Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kiến trúc: "Bàn về bản sắc dân tộc trong tác phẩm kiến trức" của KTS. Nguyễn Văn Thường
26/10/2022 12:00:00

Để định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 trong đó nêu rõ: “Phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam”. Chúng ta đã biết, ngay từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1996 – 2000) cũng đã định hướng “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Về mặt nhận thức chúng ta hoàn toàn thống nhất với định hướng này. Tuy nhiên để chuyển hóa được vào thực tế trong quá trình sáng tác kiến trúc không phải là điều đơn giản.

 
 
Dinh Độc Lập - KTS Ngô Viết Thụ 
 

Những năm vừa qua nền kiến trúc ở nước ta phát triển theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Khuynh hướng kiến trúc hiện đại (biểu hiện rõ nhất ở các công trình công cộng, khách sạn, nhà hàng…), khuynh hướng thứ hai theo phong cách truyền thống (biểu hiện nhiều nhất ở đền, chùa, nhà thờ họ…), khuynh hướng thứ ba theo phong cách cổ điển châu âu (biểu hiện nhiều nhất ở nhà ở kiểu biệt thự, một số nhà làm việc văn phòng của doanh nghiệp tư nhân), thứ tư là kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc chiết trung (biểu hiện ở nhiều ở nhà làm việc văn phòng, nhà ở). Ngoài ra trong kiến trúc hiện đại cũng có nhiều phong cách khác nhau. Sau đây xin điểm qua các khuynh hướng kiến trúc ở nước ta hiện nay.

Khuynh hướng kiến trúc hiện đại ra đời khoảng cuối thế kỷ 19, phát triển mạnh vào thế kỷ 20. Du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ 20 và hiện nay đang là khuynh hướng chủ đạo. Những năm gần đây xuất hiện phong cách Kiến trúc quốc tế (không biên giới), Kiến trúc High - Tech (đề cao kỹ thuật), Kiến trúc xanh (tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường). Ngoài ra còn có Kiến trúc chiết trung (lai ghép nhiều ngôn ngữ kiến trúc khác nhau). Nền kiến trúc hiện đại Việt Nam tiếp thu nhiều phong cách kiến trúc nêu trên. Điểm qua những công trình kiến trúc hiện đại đã xây dựng ở Việt Nam, chúng ta nhận thấy chỉ một số ít công trình thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng dù sao kiến trúc hiện đại đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội và là hướng đi cần được ủng hộ.

Khuynh hướng theo phong cách cổ điển châu Âu - tạm gọi như vậy vì thực chất phong cách này phát triển rực rỡ ở châu Âu trong thời kỳ hậu Phục Hưng khoảng từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì kết thúc. Kiến trúc cổ điển ra đời ở thời kỳ nền sản xuất cơ bản vẫn là thủ công, gắn với vật liệu bằng gạch, đá và sau này là bê tông. Những công trình có kiến trúc gọi là “phong cách cổ điển” ở Việt Nam phát triển sau năm 1954 thực chất là sao chép kiến trúc châu Âu mà chính ở nơi sinh ra nó người ta đã bỏ từ lâu. Kiến trúc cổ điển châu Âu ở Việt Nam đã gặp phải những rắc rối khi hình thức mâu thuẫn với công năng sử dụng; hình thức không phản ánh nội dung sử dụng vật liệu và hệ kết cấu của công trình. Các công trình theo phong cách này ít đóng góp được giá trị sáng tạo mới. Điều đáng mừng là khuynh hướng kiến trúc này có xu hướng giảm dần trong vài năm gần đây.

Khuynh hướng kiến trúc theo phong cách truyền thống thực chất là nhại cổ. Phong cách này chủ yếu xuất hiện ở một số công trình tín ngưỡng, tâm linh. Những năm gần đây, do điều kiện kinh tế xã hội phát triển, nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa, nhà thờ… được quan tâm đầu tư xây dựng, bên cạnh những công trình cũ được trùng tu tôn tạo, có rất nhiều công trình được xây dựng mới. Kiến trúc những công trình này ít có sự sáng tạo. Sự nhại cổ, lệ cổ dẫn đến ít có giá trị sáng tạo mới. Khuynh hướng kiến trúc này hiện vẫn đang tồn tại và chưa có dấu hiệu dừng lại.

 
 
Làng Mít - KTS Hoàng Thúc Hào 

Ngoài ra các phong cách khác như: phong cách kiến trúc tân cổ điển (lược bớt những đường nét, họa tiết rườm rà) của kiến trúc cổ điển châu Âu; phong cách kiến trúc chiết trung (sự lai ghép giữa các ngôn ngữ kiến trúc) nhưng đều thiếu vắng bản sắc dân tộc đồng thời cũng không đóng góp được giá trị sáng tạo mới.

Vậy nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do đâu? Chúng ta hãy thử đi tìm câu trả lời cho những vấn đề này.

Thứ nhất là nguyên nhân chủ quan: Cần phải nhìn nhận một thực tế là một số kiến trúc sư còn nhận thức hời hợt về các giá trị truyền thống, trong đó có kiến trúc truyền thống. Họ quan niệm kiến trúc truyền thống thể hiện ở một vài hình thức như mái ngói đầu đao, một số họa tiết điêu khắc… hay thậm chí cho rằng chỉ là “nhà tranh vách đất” dẫn đến phủ nhận những giá trị của kiến trúc truyền thống. Vì không nhận thức sâu sắc về văn hóa truyền thống, các giá trị của kiến trúc truyền thống nên không có sức đề kháng với văn hóa, kiến trúc ngoại lai dẫn đến tiếp thụ một cách không có chọn lọc. Những công trình được sáng tạo từ nhận thức như thế rất dễ nhận ra sự “giả tạo” và không đóng góp được gì cho sự sáng tạo kiến trúc.

Thứ hai là nguyên nhân khách quan: Đất nước ta đã bước vào hội nhập, trong đó có hội nhập về văn hóa, kiến trúc với quốc tế, có cơ hội hợp tác giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên chúng ta cũng gặp nhiều thách thức. Kiến trúc hiện đại nước ngoài đã phát triển rất mạnh trong khi nền kiến trúc của chúng ta mới phát triển trong những năm đổi mới. Chúng ta rất dễ bị choáng ngợp trước những công trình kiến trúc hiện đại của nước ngoài. Có nhiều tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc nước ngoài cùng với đội ngũ kiến trúc sư có chuyên môn cao, tay nghề giỏi đang hành nghề ở Việt Nam. Một vấn đề nữa là trong những năm gần đây, khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều trang thiết bị, vật liệu mới ra đời giúp cho kiến trúc sư rất nhiều cơ hội lựa chọn, sáng tạo nhưng đồng thời cũng dễ lạm dụng trang thiết bị, vật liệu mới làm cho kiến trúc thiếu thân thiện với môi trường, không phù hợp với phong tục tập quán, thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc.

Rất mừng là chúng ta cũng đã có những kiến trúc sư tiên phong biết tìm tòi, khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống đưa vào kiến trúc hiện đại tương đối thành công như KTS Ngô Viết Thụ (Dinh Độc Lập), KTS Nguyễn Hữu Thiện, Bùi Quang Hạnh (Thư viện Tổng hợp TP.HCM), KTS Hoàng Như Tiếp (Bảo tàng Việt Bắc), KTS Lê Hiệp (Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Ba Đình), KTS Nguyễn Tiến Thuận (Bảo tàng Đak Lak, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ)… Đặc biệt gần đây có một số kiến trúc sư đã đi tiên phong trong xu hướng kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường đồng thời kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống như KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS Hoàng Thúc Hào... Các công trình của hai kiến trúc sư đã được sự đón nhận trong nước, được giới kiến trúc sư nước ngoài đánh giá cao và giành rất nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Tuy vậy số lượng các kiến trúc sư làm được như trên không nhiều.

Vậy thì giải pháp nào để có thể xây dựng cho được một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc? Trước khi tìm lời giải cho câu hỏi hóc búa này, chúng ta hãy trở về với khái niệm văn hóa theo Unesco: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”.

Theo nguyên lý này thì văn hóa, kiến trúc Việt Nam đương nhiên phải mang theo những đặc tính riêng của văn hóa, kiến trúc Việt Nam. Thực ra giá trị kiến trúc truyền thống của dân tộc đã được cha ông xưa chuyển hóa vào các giải pháp, thủ pháp kiến trúc được thấm nhuần bởi sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên, khí hậu, phong tục tập quán và thị hiếu thẩm mỹ. Các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam đã rất thành công trong việc sử dụng các giải pháp kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa như chống chịu gió bão, chống nắng, chống lạnh, chống ẩm… Các thủ pháp kiến trúc hữu hiệu như bức dại che nắng, cửa song tiện, mái rạ dày, tường và nền đất nện… Các công trình nhà ở và công trình tôn giáo tín ngưỡng có không gian, mặt bằng đa năng, mở… Vẻ đẹp nghệ thuật, kiến trúc luôn thể hiện sự nhẹ nhàng, duyên dáng và tinh tế; không ồn ào, khoa trương. Cha ông ta đã sáng tạo mô đuyn kiến trúc từ rất sớm. Chỉ với một cây thước tầm làm cơ sở để xác định kích thước tất cả các chi tiết lớn nhỏ, tạo nên hệ tỷ lệ rất hài hòa cân đối. Phong tục tập quán gắn với môn phong thủy là một hệ thống lý thuyết cơ bản của nguyên lý kiến trúc truyền thống Việt Nam. Giá trị của kiến trúc truyền thống còn được thể hiện ở các giải pháp đã đúc rút trở thành những kinh nghiệm cho chọn địa điểm, thế đất, hướng nhà… cho đến cách bố trí trong khuôn viên nhà ở và công trình tôn giáo tín ngưỡng.

Nói tóm lại để xây dựng được một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì trước hết cần có một nền dân trí cao về văn hóa và văn hóa truyền thống. Xây dựng một đội ngũ đông đảo những nhà quản lý, những chủ đầu tư và những kiến trúc sư có trình độ, tiếp thu được những giá trị văn hóa, kiến trúc tiên tiến trên thế giới đồng thời có am hiểu sâu sắc, thấm nhuần và trân quý những giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống Việt Nam.

 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Ký "Tháng Chín đôi mươi Tháng Mười mồng năm" của tác giả Phạm Ngọc Toan(25/10/2022)
Hát ru lục bát(25/10/2022)
Đi về núi Nhạn(25/10/2022)
Văn nghệ dân gian: "Vài nét về tục thờ Mẫu ở làng Thượng Cốc thời xưa" của tác giả Nguyễn Quốc Văn(25/10/2022)
Truyện ngắn "Bạch Thiên Hương" của tác giả Tống Ngọc Hân(24/10/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na