Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tản văn "Nắng trưa một miền ký ức" của tác giả Hồ Huy & Thùy Vinh
30/07/2022 12:00:00

Nắng trưa. Nắng ngả vàng chân rạ. Nắng xanh lên mây trời. Nắng bủa vây những tiếng gà xa vắng. Nắng trưa xao xác chạnh lòng đời muối.

 

Những nắng trưa đời người. Không hiểu sao tôi luôn có cảm giác buổi trưa là lúc con người và thiên nhiên có một mối giao cảm kỳ lạ, người ta dễ buồn vào giấc trưa, người ta dễ vui vào giấc trưa, buổi trưa là bầu bạn, con người ta dễ dàng trút bỏ ưu tư vào sự vắng vẻ đến vô thường.

Cả một cuộc đời có biết bao nhiêu buổi trưa bình thường như thế? Nhưng giấc mơ về một trưa hè chẳng thể nào hoàn hảo nếu như không có nắng gọi nhớ thương trên mái bếp, ven triền đê, buông hờ trên những dòng sông chín đỏ và hổn hển no căng một cánh buồm.

Với tôi nắng trưa như một người nhạc trưởng đồng quê cứ lướt đi mê mải mà vi vu sáo diều, lại có lúc như một họa sỹ tài ba mà trình diễn sắp đặt với những mảng màu sáng tối thần kỳ. Ai bảo nắng trưa không có một linh hồn?

Cứ thử nghĩ mà xem, nếu trên đường đời có lúc nào đó ẩn náu tâm hồn mình dưới một mái đình tha phương thì đó sẽ không phải là một sớm mai, một chiều tà mà sẽ là những giấc trưa đầy vắng, đầy nắng, đầy những khắc khoải dâng đầy như khi bạn lơ đãng mà rót tràn ly nước. Không bối rối sao được. Nắng trưa mà, ấy là lúc bộn bề quê hương đang lục lọi cõi lòng.

Có lẽ bởi vậy nắng trưa thường khơi gợi những hoài niệm, những xích xiềng ẩn ức, những dấu chân người đi, những vạt tóc kẻ về. Nắng chen vào nhớ, nắng xém vào thương, nắng hát câu ca dao, nắng đẩy đưa cánh võng, nắng hanh vàng quê hương, nắng ngổn ngang lòng mẹ. Đố ai nhớ nổi nắng có bao nhiêu chuyện buồn, nắng có bao nhiêu niềm vui và trưa nào là trưa cắc cớ.

Có những lúc tôi chang chang trở về bé thơ, nắng sao mà im vắng thế, nắng sao mà bồng bột vậy, nắng giấu vào trưa bao dan díu tơ trời. Tôi thổi vào khát vọng, tôi uống một đam mê, tôi xanh chín những nẻo đường, đâu ai biết, người nào hay, chỉ có nắng trưa lặng thinh đồng lõa.

Nếu nắng trưa của bạn là một giấc nghỉ ngơi an lành thì nắng trưa còn đó bao kiếp mưu sinh trải mình trong ngõ vắng, trên phố quen, rong ruổi những con đường, những cánh đồng như một khúc nợ đời mà không lời ca thán.

Mỗi một ngày nắng lên đến đỉnh trời, buổi trưa thầm thì bỏng rát, tôi lại khát khô đáy mắt nhìn về phía tuổi thơ sắc màu. Quê nội tôi nghèo. Những trưa nắng bỏng như hòn than hồng trong bếp lửa của bà, cánh đồng muối quê tôi trắng sắc như lưỡi dao bén thép. Khi thấy bác tôi vác cái bồ cào đi ra đồng muối, tôi nói một câu bâng quơ: Nắng quá... Bác tôi quay lại nụ cười đen nhẻm: Phải nắng, không nắng thì muối nó khóc. Lúc đó tôi nghĩ muối là một đứa khó chiều, người ta phải nâng niu muối, dỗ dành muối.

Quả vậy tôi đã từng nghe câu chuyện anh tôi thồ muối đi bán, giữa buổi trưa hè chết nhọc khi leo lên hết một con dốc phải đổ bớt muối đi vì không còn đủ sức để thồ. Chao ơi là nắng! Chao ơi là muối. Nắng trưa xót vào da thịt mà không trầy nổi một vết thương cơ cực.

Tháng 5 cứa ngọt vào hẻm trời, nắng từ đó mà bung ra vạm vỡ. Quỳnh Thuận - Quỳnh Lưu lâu nay vẫn được biết đến với nhiều cánh đồng muối nhất ở Nghệ An lại chang chang những nụ cười trưa vắng, những nụ cười cướp nắng, những nụ cười như muối chát đắng đầu lưỡi mà ngấm ngầm ngọt thơm ngọt thảo thẳm sâu đời muối.

Diêm dân Quỳnh Lưu tự bao đời yêu hạt muối như yêu chính thân phận mình, những cánh đồng khô rang ban trưa sắc lẹm những tinh thể muối, những tinh thể gió, những tinh thể đồng quê, những tinh thể của nắng. Cho dù đời muối bao phen bạc bẽo người sinh ra nó, cơ cực vì nó. Người ta bưng bát cơm lên mà nhớ nắng, nhớ gió, nhớ những mùa hè chênh chang cánh đồng.

Tháng 5 cũng là tháng mặt trời sinh sôi trên những ô ruộng muối quê nghèo. Những buổi trưa mặt trời soi gương ruộng muối, những xế chiều mặt trời ngã vào ruộng muối, còn diêm dân ngã linh hồn vào những đụn muối cứ vun cao lên, cao đến đâu thì cũng nhỏ nhoi như những núi đồi vất vả đời mình.

Tôi ngẩn người khi chợt nghĩ đến một thứ tinh thể mồ hôi. Tinh thể của mồ hôi cũng là muối. Những tinh thể mồ hôi làm đau những nắng trưa bỏng rát, những hình hài như hơi khói bốc lên và nhòa đi trên những cánh đồng muối đẹp như một lời nguyện lành.

Nắng trưa, những cánh đồng muối ở Quỳnh Thuận - Quỳnh Lưu như những ảo ảnh nhiều chiều trong không gian cứ lấp loáng niềm vui, như một sân khấu lớn mà người nghệ sỹ sử dụng tối đa hiệu ứng khúc xạ. Người ta phải căng mắt giữa đồng muối, nếu nheo mày nhíu mắt thì con tim sẽ đau, những con tim đời muối.

Chuyện rằng... xưa có một vị vua sinh hạ được ba nàng công chúa. Ông yêu thương, cưng chiều con và cũng luôn muốn các con khẳng định tình yêu của họ đối với mình. Ông thường hỏi các con có yêu quý cha không, tình yêu ấy được sánh với thứ quý giá nào? Hai nàng đầu thường trả lời yêu cha như vàng bạc, kim cương, như trời, như biển. Chỉ có nàng út được cưng nhất trả lời rằng: Con yêu cha như yêu hạt muối! Vị vua đã nổi giận và đuổi người con gái út của mình ra khỏi vương quốc. Thế rồi...

Câu chuyện cổ tích ấy tôi đọc từ thời thơ ấu. Nó đã theo trong trí nhớ có quá nhiều điều phải sắp xếp của tôi tới giờ. Và biết bao nhiêu ký ức về muối, về miền quê ven biển nhiều sóng, nhiều gió, nhiều nắng của tôi. Để khi đặt trên tay mình cái màu trắng tinh khôi và nhọc nhằn ấy, tôi lại nhớ về những ô ruộng muối, những tấm lưng người cong thành dấu hỏi, những chiếc nón che nắng chói, và muối, muối trắng trời.

Nước của đại dương và nắng của trời. Con người chỉ bé nhỏ như một cái chấm giữa không gian bao la ấy. Mồ hôi đổ xuống cho sự mặn mòi. Ôi, nao lòng là tiếng rao bán muối, đổi muối. Muối được coi là thứ rẻ nhất ở quê tôi. Có những khi một bơ gạo đổi được hơn mười bơ muối. Vị mặn chát, nằng nặng chìm vào trong những giấc mơ buổi sáng của tôi, vì những người đi bán, đổi muối bao giờ cũng là những người thức dậy sớm nhất để tới nhiều vùng trong huyện.

Đã bao nhiêu lần trong những bữa cơm nghèo nàn tuổi nhỏ, tôi giận bà tôi vì đã kho thức ăn, chỉ một chút thức ăn thôi nhưng lại cho nhiều muối. Đã bao nhiêu lần, bà đã bốc lên bát cơm của mình một nhúm muối trắng để dành cho tôi những con tôm kho cuối cùng. “Cháu ăn đi, bà ăn cơm muối quen rồi”. Có điều gì như xa xót, lại như đẹp đẽ khi nghĩ về những hạt muối ngày xưa ấy. Tôi đã khóc để thấy rằng bao giờ cũng có vị mặn trong nước mắt của mình.

Ở đâu còn nhớ, nơi ấy còn tình yêu. Vậy đấy, nắng trưa không ồn ào, nắng trưa không bép xép, nắng trưa ngủ gật giữa tuổi thơ tôi. Tôi đã mơ về đâu, về đâu… nơi ấy có vạt hoa mười giờ biển nắng bung muối lên trời mà vẫn mọng xanh cành lá, vẫn tím nghẹn tím ngào những khuy áo xinh xinh.

Thật đấy, phải nắng, phải nắng, phải nắng táp lửa, phải gió hun trời, phải bốc khói canh trưa không thì muối sẽ khóc. Muối là một đứa khó ưa, muối là một kẻ khó chiều, cho nên muối mặn. Đừng hỏi vì sao muối mặn. Có nước mắt của anh tôi trên những nẻo đường cút kít dăm trăm một ngàn.

Buồn cười nhỉ, nắng trưa lại luôn gắn liền giấc mộng mưu sinh. Bởi vậy mà nắng trưa là bức tranh mà đất trời vẽ lên muôn ngàn sâu lắng, ở đó chỉ có sự lặng im. Ai bảo lam lũ không đẹp? Những cô thanh cậu tú, những người trẻ khát khao sống ảo. Những người ngọt ngào về check in trên những cánh đồng muối quê tôi, có ai trả lời?

Dẫu vậy nắng trưa với tôi là bằng hữu, nó giúp ký ức của tôi không bị ẩm mục không bị mối mọt, không bị hôi hám mỗi khi nhớ về ngày muối, nhớ về đời muối. Ở đâu còn nắng, nơi đó còn muối. Ở đâu còn muối nơi đó còn nhớ. Ở đâu còn nhớ nơi ấy còn tình yêu.

Có một tiếng gà xé thủng ban trưa sẽ làm bạn bàng hoàng. Bạn đang ở đâu, quá khứ hay hiện tại, tương lai hay chỉ là tầng tầng lớp lớp tâm tưởng. Tôi bảo này, hãy nhắm mắt lại để nắng trưa vỗ về, để nghe muối hát trên những cánh đồng gương soi.

Thú thật tôi là một đứa bội bạc, bởi từ khi lớn lên, xa quê hương, xa cái vị mặn đồng chát nội, chúi đầu vào bao vòng quẩn quanh gạo tiền, cơm áo, hư danh tôi đã bỏ quên nắng trưa đồng muối quê nhà. Ấy vậy mà khi chợt nhớ để lần tìm về những kỷ niệm thì chúng vẫn y nguyên, thơm tho như nắng, mát lành như gió, muối lại ngọt ầu ngọt ơ khúc ru bỏng khát cơn hè.

Ai cựa mình trong gió, ai len lỏi sông hồ, ai thơm vào cây cỏ, ai u minh sáng tối còn tôi, tôi muốn tan vào nắng được không? Nắng trưa đó. Tôi không muốn muối khóc... bởi trong máu thịt tôi có hình hài đời muối.

Cổ tích thường kết thúc có hậu. Nàng công chúa út trở về cùng một giỏ muối khi cả vương quốc đang vật vã vì con người không thể ăn được bánh mì nếu thiếu muối. Nhà vua, nằm trên giường bệnh, quanh ông có rất nhiều sơn hào hải vị nhưng ông dường như sắp chết đói. Những hạt muối nhỏ nhoi đã cứu sống ông và vương quốc đang bị trừng phạt của ông. Chỉ lúc đó ông mới thấm thía tấm lòng của cô gái út... Nàng út thông minh và tinh tế biết bao. Nàng biết giá trị của hạt muối tưởng chừng rất tầm thường ấy. Nàng muốn nói với cha mình rằng: Con người ta không thể sống mà thiếu hạt muối cũng như con không thể thiếu cha. Muối thân thiết máu thịt với con người như vậy đấy!

Yêu hạt muối để biết rằng công chúa út xứng đáng với ngai vàng mà nhà vua trao lại, vì những người biết nhìn xa trông rộng, biết nắm giữ những vận mệnh lớn lao phải là người biết nhìn nhận được giá trị của những thứ bé nhỏ. Yêu hạt muối để biết tình yêu thương chân thực thật gần gũi, giản dị. Yêu hạt muối để biết cha ông ta sâu sắc lắm khi nhắn gửi nhau rằng: Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau! Để hiểu tại sao mồ hôi và nước mắt có vị mặn? Để thấy nước biển và nắng trời đã tụ cả vào trong cái hạt trắng tinh khôi và nhọc nhằn ấy. 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Còn lại(29/07/2022)
Đưa con đi thi...(29/07/2022)
Truyện ngắn "Mùi sấu xanh" của tác giả Nguyễn Thu Hằng(29/07/2022)
Em(28/07/2022)
Với nhà văn Tùng Điển(28/07/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na