Được tin gia đình đón hài cốt Hợi về quê, tôi vội nhảy tàu từ Tây Bắc xuống Hà Nội. Đến ga Hàng Cỏ, tôi lại lên tiếp tàu về Hải Dương cốt kịp đón em. Tàu đầu tuần nên khách thưa thoáng. Tôi chọn một chỗ ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra hướng Nam, nơi con tàu sẽ đưa tôi về tỉnh Đông. Những kỷ niệm về Hợi cứ dần dần hiện lên từ lúc còn trẻ con cho đến ngày lớn khôn ra trận. Làng quê tôi ven một con sông đỏ lựng phù sa. Mùa nước triều cường thì cua cáy bò lên tận chân đê, vung cái dậm ra là đã thu về hàng vốc. Đến mùa khô nước rút ra tận giữa dòng hai bên lại phơi ra những chú thoi loi nhảy tanh tách. Người ta dùng cái cần câu có đánh khuyết bằng lông đuôi ngựa, lừa những chú cá này chui vào tròng rồi giật lên những con bụng khệ nệ trứng. Tôi có một ông anh nuôi rất tài bắt thoi loi. Cứ về mùa đó, sáng ông vác cần, đeo giỏ vào bên hông, men theo sông từ đò Đồn đến đò Mép, rồi qua phía bên kia, chiều về đã đầy giỏ cá. Thoi loi rửa sạch, kho mặn, giã gừng vào, ăn thật ngon. Còn cô bạn tôi không có tài bắt cá kiểu đó, nhưng em lại có tài câu cáy. Nhiều lần tôi cũng đi câu như em, nhưng vì mải chơi khăng, đến trưa giỏ vẫn còn trống huơ trống huếch, em nhìn tôi ái ngại rồi dốc nửa số cáy câu được cho tôi. Tôi xấu hổ nhưng nếu không thế thì biết nói sao với người ở nhà. Chúng tôi lớn lên bên dòng sông ấy, cùng đi học, sinh hoạt Đội, Đoàn và thực sự có cảm tình với nhau. Mỗi đứa đều có một ước mơ khi học xong thì làm gì. Nhưng rồi chiến tranh phá hoại lan rộng ra miền Bắc. Tôi không học cấp ba nữa mà nộp đơn xin đi bộ đội. Còn em, có anh trai tái ngũ nên cũng bỏ học vào đội kỹ thuật bèo dâu. Tôi được phiên chế vào một đơn vị pháo 37, bảo vệ tầm thấp của một cây cầu phía Đông thành phố. Trong những ngày xây dựng trận địa, luyện tập căng thẳng, tôi vẫn nhận được những lá thư Hợi gửi. Em kể về tình hình làm ăn ở quê, sức khoẻ mẹ tôi và liệt kê thêm những ai đi bộ đội, TNXP sau ngày tôi nhập ngũ. Nhưng rồi chiến tranh ngày càng ác liệt. Sau trận thua đầu tiên, bọn giặc lái càng có nhiều thủ đoạn xảo quyệt hơn, đánh lén hòng chặt đứt mạch máu giao thông và gây thương vong nhiều cho ta. Song, chúng vẫn thất bại. Số máy bay của Mỹ bị bắn trên bầu trời tỉnh ngày càng nhiều, không chỉ bằng pháo mà cả bằng súng bộ binh. Trong chiến công, đơn vị pháo của tôi cũng góp phần hạ một máy bay.
Càng thất bại địch càng hung hăng bắn phá. Trong chiến dịch “Sấm rền”, lúc gần nhá nhem tối, trận địa đơn vị tôi bị trúng tên lửa. Giữa lúc khói đạn còn mù mịt thì Hợi từ đâu lao tới. Đầu đội mũ rơm, vai khoác áo nguỵ trang, em ôm chầm lấy tôi.
- Xã có lệnh điều động một trung đội dân quân đi phục vụ chiến đấu. Ở vòng ngoài thấy bảo trận địa anh trúng tên lửa, em lo quá - Hợi nói - Em bỏ mũ rơm ra gục đầu vào ngực tôi.
- Cũng có thương vong nhưng số anh còn cao lắm – Tôi cũng nắm chặt tay em - Hợi này, em về nói với bố mẹ là anh không làm sao cả và sắp tới… (Tôi suýt buột miệng nói là sẽ di chuyển đơn vị vào khu 4).
- Sắp tới sao anh ? Hợi hỏi.
- À sắp tới có thể chiến dịch còn quyết liệt hơn. Tối mai, nếu yên tĩnh, em có thể qua đây lần nữa không?
- Em còn phải báo cáo thủ trưởng đã.
Đến đó thì lệnh báo động lại đến. Em lại chụp cái mũ rơm lên đầu, lao đi.
Mấy ngày sau, Hợi mới lại lên. Em nói là phải đi giải quyết hậu quả ở mấy làng quanh trận địa bị giặc đánh phá huỷ diệt. Em kể về những cái chết thương tâm của các bà già, trẻ em, rồi em khóc. Em bảo, sau đây, em cũng xin gia nhập TNXP…
Đang lúc tranh tối tranh sáng, tôi ghì em vào lòng và hôn lên má em. Em không phản ứng gì và cứ để yên hồi lâu. Từ đó, tôi và Hợi không có thông tin gì cho nhau vì chiến tranh ngày càng ác liệt hơn…
*
Mải theo những dòng hồi tưởng, tôi quay lại hỏi cô gái ngồi bên:
- Tàu đến ga nào rồi cô?
- Ga Lai Khê.
- Thế thì tôi đi quá mất rồi! Tôi kêu lên.
- Bác về đâu? Cô gái hỏi.
- Tứ Kỳ.
- Thế thì phải xuống ga Hải Dương chứ?
- Thôi được, tôi bắt xe ôm quay lại vậy.
Một chàng trai vui vẻ mời tôi lên xe. Ngồi trên xe, nhìn về hướng Lai Vu, tôi lại thấy lỡ mà hoá may. Nếu không thì chắc gì tôi đã có dịp trở lại nơi mà ngày xưa tôi đã cùng đồng đội chiến đấu. Không còn dấu vết gì của thời chiến tranh, bom đạn mà chỉ thấy san sát những công trường, xí nghiệp. Anh lái xe ôm bảo đó là trung tâm tàu thuỷ lớn nhất nước…
Chiếc xe ôm đưa tôi về tận làng. Người đầu tiên nhận ra tôi là Mùi, em Hợi:
- Em tin cho anh mà vẫn nghĩ chưa chắc anh đã về kịp - Mùi nói.
- Anh phải về kịp chứ? Tôi nhận chén trà ấm từ tay em - Nhưng làm thế nào mà em biết được nơi chị Hợi yên nghỉ? Tôi hỏi.
Mùi không trả lời ngay mà đưa tôi một vật gì đó cứng gói trong túi ni-lon:
- Tặng vật này là của anh, đúng không? - Rồi em kể - Em biết tin chị em được chôn cất ở một địa điểm miền Trung. Tình cờ thế nào, ngày gia đình em vào chuyển hài cốt cho chị thì có mấy thân nhân của đồng đội chị cũng đến. Người quản trang rất phân vân vì mấy ngôi mộ gần nhau đều có tên là Hợi, địa chỉ không rõ ràng lắm. Nhưng khi đào lên thì thấy trong bọc ni-lon vẫn còn cái túi anh đang cầm đấy. Mở ra, em như thấy gặp được chị Hợi rồi! - Mùi nén xúc động, tiếp - Trên chiếc lược làm bằng nhôm có hai chữ “Lai Vu” và tên anh đề tặng chị Hợi. Thế là chính xác rồi! Em và ông chú cùng đi mừng rơi nước mắt. Mấy thân nhân bạn chị cũng chia sẻ. Bởi Lai Vu có cô gái “rắn quấn bên chân vẫn bắn thù” thì cả nước biết đến…
Nghe em nói, tôi nhớ lại. Đó là ngày đơn vị tôi góp phần bắn rơi chiếc máy bay Mỹ. Chính trị viên đại đội đến tận nơi máy bay rơi. Chiến lợi phẩm anh mang về là một mảnh xác máy bay Mỹ. Thế là chiến sĩ ta lấy mỗi người một miếng, tí toáy ngày đêm mài dũa làm thành lược tặng người yêu hay người thân… Tôi đâu ngờ sau bao nhiêu năm còn được nhìn lại tặng vật nhỏ nhoi này. Nó không còn là chiếc lược làm bằng xác máy bay mà là kết tinh mối tình đầu đời chung thuỷ của tôi với em. Tôi ấp kỷ vật ấy lên ngực mình mà như gặp lại em bên trận địa năm nào.