Trở thành người lính công tác ở Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), ông đã có nhiều năm gắn bó với Trường Sơn. Ông cùng các bạn bè của mình là các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Trần Nhương vừa làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến, vừa phụ trách các tờ tin của các trạm trên các tuyến đường xe qua. Với các loại hình phong phú, tiêu biểu là thơ, tờ tin Trạm 11 của ông đã cùng với tờ
tin của các trạm trở thành món ăn tinh thần quý giá, kịp thời động viên, khích lệ sĩ khí của người lính Trường Sơn trong những năm chiến trận Trong cuộc thi thơ của Tổng cục Hậu cần tổ chức năm 1967, ông cùng các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Trần Nhương lần lượt đạt giải Nhất, Nhì, Ba. Gắn bó với Trường Sơn đến năm 1969, ông chuyển ngành về làm giáo viên dạy môn văn ở Trường Trung học Nghiệp vụ Phúc Yên (Bộ Thủy lợi).
Giờ đã tuổi cao nhưng người lính Trường Sơn năm xưa, nhà thơ Nguyễn Ngọc San vẫn đều đặn sáng tác
Dù thay đổi các vị trí công tác song với đam mê văn chương, ông đều đặn sáng tác thơ và thường xuyên có các tác phẩm đăng tải trên báo chí. Năm 1974-1975, ông còn tham gia lớp bồi dưỡng viết văn K7 do Hội Nhà văn tổ chức.
Sau này, khi về nghỉ mất sức, ông tích cực tham gia hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật trong tỉnh. Với những thành quả trong hoạt động văn học nghệ thuật, năm 1984, ông được kết nạp vào ban Thơ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương
Từ khi vào Hội, ông liên tục hai khóa đảm nhiệm vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội, Trưởng ban Thơ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Hội. Ông được biết đến là người nặng lòng với bạn bè văn chương. Khi Hội VHNT tỉnh chủ trương in lại tập trường ca "Hoa vạn thọ" của nhà văn Phù Thăng, nhà thơ Nguyễn Ngọc San là người rất tích cực trong việc giúp Hội liên lạc với nhà văn Phù Thăng để tìm lại bản thảo tập trường ca nói trên. Ông cũng là người tích cực phối hợp viết bài, làm chương trình với Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để giới thiệu, quảng bá nhiều chân dung, các tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ trong tỉnh tới công chúng.
Trong sáng tác, ông là một trong những cây bút sung sức. Các tác phẩm của ông thường xuyên xuất hiện trên tạp chí văn nghệ của Hội, Báo Hải Dương cùng các tờ báo trung ương, trong đó, riêng Báo Văn nghệ đã có hàng chục tác phẩm được đăng tải. “Hữu xạ tự nhiên hương”, thơ của tác giả Nguyễn Ngọc San đã tìm được chỗ đứng trân trọng trong lòng độc giả cũng như bạn bè văn chương.
Qua tìm hiểu, không khó để trả lời vì sao Nguyễn Ngọc San gắn bó với văn chương khi biết ông là con cháu đằng ngoại cụ nghè Tân. (Nguyễn Quý Tân (1811 - 1858) người làng Thượng Cốc (Gia Lộc) nổi tiếng văn hay chữ tốt. Ông đỗ Tam Giáp tiến sĩ vào năm 1842, vì thế người ta thường gọi là Nghè Tân. Ông làm Tuần phủ, rồi làm Thanh tra quan lại Bắc Kỳ, vốn tính ngay thẳng, liêm khiết). Ông viết khá đa dạng về thể loại song mảng mà người ta nhớ đến ông chính là sự thành công trong mảng thơ lục bát. Mỗi lần nhắc đến Nguyễn Ngọc San là bạn bè lại nhắc đến “Sông Bầu tầm tã” và “Những đồng tiền xu”… Đọc thơ ông còn bắt gặp ở Nguyễn Ngọc San một nét rất riêng đó là: Chiêm nghiệm cuộc sống bằng thơ. Mọi thứ từ bình dị, thô mộc đến mĩ miều, tinh túy, từ gần gũi đến xa xăm, từ đau buồn, bất hạnh đến vui vẻ, hạnh phúc đều ẩn chứa những chiêm nghiệm cuộc cuộc sống rất riêng. Những chiêm nghiệm đó, nếu không phải người từng bước qua những biến cố, bất hạnh đớn đau của cuộc đời, từng đối mặt với sự cực nhọc, khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh thì không thể có. Điều đọng lại ở tác giả Nguyễn Ngọc San đó là một hồn thơ chân thành, hồn hậu, đằm thắm. Tác giả Nguyễn Thị Lan (Trưởng ban Lý luận phê bình- Hội VHNT tỉnh) nhận xét: “Nguyễn Ngọc San đặc biệt thành công trong những bài thơ lục bát - một thể thơ mang hồn cốt dân tộc, thuần Việt, sản phẩm của cư dân nông nghiệp... Phải chăng hồn cốt “nhà quê” in đậm trong thơ Nguyễn Ngọc San. Với Nguyễn Ngọc San vùng đất đó là quê hương. Quê hương đã trở thành tâm điểm nghệ thuật trong thơ anh. Từ cảnh sắc đến điệu cảm, điệu nghĩ, thơ Nguyễn Ngọc San đậm hương vị thôn quê. Anh đã đưa vào thơ lục bát của mình những hình ảnh mang hồn quê đó là: con đò, bến nước, cánh buồm, mảnh vườn, chùa làng, củ ấu, quả cà, cỏ may, sương sớm, nắng chiều, ngô đồng, ngọn lúa, dậu mồng tơi… Con người trong thơ anh là con người của làng quê Việt Nam ngày xưa nghèo lam lũ với váy thâm, áo đụp, với đồng xu, bị gạo, với những gánh, những gồng”...
Thầm lặng lao động cùng con chữ, đến nay ông đã có 7 tập thơ được ấn hành: Sắc đỏ chiều thu (Tập thơ NXB Thanh niên 1995); Lục bát sông Bầu (Tập thơ NXB Hội Nhà văn 2003); Đường sáng (Tập thơ Hội VHNT tỉnh Hải Dương 2004); Ru làng (Tập thơ NXB Hội Nhà văn 2005); Chuyện tình còn kể miên man (Tập thơ NXB Văn học 2006); Bồng Bềnh điệu lý (Tập thơ NXB Hội Nhà văn 2008); Quả chín bên sông (Tập thơ in chung, Hội VHNT tỉnh Hải Dương 1990). Ngoài ra ông còn có nhiều bài thơ được chọn in trong các tuyển tập thơ: Thơ lục bát Việt Nam, Thơ tình Việt Nam thế kỷ 20, Tuyển tập thơ Việt Nam 1975-200, Bốn mươi năm thơ nhà giáo Việt Nam, Ngàn năm thơ Việt… Ông cũng tham gia biên soạn nhiều tác phẩm về lịch sử cách mạng, thơ ca, văn hóa của huyện Thanh Hà. Trong chặng đường hoạt động văn học nghệ thuật, ông 5 lần có tác phẩm đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn – Hải Dương; giải cuộc thi thơ lục bát do Báo Giáo dục và thời đại tổ chức năm 1998…
Giờ tuổi đã cao nhưng người lính Trường Sơn năm xưa, nhà thơ Nguyễn Ngọc San vẫn đều đặn sáng tác. Âu đó cũng là cái tình, sự nặng lòng của người cầm bút khi đã chọn gắn bó với nghiệp văn chương.