Phong phú các hoạt động
Mặc dù chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 12 ngày song dư âm lớp học và ấn tượng để lại trong lòng những cô cậu học trò nhí và cả những thầy cô tham gia giảng dạy thật sâu đậm, khó quên. Đến từ nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng vào lớp học các em đã gạt bỏ những dị biệt để sống hết mình với niềm đam mê chung: nghệ thuật.
Tổng số học sinh tham gia Lớp bồi dưỡng năng khiếu Văn học, Mỹ thuật trẻ năm 2022 là 27 em. Trong đó, tham gia bồi dưỡng năng khiếu mảng Văn học 6 em. Tham gia bồi dưỡng năng khiếu sáng tác Mỹ thuật là 21 em. Đối tượng tham gia lớp học là học sinh từ cấp tiểu học đến THPT trong toàn tỉnh yêu thích và có năng khiếu sáng tác về Văn học và Mỹ thuật. Đây đều là các em có tác phẩm gửi về và được Ban Tổ chức lớp thẩm định đạt chất lượng.
Có thể nói, ngay từ khi kế hoạch được triển khai và trong suốt quá trình diễn ra lớp đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Hội; sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ phận trong văn phòng Hội. Ban Tổ chức đã bố trí cho các em 2 buổi đi thực tế sáng tác tại Bảo tàng tỉnh và động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương thuộc quần thể di tích đặc biệt: An Phụ- Kính Chủ- Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) để mở rộng kiến thức và tìm tòi đề tài sáng tác. Đội ngũ giáo viên là các nhà văn, nhà thơ, các họa sĩ của các Hội chuyên ngành Trung ương và của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình trong giảng dạy, hướng dẫn các em phương pháp, kỹ năng sáng tác… Ngoài ra, lớp học còn nhận sự quan tâm nhiệt tình của các cô chủ nhiệm câu lạc bộ văn học, mỹ thuật, các bậc phụ huynh. Cơ quan văn phòng Hội và các bộ phận có liên quan đã chuẩn bị tốt mọi mặt từ chương trình kế hoạch, phân công giảng dạy, địa điểm học, tập, cơ sở vật chất, ăn nghỉ cho học sinh ở xa…
Về kiến thức, qua 12 ngày diễn ra lớp học, các em học sinh tham gia đã được các nhà văn, nhà thơ, các họa sĩ của các Hội chuyên ngành Trung ương và của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình trong giảng dạy, hướng dẫn truyền đạt kinh nghiệm sáng tác Văn học, Mỹ thuật, chỉnh sửa, góp ý trực tiếp vào tác phẩm. Qua các hoạt động thực tế sáng tác tại Bảo tàng tỉnh và quần thể di tích quốc gia đặc biệt: An Phụ- Kính Chủ- Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn), được tham gia cuộc thi sáng tác Văn học, Mỹ thuật ngay tại chuyến đi các em được bồi bổ, nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa, kỹ năng sáng tác Văn học, Mỹ thuật theo chủ đề, chủ điểm…
Ngoài kiến thức chung, đối với mảng Văn học, các em được các nhà văn, nhà thơ giảng dạy về các thể loại văn học, phương pháp sáng tác tác phẩm văn học, kinh nghiệm thực tế trong sáng tác các tác phẩm văn học cho thiếu nhi, ra đề bài và định hướng sáng tác tác phẩm, góp ý, chỉnh sửa để giúp các em hoàn thiện tác phẩm, nhận xét sở trường, sở đoản để các em phát huy thế mạnh của mình… Đối với mảng Mỹ thuật, các em học sinh được các họa sĩ hướng dẫn về kỹ năng sáng tác Mỹ thuật, đi thực tế, sáng tác, vẽ trực họa ngoài trời…
Trong quá trình học, đa số học sinh của cả hai khối Văn học và Mỹ thuật có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong việc chấp hành nội quy, quy định của Ban Tổ chức lớp; nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của Ban Tổ chức lớp cũng như hoàn thành bài tập của giáo viên giao cho.
Giờ học trên lớp văn học - Ảnh: P.V
Giờ học trên lớp Mỹ thuật - Ảnh: P.V
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình tổ chức lớp học, có không ít hạn chế như: Nhiều em lần đầu tham gia hoạt động bồi dưỡng năng khiếu, sáng tác cũng như tiếp cận với phương pháp truyền thụ do Hội tổ chức nên còn bỡ ngỡ; nhiều em chưa thực sự cố gắng; có em do phải học thêm ở trường, học thêm các môn năng khiếu nên thời gian tham gia các buổi học cũng không đầy đủ. Trong khi đó lượng kiến thức các thầy cô lên lớp mỗi buổi rất quan trọng vì đây là những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc đời sáng tác văn học nghệ thuật của mỗi văn nghệ sĩ dẫn đến lượng kiến thức các em tiếp thu không được nhiều. Trong sáng tác, nhiều em còn viết, vẽ theo kiểu đối phó, dẫn tới nhiều tác phẩm chưa thật sự tốt. Đội ngũ giáo viên là các nhà văn, nhà thơ, các họa sĩ chủ yếu vừa tham gia công tác vừa tham giam giảng dạy, lên lớp cho các em nên việc bố trí, xếp lịch gặp những khó khăn nhất định. Có phụ huynh và học sinh còn coi Lớp Bồi dưỡng năng khiếu Văn học, Mỹ thuật trẻ năm 2022 là hoạt động vui chơi, hoạt động phụ, trải nghiệm ngoài giờ nên chưa bố trí thời gian tham gia đầy đủ các buổi lên lớp cũng như các hoạt động của lớp học. Tuy nhiên, với tinh thần, chất lượng lớp học đặt lên hàng đầu, sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất phục vụ lớp học của Ban Tổ chức, sự hướng dẫn, trao đổi, nhiệt tình của các nhà văn, nhà thơ, các họa sĩ, sự chăm chỉ của các em, lớp học thực sự trở thành nơi bồi dưỡng, tiếp lửa cho đam mê nghệ thuật của thế hệ trẻ.
Những dấu ấn sâu đậm
Câu trả lời xác đáng nhất cho chất lượng lớp học là số lượng tác phẩm các em sáng tạo trong những ngày lên lớp.
Ở mảng Mỹ thuật, 21 em tham dự sáng tác được 115 phẩm với nhiều chất liệu khác nhau (phấn màu, màu nước, bút dạ, ký họa…). Các tác phẩm không chỉ phong phú về đề tài mà còn độc đáo về nội dung thể hiện như (gia đình, trường lớp, lễ hội, TP Hải Dương trong tương lai, những hoạt động trong ngày hè, môi trường, tĩnh vật hoa quả, hay chủ đề tự chọn…). Về đề tài gia đình, các tác phẩm tiêu biểu phải kể đến: “Cả nhà thương nhau” của em Ngọc Nhi, “Hạnh phúc khi mỗi buổi sáng thức dậy” của em Trần Nguyệt Khanh, “Hạnh phúc” của Hà Anh. Về đề tài trường lớp, tiêu biểu như tác phẩm: “Giờ ra chơi” của em Bùi Quang Phát, “Mái trường thân yêu” của em Minh Anh, “Cả lớp đi đã ngoại” của Bảo Hân… Các chủ đề khác cũng được các em thể hiện rất thành công...
Ngoài những bài tập vẽ trên lớp, qua những buổi đi thực tế, dã ngoại, các em đã thể hiện khả năng sáng tạo của mình bằng việc quan sát thiên nhiên, cảnh vật. Dù chỉ là những nét vẽ chưa rõ ý, đơn giản, thậm chí còn ngô nghê nhưng đã thể hiện rõ sự tìm tòi của các họa sĩ nhí.
Mảng Văn học, tuy chỉ có 6 học sinh tham dự, song các em cũng thể hiện rõ đam mê sáng tác văn học qua các tác phẩm nộp gửi tham dự cũng như các tác phẩm sáng tác trong qua trình diễn ra lớp học. Các em đều mạnh dạn, tự tin khi trao đổi ý kiến cùng các bạn và các thầy, cô giáo. Mỗi cá nhân đều biết thể hiện đam mê của mình, hoàn thành bài viết theo yêu cầu của thầy, cô giáo. Đa số các em đã biết tự tìm tòi, phát hiện và thử sức ở cả hai mảng văn xuôi và thơ. Với “Tâm sự của người lính” của Ngân Hà; “Chở che cho con” của Tuấn Khang; “Viết cho mẹ” của Minh Thư; “Bông hoa kỳ lạ” của Lâm Nguyễn Bảo Châu; “Nao nức lòng người” của Gia Linh… khẳng định sau khóa học, các em đã nắm cơ bản về kỹ năng và phương pháp sáng tác một tác phẩm văn học; bước đầu hình dung về một số thể loại và phương pháp sáng tác thể loại đó.
Đáng chú ý, cuộc thi sáng tác văn học khi đi thực tế tại cụm di tích quốc gia đặc biệt: An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn đã giúp các em bộc lộ rõ nét năng khiếu, sở trường trong sáng tác. Trong 6 bài thơ, 3 tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn, tản văn), tác phẩm: “Thuyết minh viên động Kính Chủ” của Ngân Thuận vừa đặc sắc về nội dung, vừa độc đáo về thủ pháp nghệ thuật. Đây là tác phẩm được Ban Tổ chức chọn trao giải Nhất ở mảng văn học. Với 45 tác phẩm văn học thu được (20 tác phẩm văn, thơ gửi về tham dự; 25 tác phẩm sáng tác trong quá trình diễn ra lớp học), hầu hết đều đạt chất lượng tốt và khá, đủ để thấy các em đến với lớp bồi dưỡng với sự ham mê học hỏi, đọc, viết đầy nghiêm túc…
Lớp đi tham quan, thực tế sáng tác tại động Kính Chủ thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt: An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) - Ảnh: P.V
Khép lại những ngày sống hết mình với niềm đam mê nghệ thuật, Lớp Bồi dưỡng năng khiếu Văn học, Mỹ thuật trẻ năm 2022 đã thắp lên trong các em ngọn lửa nghệ thuật. Mong rằng những mầm non của lớp sẽ luôn chăm ngoan, học giỏi, giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyệt đam mê sáng tạo nghệ thuật, gặt hái nhiều thành công trên con đường sáng tạo.