Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Với nhà văn Tùng Điển
28/07/2022 12:00:00

Tác giả: HT

 Tin nhà văn Tùng Điển (Trần Quang Điển) Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đột ngột qua đời khiến giới văn nghệ sĩ, nhất là các văn nghệ sĩ đã đang công tác tại các Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố bất ngờ! Họ bất ngờ bởi nhà văn Tùng Điển trước nay luôn khỏe mạnh được coi là người anh thân thiết, người có đôi mắt luôn cười, nụ cười mủm mỉm ấm áp sẵn sàng sẻ chia, sự gần gũi, chân tình đối với anh chị em văn nghệ sĩ địa phương. Dáng người đậm đà, giọng nói trầm ấm, ông có mặt ở đâu là ở đó vang lên tiếng cười, sự ấm áp, chia sẻ những khó khăn trong hoạt động văn học nghệ thuật.

Với những cây viết trẻ, nhà văn Tùng Điển luôn dành cho họ sự động viên kịp thời về nghề viết, về những khó khăn, gian nan, cô độc của nghề này để truyền cho họ niềm tin rằng: nếu có đam mê, nếu giàu nhiệt huyết và có nghị lực thì nhất định họ sẽ thành công.

Kỷ niệm của văn nghệ sỹ với nhà văn Tùng Điển thì nhiều lắm, bởi ông là người gắn bó rất lâu với văn nghệ địa phương từ khi còn là biên tập viên Tạp chí Tác Phẩm mới, rồi Chánh văn phòng, rồi Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, rồi Phó Chủ tịch Thường Trực - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Dấu ấn về ông đối với các hoạt động văn học thuật nhiều nhưng ấn tượng nhất là với các trại sáng tác! Năm 2006, Liên hiệp tổ chức Trại sáng tác Trẻ cho các văn nghệ sĩ tuổi đời dưới 40 của các Hội VHNT phía Bắc tại nông trường Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội. Đồng Mô khi đó còn hoang hoải, khắp đường là sắn củ phơi khắp phố là doanh trại quân đội và sữa bò! Cả trại viết có hơn 20 người tới từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Dương và Hà Tây (cũ)... Sau khai mạc, anh chị em bắt tay vào viết. Nhưng không lẽ 15 ngày cứ nhốt mình trong phòng để sáng tác mãi? Thế là những “trò” quậy được dịp bùng nổ và người chịu trận đầu tiên và vĩnh viễn dĩ nhiên là nhà văn Tùng Điển khi đó là “trưởng trại” mà chúng tôi gọi là “trưởng bưởng”! Chiều chiều, để “nạp thêm năng lượng” cho trại, ông dắt chúng tôi đi bộ ra đại lý bán bánh sữa, sữa tươi của Công ty sữa Ba Vì đóng ngay ngoài cổng nông trường. Dọc đường đi, nào là ngăn không cho đám tiểu yêu “ăn cắp” sắn của bà con đang phơi trên đường vì “sắn này lợn xơi vào còn say chết, bọn mi xơi được không mà vác về”. Rồi ông dí dủm kể về kỷ niệm của ông đã đi qua. Dấu ấn nhất với ông là nhuận bút tập truyện đầu tay đủ mua 1 căn nhà. Thấy cả đám xuýt xoa, ông cười ha hả: “Ta nói với các mi là ngày đó nó cách nay cả mấy chục năm rồi, người còn già mốc thếch lên nói gì những thứ khác. Nhưng với dân văn nghệ, cơ bản là phải vui. Có vui, có độ lượng tha thứ cho nhau mới có dư sức mà viết chứ cứ mải cọ mèn, cãi cọ, tranh chấp thì sức đâu mà viết nữa”! Có lẽ, đó cũng là lý do mà lúc nào ông cũng vui vẻ, thong thả, nhẹ nhõm... và để mặc kệ đám tiểu yêu kia quần thảo mang ông ra làm trò đùa.

Chiều ấy, trước khi đi dạo, trại tập trung bản thảo giao cho tôi mang nộp cho “trưởng bưởng” Tùng Điển. Cửa phòng ông mở hé, bước vào thì không thấy người đâu, chỉ thấy phòng tắm sáng đèn và có tiếng nước xối. Ba đứa tiểu yêu nhìn quanh, mắt đập vào chiếc quần lửng màu nâu đất ông vắt trên ghế. Nhà văn Tùng Điển có thói quen ăn mặc giản dị, miễn thoáng mát, dễ chịu! Ba tiểu yêu nháy nhau, và chỉ trong phút mốt, chiếc quần lửng bị bọn chúng “thó” mất! Cuộc đi dạo chiều ấy muộn vì “trưởng bưởng” phải đi... tìm quần nhưng bất lực! Đến bữa cơm, ông thủng thẳng: “Nay ta đi tắm, quên không chốt cửa phòng, thế là mất chiếc quần mồi”!

“Quần mồi của trưởng bưởng màu gì ạ?”.

“Màu nâu. Mồi nhất đám quần của ta đấy!”.

“À vậy là quần của trưởng bưởng màu... thâm!”.

“Thế trưởng bưởng có nghi ngờ cho đối tượng nào không?”.

“Thì chắc chỉ có mấy đứa yêu quái, con... là 1 ..con ... là 2...”.

Ông liệt kê 6 cây bút nữ tham gia trại viết, mắt hấp háy cười.

Chờ ông dứt lời, từ một góc nhà ăn, giọng nữ véo von cất lên:

“Trưởng bưởng mất cái Q (cu) - (Quần) thâm

Khiến lòng ấm ức, âm thầm ngẩn ngơ

Một Q (cu) mất hoá mười ngờ

Cái Q (cu) thâm mất lại đổ thừa sáu cô

Tệ thay... cái trại Đồng Mô”.

Vừa nghe tới đó, nhà văn Tùng Điển cười ha hả: “Thủ phạm đây rồi. Mi không mang trả quần thâm cho ta, ta báo dân quân tóm mi lại...”.

Tiếng cười rộn lên. Trại viết ấy đã giúp nhiều cây bút tham gia thành đạt như Vi Thị Thu Đạm, Nguyễn Lan Huyền (Lạng Sơn); Đặng Thị Thuý (Quảng Ninh); Phạm Thị Duyên (Ninh Bình); Lưu Thị Bạch Liễu (Thái Nguyên); Đỗ Công Tiềm, Phạm Thuận Thành (Bắc Ninh); Trương Thị Thương Huyền, Đinh Thu Mai (Hải Dương)...

Nhớ ông, biết bao kỷ niệm với những văn nghệ sĩ nhiều thế hệ lại ùa về. Nay ông đi rồi, kính chúc ông nhẹ bước miền mây trắng và mãi thảnh thơi, mắt lấp lánh ánh cười như ông vẫn thế, nhà văn Tùng Điển nhé! 
 
 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Biển chiều lặng lẽ" của tác giả Trần Quốc Cưỡng(27/07/2022)
Tri ân(26/07/2022)
Truyện ngắn "Kỷ niệm Lai Vu" của tác giả Nguyễn Thế Trường(26/07/2022)
Âm nhạc: Tri ân các anh hùng liệt sỹ(26/07/2022)
Đồng đội cũ (25/07/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na