Khi đi nghiên cứu về nghề làm lược cổ truyền ở làng Hoạch Trạch, chúng tôi đã dựa vào tập “Hoạch Trạch Nhữ tập phả” do Tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1701 – 1773) soạn vào giữa thế kỷ XVIII, và truyền thuyết tại địa phương, được biết: Cụ Nhữ Đình Hiền, người làng Hoạch Trạch, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thân (1680), năm Đinh Sửu (1697) sung phó sứ đi cống nhà Thanh (Trung Quốc), được đem theo bà vợ là Lý Thị Hiệu. Sang Trung Quốc gặp làng có nghề làm lược tre, bà Lý Thị Hiệu đã ở lại học lấy nghề này, về nước hai cụ đã hướng dẫn cho dân làng hành nghề. Vì thế dân làng đã tôn hai cụ Nhữ Đình Hiền và Lý Thị Hiệu là thánh sư nghề lược, lập bàn thờ tại miếu làng, thờ cùng với thành hoàng của làng. Đầu thế kỷ XIX, nghề lược tre ở Hoạch Trạch đã nổi tiếng và được ghi vào lịch sử địa phương:
“Lược Hoạch Trạch có công nhỏ nhặt
Hương Dương Điều ngào ngạt gió đưa”
(Hải Dương phong vật khúc khảo thích)
Theo nhân dân địa phương cho biết, để hoàn thành một chiếc lược không dễ chút nào, phải qua nhiều công đoạn, mặt khác rất cần có sự khéo léo, tỉ mỉ và kinh nghiệm nghề nghiệp, chính vì thế mà nghề này lan truyền rất chậm. Ngay cùng xã, một số làng cũng có một số gia đình làm lược, nhưng chủ yếu cũng do người làng Hoạch Trạch di cư, hoặc do con gái làng Hoạch Trạch đi lấy chồng đem theo nghề. Nếu điều tra rộng ra thì cả nước cũng chỉ có vài nơi làm lược tre như: Củ Chi (Sài Gòn), Kẻ Họ (Hà Đông)… nhưng sản lượng không nhiều.
Về công nghệ sản xuất lược thì từ năm 1983, Hội đồng biên soạn lịch sử tỉnh Hải Hưng đã sưu tầm, nghiên cứu, đề cập tới trong chuyên đề nghề cổ truyền. Bài viết này chúng tôi chỉ muốn giới thiệu về những thăng trầm của nghề lược nơi đây. Như đã nêu ở phần trên, suốt thế kỷ XIX và đến đầu thế kỷ XX nghề lược ở Hoạch Trạch phồn thịnh và nổi tiếng trong cả nước. Lúc đó hầu như cả làng vừa làm ruộng vừa làm lược.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân làng ở đây rất cần vốn để mua nguyên vật liệu dự trữ để làm quanh năm, nên họ đã phải vay lãi để mua nguyên vật liệu, khi bán lược lại qua tay những người buôn, nên thu nhập bị thấp đi. Tuy vậy thu nhập của họ vẫn cao hơn những làng không có nghề, vì thế đời sống của dân làng khá ổn định.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, việc mua nguyên vật liệu rất khó khăn vì lúc đó cả nước đang dồn sức đánh Pháp, dân làng có thời kỳ phải tản cư đi nhiều nơi khác trong huyện. Nhưng dù đi đến đâu họ cũng làm lược, quyết không bỏ nghề. Nhiều cán bộ kháng chiến vẫn không quên những bộ lược được tặng trong các hội nghị kháng chiến do người làng Hoạch Trạch sản xuất.
Hoà bình lập lại (1954) nghề lược ở đây có điều kiện phát triển. Đến thời kỳ hợp tác hoá nông nhiệp, xã Thái Học tổ chức sản xuất lược như một công trường thủ công, cách sản xuất theo giờ quy định, tại một địa điểm, phần lớn dùng lao động chính, không tận dụng lao động phụ. Về kỹ thuật không có gì đổi mới, với cách làm này về quản lý kinh tế không hiệu quả mấy, dẫn đến năng suất chất lượng kém, giá thành cao, tiêu thụ khó, thu nhập thấp đi đáng kể. Vì thế nghề lược lại dần dần chuyển về các gia đình, hợp tác xã chỉ đứng ra giao chỉ tiêu sản xuất, quản lý vật liệu và một phần thành phẩm, với cách làm đó đã động viên người dân làng nghề, họ lại tích cực sản xuất.
Từ ngày thống nhất đất nước (từ năm 1975), thị trường được mở rộng, giúp cho nghề lược phát triển, cả làng là một công trường thủ công lớn. Không ồn ào đe búa, không nhà xưởng, nhưng hoạt động thật nhịp nhàng, đều khắp và liên tục tại tất cả các gia đình. Nhiều gia đình như một công xưởng, thực hiện trọn vẹn các công đoạn sản xuất. Nghề lược lúc này đã lôi cuốn toàn bộ nhân lực, tạo ra sự phân công tự nhiên hợp lý, người nào việc nấy, góp phần làm giảm bớt hiện tượng tiêu cực vốn sinh ra từ những nơi vô công rồi nghề. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, ở làng có khoảng 600 gia đình làm lược, chiếm 95% số hộ của làng, mỗi tháng sản xuất được 1 triệu chiếc lược. Ngày mùa thì sản xuất bị giảm vì lao động chính còn phải tham gia việc đồng áng. Bình quân một nhân khẩu thu nhập từ nghề lược khoảng 200 đồng/ tháng (tính thời điểm năm 1983) thu nhập này cao hơn làm nông nghiệp lúc bấy giờ. Lược làm ra được ngành thương nghiệp thu mua một phần, còn lại bán ra thị trường tự do. Khi đó lược làm xong chỉ việc đem ra chợ làng bán buôn (chợ trong làng), cũng có gia đình đem lược bán tại chợ tỉnh, huyện, Hà Nội hoặc xa hơn nữa. Khoảng từ năm 1980 đến 1985, hàng tháng có xe từ thành phố Hồ Chí Minh ra mua lược của làng, nhưng phần lớn lược được tiêu thụ tại chợ làng, hồi đó gọi là Chợ Lược, vì chợ chỉ có bán lược và hom lược. Chợ họp một tháng 12 phiên, vào các ngày Hai, Bốn, Bẩy, Chín. Khách buôn nhớ phiên về làng từ chiều hôm trước, vì chợ lược họp sớm, mua bán nhanh, chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ là tan chợ.
Nghề làm lược tre của làng Hoạch Trạch vào những năm 70 - 80 của thế kỷ XX rất phồn thịnh, thị trường rộng lớn, lao động dồi dào, nguyên liệu sẵn có trong nước, lưu thông thuận lợi lại được chính quyền địa phương quan tâm. Nếu lược Hoạch Trạch làm kỹ hơn, trang trí đẹp, có nhiều loại hình cao cấp hơn và chú trọng xuất khẩu thì người làm nghề sẽ có thu nhập cao, góp phần thoả mãn nhu cầu tiêu dùng mà còn tăng nguồn thu nhập ngoại tệ cho đất nước.
Nhưng không thể nói trước điều gì. Từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, trong khoảng thời gian không dài, nhưng đất nước đã có sự thay đổi vượt bậc, đời sống nhân dân được nâng cao, xã hội văn minh, hiện đại. Thị hiếu của con người cũng thay đổi theo sự phát triển của đất nước, nhu cầu dùng lược không còn nhiều như trước nữa. Từ năm 1993 trở lại đây, nghề lược ở đây bị thu hẹp lại, đến những năm 2005 - 2010 chỉ còn khoảng 1/3 số hộ trong làng làm thêm nghề này, sản phẩm chủ yếu được đem bán tại thị trường Campuchia và miền Nam (miền Bắc ít dùng hơn). Chợ lược đã dừng hoạt động từ những năm 1990 của thế kỷ XX. Ngày nay chỉ có khoảng 1/6 số hộ của làng làm nghề lược và thu nhập cũng không cao lắm, nhưng với sự tâm huyết và mong muốn lưu giữ nghề cổ truyền của làng nên một số gia đình vẫn làm lược…
Trải qua thời gian, vật đổi sao dời, một nghề cổ truyền vốn có những thế kỷ phồn thịnh góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương thì nay chỉ còn một số ít dân làng làm. Nhưng công lao của Thánh sư nghề lược vẫn được dân làng tôn trọng, thờ cúng. Hàng năm dòng họ Nhữ của làng vẫn tổ chức giỗ tổ nghề rất trang trọng tại đền thờ vào ngày mồng mười tháng Giêng, có tế lễ và “rước cỗ vâng” để cúng tổ nghề. Tuy nghề lược có những lúc thăng trầm, nhưng chắc chắn rằng đây là một nghề đáng quý và sẽ được dân làng bảo tồn mãi mãi.