồng lớp lá cọ lên mái tôn ấy rồi cấy rêu lên (Mọi người có thể xem vài video clip dạy cách cấy rêu và áp dụng rất dễ).

Dưới những mái rêu đẹp tự nhiên thì người dân bản hay treo buộc tùy tiện ở ngoài hiên những vải bạt nhựa xanh lét, rách bươm. Để khắc phục điều đó thì chỉ cần hướng dẫn người dân đan liếp lá cọ, tre, nứa gì đó để cho du khách có góc check in đẹp.

Được mẹ thiên nhiên ưu đãi về khí hậu: mây ẩm quanh năm nên các homestay xây mới để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước thì nên học cách cấy rêu lên mái để có ấn tượng về thời gian luôn mà không cần chờ mấy chục năm mới có rêu tự nhiên.

Để hợp vệ sinh và phong thủy thì không nên để nhà WC hoặc chuồng nuôi gia súc ngay trước cửa vào homestay. Nên để công trình phụ ở đằng sau và cách xa nhà.

Nền và tường nhà sàn làm bằng vữa xi- măng thường hay có màu xám bẩn. Có một gợi ý nhỏ cho homestay mới là nên trộn vào vữa xi măng với ít đất đồi đỏ với tỷ lệ hợp lý, hiệu quả là màu xám sẽ chuyển thành vàng đất thuận tự nhiên hơn. Nước pha vữa nên dùng nước lọc từ đất đỏ để tạo màu. Nếu homestay cũ thì nên lọc ít đất đỏ pha với xi măng hoặc keo để sơn lại tường. Tường và nền có màu vàng đất sẽ rất ấm, sạch và bền đến không ngờ.

Cũng cần có con đường rêu đi bộ riêng, vòng quanh những phiến đá rộng bằng phẳng cho du khách trải nghiệm đi chân trần và ngả lưng trên đá.

Xin được biết ân ông Bồ Nông Bạch Quốc Khang đã gieo nhân lành để làm lợi lạc nhất cho dân bản Xà Phìn. 
 
 

DU LỊCH RÊU Ở PHƯƠNG TIẾN - HÀ GIANG

Cảnh quan thiên nhiên (đồi núi, rừng nguyên sinh chưa bị khai thác tàn phá), cảnh quan nông nghiệp (ruộng bậc thang) và không gian kiến trúc đặc thù (nhà cổ lợp cọ mái rêu) ở thôn Xà Phìn và các thôn khác xã Phương Tiến, Vị Xuyên, Hà Giang là nguồn lực mềm hiếm hoi, có tiềm năng chiều sâu để phát triển du lịch. Kết hợp với các tua du lịch hiện đang khai thác khá mạnh ở Hà Giang, Tây Côn Lĩnh, thì địa bàn Phương Tiến với thôn Xà Phìn rất nên đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, nông thôn (nhiều trong một).

Hiện nay du lịch cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nông nghiệp ở đây đã bắt đầu thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để nhanh chóng đưa du lịch Xà Phìn – Phương Tiến chiếm lĩnh thị trường rộng hơn và bền vững hơn, cần khai thác thêm có chiều sâu không gian kiến trúc rêu đặc sắc ở đây. Đã có một số bài viết trên các trang mạng về du lịch cảnh quan rêu ở Xà Phìn, nhưng chủ yếu do du khách đi về rồi viết, chưa phải là hệ thống quảng bá du lịch đặc trưng của địa phương.

Để chuyển hướng du lịch Xà Phìn – Phương Tiến theo lợi thế và phong cách “Rêu” nên lưu ý một vài gợi ý sau:

1. Xây dựng các câu chuyện, cảm hứng từ rêu để thu hút từ xa khách du lịch, tạo lập thị trường riêng.

Với rêu có thể dựng các câu chuyện, các nét văn hóa, các truyền thống của tộc người bản địa dự trên các cảm hứng như:

Rêu là thước đo thời gian. Cái gì muốn trở thành thước đo cho cái khác thì nó cần phải bền vững, không bị thay đổi theo thời gian và không gian, không thể hôm nay, chỗ này thì dài, ngày mai, chỗ kia bị ngắn đi, hôm nay nặng, ngày mai lại nhẹ hơn, hôm nay tròn, ngày mai lại méo… Rêu là thước đo bởi nó bền vững với thời gian, cho cảm nhận về thời gian, dễ thấy, dễ đo chiều sâu của thời gian tin cậy hơn các loài cây sống sừng sững trên đất. Thấy rêu là thấy cổ kính, thấy truyền thống, thấy sự sống bất diệt…

Rêu là biểu tượng tình yêu và chung thủy. Con cái không chê cha mẹ nghèo. Những người yêu nhau không chê nhau xấu. Tình yêu không chọn chỗ để yêu, mà đã yêu thì núi cũng trèo, sông cũng lội, đèo cũng qua. Rêu là thế, thân thiện và yêu thương bám lấy đá, lấy đất, thân cây vỏ lá, dưới khe suối hay trên mái nhà, mưa hay nắng, chết đi sống lại cũng không kén chọn nơi để sống, chúng lấy bao bọc nhau làm lẽ sống, như tình người trong gian khổ…

Rêu là sự hòa hợp thông minh. Rêu sống mỗi nơi một phong cách, ở đâu cũng hòa hợp được. Đó là bài học dành cho con người về lẽ thuận thiên, bài học yêu thương, cách sống giản dị, lành mạnh, thông minh và văn minh của thế giới tự nhiên…

Rêu dũng cảm, gan góc nhưng rất khiêm nhường. Chỉ có rêu mới dám đánh cược, mọc lên từ chỗ đã chết, từ mục tàn, từ gạch đá khô cằn, từ vôi vữa chua chát… Chúng bất chấp nắng mưa, gió bão, dòng chảy, dẫm đè... Rêu lùn nhưng đứng ở tầm cao của núi, của gió nhờ dũng cảm đứng trên vai, trên đầu những tầm cao…

- Rêu từ rừng núi bước vào cuộc sống con người. Rêu từ thiên nhiên ngồi lên mái nhà và được người dân yêu quý, không bị coi là kẻ phá hoại, đơn giản vì rêu cố kết những mái lá với nhau, ôm lấy nhau chống chọi với mưa gió, che chở cho con người… Đó là biểu tượng của văn hóa dân gian truyền thống, ăn sâu gốc rễ vào cuộc sống hàng ngày của người dân. Của văn hóa sống trong lòng thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, thuận thiên, học hỏi trí khôn của thiên nhiên, văn hóa của người dân tộc lẻ loi giữa rừng núi, của cộng đồng dân cư và các vùng đất… Có nhiều câu chuyện liên quan đến nét này của rêu…

Rêu giúp quay về với chân tánh, với con người bên trong. Những người vội vã thường chạy theo thời gian, hướng đến cái đang tới, đến vị lai, cái to lớn, cái giá trị thị trường… Họ lao ra đường, ra đồng, ra thành phố, ra chợ… Họ ít có thời gian, ít có tâm trạng tìm chỗ trú ẩn trong ngôi nhà thời gian, đi ngược chiều thời gian để tìm những giá trị cho hiện tại và tương lai. Và vì thế, họ ít quan tâm đến bản thân mình, đến nhau và những gì được mất…

Nhưng có nhiều người thì ngược lại. Từ ồn ào phố thị, sấp ngửa mưu sinh, bán buôn chợ búa họ tìm đến chân tánh thực sự của mình qua những trải nghiệm thời quá khứ, những phép sống thử với thiên nhiên, những ngôi nhà, hang động mà ở đó thời gian dừng lại, chảy ngược chiều. Đương thời, không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Nhưng trong ngôi nhà thời gian, chúng ta có nhiều suy tư, có thể đắm chìm, tắm nhiều lần trên dòng chảy của thời gian, chúng ta có thể neo vào nó để nhìn thấy mình rõ hơn, quan tâm đến đồng loại, như rêu ôm lấy nhau mà sống giữa gian nan… Các du khách thường là những người như thế. Họ dành thời gian đi xa khám phá, trải nghiệm cũng chính là để quay vào chính mình. Vì thế rêu rất thu hút họ.

Ai đó ở miền xuôi có thể nhớ lại những bức tường ngày xưa trình bằng đất ruộng ngả rêu trong những mùa mưa bão quê mình. Ai đó quay trở về thời xa vắng, cạo rón rén lớp rêu mỏng manh từ viên gạch lát hè để làm mảnh áo cho búp bê gỗ nhỏ bé. Ai đó sẽ đến Xà Phìn đứng dưới mái rêu để nghe tiếng thời gian thở. Ai đó áp bàn tay, ôm lấy phiến đá để nghe rêu hát lên ngực mình.

Rêu ở miền núi Bắc trước mắt du khách là sự bền bỉ, kiên gan bám núi, bám đồi, bám rừng để sống, để vạch lên đó chủ quyền Tổ quốc của cha ông.

Rêu ở bất cứ đâu không chỉ là loài cộng sinh. Cho dù có nhiều loài, nhiều giống, có hoa, có lá hay đơn giản chỉ là một mảng xanh mờ, nhưng rêu là gì đó vẫy gọi, nhắc nhở, gửi gắm cho rất nhiều người…

2. Tạo ra các sản phẩm, tặng phẩm từ rêu, có rêu, mang phong cách rêu để theo du khách đi xa, để quảng bá một cách tự nhiên cho du lịch Xà Phìn – Phương Tiến.

Những sản phẩm, quà tặng có thể đơn giản là các bức tranh vẽ, bức ảnh chụp rất đẹp, đặc tả vẻ đẹp, tâm hồn, khí phách rêu trong các giai đoạn phát triển của nó. Có thể tạo ra bộ sưu tập về sự ra đời của rêu trên mái nhà; rêu gắn với hình ảnh con người, trang phục dân tộc Xà Phìn.

Có thể là các sản phẩm đồ gỗ, đồ gốm có gắn rêu ở những chỗ rất nghệ thuật, đặc trưng cho đất, phong cảnh rêu, ruộng của Xà Phìn…

Có thể là sản phẩm rêu khô, được xử lý để bảo quản tốt để làm các bức tranh gắn rêu, nệm gối rêu, dược liệu rêu, trà có rêu…

3. Phát triển không gian rêu cho du lịch

Cần tôn tạo cảnh quan thiên nhiên để đặc tả, phô diễn rêu. Xây dựng hạ tầng du lịch sử dụng vật liệu đá rêu; các điểm tiếp đón, trưng bày rêu, điểm check in rêu; cấy rêu lên những mái nhà, đồ vật, phong cảnh (vốn đã có, nhưng chưa đẹp, chưa đậm nét…).

Nên tạo không gian cho du khách có thêm trải nghiệm rêu: nằm giường rêu; cung đường đi chân đất tiếp âm trên rêu (cảm giác rất tuyệt); trồng rêu (giống đặc trưng của địa phương) lên các giò cây cảnh mà du khách có thể mang về nhà treo, trồng; cấy rêu lên một địa điểm nào đó hẹn năm sau quay lại để chụp ảnh “Rêu nhà mình”. Nhưng có giới hạn rõ ràng, không lẫn lộn với rêu tự nhiên, để du khách biết trân trọng những di sản thiên thiên lâu đời, có ý nghĩa đặc thù của rêu.

4. Phải tổng hợp hài hòa tất cả các tài nguyên du lịch trên địa bàn

Đây là hướng phát triển đương nhiên của du lịch nông thôn, khai thác các thế mạnh chung, tổng hợp của địa phương, theo hướng: đến Xà Phìn là được trải nghiệm đồng thời nhiều loại du lịch, khách muốn dừng chân lâu hơn (điều này rất quan trọng) để tạo thị trường cho homestay, tránh trường hợp du khách đến rồi đi trong ngày, ngủ ở chỗ khác, khiến địa phương bị lỗ vì phải chi cho dọn dẹp môi trường. Cần khai thác hài hòa, kết hợp các thế mạnh về thiên nhiên – sinh thái, nông nghiệp – trải nghiệm, cảnh quan - kiến trúc dân tộc, văn hóa truyền thống - sinh hoạt cộng đồng, homestay với hoạt động văn nghệ, chăm sóc sức khỏe, du lịch an dưỡng…

5. Phải liên kết tốt mạng lưới du lịch, tạo liên kết chuỗi với các tua, các trung tâm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang

Điều này đã quá rõ rồi. Xà phìn không thể đơn lẻ một mình làm các tua du lịch. Cần tạo cho du khách một chuyến đi du lịch rẻ tiền và nhiều lợi ích nhất, được khám phá và khai thị nhiều nhất, nhưng sẽ nhớ đến Xà phìn nhiều nhất và có cơ hội quay lại.

Còn nhiều ý tưởng, nhiều việc có thể làm khác cho du lịch của Xà Phìn… Nên đầu tư suy nghĩ thêm để chi tiết hơn các gợi ý trên.

 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Khi doanh nghiệp gắn bó với văn học nghệ thuật(18/10/2022)
Rạo rực em(18/10/2022)
Cuối ngày nhớ mẹ(18/10/2022)
“Quê hương là chùm khế ngọt”…(17/10/2022)
Ghi chép "Khát vọng và niềm tin phát triển" của tác giả Nguyễn Thế Trường(17/10/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na