Các Thần này mang âm tính phái yếu, nên trở thành mẹ. “Mẫu”, bà “cô” được coi như hiện thân cho sinh sôi nẩy nở, thành đạo Mẫu ở các phủ, điện. Sau phổ cập thành thờ Mẫu ở chùa, nên chùa nào gần như đều có vị trí gian hữu để thờ “Tam Tòa Tứ Phủ”.
Làng Thượng Cốc có phủ thờ tư gia do các bà đồng làng tự lập và cai quản. Ban thờ chính gồm ba pho tượng hàng ngang trên thượng điện. Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên vị trí giữa trùm khăn đỏ, hiện thân cho sáng tạo thế giới cai quản bầu trời, điều hành tự nhiên cho bình ổn thuận hòa.
Bên phải mẫu Thượng Thiên là mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn trùm khăn xanh cai quản rừng núi, kho vàng xanh với muôn loài động thực vật cùng lâm khoáng sản bí ẩn dưới lòng đất. Đây cũng là nơi trở về của mỗi kiếp người.
Bên trái mẫu Thượng Thiên là mẫu Đệ Tam còn gọi là Mẫu Thoải đọc chệch, chính là “Mẫu Thủy” sáng tạo ra vùng nước cai quản biển khơi sông hồ, là nguồn nước tưới nhuần sự sống muôn loài. Mẫu Thoải trùm khăn hồ thủy, tượng trưng cho nước biển.
Đây là Tam Toà Thánh Mẫu, là ba lực lượng siêu hình gắn bó với ba khu vực thế giới là Thiên phủ, Nhạc phủ và Thủy phủ. Trên đất còn một phủ gắn với sự sống con người là Mẫu Địa, sáng tạo ra ruộng đồng để cấy cày, cho lúa gạo, hoa màu nuôi sống con người, đến khi con người hóa lại về với đất.
Tại điện tư gia: Mẫu Địa thường đặt vị trí giữa, trước ba ngôi Thượng điện, Mẫu Địa trùm khăn hoàng thổ.
Khoảng thế kỉ thứ XVII trở đi, các Mẫu được tín ngưỡng hóa thành đức mẹ Liễu Hạnh mẫu nghi thiên hạ, có sinh có thác nhiều lần thành một trong bốn vị Tứ bất tử nước Nam, được thờ ở Phủ Dầy Nam Định, quê hương của sự tích Liễu Hạnh và giỗ vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài ra, có đền thờ ở tỉnh Thanh Hóa, hàng năm cứ vào tháng 3 âm lịch trở đi, nhiều bà con cô bác ở Thượng Cốc rủ nhau, khăn chầu áo ngự cùng lễ vật đi trẩy hội Phủ Dầy, sau mới về điện nhà hành lễ.
Các bà đồng thạo nghề ngồi hầu, có cung văn ả đào phục vụ từng giá đồng. Các bà các cô trong làng và ngoài thiên hạ tới điện các bà đồng đều là con nhang đệ tử đến hành lễ nhập đồng, không khác gì ngày hội 12 tháng Giêng âm lịch của làng.
Trang phục từng bát đồng, khi màu đỏ, lúc màu xanh, sau lại màu hồ thủy. Tất cả có thêu thùa kim tuyến hình rồng phượng, mây lửa, hoa lá rực rỡ, chân mang hài phượng màu đỏ, màu hồng hoặc màu xanh, tay cầm kiếm hoặc cầm chèo, cầm quạt.
Khi ngồi đồng, xếp bằng tròn giữa chiếu trước nhang án rồi đảo người tứ phía, sau đứng dậy nhún nhảy nhịp nhàng, múa lượn theo nhịp hát cung đàn điệu chầu văn.
Mỗi bát đồng thể hiện trong vòng một tiếng, khoảng ba tuần nhang là kết thúc chuyển giá đồng khác.
Khi nhập đồng thì tính cách từng nhân vật được thể hiện qua nét mặt, cử chỉ của người ngồi đồng như vai diễn trên sân khấu, và hát hầu đồng tại cửa điện do cung văn cùng ả đào làng đảm nhiệm.
Nội dung bài hát chủ yếu theo tín ngưỡng thờ Mẫu và nhạc đệm do tay trống con kèm thanh la, một đàn tranh và một tay sênh phách. Cả ba vừa hát vừa nổi nhạc, khi trầm bổng, lúc âm vang thánh thót khắp cõi lòng dương gian.
Làng Cốc nửa đầu thế kỉ XX về trước có điện tư gia các bà đồng Đảng, đồng Bì, đồng Bé, đồng Thêm và đồng Lí tức xếp Lý.
Các bà đồng chiêu nạp đệ tử con nhang không chỉ ở làng mà nhiều nơi thiên hạ đến ngồi đồng, cầu sức khỏe sống lâu, cầu tài, cầu lộc, cầu phước, cầu may. Tháng đến lại lên, mồng một ngày rằm phủ điện nào cũng nhộn nhịp con dân trong làng cùng đệ tử con nhang thiên hạ, kẻ đi người đến, kẻ ra người vào, lời ca nhịp phách với khói nhang lừng thơm khắp xóm. Vào dịp này, ở làng Cốc các lão nông còn nhớ lí trưởng Nguyễn Bá Đại là người không tin việc Thánh Thần nên có hôm, từ tư gia tới nhà hội đồng làm việc qua bờ ao Nhớn, khi nghe thấy đàn ca trống chiêng hầu bóng chỗ điện bà đồng Thêm, ông cả giận, liền vào bê bát nhang ra giữa sân đập nát: “Này Thánh này… Này Thần này…” vẻ giận dữ, cấm đoán rồi bỏ đi làm buổi lễ tán loạn. Lát sau, đâu lại hoàn đấy. Khi trời đất loạn lạc (1946 – 1947) giặc Pháp đưa quân về đốt phá triệt hạ làng Cốc, dân làng phần lớn theo lệnh tản cư nhằm bảo toàn sinh mạng. Còn người khỏe, có nghị lực tinh thần ở lại vừa sản xuất vừa chiến đấu giữ làng. Cảnh làng từ đây vắng vẻ tiêu điều.
Hồi ấy, các bà đồng làng Cốc hầu hết đã cao tuổi, rồi qua bao năm loạn lạc nên lần lượt các bà một đi không trở lại…